[go: up one dir, main page]

Bước tới nội dung

Vườn quốc gia Tam Đảo

Vườn quốc gia Tam Đảo
Một phần của Vườn quốc gia Tam Đảo
Bản đồ hiển thị vị trí của Vườn quốc gia Tam Đảo
Bản đồ hiển thị vị trí của Vườn quốc gia Tam Đảo
Vị trí tại Việt Nam
Vị tríMiền Bắc Việt Nam
Thành phố gần nhấtVĩnh Yên
Tọa độ21°28′44,4″B 105°37′44,25″Đ / 21,46667°B 105,61667°Đ / 21.46667; 105.61667
Diện tích34.995 ha (368,83 km²)[1]
Thành lập1996
Trang webhttp://tamdaonp.com.vn/

Vườn quốc gia Tam Đảo là một vườn quốc gia của Việt Nam, nằm trọn trên dãy núi Tam Đảo, một dãy núi lớn dài trên 80 km, rộng 10–15 km chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Vườn trải rộng trên ba tỉnh Vĩnh Phúc (huyện Tam Đảo), Thái Nguyên (huyện Đại Từ) và Tuyên Quang (huyện Sơn Dương), cách Hà Nội khoảng 75 km về phía Bắc.

Tọa độ địa lý của Vườn quốc gia Tam Đảo: 21°21'-21°42' vĩ Bắc và 105°23'-105°44' kinh Đông.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 24/1/1977, thủ tướng chính phủ ra quyết định số 41/TTg công nhận việc thành lập Khu rừng cấm Tam Đảo thuộc địa giới 3 tỉnh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang Với tổng diện tích 19.000 ha.[2][3]

Ngày 6 tháng 3 năm 1986, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 136/TTg về việc phê duyệt "Dự án khả thi đầu tư xây dựng Vườn quốc gia Tam Đảo".[4]

Ngày 15 tháng 5 năm 1996 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quyết định số 601 NN-TCCB/QĐ về việc thành lập Vườn quốc gia Tam Đảo trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.[2]

Đặc điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Địa hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Vườn quốc gia Tam Đảo là vùng núi cao nằm trọn trong dãy núi Tam Đảo. Đây là dãy núi có trên 20 đỉnh cao từ 1.000m trở lên so với mặt nước biển, cao nhất là đỉnh Tam Đảo Nord 1.597m. Địa hình ở đây có đặc điểm là đỉnh nhọn, sườn rất dốc, độ chia cắt sâu, dày bởi nhiều dông phụ gần như vuông góc với dông chính[5].

Thổ nhưỡng

[sửa | sửa mã nguồn]

Điều tra, nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy Vườn quốc gia Tam Đảo có bốn loại đất chính gồm đất feralit mùn vàng phát triển trên đá macma axít, xuất hiện ở độ cao từ 700 m trở lên, có diện tích 8.968 ha; đất feralit mùn vàng đỏ phân bố trên núi thấp từ độ cao 400–700 m, phát triển trên đá macma kết tinh có diện tích 9.292 ha; đất feralit đỏ vàng phát triển trên nhiều loại đá khác nhau ở độ cao 100–400 m, có diện tích 1.7606 ha; và cuối cùng là loại đất đất dốc tụ và phù sa ở độ cao từ 100 m trở xuống có diện tích 1.017 ha[5].

Khí hậu

[sửa | sửa mã nguồn]

Dãy núi Tam Đảo tạo ra 2 sườn Đông và Tây rõ rệt, lượng mưa hàng năm khác nhau đã góp phần tạo nên các tiểu vùng khí hậu khác biệt. Đây cũng là yếu tố tạo ra 2 đai khí hậu nóng ẩm, nhiệt đới mưa mùa từ độ cao 700–800 m trở xuống và đai khí hậu á nhiệt đới mưa mùa, cũng như một số khu vực có nhiệt độ, lượng mưa rất khác nhau của Tam Đảo[5]. Tất cả tạo nên một Vườn quốc gia Tam Đảo được che phủ bởi một lớp thảm thực vật dày đặc, nhiều tầng và đa dạng về loài, đa dạng về quần xã sinh học và hệ sinh thái.

Dữ liệu khí hậu của Tam Đảo
Tháng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Năm
Cao kỉ lục °C (°F) 26.2
(79.2)
28.8
(83.8)
30.7
(87.3)
32.1
(89.8)
33.4
(92.1)
33.1
(91.6)
31.8
(89.2)
32.4
(90.3)
30.8
(87.4)
29.5
(85.1)
27.3
(81.1)
24.7
(76.5)
33.4
(92.1)
Trung bình ngày tối đa °C (°F) 14.0
(57.2)
14.8
(58.6)
17.9
(64.2)
21.7
(71.1)
25.1
(77.2)
26.2
(79.2)
26.3
(79.3)
25.9
(78.6)
24.9
(76.8)
22.4
(72.3)
19.3
(66.7)
16.2
(61.2)
21.2
(70.2)
Trung bình ngày °C (°F) 11.2
(52.2)
12.2
(54.0)
15.3
(59.5)
18.8
(65.8)
21.7
(71.1)
23.0
(73.4)
23.2
(73.8)
22.8
(73.0)
21.6
(70.9)
19.1
(66.4)
15.9
(60.6)
12.7
(54.9)
18.1
(64.6)
Tối thiểu trung bình ngày °C (°F) 9.5
(49.1)
10.4
(50.7)
13.5
(56.3)
16.8
(62.2)
19.4
(66.9)
20.9
(69.6)
21.1
(70.0)
20.8
(69.4)
19.7
(67.5)
17.1
(62.8)
13.8
(56.8)
10.7
(51.3)
16.1
(61.0)
Thấp kỉ lục °C (°F) 0.4
(32.7)
0.0
(32.0)
0.5
(32.9)
5.3
(41.5)
9.5
(49.1)
14.3
(57.7)
16.2
(61.2)
17.3
(63.1)
10.6
(51.1)
9.1
(48.4)
4.5
(40.1)
1.1
(34.0)
0.0
(32.0)
Lượng Giáng thủy trung bình mm (inches) 37
(1.5)
47
(1.9)
83
(3.3)
142
(5.6)
234
(9.2)
375
(14.8)
433
(17.0)
456
(18.0)
328
(12.9)
226
(8.9)
96
(3.8)
36
(1.4)
2.491
(98.1)
Số ngày giáng thủy trung bình 16.8 18.0 21.0 19.7 17.8 18.4 20.0 20.3 16.3 13.6 10.6 10.6 203.1
Độ ẩm tương đối trung bình (%) 89.2 91.5 91.3 91.2 88.3 88.1 88.8 89.0 85.8 83.2 81.6 82.8 87.6
Số giờ nắng trung bình tháng 61 46 59 79 133 120 137 126 136 130 112 109 1.250
Nguồn: Vietnam Institute for Building Science and Technology[6]

Diện tích, kiểu rừng

[sửa | sửa mã nguồn]

Vườn quốc gia Tam Đảo rộng 34.995 ha, trong đó có 26.163 ha rừng, chủ yếu là dạng rừng tự nhiên mưa ẩm thường xanh với độ che phủ chiếm 70% diện tích toàn vườn[1]. Ngoài ra, trong Vườn quốc gia Tam Đảo cũng tồn tại một số kiểu rừng khác như rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, rừng lùn trên đỉnh núi, rừng tre nứa, rừng phục hồi sau khai thác, rừng trồng, trảng cây bụi, trảng cỏ[5].

Hệ động thực vật

[sửa | sửa mã nguồn]

Thực vật

[sửa | sửa mã nguồn]

Vườn quốc gia Tam Đảo có 1.282 loài thực vật thuộc 660 chi thuộc 179 họ thực vật bậc cao có mạch, trong đó có các loài điển hình cho vùng cận nhiệt đới. Có 42 loài đặc hữu và 64 loài quý hiếm cần được bảo tồn và bảo vệ như hoàng thảo Tam Đảo (Dendrobium daoensis), trà hoa dài (Camellia longicaudata), trà hoa vàng Tam Đảo (Camellia petelotii), hoa tiên (Asarum petelotii), chùy hoa leo (Molas tamdaoensis), trọng lâu kim tiền (Paris delavayi)[5].

Động vật

[sửa | sửa mã nguồn]

Vườn quốc gia này cũng có 163 loài động vật thuộc 158 họ của 39 bộ, trong 5 lớp là: thú (Mammalia); chim (Aves); bò sát (Reptilia); ếch nhái (Amphibia) và côn trùng (Insecta)[1]. Vườn có tới 239 loài chim với nhiều loài có màu lông đẹp như vàng anh, sơn tiêu trắng, sơn tiêu hồng, sơn tiêu đỏ, có những loài quý hiếm như gà tiền, gà lôi trắng; có 64 loài thú với những loài có giá trị như sóc bay, báo gấm, hổ, gấu ngựa, cầy mực, vượn, voọc đen, v.v. Có 39 loài động vật đặc hữu, trong đó có 11 loài loài đặc hữu hẹp chỉ có ở Vườn quốc gia Tam Đảo như rắn sãi angen (Amphiesma angeli); rắn ráo thái dương (Boiga multitempolaris); cá cóc Tam Đảo (Paramerotriton deloustali) và 8 loài côn trùng[5].

Giá trị nghiên cứu, du lịch

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong Vườn quốc gia Tam Đảo có nhiều địa danh thích hợp cho nghỉ mát, du lịch như Thác Bạc, Đền Mẫu Bà Chúa Thượng Ngàn, cầu Đái Tuyết, Am Gió Thang Mây, cột phát sóng truyền hình ở độ cao 1.200 m.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c “Vườn quốc gia Tam Đảo”. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2008.
  2. ^ a b Giới thiệu - Vườn Quốc gia Tam Đảo
  3. ^ Quyết định 41-TTg quy định khu rừng cấm - Thư viện pháp luật Hà Nội, ngày 24 tháng 1 năm 1977
  4. ^ Quyết định 136- TTg phê duyệt dự án khả thi đầu tư xây dựng vườn quốc gia Tam Đảo
  5. ^ a b c d e f “Đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Tam Đảo”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 12 năm 2005. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2008.
  6. ^ “Vietnam Building Code Natural Physical & Climatic Data for Construction” (PDF). Vietnam Institute for Building Science and Technology. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 22 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2018.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]