[go: up one dir, main page]

Academia.eduAcademia.edu
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI Phân khoa THẦN HỌC NĂM HỌC 2021-2022 DỤ NGÔN TRONG TÂN ƯỚC Bài thu hoạch môn Kitô Học Cha giáo: F.X. Nguyễn HAI TÍNH Chủng sinh: Giuse Nguyễn Văn Tiềm Giáo phận: Hà Nội Lớp: Thần II Khóa: XXII Hà Nội, tháng 05 năm 2022 ĐỀ BÀI Dụ ngôn trong Tân Ước là gì? Kể ra một số dạng thức của dụ ngôn trong Tân ước. Trình bày ngắn gọn, rõ ràng bốn cách giải thích dụ ngôn theo giáo trình (lấy ý, không chép chữ). Lấy một dụ ngôn làm ví dụ và áp dụng bốn cách trên vào việc giải thích dụ ngôn đó. Tại sao Chúa Giêsu “không nói gì mà không dùng dụ ngôn”? Tại sao người ta nghe Ngài kể dụ ngôn mà không hiểu? Áp dụng kiến thức đã học về dụ ngôn, trình bày một áp dụng mục vụ cho bối cảnh Việt Nam. BÀI LÀM Định nghĩa và các dạng thức của dụ ngôn Dụ ngôn trong Tân Ước không chỉ là một thể văn của Hy Lạp hay Lã Mã như được dịch từ chữ παραβολή (parabolê) nghĩa là “thả dọc theo”, chỉ việc đặt một cái gì cạnh một cái khác để so sánh, mà sâu xa hơn nó có nguồn gốc và hình thức như các mashal trong Cựu Ước, nghĩa là “tương tự như”, chỉ về rất nhiều dạng thức văn chương và vượt ra ngoài παραβολή. Như thế, dụ ngôn là một thể văn đa dạng và tùy vào những tiêu chí cấu thành, mà mỗi trường phái có thể có những định nghĩa khác nhau về nó. Ví dụ, C.H. Dodd nhắm đến chất liệu của dụ ngôn: Dụ ngôn là một ẩn dụ hay một ví von được rút ra từ thiên nhiên hay đời sống chung, thu hút người nghe bằng sự sinh động và kỳ lạ của nó. Còn B.B. Scott thì chú ý đến mục đích của dụ ngôn: Dụ ngôn là dùng một chuyện hư cấu ngắn để qui chiếu đến một biểu tượng siêu việt. Theo con, điều quan trọng hơn cả của các dụ ngôn là ở chính tác giả của chúng: Chúa Giêsu. Như Kinh Thánh viết: “Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13,34). Như thế, có thể định nghĩa dụ ngôn Tân Ước đơn giản là những câu chuyện do Chúa Giêsu kể trong sứ vụ giảng dạy của mình. Như đã nói ở trên, dụ ngôn tuy có nhiều dạng thức, nhưng đặc điểm chung của chúng đều là lời của Chúa Giêsu và có tính biểu trưng, diễn tả các thực tại đời sống của đức tin. Ở đây, ta liệt kê bảy dạng thức của dụ ngôn theo như tác giả Robert Stein đã phân chia gồm: Châm ngôn (Maxims, Proverbs); So sánh và Ẩn dụ (Similes, Metaphors); Ẩn ngữ (Riddles); Sánh ngữ (Similitudes); Chuyện dụ ngôn (Story parables); Chuyện gương mẫu (Example parables); và Phúng dụ (Allegories). Các cách giải thích dụ ngôn và ví dụ minh họa Các dụ ngôn có sự đa dạng về dạng thức và từ ngữ, nên nội dung và ý nghĩa của chúng cũng rất phong phú. Tùy vào sự nhấn mạnh về ba yếu tố là: bối cảnh lịch sử, bản văn-soạn thảo, và thính giả, mà ta có những phương pháp khác nhau để giải thích dụ ngôn. Tác giả Klyne R. Snodgrass liệt kê bốn lý thuyết giải thích dụ ngôn. Sớm nhất là cách hiểu dụ ngôn theo lối phúng dụ. Lối giải thích có phần chủ quan này tập trung vào thính giả, rằng mọi chi tiết trong dụ ngôn đều có ý nghĩa, đều tương ứng với một thực tại đức tin nào đó mà thính giả có thể hiểu biết và kinh nghiệm trong cuộc sống của họ. Cách thứ hai là hiểu dụ ngôn chỉ truyền tại một sứ điệp. Lối giải thích này tập trung vào yếu tố bối cảnh lịch sử và bản văn soạn thảo để tìm ra một ý nghĩa đơn giản nhất trong hình thức và nội dung gốc của dụ ngôn. Thông thường, cách giải thích này đem lại ý nghĩa thuộc về lĩnh vực đạo đức và nhân bản. Cách thứ ba là hiểu dụ ngôn nói về thực tại cánh chung. Lối giải thích này chỉ chú trọng đến yếu tố bối cảnh lịch sử để tìm ra dạng thức nguyên gốc của dụ ngôn. Theo đó, khi kể các dụ ngôn, Chúa Giêsu chỉ có ý nói về cánh chung và về Nước Trời đã gần đến. Cách thứ bốn là hiểu dụ ngôn như một biến cố. Lý thuyết này tập trung nhiều vào yếu tố bản văn, tức là dựa trên phương pháp phê bình soạn thảo. Theo lối giải thích này, người ta truy tìm xem dụ ngôn phản ánh đời sống của thánh sử như thế nào và vị trí của chúng trong toàn bộ sách Phúc Âm. Chúng ta thử áp dụng bốn lý thuyết trên để giải thích dụ ngôn Quan toà bất chính và Bà goá quấy rầy ở Lc 18,1-8. Theo cách hiểu dụ ngôn như một phúng dụ X. Ironside, H. A., Addresses on the Gospel of Luke, Neptune, NJ: Loizeaux Brothers, 1947, tr.544-548.: Bà góa này tương ứng với dân Ítrael. Bà được làm “vợ” của Đức Chúa, nhưng vì sự “ngoại tình tôn giáo” của mình mà bà đã bị chia cắt khỏi Người Chồng Trung Tín và trở thành góa phụ. Vị quan tòa không đại diện cho Thiên Chúa, nhưng trái lại, Thiên Chúa được đặt trong sự tương phản với một quan toà bất chính như vậy. Lối phúng dụ đã làm một phép “trội” trong toán học: nếu như vị quan tòa bất chính còn biết xử cho dân cũ (Ítrael) như thế, thì chắc chắn Thiên Chúa là vị quan tòa công chính sẽ xử cho dân mới (Giáo Hội) còn hơn thế nữa. Hiểu dụ ngôn này truyền tải một sứ điệp đơn giản, đúng như đoạn mở đầu dụ ngôn có nói, Chúa Giêsu kể dụ ngôn này là để dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn và không được nản chí. Hiểu dụ ngôn ngày theo chiều kích cánh chung, chúng ta tập trung vào chi tiết Chúa Giêsu lo lắng: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Như thế, việc cầu nguyện được nêu ra ở đây được xem như một phương thế hữu hiệu giúp Giáo Hội củng cố, nuôi dưỡng và giữ vững đức tin của mình, cho đến ngày sau hết. Cuối cùng là hiểu dụ ngôn như một biến cố, có thể Luca viết dụ ngôn này để hướng dẫn độc giả kitô hữu của mình thực hành cầu nguyện với một não trạng khác với người Do Thái đương thời. Quả vậy, nếu như người Do thường cầu nguyện ở những nơi đông người, họ thích lải nhải nhiều lời và ưa hình thức lễ lạt, dâng cúng bên ngoài, thì người kitô hữu bị đòi buộc về thái độ nội tại bên trong, tức là sự kiên trì khi cầu nguyện. Chỉ có cầu nguyện như vậy mới làm đẹp lòng Thiên Chúa và đáng được Người nhậm lời. Tại sao Chúa Giêsu “không nói gì mà không dùng dụ ngôn”? Tại sao họ không hiểu? Về mặt kỹ thuật, chi tiết “Chúa Giêsu không nói gì mà không dùng dụ ngôn” nằm ở câu Kinh Thánh Mt 13,34. Và mục đích của việc đó được giải thích ngay ở câu tiếp theo: “Hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa” (Mt 13,35). Lời sấm này được Mátthêu trích lại từ Tv 78,2, mà tác giả của Thánh Vịnh này là ngôn sứ Axáp xuất hiện trong 2Sb 29,30. Như thế, lý do được trình bày ở trên khá thuyết phục vì nó có cơ sở rõ ràng trong Cựu Ước. Tuy nhiên, dù chính Chúa Giêsu hay do Mátthêu viết về Ngài như thế, thì lý do “để ứng nghiệm lời sấm” có vẻ chưa giải quyết rốt ráo vấn đề và nó lại đặt ra câu một hỏi tại sao khác: Tại sao Ngài phải cứng nhắc và cố chấp như thế? Câu hỏi thứ hai có thể giúp ta soi sáng đáp án khác cho câu hỏi thứ nhất: Tại sao họ nghe dụ ngôn mà không hiểu? Chúa Giêsu cố tình kể dụ ngôn để họ không hiểu sao? Ở Mt 13,13 có ghi: “Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu”. Như thế việc họ không hiểu là nguyên nhân để Chúa Giêsu kể dụ ngôn. Còn ở Mc 4,11-12 lại ghi rằng: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ”. Như thế, việc họ không hiểu lại là hậu quả của việc Chúa Giêsu kể dụ ngôn. Mặt khác, nhiều chỗ trong Kinh Thánh cho thấy, người ta vẫn hiểu những dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể, ví dụ như khi nghe dụ ngôn Những tá điền sát nhân (Mt 20,33-46), “các thượng tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ”. Vậy, dường như chi tiết người nghe không hiểu dụ ngôn mang nhiều ý nghĩa hơn là về mặt tri thức. Chúng ta đưa ra ba cách giải thích cho những vấn nạn trên. Cách thứ nhất là về đặc tính thể văn. Dụ ngôn Chúa Giêsu kể là những câu chuyện hấp dẫn và có những ẩn ý rất sâu sắc. Điều đó vừa có tác dụng thu hút và gây ấn tượng mạnh đến thính giả, vừa khiến họ phải bối rối, thắc mắc và kích thích họ truy tìm những ẩn ý trong đó. Chính vì thế, chúng ta thường bắt gặp rất nhiều yếu tố nghịch lý và gây sốc trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu. Cách thứ hai là nhằm tố cáo sự cứng lòng của người Do Thái. Những chi tiết “nhìn mà không thấy”, “nghe mà không hiểu” được trích dẫn từ Is 6,9-10 để nói về một thứ dân đần độn. Sự chai đá, cứng lòng của họ khiến chính họ tự nhắm mắt bịt tai như Mt 13,15 mô tả. Như thế, không hẳn là họ không hiểu nhưng là họ không muốn hiểu, không muốn hoán cải trước những cảnh báo của dụ ngôn. Cách giải thích thứ ba là nhắm đến sự phân biệt có ưu tiên giữa những người được Đức Giêsu gọi là “anh em” và những người là “kẻ ở ngoài”. Quả vậy, các môn đệ thì được ơn để hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, được Chúa Giêsu trực tiếp cắt nghĩa dụ ngôn, còn những người khác thì tất cả đều bị ẩn giấu. Áp dụng mục vụ trong bối cảnh Việt Nam Trong mục vụ giảng Lời Chúa, việc cắt nghĩa dụ ngôn là điều thiết yếu và không thể bỏ qua. Người giảng giải cần lưu ý ba điểm này. Thứ nhất, phải tâm niệm rằng việc thừa tác viên công bố Tin Mừng trong Thánh lễ là thời điểm hữu hiệu nhất mà lời Chúa được hiện tại hóa cách sống động và thiết thực. Lúc này và tại đây, chính Chúa Giêsu, qua thừa tác viên, đang kể cho cộng đoàn dân Chúa hiện diện nghe dụ ngôn của Ngài. Điều đó cũng đúng khi thừa tác viên tiếp dục diễn giải dụ ngôn. Vì thế, dù là việc công bố, lắng nghe hay diễn giải dụ ngôn, tất cả đều phải được diễn ra trong thái độ của đức tin và bầu khí cầu nguyện. Thứ hai, người giảng giải phải liệu sao để cộng đoàn có thể được tiếp cận cách đa chiều về các ý nghĩa của dụ ngôn. Lý tưởng là cả bốn nghĩa của dụ ngôn đều được đề cập, tuy nhiên nếu thời gian không cho phép, ta có thể nhấn mạnh một ý nghĩa nào đó và thay đổi điểm nhấn trong những lần khác. Thứ ba là phải khơi lên trong lòng người nghe một tâm tình đức tin. Việc giải thích dụ ngôn tuy là dùng những phương pháp về kiến thức và phải vận dụng trí óc để hiểu biết, nhưng sau cùng, Lời Chúa phải đi vào trái tim của người nghe chứ không dừng lại ở khối óc. Điều này đặc biệt đúng với người giáo dân Việt Nam, những người mang trong mình một cảm thức đức tin mạnh mẽ hơn nhiều so với việc hiểu biết các định đề thần học. Để được như vậy, dù giải thích dụ ngôn theo cách nào, sau cùng hãy hướng dụ ngôn về cử tọa và khơi gợi trong lòng họ một tâm tình đức tin. Hãy để họ phải tự vấn lòng mình và tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Chúa Giêsu đang nói gì với tôi? Chính khi đó, ta giúp cho thính giả trở thành nhà giải thích dụ ngôn của riêng họ vậy. 1 4