Schutzstaffel
Schutzstaffel (SS; cách điệu hóa bằng chữ Rune Armanen là ᛋᛋ; phát âm tiếng Đức: [ˈʃʊtsˌʃtafl̩] ⓘ, nghĩa "Đội phòng vệ") là một tổ chức bán quân sự trực thuộc Đảng Quốc xã (NSDAP) dưới trướng Adolf Hitler, hoạt động tại Đức dưới thời Cộng hòa Weimar và Đệ Tam Đế chế cũng như trên khắp các vùng lãnh thổ châu Âu bị Đức chiếm đóng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Khởi nguyên của SS là một đơn vị cảnh vệ nhỏ mang tên Saal-Schutz (An ninh hội trường) gồm các tình nguyện viên thực hiện công tác giữ gìn an ninh cho các cuộc họp đảng ở München. Năm 1925, Heinrich Himmler gia nhập đơn vị mà khi ấy đã được cải tổ và đổi tên thành Schutzstaffel. Dưới sự lãnh đạo của Himmler, SS phát triển từ một đội hình bán quân sự nhỏ thành một trong những tổ chức thế lực nhất tại Đức Quốc Xã. Kể từ ngày đầu Đảng Quốc xã lên nắm quyền cho đến khi sụp đổ vào năm 1945, SS là cơ quan quan trọng nhất về an ninh, giám sát và khủng bố ở Đức cũng như tại các vùng đất ở châu Âu bị nước này chiếm đóng.
Ký hiệu SS[a] | |
Theo chiều kim đồng hồ từ ảnh trên cùng bên trái:
| |
Tổng quan Cơ quan | |
---|---|
Thành lập | 4 tháng 4 năm 1925[2] |
Cơ quan tiền thân | |
Giải thể | 8 tháng 5 năm 1945 |
Loại | Bán quân sự |
Quyền hạn | Đức Quốc Xã Châu Âu Quốc xã |
Trụ sở | Prinz-Albrecht-Straße, Berlin 52°30′26″B 13°22′57″Đ / 52,50722°B 13,3825°Đ |
Số nhân viên | 800,000 (k. 1944) |
Reichsführer chịu trách nhiệm |
|
Trực thuộc cơ quan | Đảng Quốc xã Sturmabteilung (tới tháng 7 năm 1934) |
Cơ quan trực thuộc |
|
Schutzstaffel được cấu thành từ hai nhóm chính là Allgemeine SS (SS Tổng quát) và Waffen-SS (SS Vũ trang). Allgemeine SS đảm nhiệm thực thi chính sách chủng tộc của Đức Quốc Xã và giữ gìn trật tự chung, còn Waffen-SS bao hàm những đơn vị chiến đấu trong quân đội Đức Quốc Xã. Bộ phận thứ ba của SS là SS-Totenkopfverbände (SS-TV; đơn vị Đầu lâu[3]) điều hành các trại tập trung và trại hành quyết. Các phân nhóm bổ sung của SS bao gồm Gestapo và Sicherheitsdienst (SD) đảm trách truy lùng những kẻ thù thực sự và tiềm ẩn của nhà nước, dập tắt mọi hành vi chống đối, giám sát lòng thành của nhân dân với ý thức hệ cũng như cung cấp thông tin tình báo trong và ngoài nước.
SS là tổ chức chịu trách nhiệm lớn nhất cho vụ diệt chủng 5,5 đến 6 triệu người Do Thái cùng hàng triệu nạn nhân khác trong suốt thời kỳ Holocaust.[4] Các thành viên ở mọi phân nhánh của tổ chức đều phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 45). SS còn liên quan đến các doanh nghiệp thương mại và bóc lột sức lao động của tù nhân trại tập trung, bức ép họ làm lao động khổ sai. Sau khi chiến tranh kết thúc, Tòa án Quân sự Quốc tế tại Nürnberg đã phán xử SS và Đảng Quốc Xã là những tổ chức tội phạm trong khi Ernst Kaltenbrunner, trưởng bộ phận chính SS cấp cao nhất còn sống, bị xử treo cổ vì tội ác chống nhân loại vào năm 1946.
Nguồn gốc
sửaTiền thân
sửaVào năm 1923, Đảng Quốc xã do Adolf Hitler đứng đầu đã thành lập một đơn vị bảo vệ thường trực quy mô nhỏ gọi là Saal-Schutz (An ninh Hội trường) phụ trách công tác đảm bảo an ninh cho các cuộc họp đảng tại München.[5][6]
Cùng năm đó, Hitler ra lệnh thành lập một đơn vị cận vệ riêng biệt nhỏ để phục vụ bản thân. Hitler mong muốn đơn vị này tách biệt với "số đông đáng ngờ" của đảng, bao gồm lực lượng bán quân sự Sturmabteilung (Binh đoàn bão táp; SA) mà ông không tin tưởng.[7] Đơn vị mới này mang tên Stabswache (Bảo vệ Bộ tham mưu),[8] ban đầu có tám người, gồm hai chỉ huy là Julius Schreck, Joseph Berchtold. Stabswache hoạt động dựa theo mô hình của một Freikorps khi đó là Marinebrigade Ehrhardt (Lữ đoàn Hải quân Ehrhardt). Tháng 5 năm 1923, Stabswache đổi tên thành Stoßtrupp (Lực lượng xung kích).[9][10]
Sau thất bại của vụ đảo chính nhà hàng bia năm 1923 do Đảng Quốc xã tổ chức nhằm cướp chính quyền ở München, Stoßtrupp bị ép phải giải tán.[11] Vào năm 1925, Hitler sau khi được tại ngoại đã lệnh cho Schreck thành lập một đội cận vệ mới có tên là Schutzkommando (Biệt động bảo an).[2] Đơn vị này có nhiệm vụ bảo vệ Hitler tại các buổi họp hay sự kiện của đảng. Cùng năm đó, Schutzkommando phát triển trên quy mô cả nước và lần lượt đổi tên thành Sturmstaffel (Sư đoàn bão táp) và cuối cùng là Schutzstaffel (Đội phòng vệ;[12] SS).[13] Ngày thành lập chính thức của SS là ngày 9 tháng 11 năm 1925, cũng là ngày kỷ niệm 2 năm của cuộc đảo chính nhà hàng bia.[14] Lực lượng SS mới này có nhiệm vụ bảo vệ giới chức lãnh đạo Đảng Quốc xã trên phạm vi toàn quốc. Đơn vị SS bảo vệ riêng cho Hitler sau đó được mở rộng bao gồm cả các đơn vị chiến đấu.[15]
Các chỉ huy ban đầu
sửaJulius Schreck là thành viên sáng lập SA và đồng thời là một người bạn tâm giao của Hitler. Ông chính thức trở thành lãnh đạo SS vào tháng 3 năm 1925.[16] Ngày 15 tháng 4 năm 1926, Joseph Berchtold lên thay Schreck làm chỉ huy mới của SS. Sau khi nhậm chức, ông đổi tên chức vụ của mình thành Reichsführer-SS (Lãnh đạo Reich-SS).[17] Berchtold được đánh giá là năng nổ hơn người tiền nhiệm song ngày càng nản chí vì SS bị SA áp chế.[18] Điều này dẫn đến sự chuyển giao quyền lực của ông sang phụ tá của mình là Erhard Heiden vào ngày 1 tháng 3 năm 1927.[19] Dưới trướng Heiden, SS áp dụng quy tắc kỷ luật nghiêm khắc hơn so với những gì người ta vẫn thấy trong SA.[18]
Giai đoạn 1925–1929, lực lượng SS chỉ còn được coi đơn thuần là một Gruppe (tiểu đoàn) của SA.[20] Ngoại trừ khu vực München, SS đã không thể duy trì số lượng thành viên của họ. Thành viên của SS giảm từ 1.000 xuống còn 280 do sự phát triển nhanh chóng của SA.[21] Vào tháng 9 năm 1927, Heinrich Himmler trở thành phụ tá của Heiden trong lúc Heiden đang nỗ lực để giúp SS không bị SA sáp nhập. Trong vai trò mới, Himmler bộc lộ khả năng tổ chức tốt hơn Heiden.[20] SS thành lập một số Gau (khu vực hoặc tỉnh). Các SS-Gaus này bao gồm SS-Gau Berlin, SS-Gau Berlin Brandenburg, SS-Gau Franken, SS-Gau Niederbayern, SS-Gau Rheinland-Süd và SS-Gau Sachsen.[22]
Himmler nắm quyền
sửaTháng 1 năm 1929, Hitler phê chuẩn cho Himmler lên làm Reichsführer-SS.[23][24] Về phía đảng, Heiden được tuyên bố là đã ra đi vì "lý do gia đình".[25] Trong thời gian Himmler lãnh đạo, SS phát triển và có chỗ đứng cao hơn. Himmler nhận định SS là một tổ chức quốc gia xã hội ưu tú, tuân thủ nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của đảng, là một "sự kết hợp giữa Hiệp sĩ Teuton, tu sĩ Dòng Tên và Samurai Nhật Bản".[26] Mục tiêu của Himmler là biến lực lượng SS thành tổ chức mạnh nhất tại Đức và phân nhánh ảnh hưởng nhất của đảng.[27] Số thành viên SS đã tăng lên 3.000 chỉ trong năm đầu tiên Himmler trở thành lãnh đạo.[26]
Năm 1929, SS-Hauptamt (văn phòng chính SS) được mở rộng và tái cơ cấu thành 5 văn phòng chính gồm: cơ quan quản lý chung, tài chính, nhân sự, an ninh và các vấn đề chủng tộc. Đồng thời, SS-Gaus được mở rộng thành ba khu vực hoạt động, gọi chung là SS-Oberführerbereiche (tạm dịch: Phân khu Thượng tá SS), với tên gọi SS-Oberführerbereiche Ost, SS-Oberführerbereiche West và SS-Oberführerbereiche Süd.[28] Các cấp độ thấp hơn phần nhiều giữ nguyên không thay đổi. Dù chính thức vẫn là 1 đơn vị trực thuộc SA và chịu trách nhiệm trước Stabschef (Tham mưu trưởng SA), nhưng cũng chính trong thời gian này, Himmler bắt đầu tách SS ra khỏi SA.[29] SS lớn mạnh nhờ sự trung thành tuyệt đối với Hitler, khác với SA được xem là một lực lượng bán tự do và mối đe dọa đến bá quyền của Hitler. Lý do Hitler cảnh giác SA là vì họ yêu cầu phát động một "cuộc cách mạng thứ hai" sau cái lần đã đưa Đảng Quốc xã lên nắm quyền.[30] Tới cuối năm 1933, SS có 209.000 thành viên.[31] Dưới sự lãnh đạo của Himmler, SS không ngừng mở rộng thế lực khi ngày càng nhiều địa bàn và chức năng của đảng rơi vào phạm vi quyền hạn của tổ chức này. Theo thời gian, SS chỉ còn "chấp hành" mỗi mệnh lệnh từ Hitler. Đây là một quá trình phát triển điển hình của cơ cấu tổ chức ở nơi mà quy chuẩn hợp pháp bị thay thế bằng hành động tuân thủ Führerprinzip (nguyên tắc Führer) khi ý muốn của Hitler được xem là có trọng lượng hơn cả luật pháp.[32]
Mùa thu 1934, Himmler đã giám sát việc thành lập 3 SS-Junkerschule (trường Junker), là nơi các sĩ quan SS thế hệ kế tiếp được đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quân sự cũng như truyền bá tư tưởng chính trị và các tư tưởng Quốc xã. Công tác đào tạo với trọng tâm là sự đề cao tính tàn nhẫn và bền bỉ là một phần của hệ thống giá trị SS, nó giúp thúc đẩy ý nghĩ ưu việt trong những người được đào tạo và dạy họ sự tự tin.[33] Những ngôi trường đầu tiên được dựng lên tại Bad Tölz và Braunschweig, về sau mở rộng thêm một số cơ sở tại Klagenfurt và Praha trong thời chiến.[34]
Ý thức hệ
sửaSS được xem là đơn vị ưu tú của Đảng Quốc xã.[35] Để phù hợp với chính sách chủng tộc của nhà nước Quốc Xã, ngay từ đầu tất cả ứng viên sĩ quan SS phải cung cấp bằng chứng về gốc gác Arya đến năm 1750, còn cấp bậc khác là đến năm 1800.[36] Vào thời chiến, quy định được sửa lại do việc xác định gốc gác trở nên khó hơn. Cũng chính vì điều này nên một ứng viên chỉ cần chứng minh được ông bà của anh ta là người Arya như ghi rõ trong đạo luật Nürnberg.[37] Một yêu cầu khác mà các ứng viên SS phải tuân thủ đó chính là sự phục tùng tuyệt đối với Führer và sự cam kết trách nhiệm trước nhân dân và đất nước.[38] Himmler còn cố áp đặt tiêu chí hình thể dựa trên ngoại hình và chiều cao nhưng yêu cầu này chỉ được thực thi một cách lỏng lẻo và có trên một nửa thành viên SS không đáp ứng được.[39] Các thành viên SS được cấp nhà lớn, được hưởng mức lương cao ưu đãi vì họ – những thành phần ưu tú – được kỳ vọng sinh nhiều con hơn những gia đình Đức bình thường. Đây được coi là trách nhiệm với học thuyết Đảng Quốc xã của mỗi thành viên SS.[40]
Trách nhiệm với tư tưởng SS liên tục được nhấn mạnh suốt quá trình tuyển mộ và đào tạo.[42] Các thành viên tiếp thu chính sách chủng tộc của nhà nước Quốc xã. Họ được dạy rằng những người bị chính sách đó xem là hạ đẳng cần phải được loại trừ khỏi nước Đức.[43] Những nghi lễ bí truyền hay việc trao tặng biểu chương và phù hiệu nhân dịp các dấu mốc trong sự nghiệp của một thành viên SS góp phần giúp họ ngày càng thấm nhuần tư tưởng Quốc xã.[44] Thành viên được kỳ vọng từ bỏ đức tin Kitô. Lễ Giáng sinh cũng được thay thế bằng một lễ kỷ niệm điểm chí.[45] Himmler còn sáng chế nên một nghi lễ ngoại giáo gọi là SS Ehewein dùng để thay thế đám cưới trong nhà thờ.[46] Các lễ nghi giả tôn giáo này thường diễn ra gần những tượng đài dành riêng cho SS hay tại những địa điểm đặc biệt được SS chỉ định.[47] Himmler mua lâu đài Wewelsburg ở Westfalen vào năm 1933, ban đầu dự định dùng nó làm trung tâm đào tạo của SS. Tuy nhiên về sau Wewelsburg trở thành nơi tổ chức tiệc và nghi thức tân ngoại giáo.[48]
Năm 1936, trong một cuốn sách nhỏ với tựa đề Die Schutzstaffel als antibolschewistische Kampforganisation (Schutzstaffel là một tổ chức chiến đấu chống chủ nghĩa Bolshevik), Himmler nhấn mạnh:
Chúng ta sẽ đảm bảo rằng, cuộc cách mạng Do Thái Bolshevik của bọn người hạ đẳng, dẫu bởi tác động từ bên trong hay bởi gián điệp từ bên ngoài, cũng chẳng bao giờ có thể bùng nổ trên nước Đức – trái tim của châu Âu.[b]
Áp dụng khủng bố và bạo lực làm giải pháp cho các vấn đề chính trị và quân sự là một phần của đường lối hoạt động SS.[50] Tổ chức này đề cao lòng trung thành tuyệt đối và sự chấp hành mệnh lệnh cho đến chết. Dựa vào đó, Hitler khai thác SS như một công cụ hữu hiệu để xúc tiến mục tiêu của đảng lẫn mục tiêu cá nhân. SS được giao trách nhiệm thực thi các nhiệm vụ tàn độc, hoạt động phi pháp cùng tội ác chiến tranh. Himmler từng viết rằng một thành viên SS "không do dự một nháy mắt, chấp hành mà không cần suy nghĩ" mọi mệnh lệnh từ Führer.[51] Khẩu hiệu chính thức của họ là "Meine Ehre heißt Treue" (Danh dự của tôi là lòng trung thành).[52]
Là một phần của các nhiệm vụ liên quan tới vấn đề chủng tộc trong chiến tranh thế giới thứ hai, SS giám sát hoạt động cách ly và di dời người Do Thái trên các lãnh thổ bị chinh phạt. SS chiếm hữu tài sản và đày ải dân Do Thái đến các trại tập trung và ghetto – nơi họ bị buộc phải lao động khổ sai hoặc bị giết ngay lập tức.[37] Được lựa chọn để thực hiện Endlösung (giải pháp cuối cùng), SS được xem là thủ phạm số một chịu trách nhiệm về việc giết hại và diệt chủng từ 15 tới 20 triệu người trong cuộc diệt chủng Holocaust, bao gồm khoảng 5.2[53] đến 6 triệu[4] người Do Thái và 10.5 triệu người Slav.[53] Một số lượng nạn nhân đáng kể là người thuộc những nhóm sắc tộc khác như 258.000 người Di-gan.[53] Ngoài ra, SS tham gia giết hại, loại trừ những thành phần dân chúng bao gồm người tâm thần, tàn tật, đồng tính, bất đồng chính kiến vốn được xem là mối đe dọa đến tính ưu việt của chủng tộc Arya hay ý thức hệ của đảng. Thành viên của các tổ chức công đoàn và những người được coi là có liên kết với các nhóm phản động (tôn giáo, chính trị, xã hội...), hay những người bị xem là không phù hợp đã bị vây bắt số lượng lớn; những người này gồm giáo sĩ thuộc mọi tôn giáo, tín đồ Nhân chứng Jehovah, hội viên Hội Tam Điểm, người Cộng sản và thành viên Rotary Club.[54] Theo phán quyết đưa ra tại tòa án Nürnberg cùng nhiều phiên điều tra và xét xử tiến hành sau đó, đa phần tội ác chiến tranh của Đức Quốc Xã là do SS gây ra. Đặc biệt SS cũng là tổ chức chủ đạo thực hiện Holocaust.[55]
Nước Đức thời tiền chiến
sửaSau khi Hitler và Đảng Quốc xã lên cầm quyền vào ngày 30 tháng 1 năm 1933, SS được xem là một tổ chức nhà nước và đồng thời là một ban ngành chính phủ.[56] Việc chấp pháp dần đi vào phạm vi chức quyền của SS, nhiều tổ chức SS thực tế đã trở thành cơ quan chính phủ.[57]
SS thiết lập một nhà nước cảnh sát, sử dụng lực lượng an ninh và cảnh sát mật do Himmler quản lý để đàn áp mọi hành vi chống đối Hitler.[58] Năm 1933, Hermann Göring trong vai trò Thủ tướng Phổ đã cho lập một lực lượng cảnh sát mật Phổ là Geheime Staatspolizei, viết tắt Gestapo, và bổ nhiệm Rudolf Diels làm chỉ huy. Lo ngại Diels không đủ tàn nhẫn để vận hành Gestapo để có thể triệt tiêu thế lực của SA một cách hiệu quả, Göring đã giao vị trí chỉ huy cho Himmler vào ngày 20 tháng 4 năm 1934.[59] Cũng trong ngày hôm đó, Hitler bổ nhiệm Himmler làm trưởng cục cảnh sát mọi lực lượng cảnh sát trên lãnh thổ Đức bên ngoài nước Phổ, khác với thông lệ lâu đời của Đức rằng chấp pháp là vấn đề địa phương và của từng nước trực thuộc. Himmler chỉ định phụ tá và protégé[c] Reinhard Heydrich làm thủ lĩnh Gestapo vào ngày 22 tháng 4 năm 1934. Heydrich đồng thời vẫn là chỉ huy của Sicherheitsdienst (SD; sở an ninh).[60]
Sự kiện Himmler tiếp quản Gestapo là tiền đề cho Nacht der langen Messer (đêm của những con dao dài), vụ bắt giữ và hành hình số đông lãnh đạo SA mà chủ yếu do SS và Gestapo thực hiện.[61] Vào ngày 20 tháng 7 năm 1934, khi mà SA không còn là một thế lực sau cuộc thanh trừng, Hitler chính thức tách SS ra khỏi SA. SS trở thành một đội quân ưu tú độc lập của Đảng Quốc xã, chỉ tuân theo mệnh lệnh của Hitler. Giờ đây, quân hàm Reichsführer-SS của Himmler trở thành cấp bậc thực tế của ông ta. Đây đồng thời là cấp bậc cao nhất trong SS, tương đương với cấp bậc thống chế trong quân đội (cấp bậc trước đây của ông là Obergruppenführer).[62] Khi địa vị và quyền hạn của Himmler ngày càng tăng, thì cấp bậc của ông cũng tăng theo.[63]
Vào ngày 17 tháng 6 năm 1936, toàn bộ lực lượng cảnh sát ở Đức chịu sự cai quản của Himmler và SS.[57] Vì lẽ đó nên Himmler và Heydrich trở thành hai trong số những nhân vật quyền lực nhất trong chính quyền Quốc xã.[64] Lực lượng cảnh sát và tình báo do họ kiểm soát hành chính bao gồm SD, Gestapo, Kriminalpolizei (Kripo; cảnh sát hình sự), và Ordnungspolizei (Orpo; cảnh sát trật tự[65] hay cảnh sát mặc đồng phục thường).[66] Trên cương vị là chỉ huy lực lượng cảnh sát, Himmler trên danh nghĩa là cấp dưới của Bộ trưởng Nội vụ Wilhelm Frick. Tuy vậy, do SS chỉ tuân thủ mệnh lệnh của Hitler nên sự hợp nhất trên thực tế giữa SS và cảnh sát khiến lực lượng cảnh sát không nằm trong phạm vi kiểm soát của Frick.[56][67] Vào tháng 9 năm 1939, các cơ quan an ninh và cảnh sát, bao gồm Sicherheitspolizei (SiPo; cảnh sát an ninh) và SD (nhưng không phải Orpo) hợp nhất tạo thành Reichssicherheitshauptamt (RSHA, Cơ quan an ninh trung ương quốc gia) do Heydrich đứng đầu.[68] Chính điều này đã góp phần làm tăng sức mạnh tập thể của SS.[69]
Trong Kristallnacht (9–10 tháng 11 năm 1938), các bộ phận an ninh SS như Gestapo, SD, Kripo, SiPo và lực lượng cảnh sát chính quy đã đã bí mật phối hợp để đảm bảo việc nhà ở và các cơ sở kinh doanh của người Do Thái vẫn nguyên vẹn để sung công, trong khi các giáo đường và những trung tâm hội họp của họ phải bị phá hủy.[70] Trong đêm hôm đó, một lực lượng đông đảo mà đa phần là thành viên SA, đã tham gia phá hoại và cướp bóc hàng nghìn cơ sở kinh doanh, nhà cửa và nghĩa địa Do Thái. Khoảng 500 đến 1.000 giáo đường bị đốt phá.[71] Vào ngày 11 tháng 11, Heydrich báo cáo có 36 người chết trong sự kiện đêm hôm đó. Tuy nhiên, những ước định sau này đưa ra số người thiệt mạng là 2.000.[72][73] Theo lệnh của Hitler, khoảng 30.000 người Do Thái đã bị bắt và áp giải đến các trại tập trung vào ngày 16 tháng 11.[74] Có tới 2.500 người trong số này đã chết trong những tháng tiếp đó.[72] Chính tại thời điểm này, nhà nước SS đã khởi động gắt gao chiến dịch khủng bố nhằm vào các đối thủ chính trị và tôn giáo, bỏ tù bất kỳ ai bị nghi ngờ không thông qua xét xử hay giám sát tư pháp vì mục đích "an ninh, cải tạo hoặc phòng ngừa".[75][76]
Tháng 9 năm 1939, quyền lực của SS mở rộng hơn nữa khi sĩ quan SS cao cấp nhất ở mỗi quân khu cũng trở thành chánh cảnh sát quân khu đó.[77] Hầu hết các chỉ huy SS và cảnh sát này đều đeo hàm từ SS-Gruppenführer (Trung tướng bậc 2) trở lên và chịu trách nhiệm trực tiếp với Himmler mọi vấn đề trên địa bàn mình phụ trách.[78] Vai trò của họ là cảnh giới dân chúng, giám sát hoạt động của SS viên trong khu vực. Bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp, họ có thể bỏ qua các cơ quan hành chính địa phương và nắm quyền quản lý trực tiếp hoạt động của SS, SD, SiPo, SS-Totenkopfverbände (SS-TV; lính gác trại tập trung) và Orpo.[79]
Vệ sĩ riêng của Hitler
sửaQuy mô và tầm quan trọng của ba nhóm SS chính bảo vệ Hitler ngày càng tăng.[80] Vào năm 1933, đội vệ sĩ riêng đông đảo của Hitler (trước là SS-Standarte số 1) được triệu tập đến Berlin để thay đội Lực lượng Vệ binh Phủ Thủ tướng Đức.[81] Sepp Dietrich chỉ huy đơn vị mới gọi là SS-Sonderkommando Berlin đổi tên từ SS-Stabswache Berlin (Bảo vệ bộ tham mưu SS Berlin). Tháng 11 cùng năm, đơn vị đổi tên thành Leibstandarte Adolf Hitler. Đến tháng 4 năm 1934 Himmler sửa lại thành Leibstandarte SS Adolf Hitler, viết tắt là LSSAH. LSSAH đảm nhận canh gác nơi ở và văn phòng của Hitler, tạo ra một vòng bảo vệ bên ngoài cho Führer và khách khứa.[82] Họ còn lập các chốt gác trên các lối vào Phủ Thủ tướng cũ và mới.[83] Số lính gác LSSAH tăng lên vào mỗi dịp đặc biệt.[84] Tại dinh thự Berghof của Hitler ở Obersalzberg, có một nhóm LSSAH đông đảo đảm nhận tuần tra một khu vực an ninh rộng lớn.[85]
Kể từ năm 1941 trở đi, Leibstandarte được phân làm bốn bộ phận riêng biệt: sư đoàn Waffen-SS (không tham gia bảo vệ Hitler mà là đội hình trực thuộc Waffen-SS), nhóm canh giữ phủ thủ tướng Berlin, trung đoàn an ninh SS được giao đến Obersalzberg và một nhóm vệ sĩ đặt trụ sở tại München giữ trọng trách bảo vệ Hitler mỗi khi ông đến căn hộ riêng và sở chỉ huy Nhà Nâu (Braunes Haus).[86][87] Tuy danh nghĩa là dưới quyền Himmler nhưng Dietrich mới là chỉ huy thực sự và là người điều hành công việc hàng ngày.[88]
Hai đơn vị SS còn lại tạo nên vòng bảo vệ bên trong của Hitler. SS-Begleitkommando des Führers thành lập tháng 2 năm 1932, gồm tám người luân phiên túc trực theo ca suốt ngày đêm, là nhóm hộ tống Hitler khi di chuyển.[89] SS-Begleitkommando về sau phát triển thành Führerbegleitkommando (FBK, Biệt động tháp tùng Führer), vẫn nhận lệnh riêng và bảo vệ Hitler.[90] Führer Schutzkommando (FSK, Biệt động bảo vệ Führer) là đội cận vệ do Himmler lập vào tháng 3 năm 1933,[91] ban đầu chỉ phụ trách bảo vệ Hitler ở trong địa phận Bayern nhưng đến đầu năm 1934 thì thay thế SS-Begleitkommando để bảo vệ Hitler trên phạm vi toàn quốc.[92] Tháng 8 năm 1935, FSK đổi tên thành Reichssicherheitsdienst (RSD, Cục An ninh Quốc gia).[93] Johann Rattenhuber, giám đốc RSD, gần như chỉ nhận lệnh trực tiếp từ Hitler.[93] Trong khi đó, giám đốc FBK hiện tại chỉ đóng vai trò phụ tá của Rattenhuber. Các thành viên RSD và FBK có mặt tại mọi nơi Hitler cư trú. Người của RSD đảm nhiệm công việc tuần tra xung quanh còn FBK bảo vệ an ninh chặt chẽ bên trong. Vào mỗi chuyến đi hay sự kiện công cộng, người của RSD và FBK phối hợp để đảm bảo an ninh và bảo vệ cá nhân Hitler nhưng vẫn đi theo hai nhóm và sử dụng xe riêng.[94] Đến tháng 3 năm 1938, cả hai đều mặc đồng phục xám ngả lục tiêu chuẩn của SS.[95] Đồng phục của RSD có nút hình thoi với chữ SD ở nửa dưới ống tay áo bên trái.[96]
Thành lập trại tập trung
sửaSS có liên hệ chặt chẽ với hệ thống trại tập trung của Đức Quốc Xã. Vào ngày 26 tháng 6 năm 1933, Himmler bổ nhiệm SS-Oberführer Theodor Eicke làm chỉ huy một trong những trại tập trung đầu tiên tại Đức là Dachau.[97] Trại này ra đời nhằm hợp nhất nhiều trại nhỏ từng được Đảng Quốc xã và nhiều cơ quan cảnh sát dựng lên để giam cầm tù nhân chính trị.[98] Cơ cấu tổ chức Eicke áp dụng tại Dachau đã trở thành hình mẫu cho tất cả trại tập trung sau này.[99] Sau năm 1934, Eicke được chỉ định là chỉ huy của SS-Totenkopfverbände (SS-TV), đội hình SS phụ trách điều hành các trại tập trung do SS và Himmler quản lý.[100] Được biết đến với cái tên "Đơn vị Đầu lâu", ban đầu SS-TV được tổ chức thành nhiều tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn đóng tại một trong những trại tập trung lớn của Đức. Tổ lãnh đạo tại các trại được chia làm gồm năm bộ phận: chỉ huy và phụ tá, bộ phân chuyên trách chính trị, giam giữ bảo vệ, quản lý, và nhân viên y tế.[101] Đến năm 1935, Himmler có được sự phê chuẩn của Hitler và tài chính cần thiết để xây dựng và vận hành các trại bổ sung.[102] Sau bốn năm đã có sáu trại tập trung[d] giam giữ 21.400 tù nhân (chủ yếu là tù nhân chính trị) vào thời điểm tháng 9 năm 1939, cũng là lúc chiến tranh bắt đầu.[104] Khi chiến tranh kết thúc, hàng trăm trại với quy mô và chức năng khác nhau đã mọc lên, chứa gần 715.000 người mà hầu hết bị chính quyền Đức Quốc Xã nhằm vào chỉ vì chủng tộc của họ.[105][106] Nhân khẩu các trại tập trung tăng lên song song với những thất bại mà Đức Quốc Xã phải hứng chịu; tình hình ngày càng tồi tệ đồng nghĩa với nỗi sợ bị lật đổ càng lớn. Điều này đã thúc đẩy SS tăng cường đàn áp và khủng bố tù nhân.[107]
SS trong Chiến tranh thế giới thứ hai
sửaVào thời điểm Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, SS hợp nhất thành hình hài cuối cùng, cấu thành từ ba tổ chức chính là Allgemeine SS (SS Tổng quát),[12] SS-Totenkopfverbände và Waffen-SS (SS Vũ trang).[65] Lực lượng vũ trang SS được thành lập năm 1934 dưới cái tên SS-Verfügungstruppe (SS-VT), đến năm 1940 thì đổi tên thành Waffen-SS.[108][109] Trong quá trình diễn ra cuộc chiến, Waffen-SS đã phát triển thành đội quân thứ hai của Đức, hoạt động song song cùng Wehrmacht, đặc biệt là với Lục quân Đức.[110] Tuy nhiên, đơn vị này chưa từng được hoàn toàn độc lập tác chiến hay được xem là "địch thủ đáng gờm" của quân đội Đức. Thành viên SS không thể gia nhập hàng ngũ Bộ Tư lệnh Tối cao Đức và SS buộc phải phụ thuộc vào quân đội để trang bị những loại vũ khí hạng nặng.[111] Dù cấp hàm SS nhìn chung có sự tương đương với những binh chủng khác, tên quân hàm trong hệ thống quân hàm của SS không sao chép các nhánh của Wehrmacht. Thay vào đó, quân hàm của SS được phỏng theo hệ thống do Freikorps và SA thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đây là một cách để nhấn mạnh rằng SS độc lập với Wehrmacht.[112]
Cuộc xâm lược Ba Lan
sửaTrong cuộc xâm lược Ba Lan vào tháng 9 năm 1939, hai lực lượng LSSAH và SS-VT tham chiến trong vai các trung đoàn bộ binh cơ động riêng biệt.[113] LSSAH trở nên khét tiếng với các vụ đốt phá làng mạc mà không có bất kỳ lý do quân sự chính đáng nào.[114] Thành viên LSSAH ra tay tàn độc tại nhiều thành thị, bao gồm sát hại 50 người Do Thái Ba Lan ở Błonie, dùng súng máy bắn chết 200 người (bao gồm cả trẻ em) ở Złoczew. Các vụ nổ súng còn tiếp diễn Bolesławiec, Torzeniec, Goworowo, Mława, và Włocławek.[115]
Một số thành viên cao cấp của Wehrmacht không tin các đơn vị SS này được chuẩn bị đầy đủ cho chiến đấu. Các đơn vị này thường chấp nhận rủi ro không cần thiết và có tỷ lệ thương vong cao hơn quân đội,[116] một điều mà Generaloberst (Đại tướng) Fedor von Bock phê phán. Sau chuyến thăm sư đoàn SS-Totenkopf vào tháng 4 năm 1940, ông phát hiện họ chưa được đào tạo đủ bài bản để có thể tác chiến trên chiến trường một cách hiệu quả.[117] Về phía Hitler, ông cho rằng lời chỉ trích này đơn thuần chỉ là một "quan niệm tinh thần thượng võ cổ hủ" của giới tướng lĩnh Wehrmacht.[118] Về phần SS, họ lấy lý do rằng các nhóm vũ trang SS phải tác chiến tách rời nhau và không được quân đội Đức trang bị phù hợp.[116]
Sau khi Ba Lan bị chiếm đóng, Hitler giao cho SS thực hiện các hành động trừ khử có mật danh là Chiến dịch Tannenberg và AB-Aktion nhằm loại bỏ các thủ lĩnh tiềm tàng có thể gây dựng phong trào kháng chiến chống quân Đức. Các vụ giết người được Einsatzgruppen (đội đặc nhiệm;[119] các nhóm triển khai) thực hiện và được hỗ trợ bởi các nhóm bán quân sự địa phương. Nhân lực của Einsatzgruppen vốn đa phần lấy từ thành viên của SS, SD và lực lượng cảnh sát.[120] Đến hết năm 1939 đã có khoảng 65.000 công dân Ba Lan bị giết, bao gồm các nhà hoạt động, trí thức, học giả, giáo viên, diễn viên, cựu sĩ quan cùng những người khác.[121][122] Khi ban lãnh đạo quân đội phàn nàn về sự tàn bạo của Einsatzgruppen, Reinhard Heydrich đáp lại rằng mình chỉ đang hành động "theo mệnh lệnh đặc biệt của Führer".[123] Vụ xử bắn hàng loạt người Do Thái có hệ thống đầu tiên mà Einsatzgruppen thực hiện diễn ra vào ngày 6 tháng 9 năm 1939 khi quân Đức tấn công Kraków.[124]
Hài lòng với màn thể hiện của SS ở Ba Lan, Hitler cho phép mở rộng thêm các đơn vị SS vũ trang khác, nhưng ông khẳng định các đơn vị mới vẫn phải chịu sự quản lý của quân đội.[125] Trong khi SS-Leibstandarte vẫn là một trung đoàn độc lập hoạt động như đội vệ sĩ riêng của Hitler thì các trung đoàn khác như SS-Deutschland, SS-Germania và SS-Der Führer đã kết hợp thành SS-Verfügungs-Division (vệ binh cơ động).[126][116] Sư đoàn SS thứ hai, SS-Totenkopf, được cấu thành từ các lính canh trại tập trung của SS-TV. Còn sư đoàn SS thứ ba, SS-Polizei, được thành lập từ các tình nguyện viên cảnh sát.[127][128] Vào thời điểm này, SS đã giành được quyền quản lý công tác tuyển mộ, hậu cần, và hệ thống cung ứng cho các đội hình vũ trang của mình.[128] SS, Gestapo và SD phụ trách cơ quan hành chính quân sự lâm thời ở Ba Lan cho đến khi Hans Frank được bổ nhiệm làm Toàn quyền vào ngày 26 tháng 10 năm 1939.[129][130]
Trận chiến nước Pháp
sửaVào ngày 10 tháng 5 năm 1940, Hitler phát động tấn công Pháp và các nước thuộc vùng đất thấp, mở màn cho trận chiến nước Pháp.[131] SS tham gia tiếp tế hai trong số 89 sư đoàn tham chiến.[132] Lực lượng LSSAH và các đơn vị thuộc SS-VT tham gia cuộc xâm lược trên bộ trong trận Hà Lan.[133] Nhiều lính dù đồng thời được thả để chiếm những sân bay, cây cầu, và cung đường sắt trọng yếu của nước này. Sau năm ngày tham chiến, LSSAH hội ngộ với các đơn vị lục quân và lính dù sau một số phen đụng độ với quân phòng thủ Hà Lan.[133]
Lính SS không tham gia cuộc tấn công xuyên qua rừng Ardennes và sông Meuse.[133] Thay vào đó, SS-Totenkopf được triệu tập từ nhóm dự bị để hỗ trợ Sư đoàn Panzer số 7 của Generalmajor (Thiếu tướng) Erwin Rommel đang tiến về phía eo biển Manche.[134] Vào ngày 21 tháng 5, quân Anh sử dụng thiết giáp mở một cuộc phản công nhằm vào hai bên sườn của Sư đoàn Panzer số 7 và SS-Totenkopf. Sau đó, quân Đức bẫy quân Anh và Pháp, bao vậy liên quân hai nước trong một vòng vây khổng lồ ở Dunkerque.[135] Vào ngày 27 tháng 5, Đại đội 4, SS-Totenkopf đã gây ra vụ thảm sát Le Paradis – 97 tù binh thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Hoàng gia Norfolk bị sát hại bằng súng máy sau khi đầu hàng. Những người không bị bắn chết đều bị giết bằng lưỡi lê. Trong số những lính Anh, chỉ có duy nhất hai người sống sót.[136] Vào ngày 28 tháng 5, SS-Leibstandarte chiếm được Wormhout nằm cách Dunkerque 10 kilômét (6,2 mi). Tại đây các binh sĩ thuộc Tiểu đoàn 2 đã giết chết 80 lính Anh và Pháp sau khi họ đầu hàng, gây ra cuộc thảm sát Wormhoudt.[137] Theo nhà sử học Charles Sydnor, "sự liều lĩnh cuồng tín trong tấn công, quyết tử phòng thủ chống lại kẻ thù và sự tàn ác man rợ khi đối mặt với những mục tiêu yếu đuối" mà sư đoàn SS-Totenkopf biểu lộ trong cuộc xâm lược là nét đặc trưng của toàn thể binh sĩ SS.[138]
Vào thời điểm trận chiến nước Pháp đi vào hồi kết, Hitler đã bày tỏ sự hài lòng với màn thể hiện của SS-Leibstandarte. Ông nói với họ rằng "kể từ nay về sau, các bạn, đội quân mang tên tôi, sẽ vinh dự dẫn đầu mọi cuộc tấn công của quân Đức".[139] SS-VT được đổi tên thành Waffen-SS trong một bài phát biểu của Hitler vào tháng 7 năm 1940.[109] Rồi Hitler cho phép tuyển mộ (mà theo cách nói của Himmler là) "những người được cho là có dòng dõi liên quan" nhằm nới rộng hàng ngũ.[140] Nhiều người Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan tình nguyện gia nhập Waffen-SS chiến đấu dưới sự chỉ huy của sĩ quan Đức.[141] Họ được tập hợp để lập ra sư đoàn mới mang tên SS-Wiking.[140] Sư đoàn SS-Verfügungs đổi tên thành SS-Reich (sư đoàn cơ giới) vào tháng 1 năm 1941 rồi thành Sư đoàn Panzer SS số 2 Das Reich khi được tái cơ cấu làm một sư đoàn Panzergrenadier (bộ binh cơ giới) năm 1942.[142]
Chiến dịch ở Balkan
sửaTháng 4 năm 1941, quân Đức xâm lược Nam Tư và Hy Lạp. LSSAH và Das Reich lần lượt tham gia các quân đoàn Panzer riêng biệt của lục quân. Một đại đội trưởng trực thuộc sư đoàn Das Reich là Fritz Klingenberg đã chỉ huy đại đội băng qua Nam Tư đến thủ đô Beograd. Tại đây, một nhóm nhỏ trong đội tiên phong tiếp nhận sự đầu hàng của thành phố vào ngày 13 tháng 4. Vài ngày sau, toàn bộ Nam Tư đầu hàng.[143][144] Các đơn vị cảnh sát SS ngay lập tức tiến hành bắt giữ con tin và thực hiện các hành động trả thù, một thực tiễn đã trở nên phổ biến. Trong một số trường hợp, Wehrmacht cũng tham gia vào các cuộc trừ khử do SS thực hiện.[145] Tương tự như Ba Lan, chính sách của Đức Quốc Xã ở Balkan dẫn đến sự chiếm đóng tàn bạo và những cuộc tàn sát mang đậm màu sắc phân biệt chủng tộc. Serbia trở thành quốc gia thứ hai (sau Estonia) tuyên bố Judenfrei (không có người Do Thái).[146]
Ở Hy Lạp, Wehrmacht và Waffen-SS vấp phải sự phản kháng từ Lực lượng Viễn chinh Anh (BEF) và quân đội Hy Lạp.[147] Cuộc chiến thêm phần khốc liệt bởi địa hình đồi núi hiểm trở với những con đèo hẹp được cố thủ nghiêm ngặt. LSSAH là lực lượng tiên phong dẫn đầu cuộc tấn công của quân Đức.[148] Trước sự tấn công mạnh mẽ của người Đức, BEF buộc di tản bằng đường biển đến đảo Crete, nhưng phải tháo chạy một lần nữa vào cuối tháng 5 khi quân Đức đổ bộ lên đảo.[149] Tương tự như những gì diễn ra ở Nam Tư, cuộc xâm lược Hy Lạp của Đức mang hiểm nguy đến cho người Do Thái nơi đây vì họ ngay lập tức rơi vào tầm ngắm của Đức Quốc Xã.[150] Ban đầu bị giam giữ trong các khu ghetto, hầu hết người Do Thái Hy Lạp bị áp giải đến trại tập trung Auschwitz vào tháng 3 năm 1943 để rồi bị sát hại trong những căn phòng hơi ngạt. Chỉ 20% trong số 80.000 người Do Thái Hy Lạp sống sót qua chiến tranh.[151]
Mặt trận phía Đông
sửaVào ngày 22 tháng 6 năm 1941, Hitler phát động chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô.[152] Chiến tranh lan rộng và nhu cầu quản lý lãnh thổ chiếm đóng tạo điều kiện để Himmler củng cố thêm các bộ phận quân sự và cảnh sát của SS.[153] Bước tiến vũ bão của quân Đức trên Mặt trận phía Đông gây khó khăn cho các tổ chức cảnh sát SS khi họ phải vật lộn để thích nghi với những thách thức an ninh mới.[154]
Lữ đoàn bộ binh SS số 1 và số 2, được chiêu mộ từ lính canh trại thất nghiệp thuộc SS-TV và Lữ đoàn Kỵ binh SS, theo chân quân đội tiến vào Liên Xô. Ban đầu, hai lữ đoàn này tham gia bình định quân kháng chiến Liên Xô nhưng đến mùa thu năm 1941 thì đảm nhận các công việc liên quan tới Holocaust, chuyển giao nhiệm vụ ban đầu sang các đơn vị khác. Họ lập ra những toán nã súng hỗ trợ Einsatzgruppen thủ tiêu các nhóm dân Do Thái của Liên Xô.[155][156]
Vào ngày 31 tháng 7 năm 1941, Heydrich được Göring ủy quyền bằng văn bản, nhận nhiệm vụ đảm bảo sự hợp tác giữa các ban ngành chính phủ để có thể tiến hành diệt chủng người Do Thái trên các vùng lãnh thổ do Đức kiểm soát một cách hiệu quả.[157] Heydrich góp công không nhỏ trong việc triển khai các hoạt động thảm sát này khi mà cả hai cơ quan thuộc thẩm quyển ông ta – Gestapo và Einsatzgruppen – lần lượt đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng. Ở phía Tây, lực lượng Gestapo tiến hành trục xuất người Do Thái trong khi Einsatzgruppen tiến hành thảm sát trên diện rộng ở phía đông.[158] Vào ngày 20 tháng 1 năm 1942, Heydrich chủ trì một cuộc họp gọi là hội nghị Wannsee nhằm bàn luận cách thực thi kế hoạch.[159]
Waffen-SS hứng chịu thương vong nặng nề trong các trận đánh ở Liên Xô những năm 1941 và 1942. LSSAH và Das Reich mất hơn nửa quân số do giao tranh và bệnh tật.[160] Vì nhu cầu nhân lực, Himmler chấp nhận những binh sĩ không đáp ứng được yêu cầu chủng tộc mà SS đề ra thuở ban đầu.[161] Vào đầu năm 1942, SS-Leibstandarte, SS-Totenkopf, và SS-Das Reich được lệnh rút về phía Tây để tái trang bị và tái tổ chức thành các sư đoàn Panzergrenadier (bộ binh cơ giới).[162] Đầu năm 1943, quân đoàn SS-Panzer quay lại Liên Xô và tham gia Trận Kharkov lần thứ ba diễn ra vào tháng 2 và tháng 3 năm đó.[163]
Holocaust
sửaSS được xây dựng dựa trên nền tảng bạo lực, thể hiện qua hình thái cùng cực nhất bằng việc thảm sát dân thường và tù nhân chiến tranh ở Mặt trận phía Đông.[164] Einsatzgruppen thu nạp thêm nhân sự từ Kripo (cảnh sát hình sự), Orpo (cảnh sát trật tự), Waffen-SS và đạt tổng binh lực là 3.000 người.[165] Các đội Einsatzgruppen A, B và C lần lượt tham gia Cụm tập đoàn quân Bắc, Trung tâm và Nam trong khi Einsatzgruppe D trực thuộc biên chế của Tập đoàn quân số 11. Einsatzgruppe dành cho Mục đích Đặc biệt bắt đầu hoạt động ở miền đông Ba Lan kể từ tháng 7 năm 1941.[166] Sử gia Richard Rhodes mô tả những người này "vượt quá giới hạn đạo đức", "vừa là quan tòa, vừa là bồi thẩm đoàn mà vừa là đao phủ", nắm trong tay mọi quyền sinh sát.[167]
Sau Chiến dịch Barbarossa, các đơn vị Einsatzgruppen kết hợp cùng Waffen-SS và Cảnh sát Trật tự giết hại hàng loạt người Do Thái ở miền đông Ba Lan và tại các vùng đất Liên Xô bị chiếm đóng.[167][168][169] Quy mô hoạt động của Einsatzgruppen đạt đỉnh vào năm 1941 và 1942 tại Ukraina và Nga.[170] Trước cuộc xâm lược, khắp cõi Liên Xô có hơn năm triệu người Do Thái đăng ký, khoảng ba triệu trong số đó sống trên những lãnh thổ bị quân Đức chiếm đóng. Khi chiến tranh kết thúc, hơn hai triệu người đã bị sát hại.[171]
Các hoạt động giết chóc của Einsatzgruppen thường tuân theo một quy trình tiêu chuẩn. Một chỉ huy Einsatzgruppen sẽ liên lạc với tư lệnh đơn vị Wehrmacht gần nhất để thông báo về hành động sắp tới, mục đích là để họ có thể phối hợp kiểm soát khu vực hành quyết, tránh người không phận sự xâm nhập.[172] Ban đầu, các nạn nhân bị hành quyết bằng cách xử bắn, nhưng phương pháp này tỏ ra không khả thi đối với một chiến dịch quy mô tầm cỡ.[173] Thêm nữa, sau khi quan sát thấy 100 người Do Thái bị bắn tại Minsk vào tháng 8 năm 1941, Himmler trở nên lo ngại về tác động của việc làm này lên tinh thần của lính. Ông quyết định phải tìm các phương pháp giết người thay thế, kết quả là xe hơi ngạt ra đời.[174][175] Tuy nhiên, phương pháp này không được ưa chuộng bởi việc chuyển xác chết ra khỏi xe rồi mang đi chôn là một thử thách khủng khiếp đối với những người lính. Tù nhân hoặc người phụ giúp thường được chỉ định làm nhiệm vụ này để tránh binh lính SS bị sang chấn tâm lý.[176]
Tiêu diệt quân kháng chiến
sửaTháng 7 năm 1942, nhằm giải quyết những khó khăn mà kháng quân Liên Xô gây ra cho quân đội, Hitler quyết định chuyển giao hoạt động chống quân kháng chiến cho phía cảnh sát, khiến vấn đề này lọt vào phạm vi phụ trách của Himmler.[177][178] Ngày 8 tháng 7 năm 1941, khi Hitler ra lệnh rằng tất cả người Do Thái đều là quân kháng chiến thì cụm từ "chiến dịch chống kháng quân" được dùng làm uyển ngữ ám chỉ hoạt động tàn sát người Do Thái và đấu tranh tiêu diệt những phần tử kháng chiến.[179][180] Tháng 7 năm 1942, Himmler chỉ thị sử dụng thuật ngữ "kẻ cướp" thay thế "kháng quân" làm từ mô tả những kẻ chống đối chính quyền Đức Quốc Xã.[181]
Himmler chỉ định SS và SD bắt tay phát triển thêm các sách lược chống kháng quân và mở một chiến dịch tuyên truyền.[182] Tháng 6 năm 1943, Himmler ban hành lệnh Bandenbekämpfung (đánh cướp) và thông báo sự tồn tại của Bandenkampfverbände (các đội đánh cướp) với thủ lĩnh là Obergruppenführer Erich von dem Bach-Zelewski. Bandenkampfverbände chủ yếu tuyển mộ nhân sự từ cảnh sát SS và Waffen-SS, gồm bốn bộ phận chính: truyên truyền, quản lý tập trung và điều phối các hoạt động an ninh, huấn luyện quân đội và hoạt động chiến đấu.[183] Ngay sau khi Wehrmacht chiếm được vùng lãnh thổ mới, nhiệm vụ đầu tiên của các Bandenkampfverbände là tiếp quản cơ sở liên lạc, đường bộ, đường sắt, đường thủy. Tiếp đó, họ sẽ tiếp quản các thôn làng, trụ sở hành chính và xí nghiệp địa phương. Ngoài ra, Bandenkampfverbände cũng nhận nhiệm vụ đảm bảo các nguồn tài nguyên nông nghiệp và lâm nghiệp. SS giám sát việc thu hoạch vụ mùa – một điều được cho là rất quan trọng đối với hoạt động chiến lược.[184] Bất kỳ người Do Thái nào sống trong khu vực đều bị vây bắt và sát hại. Những người cộng sản hay người gốc Á đều bị giết theo phương châm "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót" nhằm đề phòng mật vụ Liên Xô trà trộn.[185]
Trại tử thần
sửaSau khi chiến tranh bùng nổ, Himmler đẩy mạnh hoạt động của SS tại Đức cũng như trên các vùng lãnh thổ châu Âu do Đức Quốc xã chiếm đóng. Số lượng người Do Thái, công dân Đức bị tình nghi về chính trị, hay người ngoài xã hội, bị bắt ngày một đông.[186] Khi chế độ quốc xã ngày càng trở nên áp chế hơn, hệ thống trại tập trung cũng theo đó mà phát triển về kích thước và quy mô hoạt động giết người.[187]
Cường độ tàn sát trở nên ác liệt hơn vào cuối năm 1941 khi SS bắt đầu xây dựng những cơ sở hơi ngạt để làm công cụ giết người thay thế Einsatzgruppen.[188][189] Nạn nhân của trại hành quyết bị giết bằng khí cacbon monoxit thải từ động cơ xe hơi.[190] Trong chiến dịch Reinhard do người của Totenkopfverbände điều hành, có ba trại hành quyết được xây mới tại vùng lãnh thổ Ba Lan bị chiếm đóng. Ba trại đó lần lượt là Bełżec (hoạt động vào tháng 3 năm 1942), Sobibór (hoạt động vào tháng 5 năm 1942) và Treblinka (hoạt động vào tháng 7 năm 1942).[191] Các sĩ quan Totenkopfverbände tuyên thệ giữ bí mật, giám sát hàng trăm tù nhân Sonderkommando[e] cùng với các đội Trawnikimänner (cộng tác viên người Đông Âu). Tù nhân Sonderkommando bị bắt làm việc ở phòng hơi ngạt và lò thiêu (thu thập xác chết, áp giải nạn nhân) trước khi chính họ cũng bị giết theo cách tương tự.[192] Theo lệnh của Himmler, trại tập trung tại Auschwitz được nới rộng quy mô vào đầu năm 1942 để xây thêm phòng hơi ngạt để giết các nạn nhân bằng thuốc trừ sâu Zyklon B.[193][194]
Vì lý do hành chính, tất cả lính canh trại tập trung và nhân viên hành chính đều trở thành thành viên chính thức của Waffen-SS vào năm 1942. Các trại tập trung đều nằm dưới quyền chỉ huy của SS-Wirtschafts-Verwaltungshauptamt (Văn phòng hành chính và kinh tế chính SS; WVHA) do Oswald Pohl đứng đầu.[195] Richard Glücks từng là Thanh tra Trại tập trung, năm 1942 trở thành văn phòng "D" trực thuộc WVHA.[196][197] Khi tình hình chiến sự trở nên xấu đi đối với quân Đức, các hoạt động bóc lột và hành quyết được suy xét lại. Vì nhu cầu lao động của nền kinh tế chiến tranh, đặc biệt là lao động có tay nghề cao, nên một số người Do Thái đã may mắn thoát khỏi nạn diệt chủng.[198] Vào ngày 30 tháng 10 năm 1942, tình trạng thiếu hụt nhân công trầm trọng khiến Himmler ra lệnh bắt nhiều người khỏe mạnh từ các vùng lãnh thổ Liên Xô bị chiếm đóng đưa sang Đức làm lao động khổ sai.[199]
Tới năm 1944, SS-TV đã được tổ chức thành ba bộ phận: cán bộ trại tập trung ở Đức và Áo, cán bộ trại tập trung ở lãnh thổ chiếm đóng và cán bộ trại hành quyết ở Ba Lan. Việc thay người ở các trại đã trở thành thông lệ tiêu chuẩn, một phần dựa trên nhu cầu nhân sự nhưng cũng là một phương pháp để phân việc cho những thành viên SS bị thương một cách dễ dàng hơn.[200] Điều này đồng nghĩa với việc gần như toàn thể nhân sự SS biết những gì diễn ra bên trong các trại tập trung khiến cả tổ chức phải chịu trách nhiệm cho tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.[201]
Đế chế kinh doanh
sửaVào năm 1934, Himmler thành lập một nhà xuất bản tài liệu tuyên truyền và sách hướng dẫn đào tạo SS mang tên Nordland-Verlag. Nhà xuất bản này là phi vụ đầu tư kinh doanh đầu tiên của tổ chức. Himmler mua lại hãng gốm sứ Allach và bắt đầu chế tạo kỷ vật SS.[202] Vì thiếu hụt nhân công và bị thúc đẩy bởi mong muốn kiếm lợi, SS bắt đầu trấn lột tù nhân trại tập trung, ép họ lao động khổ sai.[203] Thuở đầu, hầu hết các doanh nghiệp SS đều thua lỗ cho đến khi Himmler nhượng lại cho Verwaltung und Wirtschaftshauptamt Hauptamt (Văn phòng quản lý và kinh doanh; VuWHA) của Oswald Pohl vào năm 1939.[197] Tuy tình hình tài chính có chút khởi sắc nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều hoạt động kém hiệu quả vì nhân viên SS thiếu kinh nghiệm kinh doanh còn công nhân phần nhiều đói khổ và không thể làm việc theo năng lực.[204] Tháng 7 năm 1940, Pohl thành lập một tập đoàn bảo trợ mang tên Deutsche Wirtschaftsbetriebe GmbH (Công ty trách nhiệm hữu hạn Kinh tế Đức; DWB) chính thức tiếp quản mọi công ty trực thuộc SS.[205] Trong suốt quá trình tồn tại, SS đã lập tổng cộng gần 200 công ty cổ phần mẹ phục vụ mục tiêu kinh doanh.[206]
Tháng 5 năm 1941, VuWHA thành lập Deutsche Ausrüstungswerke GmbH (Vật liệu thiết bị Đức; DAW) để hợp nhất doanh nghiệp SS với hệ thống trại tập trung đang mọc lên ngày một nhiều.[207] Cũng trong năm đó, Himmler cho dựng bốn trại tập trung lớn là Auschwitz, Gross-Rosen, Natzweiler-Struthof và Neuengamme. Mỗi trại đều có ít nhất một nhà máy hoặc mỏ đá gần đó để các tù nhân làm việc.[208] Himmler đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp nhân công cho IG Farben, vốn đang xây dựng một nhà máy sản xuất cao su tổng hợp tại Auschwitz III – Monowitz.[209] Vào thời điểm bị Hồng quân Liên Xô đánh sập năm 1945, nhà máy gần như đã sẵn sàng để đi vào hoạt động.[210] Cũng giống nhiều trại khác, tuổi thọ bình quân của tù nhân sau khi nhập trại Monowitz là ba tháng.[211] Thiếu ăn và có điều kiện sống tồi tàn, lại còn bị ép làm việc quá tải dưới chính sách hành quyết qua lao động là những lý do tại sao tù nhân có tuổi thọ trung bình ngắn đến vậy.[212]
Năm 1942, Himmler hợp nhất mọi cơ quan do Pohl phụ trách làm một, lập ra Văn phòng Hành chính và Kinh tế Chính của SS (Wirtschafts- und Verwaltungshauptamt; viết tắt là WVHA).[195] Toàn bộ hệ thống trại tập trung được đặt dưới quyền của WVHA.[196] SS sở hữu Sudetenquell GmbH, một nhà máy sản xuất nước khoáng ở Sudetenland. Đến năm 1944, SS đã mua 75% hãng nước khoáng tại Đức và có ý đồ nắm độc quyền ngành này.[213] Một số trại tập trung sản xuất vật liệu xây dựng như đá, gạch và xi măng cho Deutsche Erd- und Steinwerke cũng thuộc sở hữu của SS (Nhà máy Đất và Đá Đức; viết tắt là DEST).[214] Tại các vùng lãnh thổ phía Đông bị chiếm đóng, SS giành độc quyền sản xuất gạch bằng cách chiếm giữ tất cả 300 xưởng gạch còn tồn tại.[213] DWB còn lập ra Ost-Deutsche Baustoffwerke (Vật liệu cung ứng xây dựng Đông Đức; GmbH hay ODBS) và Deutsche Edelmöbel GmbH (Nội thất Cao cấp Đức). Các hãng này tiến hành sản xuất vật liệu trong các nhà máy mà SS cưỡng đoạt từ người Do Thái và người Ba Lan.[215]
SS sở hữu các trang trại thử nghiệm, tiệm bánh, nhà máy đóng gói thịt, xưởng da thuộc, nhà máy sản xuất quần áo và đồng phục cùng các nhà máy sản xuất vũ khí nhỏ.[216][217] Dưới sự chỉ đạo của WVHA, SS đã cho các nhà máy thuê lao động với giá từ 3 đến 6 Reichsmark mỗi tù nhân mỗi ngày.[218] Ngoài việc tịch thu và bán tài sản của các tù nhân trong trại tập trung, SS còn tịch thu danh sách vốn đầu tư và tiền mặt của họ, đồng thời thu lợi từ những người chết bằng việc bán tóc làm nỉ hoặc nấu chảy vàng từ vật liệu trám răng.[219] SS-Gruppenführer (Trung tướng bậc 1) Odilo Globocnik liệt kê tổng giá trị tài sản mà SS cưỡng đoạt từ các nạn nhân trong Chiến dịch Reinhard (không bao gồm Auschwitz) là 178.745.960,59 Reichsmark. Vật dụng chiếm đoạt bao gồm 2.909,68 kg vàng trị giá 843.802,75 RM, 18.733,69 kg bạc, 1.514 kg bạch kim, 249.771,50 đô-la Mỹ, 130 trang sức kim cương, 13.458,62 cara kim cương, 2.511,87 cara kim cương đa mặt, 114 kg ngọc trai.[220] Theo luật thì tài sản của người Do Thái thuộc về nhà nước nhưng nhiều chỉ huy và lính gác trại thường lấy cắp kim cương, tiền mặt để trục lợi. Họ cũng thường tuồn những mặt hàng thực phẩm và rượu bị tịch thu ra thị trường chợ đen.[221]
Tình thế đảo chiều
sửaVào ngày 5 tháng 7 năm 1943, quân Đức khai màn trận vòng cung Kursk để tiêu diệt chỗ lồi của Hồng quân Liên Xô tại Kursk.[222] Gần như toàn bộ lực lượng Waffen-SS – khi ấy đã mở rộng thành 12 sư đoàn – đều tham gia trận đánh.[223] Trước sự kháng cự quyết liệt của Liên Xô, Hitler lệnh hoãn tấn công vào ngày 12 tháng 7. Tới ngày 17, Hitler quyết định đình chỉ chiến dịch và chỉ thị lui binh.[224] Kể từ đó, người Đức đánh mất thế chủ động, trong khi Hồng quân dần bước giải phóng miền tây nước Nga.[225] Vào thời điểm Waffen-SS và Wehrmacht hứng chịu tổn thất lớn tại Kursk, Đồng Minh phương Tây phát động tấn công Ý, mở ra mặt trận thứ hai cho Đức.[226]
Cuộc đổ bộ Normandie
sửaBị báo động bởi những cuộc oanh tạc của Không quân Đồng Minh ở Saint-Nazaire và Dieppe năm 1942, Hitler chỉ thị xây một phòng tuyến công sự mà ông gọi là bức tường Đại Tây Dương bao trùm hết bờ biển Đại Tây Dương từ Tây Ban Nha đến Na Uy nhằm ngăn ngừa Đồng Minh đổ bộ.[227] Các ụ súng bằng bê tông được xây dựng tại các điểm chiến lược dọc theo bờ biển và trên bãi biển có bố trí cọc gỗ, khối kim loại ba chân, mìn, và chướng ngại chống tăng để trì hoãn tàu đổ bộ tiếp cận bờ và cản trở sự di chuyển của xe tăng.[228] 11 sư đoàn Panzer và Panzergrenadier (bộ binh cơ giới) cùng một vài sư đoàn bộ binh cố định được bố trí tại gần bờ biển.[229][230] Bốn sư đoàn trong đội hình này là các sư đoàn trực thuộc Waffen-SS.[231]
Sau khi tham chiến ở Liên Xô, SS-Das Reich được chuyển đến miền nam nước Pháp và LSSAH được chuyển đến Bỉ đều được tái trang bị. Một sư đoàn Panzer mới lập khác mang tên SS-Hitlerjugend thì đóng quân ở phía tây Paris. Đa phần nhân sự của sư đoàn được chiêu mộ từ những thành viên 17–18 tuổi của Đoàn Thanh niên Hitler và được hỗ trợ bởi các cựu binh và sĩ quan không ủy nhiệm có kinh nghiệm trận mạc.[232] SS-Hitlerjugend thành lập là dấu hiệu cho thấy Hitler đang tuyệt vọng muốn có thêm lính, nhất là những người vâng lời ông ta một cách mù quáng.[233]
Quân đội Đồng Minh phương Tây, yểm trợ bởi hải quân và không quân, bắt đầu triển khai cuộc đổ bộ lớn nhất lịch sử nhân loại kể từ ngày 6 tháng 6 năm 1944. Sư đoàn Panzer số 21 dưới quyền của Generalmajor (Thiếu tướng) Edgar Feuchtinger bố trí ở phía nam Caen là sư đoàn thiết giáp duy nhất đóng gần bờ biển. Sư đoàn này có tổng cộng 150 xe tăng và 50 pháo tự hành tấn công, có bộ binh và pháo binh yểm trợ.[234] Vào lúc 02:00, Generalleutnant (Trung tướng) Wilhelm Richter, tư lệnh Sư đoàn Bộ binh cố định số 716, lệnh cho Sư đoàn Panzer 21 sẵn sàng phản công. Tuy nhiên, vì sư đoàn này là một phần của đội dự bị thiết giáp, Feuchtinger buộc phải có sự cho phép của OKW (Bộ Tư lệnh) mới có thể ra quân.[235] Phải tới gần 09:00 sáng Feuchtinger mới nhận được chỉ thị từ Bộ Tư lệnh. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, ông đã điều một nhóm (có xe tăng) đánh chặn quân Anh ở bờ đông sông Orne.[236] SS-Hitlerjugend bắt đầu được triển khai vào chiều ngày 6 tháng 6 và tham gia phòng thủ ngày hôm sau. Sư đoàn này tham gia trận Caen (tháng 6–tháng 8 năm 1944).[237] Vào ngày 7–8 và 17 tháng 6, người của SS-Hitlerjugend đã sát hại 20 tù binh Canada trong vụ thảm sát ở tu viện Ardenne.[238]
Quân Đồng Minh liên tiếp thu về những thắng lợi quan trọng trong chiến dịch giải phóng nước Pháp. Vào ngày 4 tháng 8, Hitler ra lệnh phản công từ Vire về phía Avranches (Chiến dịch Lüttich).[239] Tham chiến lần này có LSSAH, Das Reich, Sư đoàn Panzer số 2, 116 cùng sự yểm trợ của bộ binh và các bộ phận thuộc Sư đoàn Panzergrenadier SS số 17 Götz von Berlichingen do SS-Obergruppenführer (Thượng tướng SS) Paul Hausser chỉ huy. Theo kế hoạch, lực lượng này sẽ tiến hành tấn công quân Đồng Minh ở gần Mortain, sau đó thì tiến về phía tây qua Avranches để ra bờ biển. Tuy nhiên nước đi này bị quân Đồng Minh đoán trước. Không quân Đồng Minh tiến hành oanh tạc đội hình kết hợp, gây ra những tổn thất kinh hoàng cho Đức.[240] Vào ngày 21 tháng 8, 5 vạn lính Đức, trong đó có đa phần lực lượng LSSAH, bị Đồng Minh vây hãm tại Falaise.[241] Tàn quân LSSAH buộc phải tháo chạy về Đức để tái trang bị.[242] Chiến dịch Normandie kết thúc sau khi Paris được giải phóng vào ngày 25 tháng 8 rồi đơn vị Đức cuối cùng thoái lui về hữu ngạn sông Seine vào cuối tháng đó.[243]
Trận chiến nước Đức
sửaNhững đơn vị Waffen-SS còn sót lại sau chiến dịch mùa hè được lệnh rút khỏi tiền tuyến để tái trang bị. Hai trong số đó, Sư đoàn Panzer SS số 9 và Sư đoàn Panzer số 10 SS, được tái trang bị tại khu vực Arnhem của Hà Lan đầu tháng 9 năm 1944. Vào ngày 17 tháng 9, khi quân Đồng Minh tổ chức các cuộc tấn công kết hợp cả không lẫn bộ trong khuôn khổ Chiến dịch Market Garden nhằm giành quyền kiểm soát vùng hạ lưu sông Rhein,[244] họ đã bị các lực lượng Đức tại đây (trong đó có cả Panzer SS số 9 và 10) đẩy lui.[245]
Tháng 12 năm 1944, Hitler phát động chiến dịch phản công Ardennes với mục đích tiếp cận Antwerpen và bao vây quân Đồng Minh tại Bỉ.[246] Cuộc tấn công mở màn bằng một trận pháo kích ngay rạng sáng ngày 16 tháng 12. Mũi nhọn của cuộc tấn công lần này là hai đội Panzer tập hợp chủ yếu từ các sư đoàn Waffen-SS.[247] Mọi chuyện diễn ra tương đối suôn sẻ đối với người Đức cho đến khi họ phải băng qua khu vực rừng đồi Ardennes trong điều kiện thời tiết mùa đông. Các đơn vị tác chiến Đức nhanh chóng gặp sự phản kháng mạnh mẽ từ Sư đoàn Bộ binh số 2 và 99 của Hoa Kỳ. Đến ngày 23 tháng 12, thời tiết tốt trở lại, không quân Đồng Minh tiến hành không kích quân Đức và bộ phận tiếp tế gây thiếu hụt nhiên liệu. Tình hình trở nên không mấy khả quan đối với người Đức khi mà bước tiến của họ dần chậm lại và chung cuộc bị chặn đứng.[248] Chiến dịch thất bại khiến Hitler mất khoảng 700 xe tăng, gần như toàn bộ lực lượng cơ động còn sót lại ở phía tây,[249] cũng như phần lớn nhân lực và vật lực dự trữ không thể thay thế.[250]
Trước khi lui binh, SS-Obersturmbannführer (Trung tá SS) Joachim Peiper đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho quân Đồng Minh khi binh lính Waffen-SS dưới quyền của ông thảm sát tù binh Mỹ và dân thường Bỉ không có vũ trang trong vụ thảm sát Malmedy.[251] Sau chiến tranh, binh sĩ SS trực thuộc Kampfgruppe Peiper (Đội tác chiến Peiper) bị đưa ra xét xử vì những hành động tàn bạo mà họ gây ra trong khu vực này. Nhiều thủ phạm bị tuyên án tử hình song được giảm án. Vì vai trò của mình, Peiper bị tuyên án 11 năm tù.[252]
Ở phía đông, Hồng quân Liên Xô tái khởi động cuộc tấn công vào ngày 12 tháng 1 năm 1945. Trên mặt trận Xô – Đức, quân Đức bị áp đảo số lượng 20/1 về máy bay, 11/1 về bộ binh, 7/1 về xe tăng.[253] Tới cuối tháng 1, Hồng quân đã chiếm được đầu cầu[f] bên tả ngạn sông Oder – chướng ngại địa lý cuối ở phía đông Berlin.[254] Đồng Minh phương Tây cũng tiếp tục đạt được những tiến triển song không nhanh bằng Hồng quân.[255] Quân đoàn Panzer cố thủ thành công tại sông Hron vào ngày 17–24 tháng 2, làm chậm bước tiến của quân Đồng Minh đến Viên.[256] Quân đoàn Panzer số 1 và 2 tiến về Áo nhưng bị chậm do hệ thống đường sắt đã bị phá huỷ nặng nề trong các cuộc oanh tạc.[257]
Sau khi Budapest thất thủ vào ngày 13 tháng 2,[258] Hitler lệnh cho Tập đoàn quân Panzer SS số 6 của Dietrich đến Hungary để bảo vệ các mỏ dầu và xưởng lọc dầu tại Nagykanizsa mà ông cho là nguồn dự trữ nhiên liệu quan trọng nhất về mặt chiến lược ở phía đông.[259][256] Cuộc tấn công cuối cùng của Đức ở phía đông, Frühlingserwachsen (Chiến dịch mùa xuân thức tỉnh), diễn ra vào đầu tháng 3. Quân Đức tiến hành phản công gần hồ Balaton với Tập đoàn quân Panzer SS số 6 tiến lên phía bắc đến Budapest và Tập đoàn quân Panzer số 2 di chuyển về phía đông và nam.[260] Quân của Dietrich ban đầu gặt hái một số thành công song bị chặn khi đến gần sông Danube bởi địa hình bùn lầy và sự phản kháng mạnh mẽ của Liên Xô.[261] Đến ngày 16 tháng 3, kế hoạch của quân Đức chính thức phá sản.[262] Tức giận sau khi nghe tin bại trận, Hitler lệnh cho toàn bộ đơn vị Waffen-SS có liên quan phải tháo huy hiệu trên tay áo như một dấu hiệu của sự ô nhục. Dietrich từ chối thực thi mệnh lệnh này.[263]
Tính đến thời điểm này, trên cả hai mặt trận đông tây, quân Đồng Minh nhận thức rõ các hành vi của SS sau khi giải phóng các trại tập trung và hành quyết.[264] Binh lính Đồng Minh hoài nghi và ghê tởm trước bằng chứng về sự tàn bạo của Đức Quốc Xã tại những trại này.[265]
Vào ngày 9 tháng 4 năm 1945, Königsberg rơi vào tay Hồng quân. Sang đến ngày 13 thì đơn vị SS của Dietrich cũng đã bị đẩy khỏi Viên.[266] Pháo binh Liên Xô khai hỏa lúc 03:30 ngày 16 tháng 4, mở màn Trận Berlin.[267] Trong suốt một tuần, giao tranh diễn ra quyết liệt trong khu vực nội thành. Thành phần phòng thủ Berlin bao gồm lính Waffen-SS người Pháp, Latvia và Scandinavia.[268][269] Lúc bấy giờ, Hitler tuy đang ẩn nấp trong Führerbunker phía dưới phủ thủ tướng những vẫn hy vọng số binh sĩ SS còn sót lại có thể giải nguy cho thủ đô. Bất chấp tình cảnh vô vọng, quân SS tuần tra thành phố tiếp tục xử bắn hoặc treo cổ bất kỳ người lính hoặc người dân nào có hành vi bị xem là hèn nhát và chủ bại.[270] Quân phòng thủ Berlin đầu hàng vào ngày 2 tháng 5 – hai ngày sau khi Hitler tự sát.[267] Vì không trông mong nhiều vào sự nhân từ của Hồng quân, nhiều thành viên SS chọn cách đào thoát về phía tây để đầu hàng Đồng Minh phương Tây.[271]
Các đơn vị và chi nhánh SS
sửaReichssicherheitshauptamt
sửaHeydrich giữ chức Chef der Sicherheitspolizei und des SD (Chánh Cảnh sát an ninh và SD) đến ngày 27 tháng 9 năm 1939 rồi trở thành giám đốc Reichssicherheitshauptamt (Văn phòng An ninh Chính Quốc gia; viết tắt là RSHA) mới thành lập.[68][272] Từ thời điểm đó trở đi, RSHA phụ trách các lực lượng bảo mật SS, bao gồm SD, Kripo, Gestapo, cùng một vài cơ quan khác xử lý các vấn đề tài chính, quản trị và nguồn cung.[68] Heinrich Müller, người trước đó từng là giám đốc điều hành của Gestapo, đã được bổ nhiệm làm thủ lĩnh mới của lực lượng này.[273] Arthur Nebe trở thành chỉ huy trưởng của Kripo, còn hai nhánh SD do một loạt sĩ quan SS như Otto Ohlendorf và Walter Schellenberg chỉ huy. SD được coi là lực lượng ưu tú của SS; thành viên SD được đào tạo bài bản hơn và thường tham vọng hơn những người trong hàng ngũ Allgemeine SS.[50] Các thành viên của SD được huấn luyện về tội phạm học, tình báo và phản tình báo. Họ cũng nổi tiếng tàn nhẫn và trung thành tuyệt đối với ý thức hệ Đức Quốc Xã.[274]
Vào ngày 27 tháng 5 năm 1942, một tổ binh sĩ người Séc và Slovak do Anh đào tạo đã tấn công Heydrich ở Praha. Đây là những người được chính phủ lưu vong Tiệp Khắp cử đi giết Heydrich trong chiến dịch Anthropoid. Heydrich bị thương và qua đời một tuần sau.[275][g] Himmler tạm thời điều hành RSHA đến ngày 30 tháng 1 năm 1943, rồi Ernst Kaltenbrunner lên tiếp quản những vị trí Heydrich từng nắm giữ.[277]
SS-Sonderkommando
sửaBắt đầu từ năm 1938 cũng như trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai, SS ban hành một thủ tục cho phép các phòng ban và đơn vị SS tạo lập những đơn vị con gọi là SS-Sonderkommando (Biệt động Đặc biệt SS) để thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt, bao gồm cả các hoạt động giết người quy mô lớn, dẫn đến việc lực lượng SS-Sonderkommando được triển khai trên diện rộng. Theo lời của cựu SS-Sturmbannführer (Thiếu tá SS) Wilhelm Höttl, ngay cả giới lãnh đạo SS cũng không biết có bao nhiêu SS-Sonderkommando từng được thành lập, giải thể và cải tổ cho các nhiệm vụ khác nhau, đặc biệt là ở Mặt trận phía Đông.[278]
Đơn vị SS-Sonderkommando của SS-Sturmbannführer Herbert Lange đã sát hại 1.201 bệnh nhân bệnh viện tâm thần Tiegenhof ở thành phố tự do Danzig,[279] 1.100 ở Owińska, 2.750 ở Kościan, 1.558 ở Działdowo, cùng hàng trăm người Ba Lan ở trại Pháo đài VII nơi có xe và buồng hơi ngạt.[280][281] Trong các năm 1941–42, SS-Sonderkommando Lange đã xây dựng và quản lý trại hành quyết đầu tiên tại Chełmno, tại đây 152.000 người Do Thái đã bị giết bằng xe hơi ngạt.[282]
Tháng 2 năm 1943, sau trận Stalingrad, Himmler linh cảm rằng nước Đức sẽ thua nên đã cho thành lập một đội đặc nhiệm mang tên Sonderkommando 1005 do SS-Standartenführer (Thượng tá SS) Paul Blobel chỉ huy. Nhiệm vụ của đơn vị này là đến những hố chôn tập thể ở Mặt trận phía Đông để tiến hành khai quật và phi tang xác chết nhằm che giấu tội ác diệt chủng. Khi chiến tranh kết thúc, Sonderkommando 1005 vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ mà Himmler giao phó. Vì vậy nên nhiều hố chôn vẫn chưa được đánh dấu hoặc khai quật.[283]
Eichmann Sonderkommando là đội đặc nhiệm dưới trướng Adolf Eichmann được cử đến Budapest vào ngày 19 tháng 3 năm 1944, cùng ngày phe Trục xâm lược Hungary. Các đơn vị SS-Sonderkommando tranh thủ sự trợ giúp của các phần tử bài Do Thái thuộc lực lượng hiến binh Hungary và những nhà quản lý thân Đức thuộc Bộ Nội vụ Hungary để phụ trách công tác trục xuất người Do Thái Hungary đến Auschwitz.[284] Hoạt động vây bắt được tiến hành vào ngày 16 tháng 4. Kể từ ngày 14 tháng 5, mỗi ngày đều có tới bốn đoàn tàu chở 3.000 người Do Thái rời Hungary đến Auschwitz II-Birkenau. Con tàu sẽ vào nhánh đường ray mới xây nằm cách khu phòng hơi ngạt vài trăm mét.[285][286] Từ 10 đến 25% số người trên mỗi chuyến tàu được chọn làm lao động khổ sai, số còn lại bị giết chỉ trong vòng vài giờ sau khi đến.[285][287] Dưới áp lực quốc tế, chính phủ Hungary đã ngừng trục xuất người Do Thái vào ngày 6 tháng 7 năm 1944. Tính đến thời điểm đó, hơn 437.000 trong số 725.000 người Do Thái của Hungary đã phải bỏ mạng.[285][288]
Einsatzgruppen
sửaEinsatzgruppen (đội đặc nhiệm)[119] có nguồn gốc từ lực lượng Einsatzkommando (Biệt động đặc nhiệm) Đặc biệt được Heydrich thành lập sau sự kiện Anschluss ở Áo vào tháng 3 năm 1938.[289] Tháng 10 năm 1938, có hai đơn vị Einsatzgruppen đồn trú tại Sudetenland – lãnh thổ mới được Tiệp Khắc nhượng lại theo Thỏa thuận München. Về sau, Einsatzgruppen nhận nhiệm vụ tịch thu giấy tờ chính phủ và tài liệu của cảnh sát Tiệp Khắc tại địa phương. Họ canh giữ các tòa nhà chính phủ, thẩm vấn các công chức cấp cao và bắt giữ khoảng 10.000 người cộng sản Séc và công dân Đức.[289][290] Einsatzgruppen cũng theo chân Wehrmacht và thẳng tay sát hại những phần tử bị tình nghi là kháng quân.[291] Các đơn vị tương tự được sử dụng vào năm 1939 khi Đức chiếm đóng Tiệp Khắc.[292]
Hitler cảm thấy việc giết người Do Thái có kế hoạch là quá khó và quá quan trọng để có thể giao phó cho quân đội.[293] Năm 1941, Einsatzgruppen được cử đến Liên Xô để bắt đầu cuộc diệt chủng người Do Thái, Di-gan và cộng sản trên diện rộng.[294] Nhà sử học Raul Hilberg ước tính rằng Einsatzgruppen cùng các cơ quan liên quan đã gây ra cái chết của hơn 2 triệu người, trong đó có 1,3 triệu người Do Thái, trong khoảng thời gian từ năm 1941 đến năm 1945.[295] Vụ xử bắn hàng loạt lớn nhất mà Einsatzgruppen thực hiện là tại Babi Yar ở ngoại ô Kiev, khi 33.771 người Do Thái phải bỏ mạng trong một cuộc càn quét diễn ra trong hai ngày 29–30 tháng 9 năm 1941.[296] Tháng 9–12 năm 1941, Einsatzgruppen tham gia sát hại 25.000 người từ khu ghetto Riga trong thảm sát Rumbula.[297] Một vụ xử bắn hàng loạt khác diễn ra vào đầu năm 1942 cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người Do Thái ở Kharkiv.[298]
Einsatzgruppen buộc phải giải thể vào giữa năm 1944 (dù một số vẫn tiếp tục tồn tại trên giấy tờ cho đến năm 1945) do quân Đức rút lui trên cả hai mặt trận khiến hoạt động tàn sát không thể tiếp tục. Các cựu thành viên Einsatzgruppen được giao nhiệm vụ tại Waffen-SS hoặc trại tập trung. Sau khi chiến tranh kết thúc, 24 chỉ huy Einsatzgruppen đã bị đưa ra xét xử vì tội ác chiến tranh.[299]
Văn phòng tòa án chính SS
sửaVăn phòng tòa án chính SS (Hauptamt SS-Gericht) là một cơ quan pháp luật nội bộ có nhiệm vụ thực hiện các cuộc điều tra, xét xử và trừng phạt của SS và cảnh sát. Bộ phận này có hơn 600 luật sư làm việc tại các văn phòng chính ở Berlin và München. Quá trình tố tụng được tiến hành tại 38 tòa án SS địa phương trên khắp nước Đức. Đây là cơ quan duy nhất được phép xét xử các nhân viên SS, ngoại trừ các thành viên SS đang hoạt động trong Wehrmacht (những thành viên SS này sẽ được xét xử tại một tòa án quân sự tiêu chuẩn). Sự ra đời của Tòa án này đã khiến SS vượt ngoài tầm xử lý của cơ quan thẩm quyền dân sự. Himmler đích thân can thiệp vào việc kết tội và trừng trị khi thấy thích hợp.[300] Nhà sử học Karl Dietrich Bracher mô tả hệ thống tòa án này là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành một nhà nước cảnh sát toàn trị khi nó loại bỏ mọi thủ tục pháp lý khách quan, khiến công dân không có cơ hội biện hộ trước một nền "công lý giản lược của khủng bố SS".[301]
Kỵ binh SS
sửaNgay sau khi Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, hầu hết các hiệp hội cưỡi ngựa đều do SA và SS tiếp quản.[302] Các thành viên được huấn luyện chiến đấu để phục vụ trong Reiter-SS (Quân đoàn kỵ binh SS).[303] Trung đoàn kỵ binh SS đầu tiên, mang tên SS-Totenkopf Reitstandarte số 1, được thành lập vào tháng 9 năm 1939. Đơn vị nằm dưới sự chỉ huy của SS-Standartenführer (Thượng tá) Hermann Fegelein, được cử tới Ba Lan tham gia tiêu diệt giới trí thức nước này.[304][305] Tháng 5 năm 1940, SS bổ sung thêm nhiều đội kỵ binh mới, nâng số tổng số trung đoàn lên mười bốn.[306]
Hai trung đoàn tách từ SS-Totenkopf Reitstandarte 1 vào tháng 12 năm 1939 đều do Fegelein phụ trách. Tổng binh lực của hai trung đoàn này tính đến tháng 3 năm 1941 là 3.500 người.[307][308] Tháng 7 năm 1941, họ tổ chức vây bắt và sát hại người Do Thái và quân kháng chiến trong chiến dịch thanh trừng đầm lầy Pripyat.[309] Vào ngày 31 tháng 7, hai trung đoàn trên được hợp nhất thành Lữ đoàn kỵ binh SS.[310] Báo cáo cuối cùng của Fegelein ngày 18 tháng 12 năm 1941 nói rằng họ đã giết 14.178 người Do Thái, 1.001 kháng quân, 699 lính Hồng quân, bắt giam 830 người.[311][312] Nhà sử học Henning Pieper ước tính số người Do Thái bị giết trên thực tế là gần 23.700.[313] Lữ đoàn kỵ binh SS chịu tổn thất nghiêm trọng trong trận Moskva tháng 11 năm 1941, với thương vong lên tới 60% trong một số đội.[314] Fegelein được bổ nhiệm làm chỉ huy Sư đoàn kỵ binh SS số 8 Florian Geyer vào ngày 20 tháng 4 năm 1943. Đơn vị này nhận nhiệm vụ đàn áp quân kháng chiến và dân thường ở Liên Xô.[315][316] Ngoài các đơn vị trên ra còn có các trung đoàn kỵ binh SS khác phục vụ tại Croatia và Hungary.[317]
Đoàn y tế SS
sửaQuân đoàn y tế SS ban đầu được gọi là Sanitätsstaffel (đơn vị y tế). Sau năm 1931, SS lập ra Amt V làm văn phòng trung ương cho những đơn vị y tế SS. Năm 1938, một học viện y SS được lập ở Berlin để đào tạo bác sĩ quân y của Waffen-SS.[318] Nhiệm vụ chính của nhân viên y tế SS là thúc đẩy công cuộc y tế hóa diệt chủng thay vì công tác chăm sóc người bệnh.[319] Tại Auschwitz, khoảng 3/4 số người mới đến, bao gồm hầu hết trẻ em, phụ nữ có con nhỏ, toàn bộ người già hay bất kỳ người nào không vượt qua bài kiểm tra sức khỏe ngắn và hời hợt của bác sĩ SS đều sẽ bị giết trong vòng vài giờ sau khi nhập trại.[320] Trong vai trò là Desinfektor (người khử trùng), các bác sĩ SS chọn lựa nhân công theo tiêu chí thể lực và giám sát công tác giết bất kỳ ai không đáp ứng yêu cầu. Tù nhân có sức khỏe yếu bị bác sĩ SS kiểm tra và quyết định xem có thể khỏe lại trong dưới hai tuần không. Những người bị thương hoặc ốm quá nặng và không thể phục hồi trong khung thời gian đó sẽ bị giết.[321]
Tại Auschwitz, khâu cấp phát hơi độc đến nạn nhân luôn do nhân viên SS thực hiện theo lệnh của các y bác sĩ SS.[322][323] Nhiều bác sĩ SS cũng tiến hành các thí nghiệm y tế vô nhân đạo trên các tù nhân trong trại.[324] Bác sĩ SS khét tiếng nhất, Josef Mengele, từng phục vụ trong vai trò cán bộ y tế tại Auschwitz dưới sự chỉ huy của Eduard Wirths thuộc lực lượng quân y của trại.[325] Hy vọng tìm được đối tượng để thí nghiệm, Mengele tiến hành tuyển chọn bệnh nhân ngay cả khi công việc không yêu cầu.[326] Mengele đặc biệt quan tâm đến những cặp song sinh.[327] Trong khi các bác sĩ khác coi việc tìm đối tượng là một trong những nhiệm vụ căng thẳng và kinh khủng nhất của họ, Mengele lại làm việc này với vẻ khoa trương và thường mỉm cười hoặc huýt sáo khi làm việc.[328][329] Sau chiến tranh, nhiều bác sĩ SS bị cáo buộc tội ác chiến tranh vì những thí nghiệm y khoa vô nhân tính và vai trò của họ trong công tác chọn lọc tù nhân.[330]
Các đơn vị SS khác
sửaAhnenerbe
sửaAhnenerbe (Tổ chức Di sản Tổ tiên) được Himmler thành lập vào năm 1935 và trở thành một phần của SS vào năm 1939.[331] Ahnenerbe là cơ quan bảo trợ cho hơn năm mươi tổ chức có nhiệm vụ nghiên cứu bản sắc chủng tộc của người Đức cũng như về truyền thống và ngôn ngữ dân tộc German cổ đại.[331][332] Cơ quan này tài trợ cho các cuộc thám hiểm khảo cổ ở Đức, Scandinavia, Trung Đông, Tây Tạng cũng như một số nơi khác nhằm tìm kiếm bằng chứng về nguồn gốc, ảnh hưởng và sự ưu việt của người Arya.[333] Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, các cuộc thám hiểm lên kế hoạch từ trước đều đã bị hoãn vô thời hạn.[334]
SS-Frauenkorps
sửaSS-Frauenkorps (Quân đoàn nữ) là một đơn vị báo cáo và văn thư phụ trợ,[335] với thành phần chính là SS-Helferinnenkorps (Quân đoàn trợ giúp nữ) được cấu thành từ các nữ tình nguyện viên. Các thành viên được chỉ định làm nhân viên hành chính và nhân viên cung ứng. Họ cũng thường phục vụ ở các vị trí chỉ huy hoặc làm lính canh tại các trại tập trung nữ.[336][337] Lính canh trại tập trung và hành quyết nữ là nhân viên dân sự của SS. SS-Helferinnen (Phụ tá nữ SS) hoàn thành khóa huấn luyện tại Reichsschule für SS-Helferinnen (Trường dành cho những nữ phụ tá SS) ở Oberehnheim (Alsace) sẽ là thành viên chính quy của Waffen-SS.[338] Tương tự các đồng sự nam giới, SS nữ cũng tham gia đàn áp, tàn sát người Do Thái, người Ba Lan và các dân tộc khác.[339]
Năm 1942, Himmler thành lập Reichsschule für SS Helferinnen ở Oberehnheim để đào tạo phụ nữ trong lĩnh vực liên lạc. Trong thời điểm mà quân đội Đức đang cần người trên tiền tuyến thì mục tiêu của khóa đào tạo này là để phụ nữ có thể thay nam giới đảm nhận các cộng việc ở hậu phương. Himmler cũng có ý định thay thế tất cả các nữ nhân viên dân sự phục vụ của mình bằng các thành viên SS-Helferinnen vì họ được lựa chọn và đào tạo theo hệ tư tưởng của Đức Quốc Xã.[340][341] Reichsschule für SS Helferinnen phải đóng cửa vào ngày 22 tháng 11 năm 1944 trước cuộc tiến công của quân Đồng Minh.[342]
SS-Mannschaften
sửaSS-Mannschaften (Lực lượng Phụ trợ SS) không được coi là thành viên SS chính quy nhưng được tuyển mộ từ các nhánh khác thuộc quân đội Đức, NSDAP, SA và Volkssturm để phục vụ trong các trại tập trung và trại hành quyết.[343]
Lính lê dương và tình nguyện viên ngoại quốc
sửaKể từ năm 1940, Himmler mở đợt tuyển mộ những người Đức không mang quốc tịch Đức gia nhập Waffen-SS.[344] Vào tháng 3 năm 1930, Văn phòng Chính của SS thành lập Germanische Leitstelle (Văn phòng Hướng dẫn German) để mở các văn phòng tuyển mộ Waffen-SS trên các vùng lãnh thổ châu Âu do Đức Quốc Xã chiếm đóng.[345] Phần lớn thành viên của các đơn vị Waffen-SS nước ngoài đều sẽ đeo phù hiệu cổ áo đại diện cho quốc gia xuất xứ. Tên gọi của các lực lượng Waffen-SS nước ngoài có tiền tố Waffen thay vì SS. Tình nguyện viên từ Scandinavia được chia đều thành hai sư đoàn là SS-Wiking và SS-Nordland.[346] Tình nguyện viên người Thụy Sĩ nói tiếng Đức tham gia với số lượng lớn.[347] Người Vlaanderen Bỉ gia nhập người Hà Lan để thành lập quân đoàn SS-Nederland[348] còn người Wallonie nói tiếng Pháp gia nhập lực lượng SS-Wallonien.[349] Đến cuối năm 1943, khoảng một phần tư binh sĩ SS là người gốc Đức đến từ khắp châu Âu.[350] Sang đến năm 1944, hơn một nửa nhân sự Waffen-SS (và SS) là người sinh ra ở nước ngoài.[351][352]
Waffen-SS bổ sung thêm nhân lực từ người Ukraina, người Albania từ Kosovo, người Serbia, người Croatia, người Đột Quyết, người da trắng, người Cossack và người Ấn Độ.[353] Lý do người Ukraina và người Tatar tình nguyện gia nhập SS có lẽ là do phải chịu sự đàn áp dưới thời Stalin chứ không phải vì họ có cùng ý thức hệ với SS.[354] Hitler tranh thủ được sự ủng hộ của một số nhân vật có tiếng nói trong giới tăng lữ Hồi giáo. Đại Mufti lưu vong của Jerusalem Amin al-Husseini được Himmler phong làm SS-Gruppenführer (thiếu tướng SS) vào tháng 5 năm 1943.[355] Al-Husseini lợi dụng chủ nghĩa bài Do Thái và lòng căm thù người Serbia để tuyển mộ người Hồi giáo Bosnia gia nhập sư đoàn SS-Handschar.[356] Việc quân Liên Xô chiếm đóng các nước Baltic trong hơn một năm vào đầu Thế chiến thứ hai là động lực thúc đẩy tình nguyện viên Latvia và Estonia gia nhập các đơn vị Waffen-SS. Quân đoàn Estonia có 1.280 tình nguyện viên đang được huấn luyện vào cuối năm 1942.[357] Khoảng 25.000 người phục vụ trong sư đoàn Estonia của SS, cộng với hàng nghìn người tham gia vào các tiểu đoàn thuộc Mặt trận Cảnh sát và các đơn vị biên phòng.[358] Hầu hết người Estonia tham chiến để giành độc lập và trong đó có tới 15.000 người hy sinh khi chiến đấu cùng quân Đức.[359] Vào đầu năm 1944, Himmler thậm chí còn đề nghị Oswald Pohl phóng thích các tù nhân Hồi giáo khỏi các trại tập trung để bổ sung vào lực lượng SS.[360]
Quân đoàn Ấn Độ là một đơn vị trực thuộc Wehrmacht được thành lập vào tháng 8 năm 1942. Các thành viên của lực lượng này phần nhiều là lính Ấn Độ thuộc quân đội Anh-Ấn bị bắt trong chiến dịch Bắc Phi.[361] Vào tháng 8 năm 1944, đơn vị được chuyển giao cho Waffen-SS quản lý và đổi tên thành Indische Freiwilligen-Legion der Waffen-SS (Binh đoàn Lê dương Ấn Độ tự do thuộc Waffen-SS). Bên cạnh đó, một sư đoàn tình nguyện của Pháp có tên là SS-Charlemagne được thành lập vào năm 1944, lấy nhân lực chủ yếu từ tàn quân của Quân đoàn tình nguyện Pháp chống chủ nghĩa Bolshevik và Sturmbrigade (Lữ đoàn xung kích) Pháp.[362]
Quân hàm và quân phục
sửaSS đã thiết lập biểu tượng, nghi lễ, phong tục, cấp bậc và đồng phục riêng để tạo sự khác biệt với các tổ chức khác. Trước năm 1929, SS mặc đồng phục màu nâu tương tự SA, mang thêm cà vạt đen và mũ lưỡi trai đen có biểu tượng hai khúc xương đặt chéo nhau và Totenkopf (đầu lâu). Năm 1932, SS chuyển sang đồng phục đen.[16][363] Năm 1935, các đội hình chiến đấu của SS đưa đồng phục màu xám xanh mặc hằng ngày vào sử dụng. SS cũng phát triển đồng phục dã chiến riêng, gồm áo khoác có thể lộn ngược và mũ đội có in hoa văn ngụy trang.[364] Phần lớn đồng phục SS được sản xuất tại hàng trăm nhà máy được cấp phép, có một số công nhân là tù nhân chiến tranh lao động cưỡng bức tuy nhiên cũng có số lượng không nhỏ được sản xuất tại các trại tập trung.[365]
Hitler và đảng Quốc xã hiểu được sức mạnh của biểu tượng và phù hiệu trong việc tác động dư luận.[366] Tia chớp cách điệu được chọn làm biểu tượng của SS vào năm 1932. Hai biểu tượng này là một cặp chữ lấy từ bộ 18 chữ Rune Armanen do Guido von List tạo ra năm 1906. Chữ này có hình dáng tương tự như chữ Rune Sowilō (ᛋ) cổ, vốn tượng trưng cho mặt trời, nhưng trong bộ chữ của List đã được đổi tên thành "Sig" mang hàm ý chiến thắng.[366] Totenkopf tượng trưng cho sự sẵn sàng quyết tử chiến đấu của người lính và cũng là một phương pháp để khiến kẻ thù khiếp sợ.[367]
Số thành viên SS ước tính (1925 – 45)
sửaSau năm 1933, sự nghiệp ở SS ngày càng trở nên hấp dẫn đối với tầng lớp xã hội của Đức. Họ bắt đầu tham gia phong trào với số lượng lớn, thường được thúc đẩy bởi chủ nghĩa cơ hội chính trị. Đến năm 1938, khoảng một phần ba lãnh đạo SS là thành viên của tầng lớp trung-thượng lưu. Xu hướng này đảo ngược sau cuộc phản công đầu tiên của Liên Xô năm 1942.[368]
Năm Số thành viên Reichsführer-SS 1925 [10] 200Julius Schreck[369] 1926 [370] 200Joseph Berchtold[371] 1927 [370] 200Erhard Heiden[370] 1928 [372] 280Erhard Heiden[370] 1929 [373] 1.000Heinrich Himmler[374] 1930–33 [10] 52.000
(hiệu ứng đoàn tàu)[375]Heinrich Himmler[374] (Đế chế thứ ba thành lập)[376] 1934–39 [377] 240.000Heinrich Himmler[374] 1940–44 [378] 800.000Heinrich Himmler[374] 1944–45 Không rõ Heinrich Himmler[374] và Karl Hanke[379]
Văn phòng SS
sửaTính đến năm 1942, mọi hoạt động của SS được quản lý thông qua mười hai văn phòng chính.[380][381]
- Hauptamt Persönlicher Stab Reichsführer-SS (Bộ tham mưu Reichsführer-SS)
- Văn phòng chính SS (SS-HA)
- SS-Führungshauptamt (Văn phòng điều hành chính SS; SS-FHA)
- Tổng cục Bảo an Quốc gia (RSHA)
- Cục quản lý và kinh tế SS (WVHA)
- Ordnungspolizei Hauptamt (Văn phòng Cảnh sát Trật tự chính)
- Văn phòng Tòa án chính SS
- Văn phòng nhân chủng và di cư chính SS (RuSHA)
- Văn phòng nhân sự chính SS
- Hauptamt Volksdeutsche Mittelstelle (Văn phòng Hỗ trợ về chủng tộc Đức; VOMI)
- Văn phòng giáo dục SS
- Văn phòng Ủy viên cường hóa tính dân tộc Đức (RKFDV)
SS Áo
sửaThuật ngữ "SS Áo" thường được sử dụng để chỉ bộ phận thành viên SS đến từ Áo. Dù vậy nhưng SS Áo chưa bao giờ được công nhận là một phân nhánh thực sự của SS. Khác với những thành viên SS đến từ các quốc gia khác, vốn thường được phân vào các Quân đoàn SS-German hoặc Quân đoàn Ngoại quốc của Waffen-SS, thành viên SS Áo là nhân viên SS chính quy. Về mặt kỹ thuật, SS Áo nằm dưới quyền chỉ huy của SS ở Đức nhưng thường hoạt động độc lập trong các vấn đề liên quan tới Áo. Lực lượng SS Áo được thành lập từ năm 1930 và đến năm 1934 bắt đầu hoạt động như một lực lượng bí mật để tiến hành và thúc đẩy quá trình thống nhất Áo với Đức, tức sự kiện Anschluss diễn ra vào tháng 3 năm 1938. Các nhà lãnh đạo SS Áo thời kỳ đầu gồm có Kaltenbrunner và Arthur Seyss-Inquart.[382] Các thành viên SS người Áo phục vụ trong mọi phân nhánh của SS. Nhà khoa học chính trị David Art của Đại học Tufts nói rằng người Áo chiếm 8% dân số của Đệ tam Đế chế và 13% của SS. Ông cũng bổ sung thêm rằng 40% nhân viên và 75% chỉ huy tại các trại tử thần là người Áo.[383]
Sau sự kiện Anschluss, các thành viên SS Áo được sắp xếp thành SS-Oberabschnitt Donau (Phân khu trên SS Donau). Trung đoàn SS-Verfügungstruppe (Der Führer) thứ ba và trung đoàn Totenkopf (Ostmark) thứ tư được biên chế tại Áo ngay sau đó. Theo mệnh lệnh từ Heydrich, các cơ quan chức năng Đức Quốc Xã đã tiến hành bắt giữ hàng loạt kẻ thù tiềm tàng của chế độ ngay sau khi Áo được sáp nhập.[384] Mauthausen là trại tập trung đầu tiên được mở ở Áo sau sự kiện Anschluss.[385] Trước khi Liên Xô xâm lược, Mauthausen là trại tập trung có tình trạng tồi tệ nhất trong số tất cả các trại nằm trong lãnh thổ Đế chế Đại Đức.[386]
Khách sạn Metropole được biến thành trụ sở Gestapo tại Viên vào tháng 4 năm 1938. Với 900 nhân viên (80% trong số đó được tuyển dụng từ lực lượng cảnh sát Áo), đây là văn phòng Gestapo lớn nhất bên ngoài Berlin. Ước tính, trong suốt khoảng thời gian hoạt động, có khoảng 50.000 người bị thẩm vấn hoặc tra tấn tại nơi này.[387] Đứng đầu Gestapo chi nhánh Viên là Franz Josef Huber, cựu giám đốc Cơ quan Trung ương về Di cư Do Thái ở Viên. Dù Adolf Eichmann và sau này là Alois Brunner mới là những chỉ huy trên thực tế, Huber vẫn là người chịu trách nhiệm về việc trục xuất người Do Thái ở Áo.[388]
Hoạt động thời hậu chiến và hậu quả
sửaSau khi Đức Quốc Xã sụp đổ, SS chấm dứt tồn tại.[389] Nhiều thành viên SS còn trung thành với chế độ quốc xã vẫn sống trong tự do ở Đức và khắp châu Âu.[390] Vào ngày 21 tháng 5 năm 1945, quân Anh bắt được Himmler khi ấy đang nguỵ trang và dùng giấy tờ giả. Ít ngày sau, Himmler đã cắn một viên xyanua tự tử tại một trại tạm giam gần Lüneburg.[391] Nhiều thủ lĩnh SS khác cố gắng đào tẩu nhưng một số đã nhanh chóng bị quân Đồng Minh bắt. Kaltenbrunner, lãnh đạo RSHA và trưởng phòng ban chủ chốt SS cấp cao nhất còn sống sau khi Himmler tự sát, bị bắt ở khu vực dãy Anpơ ở Bayern.[392] Kaltenbrunner nằm trong số 24 bị cáo bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quân sự Quốc tế vào năm 1945–46.[393]
Một số thành viên SS phải chịu sự hành quyết, tra tấn và đánh đập dưới bàn tay của các tù nhân được thả tự do, người tị nạn, hay lính Đồng Minh.[394][395] Khi lính Mỹ thuộc Trung đoàn số 157 tiến vào trại tập trung tại Dachau vào tháng 4 năm 1945 và chứng kiến sự thống khổ của con người và tàn ác của SS, đã bắn chết một số lính gác trại còn lại.[396] Ngày 15 tháng 4 năm 1945, quân đội Anh tiến vào Bergen-Belsen. Họ cho lính canh SS khẩu phần ăn ít ỏi, ép phải làm việc không nghỉ và xử lý đống tử thi còn lại, dùng lưỡi lê đâm hoặc báng súng đánh nếu làm chậm.[397] Một số thành viên của Quân đoàn Tình báo Phản gián của Quân đội Hoa Kỳ đã đưa những lính gác trại SS bị bắt đến các trại tị nạn vì biết rằng họ sẽ không thoát khỏi cái chết nếu rơi vào tay những nạn nhân sống sót.[398]
Tòa án quân sự quốc tế ở Nürnberg
sửaPhe Đồng Minh thành lập Tòa án quân sự quốc tế ở Nürnberg vào năm 1945 và khởi động tố tụng hình sự đối với những người quốc xã bị bắt.[399] Phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh đầu tiên đối với 24 nhân vật nổi bật như Hermann Göring, Albert Speer, Joachim von Ribbentrop, Alfred Rosenberg, Hans Frank và Kaltenbrunner diễn ra bắt đầu từ tháng 11 năm 1945; với cáo buộc bốn tội danh vi phạm luật pháp quốc tế bao gồm "âm mưu", "tiến hành chiến tranh xâm lược", "tội ác chiến tranh", và "tội ác chống lại loài người".[399] 20 bị cáo nhận án tử hình, trong đó Kaltenbrunner bị tuyên án tội ác chống nhân loại và bị xử tử vào ngày 16 tháng 10 năm 1946.[400] Cựu chỉ huy trại Auschwitz Rudolf Höss đã làm chứng thay mặt Kaltenbrunner và những người khác, trước khi bị xét xử và hành hình vào năm 1947.[401]
Sau phiên tòa đầu tiên, nhiều phiên xử và bản án SS đã tiếp nối.[402] Lấy lý do phải tuân theo mệnh lệnh một cách vô điệu kiện vì bổn phận và lời tuyên thệ khi gia nhập SS, nhiều bị cáo cố biện hộ rằng họ chỉ đơn thuần làm theo lệnh cấp trên. Tuy nhiên, tòa không xem đây là một lý do chính đáng.[403] Trong số 40 sĩ quan SS và lính gác trại Auschwitz bị xét xử ở Kraków vào tháng 11 năm 1947, hầu hết bị cáo đều bị kết tội, 23 người nhận án tử hình.[404] Bên cạnh Đồng Minh phương Tây, phía Liên Xô cũng xét xử và kết án khoảng 37.000 thành viên SS. Các bản án gồm treo cổ hoặc lao động khổ sai dài hạn.[405] Giám đốc Bảo tàng Auschwitz-Birkenau Piotr Cywiński ước tính chỉ có 1.650 đến 1.700 trong số 70.000 thành viên SS dính dáng đến những tội ác trong trại tập trung bị xét xử sau chiến tranh.[406] Năm 1946, SS bị Tòa án quân sự quốc tế liệt kê vào danh sách những tổ chức tội phạm.[407]
Chạy trốn
sửaSau khi Thế chiến II kết thúc, nhiều cựu đảng viên quốc xã bỏ trốn sang Nam Mỹ. Điểm đến phổ biến nhất của họ là Argentina vì tại đây họ được chế độ Juan Perón chào đón.[408] Trong những năm 1950, cựu tù Dachau Lothar Hermann phát hiện công dân Buenos Aires Ricardo Klement thực chất là Adolf Eichmann, người kiếm được căn cước giả và giấy phép nhập cảnh vào Argentina nhờ một tổ chức do giám mục Alois Hudal đứng đầu vào năm 1948. Hudal, khi ấy đang cư trú ở Ý, là một giáo sĩ người Áo ủng hộ chủ nghĩa quốc xã.[409] Cục tình báo Mossad của Israel bắt Eichmann ở Buenos Aires vào ngày 11 tháng 5 năm 1960. Tại phiên tòa xét xử tại Jerusalem năm 1961, Eichmann bị kết tội và kết án tử hình bằng cách treo cổ. Eichmann được cho là đã từng tuyên bố rằng: "Tôi sẽ vừa cười vừa nhảy vào mả của mình vì cảm giác là tôi có 5 triệu mạng người cắn rứt lương tâm của tôi đưa đến một nguồn thỏa mãn vô biên".[h][410] Franz Stangl, chỉ huy trại tập trung Treblinka, cũng trốn đến Nam Mỹ nhờ mạng lưới Hudal hỗ trợ. Stangl bị trục xuất về Đức năm 1967, nhận án tù chung thân năm 1970 và qua đời sau đó một năm.[411]
Sợ sẽ phải đối mặt với án tử hình khi bị bắt, cựu bác sĩ quân y Josef Mengele, người được mệnh danh là Thiên thần chết, trốn khỏi Đức vào ngày 17 tháng 4 năm 1949.[412] Thông qua một mạng lưới của các cựu thành viên SS, Mengele đến Genova, Ý và kiếm được hộ chiếu giả dưới danh tính "Helmut Gregor" từ Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế. Ông lên tàu tới Argentina vào tháng 7.[413] Biết mình đang bị truy nã, Mengele chuyển đến Paraguay năm 1958 và Brasil năm 1960 — cả hai lần đều được cựu phi công Luftwaffe Hans-Ulrich Rudel giúp đỡ.[414] Mengele bị đột quỵ khi đang bơi và chết đuối vào năm 1979.[415]
Hàng nghìn người quốc xã, bao gồm những cựu thành viên SS như cảnh vệ Trawniki Jakob Reimer hay cộng tác viên người Adyghe Tscherim Soobzokov, trốn đến Hoa Kỳ dưới vỏ bọc người tị nạn và đôi khi dùng giấy tờ giả mạo.[416] Những SS viên khác như Soobzokov, Wilhelm Höttl, Otto von Bolschwing (sĩ quan phụ tá của Eichmann) và Theodor Saevecke, một tội phạm chiến tranh đã bị buộc tội, được cục tình báo Hoa Kỳ thuê để hoạt động chống Liên Xô. Nhân viên CIA Harry Rositzke phát biểu: "Việc lợi dụng bất kỳ tên khốn nào miễn là hắn chống cộng là một công việc mang tính bản năng. Sự hăm hở, khát khao tuyển chọn cộng tác viên đồng nghĩa với việc bạn không để ý quá kỹ thông tin của họ."[417] Tương tự như Mỹ, Liên Xô cũng dùng người SS sau chiến tranh. Đơn cử là trong một chiến dịch mang mật danh Theo, những người này đã được giao nhiệm vụ lan truyền tin đồn kích động tại các vùng của Đức do Đồng minh phương Tây chiếm đóng.[418]
Simon Wiesenthal và nhiều người khác đặt ra giả thuyết về sự tồn tại của một mạng lưới đào tẩu của Đức Quốc Xã mang mật danh ODESSA (viết tắt của Organization der ehemaligen SS-Angehörigen, Tổ chức các cựu thành viên SS) được cho là hỗ trợ tội phạm chiến tranh tìm nơi ẩn náu ở châu Mỹ Latinh.[419] Nữ nhà văn Anh Gitta Sereny, người từng phỏng vấn nhiều thành viên SS, không tán thành với Wiesenthal về sự tồn tại của tổ chức này. Theo bà, sự hỗn loạn thời hậu chiến và mạng lưới Hudal mới là những lối thoát giúp cựu thành viên SS có cơ hội chạy trốn. Trong khi sự tồn tại của ODESSA chưa được chứng minh, Sereny cho rằng "tất nhiên có những tổ chức cứu trợ quốc xã khác nhau sau chiến tranh — không có mới là đáng ngạc nhiên".[420]
Các vụ án xét xử gần đây
sửaKể từ năm 2000, một số cựu thành viên SS nằm trong Danh sách tội phạm chiến tranh Đức Quốc Xã bị truy nã gắt gao nhất của Trung tâm Simon Wiesenthal đã bị đưa ra xét xử tại nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Đức. Song do đa phần các bị cáo tuổi đều đã cao nên chỉ còn rất ít người phải hầu tòa.[421][422] Tháng 11 năm 2009, Tòa án Thành phố München II tiến hành tố tụng hình sự đối với bị cáo John (Ivan) Demjanjuk, một sĩ quan Trawniki người Ukraina trực thuộc SS-Totenkopfverbände, sau khi các điều tra viên chứng minh ông từng là cai ngục tại Trại hủy diệt Sobibór.[423][424] Trước đó Demjanjuk từng phải hầu tòa tại Israel một lần vì nhiều nhân chứng đã xác nhận ông chính là cai ngục "Ivan Hung bạo" khét tiếng của Trại hủy diệt Treblinka – người bị những nạn nhân sống sót mô tả là đã gây ra những "tội ác kinh hoàng" bao gồm cắt ngực của phụ nữ hoặc bắt tù nhân Do Thái cưỡng bức những bé gái 12 tuổi.[i][425] John Demjanjuk bị tòa án phúc thẩm kết án tử hình song Tối cao Pháp viện Israel đã rút lại bản án vào năm 1993 và tuyên bố vô tội vì trong quá trình chờ thụ án, các cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều bằng chứng mới làm dấy lên "nghi ngờ hợp lý" về thân phận thực sự của "Ivan Hung bạo". Năm 2002, sau khi bị điều tra về danh tính và vai trò tại Sobibór, Demjanjuk bị Tòa án Hoa Kỳ tước quyền công dân,[426][427] song đến thời điểm 2009 vẫn chưa bị trục xuất vì lý do tuổi già sức yếu.[428] Tuy nhiên, vào năm 2009, chính phủ Đức đã dẫn độ Demjanjuk về Đức thành công để xét xử[429] và tuyên phạt 5 năm tù trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 5 năm 2011 vì liên quan tới cái chết của khoảng 28.000 người Do Thái.[430][431] Song bản án chưa kịp có hiệu lực thì Demjanjuk đã qua đời vào ngày 17 tháng 3 năm 2011 trong lúc chờ phúc thẩm.[432]
Tháng 12 năm 2009, sĩ quan SS người Hà Lan Heinrich Boere – khi ấy đã 88 tuổi – bị Tòa án Thành phố Aachen tuyên án tù chung thân vì từng tham gia thảm sát thường dân trong chiến dịch truy quét kháng quân Hà Lan mang mật danh Silbertanne (Lãnh sam bạc). Boere bị đưa về thi hành án tại nhà tù tại Fröndenberg vào ngày 16 tháng 12 năm 2011 ở tuổi 90. Tháng 8 năm 2010, Bộ Tư pháp Bayern quyết định xem xét lại bản án xét xử 60 năm tuổi của tòa án Hà Lan đối với một nghi phạm người Hà Lan khác tên là Klaas Carel Faber, người đã sống hàng thập kỷ yên ổn tại Ingolstadt sau khi chiến tranh kết thúc.[433] Tương tự Boere, Faber từng tham gia chiến dịch Silbertanne. Tuy nhiên, vì những mâu thuẫn pháp lý giữa hai quốc gia nên khi qua đời vào tháng 5 năm 2012, ông vẫn chưa bị dẫn độ về nước xét xử.[434][435]
Xem thêm
sửa- SS German (tiếng Anh)
- HIAG (tiếng Anh)
- Danh sách nhân sự SS (tiếng Anh)
- Truyền thuyết về một Wehrmacht trong sạch (tiếng Anh)
- Bảng chú giải thuật ngữ của Đức Quốc Xã (tiếng Anh)
- Nhà nước Hiệp sĩ Burgund (tiếng Anh)
Ghi chú
sửa- ^ Tại Cộng hòa Liên bang Đức, ký hiệu SS hoặc được xem là công cụ tuyên truyền phản hiến pháp và bị cấm sử dụng công khai theo điều 86, đoạn 1, số 1, Bộ luật hình sự Đức (StGB)[1]
- ^ Nguyên văn: Wir werden dafür sorgen, daß niemals mehr in Deutschland, dem Herzen Europas, von innen oder durch Emissare von auBen her die jüdisch-bolschewistische Revolution des Untermenschen entfacht werden kann.[49]
- ^ a b Protégé (tiếng Pháp) có nghĩa là "Người được bảo trợ".
- ^ Buchenwald, Dachau, Flossenbürg, Mauthausen, Ravensbrück và Sachsenhausen.[103]
- ^ Không nên nhầm lẫn với SS-Sonderkommandos, đơn vị đặc biệt cùng tên của SS.
- ^ Đầu cầu: Khu vực chiếm được trên đất của địch, bên sông phía địch.
- ^ Để trả thù, Hitler đã lệnh bắt hơn 10.000 người Séc; xử bắn 1.300 người, bao gồm tất cả nam giới từ thị trấn Lidice gần đó (được cho là nơi thích khách ám sát Heydrich ẩn náu). Thị trấn sau đó đã bị san phẳng.[276]
- ^ Eichmann bào chữa rằng đó là ông nói về những "kẻ thù của Đệ tam Đế chế Đức".
- ^ Biệt danh "Ivan Hung bạo" của người cai ngục mang tên Ivan của trại Treblinka này ám chỉ tới "Ivan Hung đế" – Sa hoàng đầu tiên của nước Nga Ivan IV – nổi tiếng lịch sử vì sự tàn bạo của mình.
Tham khảo
sửa- ^ Simek 2017
- ^ a b Weale 2010, tr. 26.
- ^ McNab 2009, tr. 137.
- ^ a b Evans 2008, tr. 318.
- ^ Evans 2003, tr. 228.
- ^ Michael & Doerr 2002, tr. 356.
- ^ McNab 2009, tr. 14, 16.
- ^ McNab 2009, tr. 14.
- ^ Weale 2010, tr. 16.
- ^ a b c McNab 2009, tr. 16.
- ^ Hein 2015, tr. 10.
- ^ a b Shirer 2018, tr. 77.
- ^ Weale 2010, tr. 26–29.
- ^ Koehl 2004, tr. 34.
- ^ Cook & Bender 1994, tr. 17, 19.
- ^ a b Laqueur & Baumel 2001, tr. 604.
- ^ Weale 2010, tr. 30.
- ^ a b Weale 2010, tr. 32.
- ^ Hein 2015, tr. 12.
- ^ a b Weale 2010, tr. 45–46.
- ^ Weale 2010, tr. 32–33.
- ^ Miller & Schulz 2012, tr. 1–2.
- ^ McNab 2009, tr. 18.
- ^ Weale 2010, tr. 47.
- ^ Longerich 2012, tr. 113.
- ^ a b Burleigh & Wippermann 1991, tr. 272–273.
- ^ Weale 2010, tr. 45–47, 300–305.
- ^ Miller & Schulz 2012, tr. 2–3.
- ^ Kershaw 2008, tr. 308–314.
- ^ Baranowski 2010, tr. 196–197.
- ^ Zentner & Bedürftig 1991, tr. 901.
- ^ Zentner & Bedürftig 1991, tr. 903.
- ^ Laqueur & Baumel 2001, tr. 606.
- ^ Allen 2002, tr. 112.
- ^ Höhne 2001, tr. 146, 147.
- ^ Stackelberg 2002, tr. 116.
- ^ a b Jacobsen 1999, tr. 82, 93.
- ^ Weale 2010, tr. 62–67.
- ^ Weale 2010, tr. 63–65.
- ^ Langerbein 2003, tr. 19.
- ^ Yenne 2010, tr. 115.
- ^ Höhne 2001, tr. 148–149.
- ^ Weale 2010, tr. 65–66.
- ^ Höhne 2001, tr. 150–151.
- ^ Yenne 2010, tr. 93.
- ^ Yenne 2010, tr. 94.
- ^ Laqueur & Baumel 2001, tr. 608.
- ^ Yenne 2010, tr. 111–113.
- ^ Himmler 1937, tr. 17.
- ^ a b Langerbein 2003, tr. 21.
- ^ Himmler 1936, tr. 134.
- ^ Weale 2012, tr. 60–61.
- ^ a b c Rummel 1992, tr. 12–13.
- ^ Rummel 1992, tr. 12.
- ^ Tòa án Quân sự Quốc tế 1946.
- ^ a b Williams 2001, tr. 77.
- ^ a b Buchheim 1968, tr. 157.
- ^ Hein 2015, tr. 66–71.
- ^ Evans 2005, tr. 54.
- ^ Williams 2001, tr. 61.
- ^ Hildebrand 1984, tr. 13–14.
- ^ Kershaw 2008, tr. 313, 316.
- ^ McNab 2009, tr. 9, 17, 26–27, 30, 46–47.
- ^ Reitlinger 1989, tr. 90.
- ^ a b Shirer 2018, tr. 78.
- ^ Dear & Foot 1995, tr. 814–815.
- ^ Longerich 2012, tr. 204.
- ^ a b c Longerich 2012, tr. 470.
- ^ Hein 2015, tr. 70–71.
- ^ Read 2005, tr. 512–514.
- ^ Evans 2005, tr. 584.
- ^ a b Read 2005, tr. 515.
- ^ Evans 2005, tr. 590.
- ^ Evans 2005, tr. 591.
- ^ Hildebrand 1984, tr. 61–62.
- ^ Weale 2010, tr. 85.
- ^ Hildebrand 1984, tr. 61.
- ^ Koehl 2004, tr. 144, 148, 169, 176–177.
- ^ McNab 2009, tr. 165.
- ^ Spielvogel 1992, tr. 102–108.
- ^ Cook & Bender 1994, tr. 8, 9.
- ^ Cook & Bender 1994, tr. 9, 12, 17–19.
- ^ Hoffmann 2000, tr. 157, 160, 165.
- ^ Hoffmann 2000, tr. 166.
- ^ Hoffmann 2000, tr. 181–186.
- ^ Cook & Bender 1994, tr. 17–19.
- ^ Hoffmann 2000, tr. 157, 160, 165, 166, 181–186.
- ^ Cook & Bender 1994, tr. 19, 33.
- ^ Hoffmann 2000, tr. 32, 48, 57.
- ^ Hoffmann 2000, tr. 36–48.
- ^ Joachimsthaler 1999, tr. 288.
- ^ Hoffmann 2000, tr. 32.
- ^ a b Hoffmann 2000, tr. 36.
- ^ Felton 2014, tr. 32–33.
- ^ Hoffmann 2000, tr. 36, 48.
- ^ Felton 2014, tr. 18.
- ^ Padfield 2001, tr. 128–129.
- ^ Weale 2010, tr. 95.
- ^ Evans 2005, tr. 85.
- ^ Hilberg 1985, tr. 222.
- ^ Hein 2015, tr. 63.
- ^ Wachsmann 2010, tr. 22.
- ^ Weale 2010, tr. 106–108.
- ^ Weale 2010, tr. 108.
- ^ Evans 2008, tr. 366–367.
- ^ Weale 2010, tr. 108–109.
- ^ Ayçoberry 1999, tr. 273.
- ^ Stein 2002, tr. 23.
- ^ a b Flaherty 2004, tr. 156.
- ^ Stein 2002, tr. 285–287.
- ^ Stein 2002, tr. 18, 287.
- ^ Mollo 1991, tr. 1–3.
- ^ Stein 2002, tr. 27.
- ^ Butler 2001, tr. 45.
- ^ Rossino 2003, tr. 114, 159–161.
- ^ a b c Flaherty 2004, tr. 149.
- ^ Hein 2015, tr. 82.
- ^ Stone 2011, tr. 127.
- ^ a b Shirer 2018, tr. 29.
- ^ Longerich 2010, tr. 144–145.
- ^ Evans 2008, tr. 14–15.
- ^ Flaherty 2004, tr. 109–111.
- ^ Kershaw 2001, tr. 246.
- ^ Laqueur & Baumel 2001, tr. xxxi.
- ^ Reynolds 1997, tr. 6, 7.
- ^ Stein 2002, tr. 32.
- ^ Stein 2002, tr. 33–35.
- ^ a b McNab 2009, tr. 66.
- ^ Hildebrand 1984, tr. 50.
- ^ Weale 2010, tr. 229.
- ^ Hellwinkel 2014, tr. 9.
- ^ Reitlinger 1989, tr. 147.
- ^ a b c Stein 2002, tr. 61.
- ^ Butler 2003, tr. 64.
- ^ Manning 1999, tr. 59.
- ^ Sydnor 1977, tr. 93.
- ^ Weale 2012, tr. 251.
- ^ Sydnor 1977, tr. 102.
- ^ Flaherty 2004, tr. 143.
- ^ a b Stein 2002, tr. 150, 153.
- ^ Koehl 2004, tr. 213–214.
- ^ Mattson 2002, tr. 77, 104.
- ^ Flaherty 2004, tr. 162, 163.
- ^ Weale 2012, tr. 297.
- ^ Bessel 2006, tr. 110–111.
- ^ Bessel 2006, tr. 110.
- ^ Flaherty 2004, tr. 163, 165.
- ^ Flaherty 2004, tr. 163–166.
- ^ Evans 2008, tr. 155.
- ^ Bessel 2006, tr. 111.
- ^ Frusetta 2012, tr. 266.
- ^ Glantz 2001, tr. 7–9.
- ^ Bracher 1970, tr. 409.
- ^ Blood 2006, tr. 64.
- ^ Windrow & Burn 1992, tr. 9.
- ^ Heer & Naumann 2000, tr. 136.
- ^ Browning 2004, tr. 315.
- ^ Hilberg 1985, tr. 164.
- ^ Kershaw 2008, tr. 696–697.
- ^ Flaherty 2004, tr. 168.
- ^ Flaherty 2004, tr. 171.
- ^ Reynolds 1997, tr. 9.
- ^ Flaherty 2004, tr. 173.
- ^ Fritz 2011, tr. 69–70, 94–108.
- ^ Krausnik 1968, tr. 77.
- ^ Longerich 2010, tr. 185.
- ^ a b Rhodes 2003, tr. 159–160.
- ^ Bessel 2006, tr. 118–119.
- ^ Stackelberg 2007, tr. 163.
- ^ Laqueur & Baumel 2001, tr. 164.
- ^ Bessel 2006, tr. 119.
- ^ Zentner & Bedürftig 1991, tr. 227.
- ^ Evans 2008, tr. 256–257.
- ^ Longerich 2012, tr. 547.
- ^ Gerwarth 2011, tr. 199.
- ^ Rhodes 2003, tr. 243.
- ^ Blood 2006, tr. 70–71.
- ^ Longerich 2012, tr. 625.
- ^ Longerich 2010, tr. 198.
- ^ Longerich 2012, tr. 626, 629.
- ^ Longerich 2012, tr. 627.
- ^ Blood 2006, tr. 71–77.
- ^ Blood 2006, tr. 121.
- ^ Blood 2006, tr. 152–154.
- ^ Longerich 2012, tr. 628–629.
- ^ Wachsmann 2010, tr. 27.
- ^ Wachsmann 2010, tr. 26–27.
- ^ Gerwarth 2011, tr. 208.
- ^ Longerich 2010, tr. 279–280.
- ^ Evans 2008, tr. 283.
- ^ Evans 2008, tr. 283, 287, 290.
- ^ McNab 2009, tr. 141.
- ^ Evans 2008, tr. 295, 299–300.
- ^ Wachsmann 2010, tr. 29.
- ^ a b Longerich 2012, tr. 559.
- ^ a b Koehl 2004, tr. 182–183.
- ^ a b Weale 2012, tr. 115.
- ^ Gruner 2012, tr. 174–175.
- ^ Longerich 2012, tr. 629.
- ^ Reitlinger 1989, tr. 265.
- ^ Stein 2002, tr. 258–263.
- ^ Weale 2012, tr. 114.
- ^ Flaherty 2004, tr. 119, 120.
- ^ Mazower 2008, tr. 312–313.
- ^ Longerich 2012, tr. 485.
- ^ Longerich 2012, tr. 482.
- ^ Allen 2002, tr. 95.
- ^ Longerich 2012, tr. 480–481.
- ^ Longerich 2012, tr. 480.
- ^ Steinbacher 2005, tr. 129.
- ^ Steinbacher 2005, tr. 56.
- ^ Longerich 2010, tr. 316.
- ^ a b Longerich 2012, tr. 484.
- ^ Weale 2012, tr. 114–115.
- ^ Allen 2002, tr. 102.
- ^ Weale 2012, tr. 115–116.
- ^ Longerich 2012, tr. 483.
- ^ Frei 1993, tr. 128.
- ^ Weale 2012, tr. 116.
- ^ Tòa án Quân sự Quốc tế 1950.
- ^ Baxter 2014, tr. 67.
- ^ Evans 2008, tr. 486.
- ^ Bessel 2006, tr. 143.
- ^ Evans 2008, tr. 488–489.
- ^ McNab 2009, tr. 68, 70.
- ^ Fritz 2011, tr. 350.
- ^ Ford & Zaloga 2009, tr. 30.
- ^ Ford & Zaloga 2009, tr. 54–56.
- ^ Whitmarsh 2009, tr. 12, 13.
- ^ Ford & Zaloga 2009, tr. 60, 63, 122, 275.
- ^ Stein 2002, tr. 219.
- ^ McNab 2013, tr. 295.
- ^ Rempel 1989, tr. 233.
- ^ Whitmarsh 2009, tr. 73.
- ^ Ford & Zaloga 2009, tr. 230.
- ^ Wilmot 1997, tr. 282.
- ^ McNab 2013, tr. 297.
- ^ McNab 2009, tr. 73.
- ^ Wilmot 1997, tr. 399–400.
- ^ Stein 2002, tr. 222–223.
- ^ Wilmot 1997, tr. 420.
- ^ McNab 2013, tr. 197.
- ^ Shirer 1960, tr. 1085–1086.
- ^ Weinberg 1994, tr. 701.
- ^ Murray & Millett 2001, tr. 439–442.
- ^ Weinberg 1994, tr. 765–766.
- ^ Murray & Millett 2001, tr. 465.
- ^ Weinberg 1994, tr. 767–769.
- ^ Weinberg 1994, tr. 769.
- ^ Stein 2002, tr. 232.
- ^ Murray & Millett 2001, tr. 468.
- ^ Parker 2012, tr. 278.
- ^ Kershaw 2011, tr. 168.
- ^ Beevor 2002, tr. 70.
- ^ Beevor 2002, tr. 83.
- ^ a b Duffy 2002, tr. 293.
- ^ Ziemke 1968, tr. 439.
- ^ Beevor 2002, tr. 82.
- ^ Seaton 1971, tr. 537.
- ^ Duffy 2002, tr. 294.
- ^ Stein 2002, tr. 238.
- ^ Ziemke 1968, tr. 450.
- ^ Messenger 2001, tr. 167–168.
- ^ Wachsmann 2015, tr. 542–548.
- ^ Fritz 2004, tr. 50–55.
- ^ Stein 2002, tr. 237.
- ^ a b Kershaw 2011, tr. 302.
- ^ Stein 2002, tr. 246.
- ^ McNab 2013, tr. 328, 330, 338.
- ^ Moorhouse 2012, tr. 364–365.
- ^ Stein 2002, tr. 248–249.
- ^ Headland 1992, tr. 22.
- ^ Weale 2010, tr. 131.
- ^ Langerbein 2003, tr. 21–22.
- ^ Höhne 2001, tr. 494–495.
- ^ Höhne 2001, tr. 495–496.
- ^ Longerich 2012, tr. 661.
- ^ Diner 2006, tr. 123.
- ^ Laqueur & Baumel 2001, tr. 228.
- ^ Montague 2012, tr. 188–190.
- ^ Friedlander 1997, tr. 138.
- ^ Stackelberg 2007, tr. 220.
- ^ Rhodes 2003, tr. 258–260, 262.
- ^ Laqueur & Baumel 2001, tr. 195.
- ^ a b c Longerich 2010, tr. 408.
- ^ Cesarani 2005, tr. 168, 172.
- ^ Cesarani 2005, tr. 173.
- ^ Cesarani 2005, tr. 160, 183.
- ^ a b Streim 1989, tr. 436.
- ^ Longerich 2012, tr. 405, 412.
- ^ Stackelberg 2007, tr. 161.
- ^ Flaherty 2004, tr. 109.
- ^ Hilberg 1985, tr. 102.
- ^ Langerbein 2003, tr. 15–16.
- ^ Rhodes 2003, tr. 257.
- ^ Flaherty 2004, tr. 120–123.
- ^ Rhodes 2003, tr. 210–214.
- ^ Zentner & Bedürftig 1991, tr. 228.
- ^ Rhodes 2003, tr. 274.
- ^ McNab 2009, tr. 37, 40, 41.
- ^ Bracher 1970, tr. 214.
- ^ Krüger & Wedemeyer-Kolwe 2009, tr. 34.
- ^ Krüger & Wedemeyer-Kolwe 2009, tr. 35.
- ^ McNab 2013, tr. 224–225.
- ^ Pieper 2015, tr. 38.
- ^ McNab 2013, tr. 225.
- ^ Miller 2006, tr. 308.
- ^ Pieper 2015, tr. 52–53.
- ^ Pieper 2015, tr. 81–90.
- ^ Pieper 2015, tr. 81–82.
- ^ Pieper 2015, tr. 119–120.
- ^ Miller 2006, tr. 310.
- ^ Pieper 2015, tr. 120.
- ^ Pieper 2015, tr. 146–147.
- ^ McNab 2013, tr. 182.
- ^ Stockert 1997, tr. 229.
- ^ McNab 2013, tr. 225–230.
- ^ Proctor 1988, tr. 86.
- ^ Lifton 1986, tr. 147.
- ^ Levy 2006, tr. 235–237.
- ^ Lifton 1986, tr. 148–149.
- ^ Piper 1994, tr. 170.
- ^ Lifton & Hackett 1994, tr. 304.
- ^ Yahil 1990, tr. 368.
- ^ Yahil 1990, tr. 369.
- ^ Levy 2006, tr. 248–249.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 29.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 27.
- ^ Lifton 1985.
- ^ Pringle 2006, tr. 294–296.
- ^ a b Spielvogel 1992, tr. 108.
- ^ Yenne 2010, tr. 132–133.
- ^ Yenne 2010, tr. 128–131, 139, 142.
- ^ Yenne 2010, tr. 141.
- ^ Lower 2013, tr. 108.
- ^ Schwarz 1997, tr. 223–244.
- ^ Lower 2013, tr. 108–109.
- ^ Mühlenberg 2011, tr. 13–14.
- ^ Lower 2013, tr. 109.
- ^ Century 2011.
- ^ Rempel 1989, tr. 223–224.
- ^ Mühlenberg 2011, tr. 27.
- ^ Benz, Distel & Königseder 2005, tr. 70.
- ^ Flaherty 2004, tr. 160.
- ^ Koehl 2004, tr. 212–213.
- ^ Koehl 2004, tr. 214–219.
- ^ Gutmann 2017, Chapter 3.
- ^ McNab 2013, tr. 272–273.
- ^ McNab 2013, tr. 321–323.
- ^ Höhne 2001, tr. 458.
- ^ Weale 2012, tr. 306.
- ^ Stein 1984, tr. 168.
- ^ Stein 1984, tr. 180-190.
- ^ Reitlinger 1989, tr. 200–204.
- ^ Reitlinger 1989, tr. 199.
- ^ Hale 2011, tr. 264–266.
- ^ Bishop 2005, tr. 93.
- ^ Bishop 2005, tr. 93–94.
- ^ Müller 2012, tr. 169.
- ^ Motadel 2014, tr. 242.
- ^ Stein 2002, tr. 189.
- ^ McNab 2013, tr. 326–330.
- ^ McNab 2013, tr. 90.
- ^ Flaherty 2004, tr. 88–92.
- ^ Givhan 1997.
- ^ a b Yenne 2010, tr. 64.
- ^ Yenne 2010, tr. 69.
- ^ Ziegler 2014, tr. 132–134 và chú thích 13.
- ^ Weale 2012, tr. 26.
- ^ a b c d Weale 2012, tr. 32.
- ^ Weale 2012, tr. 30.
- ^ Weale 2012, tr. 46.
- ^ Weale 2012, tr. 49.
- ^ a b c d e Weale 2012, tr. 33.
- ^ Ziegler 2014, tr. 133.
- ^ Ziegler 2014, tr. 131.
- ^ Snyder 1994, tr. 330.
- ^ Laqueur & Baumel 2001, tr. 609.
- ^ Evans 2008, tr. 724.
- ^ Yerger 1997, tr. 13–21.
- ^ Stackelberg 2007, tr. 302.
- ^ Browder 1996, tr. 205–206.
- ^ Art 2006, tr. 43.
- ^ Gerwarth 2011, tr. 120–121.
- ^ Weale 2012, tr. 107.
- ^ Gerwarth 2011, tr. 121.
- ^ Anderson 2011.
- ^ Mang 2003, tr. 1–5.
- ^ Höhne 2001, tr. 580.
- ^ Evans 2008, tr. 739–741.
- ^ Longerich 2012, tr. 736.
- ^ Weale 2012, tr. 410.
- ^ Burleigh 2000, tr. 803–804.
- ^ MacDonogh 2009, tr. 3.
- ^ Murray & Millett 2001, tr. 565–568.
- ^ Lowe 2012, tr. 83–84.
- ^ Lowe 2012, tr. 84–87.
- ^ Brzezinski 2005.
- ^ a b Evans 2008, tr. 741.
- ^ Evans 2008, tr. 741–742.
- ^ Evans 2008, tr. 743.
- ^ Burleigh 2000, tr. 804.
- ^ Ingrao 2013, tr. 240–241.
- ^ Evans 2008, tr. 743–744.
- ^ Burleigh 2010, tr. 549.
- ^ Bosacki, Uhlig & Wróblewski 2008.
- ^ Zentner & Bedürftig 1991, tr. 906.
- ^ Levy 2006, tr. 143–144.
- ^ Cesarani 2005, tr. 207.
- ^ Arendt 2006, tr. 46.
- ^ Evans 2008, tr. 746–747.
- ^ Levy 2006, tr. 263.
- ^ Levy 2006, tr. 264–265.
- ^ Levy 2006, tr. 269, 273.
- ^ Levy 2006, tr. 294–295.
- ^ Lichtblau 2014, tr. 2–3, 10–11.
- ^ Lichtblau 2014, tr. 29–30, 32–37, 67–68.
- ^ Biddiscombe 2000, tr. 131–143.
- ^ Segev 2010, tr. 106–108.
- ^ Sereny 1974, tr. 274.
- ^ Douglas 2020.
- ^ Feldmann & Seidel 2019.
- ^ Probst 2009.
- ^ Wefing 2011.
- ^ Spiegel International 2008.
- ^ Johnston 2002.
- ^ The Guardian 2002.
- ^ Hoàng Hoài Sơn 2009.
- ^ Neumann & Fischer 2009.
- ^ Bayerische 2012.
- ^ Probst & Sonnabend 2011.
- ^ Associated Press 2012.
- ^ Schmidt 2010.
- ^ Jung 2012.
- ^ Frankfurter Allgemeine 2012.
Thư mục
sửa- Allen, Michael Thad (2002). The Business of Genocide: The SS, Slave Labor, and the Concentration Camps [Kinh doanh diệt chủng: SS, nô lệ lao động và các trại tập trung]. Chapel Hill, NC: University of North Carolina Press. ISBN 978-0-8078-2677-5.
- Anderson, Christopher (ngày 1 tháng 11 năm 2011). “Crossing the Painful Threshold of Memory” [Vượt qua ngưỡng đau của ký ức]. Vienna Review. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2016.
- Arendt, Hannah (2006). Eichmann in Jerusalem: A Report on the Banality of Evil [Eichmann ở Jerusalem: Bản báo cáo về sự vô tội của cái ác]. New York: Penguin. ISBN 978-0-14-303988-4.
- Art, David (2006). The Politics of the Nazi Past in Germany and Austria [Chính trị của quá khứ Đức Quốc xã ở Đức và Áo]. Cambridge; New York: Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-85683-6.
- Ayçoberry, Pierre (1999). The Social History of the Third Reich, 1933–1945 [Lịch sử xã hội của Đế chế thứ ba, 1933–1945]. New York: The New Press. ISBN 978-1-56584-635-7.
- Baranowski, Shelley (2010). Nazi Empire: German Colonialism and Imperialism from Bismarck to Hitler [Đế chế Đức Quốc xã: Chủ nghĩa Thực dân Đức và Chủ nghĩa Đế quốc từ thời Bismarck đến Hitler]. Cambridge; New York: Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-67408-9.
- Baxter, Ian (2014). Nazi Concentration Camp Commandants 1933–1945: Rare Photographs from Wartime Archives [Các viên chỉ huy Trại tập trung của Đức Quốc xã 1933–1945: Những bức ảnh hiếm hoi từ kho lưu trữ thời chiến]. Images of War. Barnsley: Pen and Sword. ISBN 978-1-78159-388-2.
- Beevor, Antony (2002). The Fall of Berlin, 1945 [Berlin thất thủ, 1945]. New York; London: Viking. ISBN 978-0-670-03041-5.
- Benz, Wolfgang; Distel, Barbara; Königseder, Angelika (2005). Der Ort des Terrors: Geschichte der nationalsozialistischen Konzentrationslager (vol. 7) [Chốn kinh hoàng: Lịch sử các trại tập trung của Quốc gia Xã hội chủ nghĩa] (bằng tiếng Đức). München: Beck. ISBN 978-3-406-52960-3.
- Bessel, Richard (2006). Nazism and War [Chủ nghĩa phát xít và chiến tranh]. New York: Modern Library. ISBN 978-0-8129-7557-4.
- Biddiscombe, Perry (2000). “The Problem with Glass Houses: The Soviet Recruitment and Deployment of SS Men as Spies and Saboteurs” [Vấn đề của trại tù binh: Liên Xô chiêu mộ sĩ quan SS làm gián điệp và người phá ngầm]. Intelligence and National Security. 15 (3): 131–145. doi:10.1080/02684520008432620.
- Bishop, Chris (2005). Hitler's Foreign Divisions: 1940–45 [Sư đoàn ngoại quốc của Hitler: 1940–45]. London: Amber. ISBN 978-1-904687-37-5.
- Blood, Philip W. (2006). Hitler's Bandit Hunters: The SS and the Nazi Occupation of Europe [Thợ săn cướp của Hitler: Cuộc chiếm đóng châu Âu của SS và Đức Quốc Xã]. Potomac Books. ISBN 978-1-59797-021-1.
- Bracher, Karl-Dietrich (1970). The German Dictatorship: The Origins, Structure and Effects of National Socialism [Chế độ độc tài Đức: Nguồn gốc, cơ cấu và ảnh hưởng của Quốc gia Xã hội chủ nghĩa]. New York: Praeger Publishers. ASIN B001JZ4T16.
- Browder, George C (1996). Hitler's Enforcers: The Gestapo and the SS Security Service in the Nazi Revolution [Những người thực thi của Hitler: Gestapo và lực lượng an ninh SS thời cách mạng Đức Quốc Xã]. Oxford and New York: Oxford University Press. ISBN 978-0-19-510479-0.
- Browning, Christopher R. (2004). The Origins of the Final Solution: The Evolution of Nazi Jewish Policy, September 1939 – March 1942 [Nguồn gốc của Giải pháp cuối cùng: Sự phát triển của chính sách Do Thái của Đức Quốc Xã, tháng 9 năm 1939 – tháng 3 năm 1942]. Comprehensive History of the Holocaust. Lincoln: University of Nebraska Press. ISBN 978-0-8032-1327-2.
- Buchheim, Hans (1968). “The SS – Instrument of Domination”. Trong Krausnik, Helmut; Buchheim, Hans; Broszat, Martin; Jacobsen, Hans-Adolf (biên tập). Anatomy of the SS State ["Giải phẫu" nhà nước SS]. New York: Walker and Company. ISBN 978-0-00-211026-6.
- Burleigh, Michael; Wippermann, Wolfgang (1991). The Racial State: Germany 1933–1945 [Nhà nước chủng tộc: Đức 1933–1945]. Cambridge; New York: Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-39802-2.
- Burleigh, Michael (2000). The Third Reich: A New History [Đế chế thứ ba: Một lịch sử mới]. New York: Hill and Wang. ISBN 978-0-8090-9325-0.
- Burleigh, Michael (2010). Moral Combat: Good and Evil in World War II [Cuộc chiến đạo đức: Thiện và Ác trong Chiến tranh thế giới thứ hai]. New York: Harper Collins. ISBN 978-0-06-058097-1.
- Butler, Rupert (2001). SS-Leibstandarte: The History of the First SS Division, 1934–45. Staplehurst: Spellmount. ISBN 978-1-86227-117-3.
- Butler, Rupert (2003). The Black Angels [Thiên thần hắc ám]. Staplehurst: Spellmount. ISBN 978-1-86227-117-3.
- Cesarani, David (2005) [2004]. Eichmann: His Life and Crimes [Cuộc đời và tội ác của Eichmann]. London: Vintage. ISBN 978-0-09-944844-0.
- Century, Rachel (tháng 1 năm 2011). “Review of Das SS-Helferinnenkorps: Ausbildung, Einsatz und Entnazifizierung der weiblichen Angehörigen der Waffen-SS 1942–1949” [Bài bình về Quân đoàn nữ phụ trợ SS: Đào tạo, triển khai và sự xoá bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa Quốc Xã ở các thành viên nữ của Waffen-SS giai đoạn 1942–1949]. Reviews in History. Review no. 1183. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2020.
- Cook, Stan; Bender, R. James (1994). Leibstandarte SS Adolf Hitler: Uniforms, Organization, & History [Leibstandarte SS Adolf Hitler: Đồng phục, cơ cấu và lịch sử]. San Jose, CA: R. James Bender. ISBN 978-0-912138-55-8.
- Dear, Ian; Foot, M.R.D. biên tập (1995). The Oxford Guide to World War II. Oxford; New York: Oxford University Press. ISBN 978-0-19-534096-9.
- Diner, Dan (2006). Beyond the Conceivable: Studies on Germany, Nazism, and the Holocaust [Bên ngoài sự tưởng tượng: Nghiên cứu về Đức, Chủ nghĩa Quốc xã và cuộc diệt chủng người Do Thái]. Los Angeles; Berkeley: University of California Press. ISBN 978-0-520-21345-6.
- Duffy, Christopher (2002). Red Storm on the Reich: The Soviet March on Germany, 1945 [Cơn bão đỏ trên nước Đức: Cuộc hành quân của Liên Xô trên đất Đức, 1945]. Edison, NJ: Castle Books. ISBN 978-0-7858-1624-9.
- Evans, Richard J. (2003). The Coming of the Third Reich [Sự xuất hiện của Đệ tam Đế chế]. New York: Penguin Group. ISBN 978-0-14-303469-8.
- Evans, Richard J. (2005). The Third Reich in Power [Đệ tam Đế chế cầm quyền]. New York: Penguin Group. ISBN 978-0-14-303790-3.
- Evans, Richard J. (2008). The Third Reich at War [Đệ tam Đế chế thời chiến]. New York: Penguin Group. ISBN 978-0-14-311671-4.
- Felton, Mark (2014). Guarding Hitler: The Secret World of the Führer [Bảo vệ Hitler: Thế giới bí mật của Führer]. Barnsley: Pen & Sword. ISBN 978-1-78159-305-9.
- Flaherty, Thomas H. biên tập (2004) [1988]. The Third Reich: The SS [Đế chế thứ ba: SS]. Time-Life. ISBN 978-1-84447-073-0.
- Ford, Ken; Zaloga, Steven J. (2009). Overlord: The D-Day Landings [Chiến dịch Overlord: Cuộc đổ bộ ngày D]. Oxford; New York: Osprey. ISBN 978-1-84603-424-4.
- Frei, Norbert (1993). National Socialist Rule in Germany: The Führer State, 1933–1945 [Chế độ xã hội chủ nghĩa quốc gia ở Đức: Nhà nước Führer, 1933–1945]. Cambridge, MA: Wiley-Blackwell. ISBN 978-0-631-18507-9.
- Friedlander, Henry (1997). The Origins of Nazi Genocide: From Euthanasia to the Final Solution [Nguyên nhân của cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã: Từ chương trình trợ tử đến Giải pháp cuối cùng]. Chapel Hill: University of North Carolina Press. ISBN 978-0-8078-4675-9.
- Fritz, Stephen (2004). Endkampf: Soldiers, Civilians, and the Death of the Third Reich [Endkampf: Binh lính, Thường dân và Cái kết của Đệ tam Đế chế]. Lexington: The University Press of Kentucky. ISBN 978-0-8131-2325-7.
- Fritz, Stephen (2011). Ostkrieg: Hitler's War of Extermination in the East [Ostkrieg: Cuộc chiến diệt chủng của Hitler ở phía Đông]. Lexington: The University Press of Kentucky. ISBN 978-0-8131-3416-1.
- Frusetta, James (2012). “The Final Solution in Southwestern Europe”. Trong Friedman, Jonathan C. (biên tập). The Routledge History of the Holocaust [Giải pháp cuối cùng ở Tây nam châu Âu]. New York: Taylor & Francis. tr. 264–276. ISBN 978-0-415-52087-4.
- Gerwarth, Robert (2011). Hitler's Hangman: The Life of Heydrich [Đao phủ của Hitler: Cuộc đời của Heydrich]. New Haven, CT: Yale University Press. ISBN 978-0-300-11575-8.
- Givhan, Robin (ngày 15 tháng 8 năm 1997). “Clothier Made Nazi Uniforms”. Los Angeles Times. The Washington Post. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2020.
- Glantz, David (ngày 11 tháng 10 năm 2001), The Soviet‐German War 1941–45: Myths and Realities: A Survey Essay [Chiến tranh Đức–Xô 1941–45: Truyền thuyết và thực tế: Một bài luận khảo sát], Strom Thurmond Institute of Government and Public Affairs, Clemson University, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 18 tháng 2 năm 2015, truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2020.
- Gruner, Wolf (2012). “Forced Labor in Nazi Anti-Jewish Policy, 1938–45”. Trong Friedman, Jonathan C. (biên tập). The Routledge History of the Holocaust [Lao động cưỡng bức trong chính sách chống người Do Thái của Đức Quốc xã, 1938–45]. New York: Taylor & Francis. tr. 168–180. ISBN 978-0-415-52087-4.
- Gutmann, Martin R. (2017). Building a Nazi Europe: The SS's Germanic Volunteers [Xây dựng một châu Âu phát xít: Các tình nguyện viên German của SS]. Cambridge; New York: Cambridge University Press. ISBN 978-1-107-15543-5.
- Hale, Christopher (2011). Hitler's Foreign Executioners: Europe's Dirty Secret [Những tay đao phủ ngoại quốc của Hitler: Quá khứ vấy bẩn của châu Âu]. Stroud, Gloucestershire: The History Press. ISBN 978-0-7524-5974-5.
- Headland, Ronald (1992). Messages of Murder: A Study of the Reports of the Einsatzgruppen of the Security Police and the Security Service, 1941–1943 [Thông điệp của vụ thảm sát: Nghiên cứu về các báo cáo của lực lượng Einsatzgruppen trực thuộc Cảnh sát An ninh và Cục An ninh, 1941–1943]. Rutherford, N.J: Fairleigh Dickinson University Press. ISBN 978-0-8386-3418-9.
- Heer, Hannes; Naumann, Klaus (2000). War of Extermination: The German Military in World War II 1941–1944 [Chiến tranh diệt chủng: Quân đội Đức trong Thế chiến II 1941–1944]. New York: Berghahn. ISBN 978-1-57181-232-2.
- Hein, Bastian (2015). Die SS: Geschichte und Verbrechen [SS: Lịch sử và tội ác] (bằng tiếng Đức). München: C.H. Beck. ISBN 978-3-406-67513-3.
- Hellwinkel, Lars (2014). Hitler's Gateway to the Atlantic: German Naval Bases in France 1940–1945 [Cửa ngõ ra Đại Tây Dương của Hitler: Căn cứ hải quân Đức ở Pháp 1940–1945]. Barnsley: Seaforth. ISBN 978-1-84832-199-1.
- Hilberg, Raul (1985). The Destruction of the European Jews [Sự hủy diệt của người Do Thái châu Âu]. New York: Holmes & Meier. ISBN 978-0-8419-0910-6.
- Hildebrand, Klaus (1984). The Third Reich [Đế chế thứ ba]. London; New York: Routledge. ISBN 978-0-04-943033-4.
- Himmler, Heinrich (1936). Die Schutzstaffel als antibolschewistische Kampforganisation [Schutzstaffel dưới tư cách của một tổ chức chiến đấu chống lại chủ nghĩa Bolshevik] (bằng tiếng Đức). München: Franz Eher.
- Hoffmann, Peter (2000). Hitler's Personal Security: Protecting the Führer 1921–1945 [Vệ binh của Hitler: Bảo vệ Führer 1921–1945]. New York: Da Capo. ISBN 978-0-306-80947-7.
- Höhne, Heinz (2001). The Order of the Death's Head: The Story of Hitler's SS [Huân chương Đầu lâu: Câu chuyện về SS của Hitler]. New York: Penguin. ISBN 978-0-14-139012-3.
- Ingrao, Christian (2013). Believe and Destroy: Intellectuals in the SS War Machine. Malden, MA: Polity. ISBN 978-0-7456-6026-4.
- Jacobsen, Hans-Adolf (1999). “The Structure of Nazi Foreign Policy, 1933–1945”. Trong Christian Leitz (biên tập). The Third Reich: The Essential Readings [Đệ tam Đế chế: Những bài đọc cần thiết]. Oxford: Blackwell. ISBN 978-0-631-20700-9.
- Joachimsthaler, Anton (1999). The Last Days of Hitler: The Legends, The Evidence, The Truth [Những ngày cuối cùng của Hitler: Huyền thoại, Bằng chứng, Sự thật]. London: Brockhampton Press. ISBN 978-1-86019-902-8.
- Kershaw, Ian (2001). Hitler: 1936–1945, Nemesis [Hitler: 1936–1945, Sự báo ứng]. New York: W. W. Norton & Company. ISBN 978-0-393-32252-1.
- Kershaw, Ian (2008). Hitler: A Biography [Hitler: Một tiểu sử]. W. W. Norton & Company. ISBN 978-0-393-06757-6.
- Kershaw, Ian (2011). The End: The Defiance and Destruction of Hitler's Germany, 1944–1945 [Hồi kết: Sự thách thức và tiêu diệt nước Đức của Hitler, 1944–1945]. New York; Toronto: Penguin. ISBN 978-1-59420-314-5.
- Koehl, Robert (2004). The SS: A History 1919–45 [SS: Một lịch sử 1919–45]. Stroud: Tempus. ISBN 978-0-7524-2559-7.
- Krausnik, Helmut (1968). “The Persecution of the Jews”. Trong Krausnik, Helmut; Buchheim, Hans; Broszat, Martin; Jacobsen, Hans-Adolf (biên tập). Anatomy of the SS State. New York: Walker and Company. ISBN 978-0-00-211026-6.
- Krüger, Arnd; Wedemeyer-Kolwe, Bernd (2009). Vergessen, verdrängt, abgelehnt – Zur Geschichte der Ausgrenzung im Sport [Lãng quên, đàn áp, từ chối - lịch sử của sự tách biệt trong thể thao] (bằng tiếng Đức). Münster: Lit Verlag. ISBN 978-3-643-10338-3.
- Langerbein, Helmut (2003). Hitler's Death Squads: The Logic of Mass Murder [Đội cảm tử của Hitler: Logic của cuộc giết người hàng loạt]. College Station, TX: Texas A&M University Press. ISBN 978-1-58544-285-0.
- Laqueur, Walter; Baumel, Judith Tydor (2001). The Holocaust Encyclopedia [Bách khoa toàn thư về Holocaust]. New Haven; London: Yale University Press. ISBN 978-0-300-08432-0.
- Levy, Alan (2006) [1993]. Nazi Hunter: The Wiesenthal File [Thợ săn quốc xã: Hồ sơ Wiesenthal] (ấn bản thứ 2002). London: Constable & Robinson. ISBN 978-1-84119-607-7.
- Lichtblau, Eric (2014). The Nazis Next Door [Kẻ theo chủ nghĩa Quốc xã nhà bên]. New York: Houghton Mifflin Harcourt. ISBN 978-0-547-66919-9.
- Lifton, Robert Jay (ngày 21 tháng 7 năm 1985). “What Made This Man? Mengele” [Thứ gí đã tạo nên con người này? Mengele]. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2014.
- Lifton, Robert Jay (1986). The Nazi Doctors: Medical Killing and the Psychology of Genocide [Những vị bác sĩ của Đức Quốc xã: Giết người trong y tế và Tâm lý học về tội ác diệt chủng]. New York: Basic Books. ISBN 978-0-465-04905-9.
- Lifton, Robert Jay; Hackett, Amy (1994). “The Auschwitz Prisoner Administration”. Trong Gutman, Yisrael; Berenbaum, Michael (biên tập). Anatomy of the Auschwitz Death Camp. Bloomington, Indiana: Indiana University Press. tr. 363–378. ISBN 978-0-253-32684-3.
- Longerich, Peter (2010). Holocaust: The Nazi Persecution and Murder of the Jews [Holocaust: Cuộc đàn áp và giết hại người Do Thái của Đức Quốc xã]. Oxford; New York: Oxford University Press. ISBN 978-0-19-280436-5.
- Longerich, Peter (2012). Heinrich Himmler: A Life [Heinrich Himmler: Một cuộc đời]. Oxford; New York: Oxford University Press. ISBN 978-0-19-959232-6.
- Lowe, Keith (2012). Savage Continent: Europe in the Aftermath of World War II [Lục địa hoang dại: Châu Âu sau Thế chiến II]. New York: Picador. ISBN 978-1-250-03356-7.
- Lower, Wendy (2013). Hitler's Furies: German Women in the Nazi Killing Fields [Cơn thịnh nộ của Hitler: Phụ nữ Đức trên cánh đồng chết của Đức Quốc xã]. Boston: Houghton Mifflin Harcourt. ISBN 978-0-547-86338-2.
- MacDonogh, Giles (2009). After the Reich: The Brutal History of the Allied Occupation [Nước Đức sau thời Quốc Xã: Lịch sử chiếm đóng tàn bạo của quân Đồng minh]. New York: Basic Books. ISBN 978-0-465-00337-2.
- Mang, Thomas (2003). “Gestapo-Leitstelle Wien – "Mein Name ist Huber"” [Trưởng Cơ quan Gestapo chi nhánh Viên: "Tên tôi là Huber"] (PDF). Döw Mitteilungen (bằng tiếng Đức). 164: 1–5. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2020.
- Manning, Jeanne (1999). A Time to Speak [Thời điểm để nói]. Paducah, KY: Turner. ISBN 978-1-56311-560-8.
- Mattson, Gregory L. (2002). SS-Das Reich: The History of the Second SS Division, 1944–45 [SS-Das Reich: Lịch sử của Sư đoàn SS số 2, 1944–45]. Amber Books. ISBN 978-0-7603-1255-1.
- Mazower, Mark (2008). Hitler's Empire: How the Nazis Ruled Europe [Đế chế của Hitler: Đức Quốc Xã đã cai trị châu Âu như thế nào]. New York; Toronto: Penguin. ISBN 978-1-59420-188-2.
- McNab, Chris (2009). The SS: 1923–1945 [SS: 1923–1945]. London: Amber Books. ISBN 978-1-906626-49-5.
- McNab, Chris (2013). Hitler's Elite: The SS 1939–45 [Giới tinh hoa của Hitler: SS 1939–45]. Osprey. ISBN 978-1-78200-088-4.
- Messenger, Charles (2001). Hitler's Gladiator: The Life and Military Career of Sepp Dietrich [Đấu sĩ của Hitler: Cuộc đời và binh nghiệp của Sepp Dietrich]. London: Brassey's. ISBN 978-1-57488-315-2.
- Michael, Robert; Doerr, Karin (2002). Nazi-Deutsch/Nazi-German: An English Lexicon of the Language of the Third Reich [Tiếng Đức thời Quốc Xã: Từ điển tiếng Anh về ngôn ngữ của Đệ tam Đế chế]. Westport, CT: Greenwood Press. ISBN 978-0313321061.
- Miller, Michael (2006). Leaders of the SS and German Police, Vol. 1 [Các lãnh đạo của SS và cảnh sát Đức, tập 1]. San Jose, CA: R. James Bender. ISBN 978-93-297-0037-2.
- Miller, Michael; Schulz, Andreas (2012). Gauleiter: The Regional Leaders Of The Nazi Party And Their Deputies, 1925–1945 [Gauleiter: Những nhà lãnh đạo khu vực của Đảng Quốc xã và các đại biểu của họ, 1925–1945]. San Jose, CA: R. James Bender. ISBN 978-1-932970-21-0.
- Mollo, Andrew (1991). Uniforms of the SS: Volume 3: SS-Verfügungstruppe [Quân phục của SS: Tập 3: SS-Einsatzstruppe]. London: Windrow & Greene. ISBN 978-1-872004-51-8.
- Moorhouse, Roger (2012). Berlin at War [Berlin thời chiến]. New York: Basic Books. ISBN 978-0-465-02855-9.
- Montague, Patrick (2012). Chelmno and the Holocaust: The History of Hitler's First Death Camp [Chelmno và Holocaust: Lịch sử của Trại tử thần đầu tiên của Hitler]. London: I.B. Tauris. tr. 188–190. ISBN 978-1-84885-722-3.
- Motadel, David (2014). Islam and Nazi Germany's War [Hồi giáo và Chiến tranh của Đức Quốc xã]. Cambridge, MA: Belknap Press of Harvard University Press. ISBN 978-0-674-72460-0.
- Mühlenberg, Jutta (2011). Das SS-Helferinnenkorps: Ausbildung, Einsatz und Entnazifizierung der weiblichen Angehörigen der Waffen-SS, 1942–1949 [Quân đoàn nữ phụ trợ SS: Đào tạo, triển khai và sự xoá bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa Quốc Xã ở các thành viên nữ của Waffen-SS giai đoạn 1942–1949] (PDF) (bằng tiếng Đức). Hamburg: VerlagsgesmbH. ISBN 978-3-86854-500-5. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2020.
- Müller, Rolf-Dieter (2012). The Unknown Eastern Front: The Wehrmacht and Hitler's Foreign Soldiers [Những điều chưa biết về Mặt trận phía Đông: Wehrmacht và những người lính nước ngoài của Hitler]. New York: I.B. Taurus. ISBN 978-1-78076-072-8.
- Murray, Williamson; Millett, Allan R. (2001). A War To Be Won: Fighting the Second World War [Một cuộc chiến để thắng: Chiến đấu trong Thế chiến II]. Harvard University Press. ISBN 978-0-674-00680-5.
- Padfield, Peter (2001) [1990]. Himmler: Reichsführer-SS. London: Cassel & Co. ISBN 978-0-304-35839-7.
- Parker, Danny S. (2012). Fatal Crossroads: The Untold Story of the Malmédy Massacre at the Battle of the Bulge [Những ngã tư chết người: Câu chuyện chưa kể về Thảm sát Malmédy trong Trận Ardennes]. Cambridge, MA: Da Capo. ISBN 978-0-306-81193-7.
- Pieper, Henning (2015). Fegelein's Horsemen and Genocidal Warfare: The SS Cavalry Brigade in the Soviet Union [Những kỵ sĩ và cuộc chiến diệt chủng của Fegelein: Lữ đoàn kỵ binh SS ở Liên Xô]. Houndmills, Basingstoke, Hampshire: Palgrave Macmillan. ISBN 978-1-137-45631-1.
- Piper, Franciszek (1994). “Gas Chambers and Crematoria”. Trong Gutman, Yisrael; Berenbaum, Michael (biên tập). Anatomy of the Auschwitz Death Camp [Phòng khí gas và lò thiêu]. Bloomington, Indiana: Indiana University Press. tr. 157–182. ISBN 978-0-253-32684-3.
- Posner, Gerald L.; Ware, John (1986). Mengele: The Complete Story [Mengele: Toàn bộ câu chuyện]. New York: McGraw-Hill. ISBN 978-0-07-050598-8.
- Pringle, Heather (2006). The Master Plan: Himmler's Scholars and the Holocaust [Kế hoạch tổng thể: Các học giả và Cuộc tàn sát của Himmler]. London: Fourth Estate. ISBN 978-0-00-714812-7.
- Proctor, Robert (1988). Racial Hygiene: Medicine under the Nazis [Thuyết ưu sinh: Y học dưới thời Đức Quốc xã]. Cambridge, MA: Harvard University Press. ISBN 978-0-674-74578-0.
- Read, Anthony (2005). The Devil's Disciples: Hitler's Inner Circle [Những môn đồ của quỷ: Nhóm người thân cận của Hitler]. New York; London: Norton. ISBN 978-0-393-32697-0.
- Reitlinger, Gerald (1989). The SS: Alibi of a Nation, 1922–1945 [SS: Chứng cứ ngoại phạm của một quốc gia, 1922–1945]. New York: Da Capo Press. ISBN 978-0-306-80351-2.
- Rempel, Gerhard (1989). Hitler's Children: The Hitler Youth and the SS [Những đứa trẻ của Hitler: Đoàn Thanh niên Hitler và SS]. Chapel Hill, NC: University of North Carolina Press. ISBN 978-0-8078-4299-7.
- Reynolds, Michael Frank (1997). Steel Inferno: I SS Panzer Corps in Normandy: The Story of the 1st and 12th SS Panzer Divisions in the 1944 Normandy Campaign [Hỏa ngục Sắt: I SS Panzer Corps ở Normandy: Câu chuyện về Sư đoàn Thiết giáp SS số 1 và số 12 trong Chiến dịch Normandy năm 1944]. Steelhurst: Spellmount. ISBN 978-1-873376-90-4.
- Rhodes, Richard (2003). Masters of Death: The SS-Einsatzgruppen and the Invention of the Holocaust [Bậc thầy tử thần: Einsatzgruppe của SS và phát minh ra Holocaust]. New York: Vintage. ISBN 978-0-375-70822-0.
- Rossino, Alexander B. (2003). Hitler Strikes Poland: Blitzkrieg, Ideology, and Atrocity [Hitler tấn công Ba Lan: Blitzkrieg, hệ tư tưởng và hành động hung ác]. Lawrence, Kansas: University Press of Kansas. ISBN 978-0-7006-1234-5.
- Rummel, Rudolph (1992). Democide: Nazi Genocide and Mass Murder [Diệt chủng: Cuộc diệt chủng và giết người hàng loạt của Đức Quốc xã]. New Brunswick, NJ: Transaction. ISBN 978-1-56000-004-4.
- Schwarz, Gudrun (1997). “Frauen in der SS: Sippenverband und Frauenkorps”. Trong Kristen Heinsohn; Barbara Vogel; Ulrike Weckel (biên tập). Zwischen Karriere und Verfolgung: Handlungsräume von Frauen im nationalsozialistischen Deutschland [Không gian hoạt động của phụ nữ ở nước Đức thời Quốc xã] (bằng tiếng Đức). Frankfurt and New York: Campus Verlag. ISBN 978-3-593-35756-0.
- Seaton, Albert (1971). The Russo-German War, 1941–45 [Chiến tranh Nga–Đức, 1941–45]. New York: Praeger Publishers. ISBN 978-0-213-76478-4.
- Segev, Tom (2010). Simon Wiesenthal: The Life and Legends [Simon Wiesenthal: Cuộc đời và Huyền thoại]. New York: Schocken Books. ISBN 978-0-385-51946-5.
- Sereny, Gitta (1974). Into That Darkness: From Mercy Killings to Mass Murder [Bước vào bóng tối: Từ giết người nhân đạo đến giết người hàng loạt]. New York: Vintage. ISBN 978-0-394-71035-8.
- Shirer, William L. (1960). The Rise and Fall of the Third Reich [Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba]. New York: Simon & Schuster. ISBN 978-0-671-62420-0.
- Shirer, William L. (2018). Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba – Lịch sử Đức Quốc Xã. Diệp Minh Tâm biên dịch. Sách điện tử. Bách Việt phát hành: NXB Thông tin & Truyền thông.
- Snyder, Louis (1994) [1976]. Encyclopedia of the Third Reich [Bách khoa toàn thư về Đế chế thứ ba]. Da Capo Press. ISBN 978-1-56924-917-8.
- Spielvogel, Jackson (1992). Hitler and Nazi Germany: A History [Hitler và Đức Quốc Xã: Một lịch sử]. New York: Prentice Hall. ISBN 978-0-13-393182-2.
- Stackelberg, Roderick (2002). Hitler's Germany: Origins, Interpretations, Legacies [Nước Đức của Hitler: Nguồn gốc, Diễn giải, Di sản]. London; New York: Taylor & Francis. ISBN 978-0-203-00541-5.
- Stackelberg, Roderick (2007). The Routledge Companion to Nazi Germany. New York: Routledge. ISBN 978-0-415-30861-8.
- Stein, George H (1984). The Waffen SS: Hitler's Elite Guard at War, 1939–1945 [Waffen SS: Đội cận vệ ưu tú của Hitler trong Chiến tranh, 1939–1945]. Cornell University Press. ISBN 978-0801492754.
- Stein, George (2002) [1966]. The Waffen-SS: Hitler's Elite Guard at War 1939–1945. Cerberus Publishing. ISBN 978-1841451008.
- Steinbacher, Sybille (2005) [2004]. Auschwitz: A History [Auschwitz: Một lịch sử]. München: Verlag C. H. Beck. ISBN 978-0-06-082581-2.
- Stockert, Peter (1997). Die Eichenlaubträger 1939–1945 Band 2 [The Oak Leaves Bearers 1939–1945 Volume 2] (bằng tiếng Đức). Bad Friedrichshall, Germany: Friedrichshaller Rundblick. ISBN 978-3-9802222-9-7.
- Stone, David (2011). Shattered Genius: The Decline and Fall of the German General Staff in World War II [Thiên tư bị mất: Sự suy tàn và sụp đổ của Bộ Tổng tham mưu Đức trong Thế chiến II]. Philadelphia: Casemate. ISBN 978-1-61200-098-5.
- Streim, Alfred (1989). “The Tasks of the SS Einsatzgruppen, pages 436–454”. Trong Marrus, Michael (biên tập). The Nazi Holocaust, Part 3, The "Final Solution": The Implementation of Mass Murder, Volume 2 [Holocaust của Đức Quốc Xã, Phần 3, "Giải pháp cuối cùng": Tiến hành diệt chủng, Tập 2]. Westpoint, CT: Meckler. ISBN 978-0-88736-266-8.
- Sydnor, Charles (1977). Soldiers of Destruction: The SS Death's Head Division, 1933–1945 [Những chiến binh hủy diệt: Sư đoàn Đầu lâu SS, 1933–1945]. Princeton, NJ: Princeton University Press. ASIN B001Y18PZ6.
- Tòa án Quân sự Quốc tế (1946). Nazi Conspiracy and Aggression [Âm mưu và hành động xâm lược của Đức Quốc xã] (PDF). 1. Washington: United States Government Printing Office. tr. 70–71. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 2 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2020.
- Tòa án Quân sự Quốc tế (1950). “Report on the Administrative Development of Operation Reinhardt: Document NO-059: Odilo Globocnik, January 1944. Attachment NO-062: Detailed List of Money, Precious Metals, Jewels, Other Valuables, and Textiles” (PDF). Nuremberg Trials. The Green Series [Tòa án Nürnberg. Serie xanh]. 5. Washington: United States Government Printing Office. tr. 728–731. OCLC 315875936. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 4 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2020.
- Wachsmann, Nikolaus (2010). “The Dynamics of Destruction”. Trong Caplan, Jane; Wachsmann, Nikolaus (biên tập). Concentration Camps in Nazi Germany: The New Histories [Trại tập trung ở Đức Quốc xã: Những trang sử mới]. New York: Routledge. ISBN 978-0-415-42651-0.
- Wachsmann, Nikolaus (2015). KL: A History of the Nazi Concentration Camps [KL: Lịch sử các trại tập trung của Đức Quốc Xã]. New York: Farrar, Straus and Giroux. ISBN 978-0-374-11825-9.
- Weale, Adrian (2010). The SS: A New History [SS: Một lịch sử mới]. London: Little, Brown. ISBN 978-1-4087-0304-5.
- Weale, Adrian (2012). Army of Evil: A History of the SS [Đạo quân tàn độc: Một lịch sử về SS]. New York: Caliber Printing. ISBN 978-0-451-23791-0.
- Weinberg, Gerhard (1994). A World at Arms: A Global History of World War II [Thế giới vũ trang: Lịch sử toàn cầu về Thế chiến II]. Cambridge; New York: Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-44317-3.
- Whitmarsh, Andrew (2009). D-Day in Photographs [Bức ảnh về cuộc Đổ bộ Normandie]. Stroud: History Press. ISBN 978-0-7524-5095-7.
- Williams, Max (2001). Reinhard Heydrich: The Biography (Vol. 1) [Tiểu sử Reinhard Heydrich (Tập 1)]. Church Stretton: Ulric. ISBN 978-0-9537577-5-6.
- Wilmot, Chester (1997) [1952]. The Struggle For Europe [Cuộc chiến vì châu Âu]. Ware, Hertfordshire: Wordsworth Editions. ISBN 978-1-85326-677-5.
- Windrow, Martin; Burn, Jeffrey (1992). The Waffen-SS. Men At Arms. London: Osprey. ISBN 978-0-85045-425-3.
- Yahil, Leni (1990). The Holocaust: The Fate of European Jewry [Holocaust: Số phận của người Do Thái Châu Âu]. Oxford; New York: Oxford University Press. ISBN 978-0-19-504522-2.
- Yenne, Bill (2010). Hitler's Master of the Dark Arts: Himmler's Black Knights and the Occult Origins of the SS [Bậc thầy về Nghệ thuật Hắc ám của Hitler: Những hiệp sĩ áo đen của Himmler và nguồn gốc huyền bí của SS]. Minneapolis: Zenith. ISBN 978-0-7603-3778-3.
- Yerger, Mark C. (1997). Allgemeine-SS: The Commands, Units, and Leaders of the General SS [Allgemeine-SS: Các Chỉ huy, Đơn vị và Lãnh đạo của General SS]. Atglen, PA: Schiffer. ISBN 978-0-7643-0145-2.
- Zentner, Christian; Bedürftig, Friedemann (1991). The Encyclopedia of the Third Reich [Bách khoa toàn thư về Đế chế thứ ba]. New York: MacMillan. ISBN 978-0-02-897500-9.
- Ziegler, Herbert (2014). Giai cấp quý tộc mới của Đức Quốc xã: Giới lãnh đạo SS, 1925–1939. Princeton, NJ: Princeton University Press. ISBN 978-0-691-60636-1.
- Ziemke, Earl F. (1968). Stalingrad to Berlin: The German Defeat in the East [Stalingrad đến Berlin: Thất bại của Đức ở phía Đông]. Washington: Office of the Chief of Military History – US Army. ASIN B002E5VBSE.
Online
sửa- Associated Press (ngày 17 tháng 3 năm 2012). “John Demjanjuk, convicted Nazi death camp guard, dies aged 91”. The Guardian (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
- Bayerischer, Rundfunk (17 tháng 3 năm 2012). “John Demjanjuk: Ein historisches Urteil” [John Demjanjuk: Một bản án lịch sử] (bằng tiếng Đức). Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
- Bosacki, Marcin; Uhlig, Dominik; Wróblewski, Bogdan (ngày 21 tháng 5 năm 2008). “Nikt nie chce osądzić zbrodniarza” [Không ai muốn xét xử tội phạm]. Gazecie Wyborczej (bằng tiếng Ba Lan). Agora SA. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 9 năm 2009. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2017. Đã bỏ qua tham số không rõ
|=
(trợ giúp) - Brzezinski, Matthew (ngày 24 tháng 7 năm 2005). “Giving Hitler Hell” [Mang địa ngục đến với Hitler]. Washington Post. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2020.
- Douglas, Lawrence (ngày 27 tháng 8 năm 2020). “The Era of Nazi War Crime Trials Is Over” [Kỷ nguyên xét xử tội phạm chiến tranh Đức Quốc Xã khép lại]. Wall Street Journal. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
- Feldmann, Julian; Seidel, Nino (24 tháng 4 năm 2019). “Letzter NS-Prozess? KZ-Wachmann vor Gericht” [Vụ xét xử Quốc Xã cuối cùng: Cai ngục trại tập trung hầu tòa]. Norddeutscher Rundfunk (bằng tiếng Đức). Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
- Frankfurter Allgemeine (27 tháng 5 năm 2012). “Auslieferungsstreit: NS-Verbrecher Klaas Carel Faber ist tot” [Tranh cãi dẫn độ: Tội phạm quốc xã Klaas Carel Faber đã qua đời]. FAZ Online (bằng tiếng Đức). Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
- The Guardian (22 tháng 2 năm 2002). “'Ivan the Terrible' loses US citizenship” ['Ivan Hung bạo' mất quốc tịch Hoa Kỳ]. The Guardian Online (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
- Hoàng Hoài Sơn (21 tháng 11 năm 2009). “Những tên phát xít cuối cùng”. Báo Thanh Niên. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
- Johnston, David (22 tháng 2 năm 2002). “Demjanjuk Loses Citizenship Again; Judge Cites Lies” [Demjanjuk lại mất quốc tịch Hoa Kỳ lần nữa; Thẩm phán trích dẫn lời nói dối]. The New York Times (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
- Jung, Harald (27 tháng 5 năm 2012). “Klaas Carel Faber: NS-Verbrecher in Ingolstadt gestorben” [Klaas Carel Faber: Tội phạm quốc xã qua đời tại Ingolstadt]. Augsburger Allgemeine (bằng tiếng Đức). Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
- McFadden, Robert D. (17 tháng 3 năm 2012). “John Demjanjuk, 91, Dogged by Charges of Atrocities as Nazi Camp Guard, Dies” [John Demjanjuk, bị buộc tội hung tàn khi là lính canh trại của Đức Quốc Xã, qua đời ở tuổi 91]. The New York Times (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
- Neumann, Conny; Fischer, Sebastian. “Alleged Nazi Guard Deported: Demjanjuk Lands in Munich” [Người được cho là cảnh vệ Đức Quốc Xã bị trục xuất: Demjanjuk hạ cánh tại München]. Spiegel Online (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
- Probst, Robert (6 tháng 10 năm 2009). “Der letzte große NS-Prozess” [Vụ án xét xử quốc xã lớn cuối cùng]. Süddeutsche Zeitung (bằng tiếng Đức). Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
- Probst, Robert; Sonnabend, Lisa (12 tháng 5 năm 2011). “John Demjanjuk - verurteilt, aber frei” [John Demjanjuk – bị kết án nhưng vẫn tự do]. Süddeutsche Zeitung (bằng tiếng Đức). Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
- Simek, Rudolf (ngày 10 tháng 10 năm 2017). “Runen gestern, heute, morgen” [Chữ Rune của hôm qua, hôm nay và ngày mai]. Bundeszentrale für politische Bildung (bằng tiếng Đức). Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2020.
- Schmidt, Volker (23 tháng 12 năm 2010). “Ungestraft in Ingolstadt” [Sống nhởn nhơ tại Ingolstadt]. Frankfurter Rundschau (bằng tiếng Đức). Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
- Spiegel International (18 tháng 6 năm 2008). “On the Trail of 'Ivan the Terrible': Former SS Camp Guard Could Be Tried in Germany” [Theo dấu 'Ivan Hung bạo': Cựu lính canh trại SS có thể bị xử tại Đức]. Spiegel Online (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
- Wefing, Heinrich (12 tháng 5 năm 2011). “Der Demjanjuk-Prozess hinterlässt Beklommenheit” [Dư âm gây bối rối của vụ án]. ZEIT ONLINE (bằng tiếng Đức). Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 1 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2021.
Đọc thêm
sửa- Browder, George C. (1990). Foundations of the Nazi Police State: The Formation of Sipo and SD. Lexington: University of Kentucky. ISBN 978-0-8131-1697-6.
- Gellately, Robert (1990). The Gestapo and German Society: Enforcing Racial Policy, 1933–1945. New York: Oxford University Press. ISBN 978-0-19-822869-1.
- Johnson, Eric (1999). Nazi Terror: The Gestapo, Jews, and Ordinary Germans. New York: Basic Books. ISBN 978-0-465-04906-6.
- Miller, Michael (2015). Leaders of the SS and German Police, Vol. 2. San Jose, CA: Bender. ISBN 978-1-932970-25-8.
- Segev, Tom (1988). Soldiers of Evil: The Commandants of the Nazi Concentration Camps. New York: McGraw Hill. ISBN 978-0-07-056058-1.
Liên kết ngoài
sửaWikisource có văn bản gốc Anh ngữ liên quan với bài: |
- Tư liệu liên quan tới SS (Nazi Germany) tại Wikimedia Commons
- SS (corps of Nazi Party) tại Encyclopædia Britannica (tiếng Anh)
- Phán quyết về SS tại Tòa án Nürnberg
- SS tại Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Hoa Kỳ
- Lời khai liên quan đến tội ác của SS ở Ba Lan trong cơ sở dữ liệu lời khai "Biên niên sử khủng bố"