[go: up one dir, main page]

Bước tới nội dung

Thạch anh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thạch anh
Cụm tinh thể thạch anh từ Brazil
Thông tin chung
Thể loạiKhoáng vật silicat[1]
Công thức hóa họcSiO2
Phân loại Strunz4.DA.05 (lớp khoáng vật oxit)
Phân loại Dana75.01.03.01 (Silicat khung)
Hệ tinh thểα-quartz: tam phương
β-quartz: lục giác
Lớp tinh thểα-quartz: hình thang mặt (class 3 2)
β-quartz: hình thang mặt (class 6 2 2)[2]
Nhóm không gianα-quartz: P3221 (no. 154)[3]
β-quartz: P6222 (no. 180) or P6422 (no. 181)[4]
Ô đơn vịa = 4.9133 Å, c = 5.4053 Å; Z = 3
Nhận dạng
Phân tử gam60,08 g·mol−1
MàuKhông màu, hồng, cam, trắng, xanh lá cây, vàng, xanh lam, tím, nâu sẫm hoặc đen
Dạng thường tinh thểKhối lăng trụ 6 mặt kết thúc bằng hình chóp 6 mặt (điển hình), màu xám, hạt mịn đến vi tinh thể, rắn
Song tinhLuật chung Dauphine[5], luật Brazil và luật Nhật Bản
Cát khai{0110} Không rõ ràng
Vết vỡDạng vỏ sò
Độ bềnDễ vỡ
Độ cứng Mohs7 – thấp hơn ở các loại không tinh khiết (xác định khoáng chất)
ÁnhTính chất trong như pha lê – từ sáp đến xỉn màu khi đông đặc
Màu vết vạchTrắng
Tính trong mờTrong suốt đến gần như mờ đục
Tỷ trọng riêng2,65; biến đổi 2,59–2,63 trong các giống không thuần chủng
Thuộc tính quangTinh thể đơn trục (+)
Chiết suấtnω = 1.543–1.545
nε = 1.552–1.554
Khúc xạ kép+0.009 (B-G interval)
Đa sắcKhông
Nhiệt độ nóng chảy1670 °C (β tridymit); 1713 °C (β cristobalit)[2]
Độ hòa tanKhông hòa tan theo STP; 1 ppmmass ở 400 °C và 500  lb/in2 đén 2600 ppmmass ở 500 °C và 1500 lb/in2[2]
Các đặc điểm khácMạng lưới: hình lục giác, áp điện, có thể phát quang ma sát, quang học (do đó có hoạt tính quang học nếu không phải là racemic)
Tham chiếu[6][7][8][9]

Thạch anh (silic dioxide, SiO2) hay còn gọi là thủy ngọc[10] là một trong số những khoáng vật phổ biến trên Trái Đất. Thạch anh được cấu tạo bởi một mạng liên tục các tứ diện silic - oxy (SiO4), trong đó mỗi oxy chia sẻ giữa hai tứ diện nên nó có công thức chung là SiO2.

Thạch anh được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau: điện tử, quang học,... và trong ngọc học. Các tinh thể thạch anh trong suốt có màu sắc đa dạng: tím, hồng, đen, vàng,... và được sử dụng làm đồ trang sức từ rất xa xưa. Ametit loại biến thể màu tím của thạch anh được coi là đá quý của tháng hai và là loại được ưa chuộng nhất của họ thạch anh.

Từ nguyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Thạch anh là tên gọi theo phiên âm Hán - Việt có nguồn gốc là "石英". Trong tiếng Anh nó được gọi là Quartz. Theo một trong những giả thiết, từ Quartz trong tiếng Đức xuất phát từ từ Queretz gần với từ Querkluftertz trong tiếng Sachsen - Đức, nghĩa là "vân ngang", vì khi quan sát trên bề mặt của tinh thể thạch anh người ta thấy có nhiều sọc nằm trong mặt phẳng ngang vuông góc với phương dài nhất của tinh thể này.

Thành phần hoá học và cấu trúc tinh thể
[sửa | sửa mã nguồn]

Trong thành phần của thạch anh ngoài thành phần chính còn có thể chứa một số chất hơi, chất lỏng: CO2, H2O, NaCl, CaCO3,... Các khoáng vật của nhóm thạch anh có công thức rất đơn giản SiO2, là một loạt biến thể đa hình gồm 3 biến thể độc lập: thạch anh, tridimit và cristobalit và tuỳ thuộc vào nhiệt độ, chúng sẽ tồn tại ở các dạng nhất định.

Biến thể nhiệt độ cao của thạch anh kết tinh trong hệ lục phương, biến thể thạch anh vững bền ở nhiệt độ dưới 573 °C kết tinh trong hệ tam phương. Dạng tinh thể thường hay gặp là dạng lưỡng tháp lục phương với các mặt lăng trụ rất ngắn hoặc không có. Thạch anh chỉ thành những tinh thể đẹp trong các hỗng hoặc các môi trường hở, có trường hợp gặp các tinh thể nặng tới một vài tấn có khi tới 40 tấn. Dạng tinh thể của thạch anh khá đa dạng nhưng đặc trưng là thường gặp các mặt m [0111], và có vết khía ngang trên mặt, mặt khối thoi r [1011] và z [0111], lưỡng tháp phức tam phương s [1121], khối mặt thang x [5161]... Ngoài hai biến thể kết tinh thạch anh còn có loại ẩn tinh có kiến trúc tóc: canxedon và thạch anh khác nhau chỉ do quang tính.

Trong thạch anh thường gặp các bao thể thể khí lỏng tạo thành bao thể hai pha. Các bao thể rắn thường gặp nhất là các bao thể kim que của rutin tạo thành những đám bao thể dạng búi tóc hay "tóc thần vệ nữ" cùng với các bao thể tourmalin, actinolit dạng sợi, clorit màu lục, gơtit, hematit màu nâu đỏ và màu cam và một số các bao thể khác nữa.

Các tính chất vật lý và quang học

[sửa | sửa mã nguồn]

Tính đa sắc: Thay đổi tuỳ thuộc vào màu của viên đá

Tính phát quang: Loại rose quartz phát quang màu tím lam nhạt, các biến thể của thạch anh trơ dưới tia cực tím.

Màu sắc của thạch anh rất đa dạng nhưng phổ biến nhất là những loại không màu, màu trắng sữa và màu xám và theo màu sắc thạch anh mang các tên khác nhau như: Pha lê trong suốt; Amethyst: màu tím; Citr: m Màu vàng; Smoky quartz: màu ám khói, khi rất tối gọi là "Morion"; Rose quartz: màu đỏ; Aventurin quartz: màu lục; Dumortierit quartz: màu lam đậm hoặc lam tím; Milky quartz: màu trắng tới màu xám; Siderit hoặc sapphire quartz rất ít gặp, chúng thường có màu lam pha chàm.

Các hiệu ứng quang học đặc biệt:

Hiệu ứng mắt hổ (tiger’s eye): Là một hiệu ứng đặc biệt thường thấy ở các biến thể của thạch anh và đặc trưng cho các biến thể có màu từ vàng nâu nhạt tới nâu và đỏ nhạt, lam nhạt hoặc thậm chí màu đỏ và ở các loại bán trong. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự sắp xếp có định hướng của các bao thể dạng sợi bên trong viên đá. Khi viên đá được mài cabochon sự phản xạ của ánh sáng trên bề mặt sẽ cho ta hiệu ứng "mắt hổ" rất đẹp.

Hiệu ứng mắt mèo "cat’s eye": Cũng giống như hiệu ứng mắt hổ nhưng chúng thể hiện đẹp hơn và rõ nét hơn và thường gặp trong các biến thể bán trong và có màu trắng tới màu xám nâu vàng lục nhạt, đen hoặc màu lục oliu tối.

Hiệu ứng sao: Thạch anh hồng và một số biến thể màu xám hoặc màu sữa thường có hiện tượng sao 6 cánh giống như hiệu ứng sao trong rubysaphia.

Đặc điểm một số biến thể chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Các loại thạch anh có màu tím tới tím phớt hồng trong tiếng Anh được gọi là amethyst, từ amethyst xuất phát từ chữ Hy Lạp "amethystos" có nghĩa là không say bởi vì ngày xưa người ta tin rằng khi đã đeo ametit thì không giờ bị say. Amethyst đã từng một thời rất được ưa chuộng và nó có giá trị cao nhất trong các loại thạch anh khác.

Các biến thể màu vàng của thạch anh được gọi là citrin, có một thời người ta gọi nó là thạch anh topaz vì màu của nó giống với màu của topaz vàng. Màu của citrin thay đổi từ vàng tinh khiết tới vàng tôi hay vàng mật ong hoặc vàng nâu nhạt, không như ametit màu thường tập trung thành từng dải, đám, màu của citrin thường đồng đều hơn.

Rose quartz

[sửa | sửa mã nguồn]

Do sự có mặt của các bao thể nhỏ li ti thạch anh hồng thường có xu thế bán trong hơn là trong suốt.

Là loại thạch anh phổ biến và phân bố rộng rãi nhất đã được biết đến từ thời tiền sử, tên Hy Lạp "crystal" hoặc băng do họ tin rằng nó được đông cứng quá mạnh trong vỏ Trái Đất.

Tên Mài cắt Nhận biết Phân bố Giá trị Giả và tổng hợp
Ametit kiểu oval hay kiểu giọt nước hỗn hợp đôi khi cũng được cắt ở kiểu bậc và một số kiểu khác, ở những viên màu đẹp nhưng nhiều bao thể cũng có thể cắt ở dạng cabonchon Màu thường phân bố thành từng dải hoặc đám. Scapolit và cordierit màu tím rất khó phân biệt với ametit, chúng chỉ khác nhau ở các tính chất vật lý Chủ yếu ở Brasil và Uruguay, ít hơn ở Mỹ, Madagascar, Nga, Ấn Độ, Úc và một số nước khác ametit tổng hợp được sản xuất vì mục đích công nghệ nhiều hơn là vì mục đích trang sức, giá của sản phẩm tự nhiên và sản phẩm tổng hợp cũng gần như nhau Làm giả từ thủy tinh màu
Citrin ở tất cả các kiểu khác nhau ngoại trừ kiểu tròn kim cương Có tỷ trọng thấp nhất trong số các loại đá có màu tương tự và thấp hơn nhiều so với topaz. Có bao thể giống xa-phia nhưng ánh kém hơn Brazil, ít hơn ở Nga, Mỹ, Tây Ban Nha Khá thấp, thấp hơn ametit và cũng đã từng được ưa chuộng trong quá khứ Sản xuất khối lượng lớn trong công nghiệp nên giá của chúng cũng chỉ thấp hơn tự nhiên chút ít
Rose quartz Khai thác chủ yếu ở Brazil một số ít ở Mỹ và Madagascar Thấp, chủ yếu để trang trí hơn là trang sức Trước kia thường được làm giả bởi thủy tinh nhưng ngày nay rất ít
Pha lê Được cắt ở tất cả các kiểu trừ kiểu tròn kim cương với thủy tinh chì bởi tính đa sắc, thủy tinh thường chứa các bao thể khí và có độ cứng thấp hơn Chủ yếu ở Brazil và Madagascar Khá thấp thường chỉ làm mẫu sưu tập Dạng tổng tổng hợp chỉ với mục đích công nghệ và sản xuất ít hơn ametit và citrin

Thạch anh tóc

[sửa | sửa mã nguồn]

Là loại thạch anh có chứa các bao thể kim, que thường tạo bởi các khoáng thể tourmalin, hematit, actinolit, clorit...nhiều màu, ngoằn nghèo bên trong thạch anh. Thạch anh tóc cũng được cho có tác dụng chữa bệnh, phong thủy. Các mẫu đẹp được tìm thấy ở Úc, Brasil, Pakistan, Madagascar, Hoa Kỳ, Na UyIndonesia.

Thạch anh tóc đen có độ cứng từ 6 đến 7 được tính trên thang độ cứng Mohs. Màu sắc của viên đá được phân bố từ đen trắng đến đen đậm, hệ tinh thể lục phương và chúng có khả năng kết nối với luân xa số 1.

Ngoài những dạng thạch anh này ra còn có thạch anh tóc tím, thạch anh tóc trắng,… tùy vào cấu tạo của bao thể kết tinh bên trong viên đá. Tuy nhiên những dạng đá này lại không phổ biến như ba loại đá thạch anh trên.[11]

Các phương pháp xử lý và tổng hợp

[sửa | sửa mã nguồn]
Tinh thể thạch anh tổng hợp từ phương pháp tổng hợp thủy nhiệt, nặng 126,8 gram, dài 19,1 cm và rộng 2,2 cm.
Xử lý nhiệt

Dưới tác dụng của nhiệt độ cao ametit, citrin, thạch anh ám khói và thạch anh hồng đều có khuynh hướng chuyển sang không màu. Bằng phương pháp xử lý nhiệt có thể chuyển các loại thạch anh có chất lượng thấp màu tím và ám khói sang loại có màu vàng nhạt hoặc cam đỏ nhạt với chất lượng cao hơn và được thị trường ưa chuộng hơn.

Ametit khi xử lý nhiệt ở nhiệt độ 878 - 1.382 độ C sẽ cho màu vàng sáng, nâu đỏ hoặc màu lục hoặc không màu. Một số loại ametit bị mất màu ở ánh sáng bình thường và màu sẽ khôi phục khi chiếu xạ tia X. Thạch anh ám khói khi nung ở nhiệt độ 572 - 752 độ C màu sẽ bị nhạt đi. Citrin tự nhiên khá hiếm trên thương trường và lượng chủ yếu citrin là do ametit hoặc thạch anh ám khói bị xử lý nhiệt. Ametit chuyển sang vàng nhạt ở nhiệt độ 470 độ C và màu vàng tối tới màu nâu nhạt ở nhiệt độ 550 - 560 độ C. Thạch anh ám khói chuyển sang màu vàng sớm hơn ở nhiệt độ khoảng 300 - 400 độ C. Đa số citrine tự nhiên có màu vàng rất nhạt và khi bị xử lý sẽ không còn tính đa sắc, trong khi đó citrine tự nhiên có tính đa sắc yếu.

Chiếu xạ

Bằng phương pháp chiếu xạ có thể chuyển loại thạch anh không màu sang có màu.

Tổng hợp

Thạch anh cũng được tổng hợp trong công nghiệp với các tinh thể lớn dùng trong công nghiệp.

Mài cắt

Thạch anh có thể được mài cắt ở các dạng khác nhau từ những dạng nguyên thủy nhất cho tới những dạng mới nhất hiện nay. Citrin và ametit thường được mài ở dạng bậc, kiểu kim cương hay kiểu hỗn hợp khi đó màu của viên đá có xu hướng trở nên đậm hơn. Kiểu cabochon thường dùng cho aventurin, rose quartz, mắt hổ và mắt mèo. Thạch anh mắt hổ cũng thường được chạm khắc ở dạng "cameo". Đối với ametit màu của chúng thường không đều do vậy trong quá trình mài ta phải chú ý định hướng sao cho phần màu đẹp nhất nằm tại pavilion gần culet.

Nguồn gốc và phân bố

[sửa | sửa mã nguồn]

Thạch anh là khoáng vật rất phổ biến trong tự nhiên và là thành phần của rất nhiều loại đá và khoáng sản quặng. Thạch anh thường gặp ở dạng thành phần chính của nhiều loại đá magma axit xâm nhập và phun trào ở dạng hạnh nhân như mã nãoonix, một số đá trầm tích cơ học như đá thạch anh, đá biến chất từ các loại đá trên như quartzit. Trong các quá trình biến chất thạch anh hình thành do sự khử nước của các đá trầm tích chứa opal để thành tạo ngọc bích. Trong các quá trình ngoại sinh thạch anh và conxedon thành tạo do sự khử nước và tái kết tinh của keo silic. Ngoài ra còn gặp các tinh thể lớn của thạch anh trong các hỗng pegmatit cộng sinh với fenspat, muscovit, topaz, beryl và một số khoáng vật khác, và là khoáng vật phổ biến trong các khoáng sàng nhiệt dịch.

Các tinh thể thạch anh xuất hiện trong tự nhiên có độ tinh khiết cao thường dùng trong công nghiệp bán dẫn thì cực kỳ đắc và hiếm. Các mỏ thạch anh có độ tinh khiết cao như mỏ đá quý Spruce Pine ở Spruce Pine, Bắc Carolina.[12] Bên cạnh đó, loại citrin được khai thác chủ yếu ở Brasil (Minas Gerais), Mỹ (Colorado), Nga (Ural), Pháp và Scotland. Còn ametit được khai thác chủ yếu ở Brasil, Uruguay...đặc biệt kết tinh trong các tinh hốc với kích thước rất lớn.

Ở Việt Nam thạch anh tinh thể đẹp gặp rất nhiều ở nam Thanh Hoá, Pia oắc, miền sông Đà ở Vạn Yên có những tinh thể lặng trụ rất dài, thạch anh tím được khai thác nhiều ở Kontum, thạch anh tinh thể, pha lê gặp nhiều ở Bảo Lộc, Gia Nghĩa...

Các khoáng vật giống thạch anh và phương pháp nhận biết

[sửa | sửa mã nguồn]

Với giá trị chiết suất dao động trong khoảng 1,54 - 1,55 và tỷ trọng 2,65 - 2,66 thạch anh rất dễ phân biệt với các loại đá quý khác. Để phân biệt với canxedon người ta dùng dung dịch tỷ trọng 2,62 khi đó canxedon sẽ nổi còn thạch anh chìm; với topazsaphia bởi giá trị chiết suất; với thủy tinh bởi đặc tính quang học; với aventurin màu lục thường nhầm với nephrite hoặc jadeit nhưng chúng có tỷ trọng và giá trị chiết suất thấp hơn.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2 khi hồng ngọcxa-phia tổng hợp mới xuất hiện trên thị trường và đang còn khan hiếm người ta thường dùng thạch anh để làm giả chúng khi đó thạch anh thường được xử lý để cho màu lam đậm và giả hình dạng của xa-phia, đối với loại này bằng việc xác định chiết suất và giám định dưới kính ta sẽ phân biệt được chúng.

Ametit rất dễ nhầm với beryl, fluorit, thủy tinh, corindon tổng hợp, kunzit, spinen, topaz và tuamalin, và dạng tổng hợp không không phục vụ cho ngành trang sức. Thạch anh ám khói rất dễ nhầm với andalusit, sanidin, tourmalin. Citrin rất dễ nhầm với beryn màu vàng, Orthoclas, topaz vàng và tuamalin vàng.

Ứng dụng

[sửa | sửa mã nguồn]

Một đặc tính quan trọng của tinh thể thạch anh là nếu tác động bằng các dạng cơ học đến chúng (âm thanh, sóng nước...) vào tinh thể thạch anh thì chúng sẽ tạo ra một điện áp dao động có tần số tương đương với mức độ tác động vào chúng, do đó chúng được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn kiểm soát những sự rung động trong các động cơ xe hơi để kiểm soát sự hoạt động của chúng và được ứng dụng nhiều trong các ngành công nghệ như: làm vật cộng hưởng,[13] vật liệu áp điện [14] hiệu ứng phát quang âm cực,[15]

Những tinh thể thạch anh đầu tiên được sử dụng bởi chúng có tính chất "áp điện", có nghĩa là chúng chuyển các dao động cơ khí thành điện áp và ngược lại, chuyển các xung điện áp thành các dao động cơ khí. Tính chất áp điện này được Jacques Curie phát hiện năm 1880 và từ đó chúng được sử dụng vào trong các mạch điện tử do tính chất hữu ích này.

Lần đầu tiên Walter G. Cady ứng dụng thạch anh vào một bộ kiểm soát dao động điện tử vào năm 1921.[16] Ông công bố kết quả vào năm 1922 và đến năm 1927 thì Warren A. Marrison đã ứng dụng tinh thể thạch anh vào điều khiển sự hoạt động của các đồng hồ.[17]

Thạch anh ở dạng hạt (cát, bột) được sử dụng làm vật liệu đánh bóng, là vật liệu quan trọng trong công nghệ bán dẫn.

Nếu như thạch anh vàng được xem là loại đá chiêu mời tài lộc thì thạch anh xanh lại được nhấn mạnh về khả năng trấn an cảm xúc, giúp cho tâm trí luôn bình tĩnh, thư giãn, trong khi thạch anh đen thường được nhắc đến với công dụng trừ tà và kích thích sự sáng tạo.

Các ứng dụng trong Phong Thủy để tăng năng lượng cho nhà ở, công ty được các nhà phong thủy ưa chuộng sử dụng. Vì giá thành rẻ và Việt Nam có khá nhiều nên Thạch Anh là ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực phong thủy và năng lượng.

Ứng dụng thường thấy nhất là trong lĩnh vực trang sức, thạch anh thường được chế tác thành các chuỗi hạt để đeo bên người nhằm tăng năng lượng cho cơ thể. Đá tự nhiên nên không hạt nào giống hạt nào, không chiếc vòng nào giống chiếc vòng nào. Vì vậy, giá cũng tùy thuộc vào chiếc vòng bạn lựa chọn (độ lớn hạt, độ trong…).

Thư viện ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Quartz”. A Dictionary of Geology and Earth Sciences. Oxford University Press. 19 tháng 9 năm 2013. ISBN 978-0-19-965306-5.
  2. ^ a b c Deer, W. A.; Howie, R.A.; Zussman, J. (1966). An introduction to the rock-forming minerals. New York: Wiley. tr. 340–355. ISBN 0-582-44210-9.
  3. ^ Antao, S. M.; Hassan, I.; Wang, J.; Lee, P. L.; Toby, B. H. (1 tháng 12 năm 2008). “State-Of-The-Art High-Resolution Powder X-Ray Diffraction (HRPXRD) Illustrated with Rietveld Structure Refinement of Quartz, Sodalite, Tremolite, and Meionite”. The Canadian Mineralogist. 46 (6): 1501–1509. doi:10.3749/canmin.46.5.1501.
  4. ^ Kihara, K. (1990). “An X-ray study of the temperature dependence of the quartz structure”. Tạp chí Khoáng vật học Châu Âu. 2 (1): 63–77. Bibcode:1990EJMin...2...63K. doi:10.1127/ejm/2/1/0063. hdl:2027.42/146327.
  5. ^ Luật chi phối sự kết tinh được quan sát thấy trong hệ thống lục giác thường được thể hiện bằng thạch anh trong đó hai tinh thể bên phải hoặc hai tinh thể bên trái đan xen vào nhau sau khi một tinh thể quay 180 độ quanh trục kết tinh.
  6. ^ Quartz Lưu trữ 14 tháng 12 2005 tại Wayback Machine. Mindat.org. Retrieved 2013-03-07.
  7. ^ Anthony, John W.; Bideaux, Richard A.; Bladh, Kenneth W.; Nichols, Monte C. biên tập (29 tháng 1 năm 1990). “Quartz” (PDF). Handbook of Mineralogy. III (Halides, Hydroxides, Oxides). Chantilly, VA: Mineralogical Society of America. ISBN 0962209724. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2009.
  8. ^ Quartz Lưu trữ 12 tháng 11 2006 tại Wayback Machine. Webmineral.com. Retrieved 2013-03-07.
  9. ^ Hurlbut, Cornelius S.; Klein, Cornelis (1985). Manual of Mineralogy (ấn bản thứ 20). Wiley. ISBN 0-471-80580-7.
  10. ^ Nguyễn Ngọc Phách. Chữ Nho và Đời Sống Mới. Arlington, VA: Tổ hợp Xuất bản Miền Đông, 2004. Tr 287
  11. ^ “Đá thạch anh”. Chuyên trang về Đá Thạch Anh. 19 tháng 5 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2020.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  12. ^ Sue Nelson (ngày 2 tháng 8 năm 2009). “Silicon Valley's secret recipe”. BBC News.
  13. ^ “Vacuum applications of quartz resonators”. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2009.[liên kết hỏng]
  14. ^ Seong-Hun Song và nnk. “Application of quartz crystal for the supercapacity studies of Ppy/anion composites” (pdf). Synthetic Metals (bằng tiếng Anh). Elsevier Science. 117, 1–3 (Ngày 15 tháng 2 năm 2001): tr. 137-139. doi:10.1016/S0379-6779(00)00555-5. Truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2009. Chú thích có tham số trống không rõ: |day= (trợ giúp)
  15. ^ J. Götze. “Origin, spectral characteristics and practical applications of the cathodoluminescence (CL) of quartz – a review” (pdf). Mineral and petrology (bằng tiếng Anh). Springer Wien. quyển 71, số 3-4 (Tháng 5 năm 2001): 225–250. doi:10.1007/s007100170040. ISSN 1438-1168. Truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2009. Chú thích có tham số trống không rõ: |day= (trợ giúp)[liên kết hỏng]
  16. ^ “The Quartz Watch - Walter Guyton Cady”. The Lemelson Center, National Museum of American History. Smithsonian Institution. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2009.
  17. ^ “The Quartz Watch - Warren Marrison”. The Lemelson Center, National Museum of American History. Smithsonian Institution. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2009.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]