[go: up one dir, main page]

Bước tới nội dung

Ý

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Italia)
Cộng hòa Ý
Tên bản ngữ

Quốc caIl Canto degli Italiani
("Bài ca của người Ý")
Ai CậpTunisiaLibyaAlgérieMarocMauritanieSénégalGambiaGuiné-BissauGuinéeSierra LeoneLiberiaBờ Biển NgàGhanaTogoBéninNigeriaGuinea Xích ĐạoCameroonGabonCộng hoà CongoAngolaCộng hòa Dân chủ CongoNamibiaCộng hòa Nam PhiEswatiniMozambiqueTanzaniaKenyaSomaliaDjiboutiEritreaSudanRwandaUgandaBurundiZambiaMalawiZimbabweBotswanaEthiopiaNam SudanCộng hoà Trung PhiTchadNigerMaliBurkina FasoYemenOmanCác Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhấtẢ Rập Xê ÚtIraqIranKuwaitQatarBahrainIsraelSyriaLibanJordanCộng hòa SípThổ Nhĩ KỳAfghanistanTurkmenistanPakistanHy LạpÝMaltaPhápBồ Đào NhaTây Ban NhaMauritiusRéunionMayotteComorosSeychellesMadagascarSão Tomé và PríncipeSri LankaẤn ĐộIndonesiaBangladeshTrung QuốcNepalBhutanMyanmarCanadaĐan Mạch (Greenland)IcelandMông CổNa UyThụy ĐiểnPhần LanCộng hòa IrelandVương quốc Liên hiệp Anh và Bắc IrelandHà LanBỉĐan MạchThụy SĩÁoĐứcSloveniaCroatiaSécSlovakiaHungaryBa LanNgaLitvaLatviaEstoniaBelarusMoldovaUkrainaBắc MacedoniaAlbaniaMontenegroBosnia và HerzegovinaSerbiaBulgariaRomâniaGruziaAzerbaijanArmeniaKazakhstanUzbekistanTajikistanKyrgyzstanNgaHoa KỳMaldivesNhật BảnCộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều TiênHàn QuốcĐài LoanSingaporeMalaysiaPhilippinesThái LanViệt NamLàoCampuchiaẤn ĐộVenezuelaGuyanaSurinamePháp (Guyane thuộc Pháp)BrasilCape VerdeTây Ban Nha (Quần đảo Canaria)DominicaPuerto RicoCộng hoà DominicaBahamasJamaicaCubaMexicoMexicoVenezuelaGuyanaSurinamePháp (Guyane thuộc Pháp)BrasilCape VerdeTây Ban Nha (Quần đảo Canaria)DominicaPuerto RicoCộng hoà DominicaBahamasJamaicaCubaMexicoMexiCoĐan Mạch (Quần đảo Faroe)
Vị trí của Ý (đỏ) trong Liên minh châu Âu (trắng)
Tổng quan
Thủ đô
và thành phố lớn nhất
Rome
41°54′B 12°29′Đ / 41,9°B 12,483°Đ / 41.900; 12.483
Ngôn ngữ chính thứcTiếng Ýa
Ngôn ngữ đầu tiênXem bài viết chính
Sắc tộc
(2017)[1]
Tôn giáo chính
(2021)[2]
Tên dân cưNgười Ý
Chính trị
Chính phủCộng hòa lập hiến
đại nghị đơn nhất
Sergio Mattarella
Giorgia Meloni
Ignazio La Russa
Lorenzo Fontana
Lập phápNghị viện
Thượng viện
Hạ viện
Lịch sử
Hình thành
17 tháng 3 năm
1861
2 tháng 6 năm
1946
1 tháng 1 năm
1948
• Đồng sáng lập EEC (tiền thân của EU)
1 tháng 1 năm 1958
Địa lý
Diện tích 
• Tổng cộng
301,340 km2 (hạng 71)
116,347 mi2
• Mặt nước (%)
1,24 (tính đến 2015)[5]
Dân số 
• Ước lượng 2020
Neutral decrease 60.317.116[3] (hạng 23)
• Điều tra 2011
Tăng 59.433.744[4]
201,3/km2 (hạng 74)
521,5/mi2
Kinh tế
GDP  (PPP)Ước lượng 2021
• Tổng số
Tăng 2,697 nghìn tỷ USD[6] (hạng 12)
Tăng 45.267 USD[6] (hạng 28)
GDP  (danh nghĩa)Ước lượng 2021
• Tổng số
Tăng 2,120 nghìn tỷ USD[6] (hạng 8)
• Bình quân đầu người
Tăng 35.585 USD[6] (hạng 25)
Đơn vị tiền tệEuro ()b (EUR)
Thông tin khác
Gini? (2019)Giảm theo hướng tích cực 32,8[8]
trung bình
HDI? (2019)Tăng 0,892[9]
rất cao · hạng 29
Múi giờUTC+1 (CET)
• Mùa hè (DST)
UTC+2 (CEST)
Cách ghi ngày thángdd/mm/yyyy
yyyy-mm-dd (AD)[7]
Giao thông bênbên phải
Mã điện thoại+39c
Mã ISO 3166IT
Tên miền Internet.itd
  1. Tiếng Đức là ngôn ngữ đồng chính thức ở các vùng Nam TyrolFriuli Venezia Giulia; Tiếng Pháp là ngôn ngữ đồng chính thức ở vùng Thung lũng Aosta; Tiếng Slovene là ngôn ngữ đồng chính thức ở các tỉnh Trieste, Gorizia và vùng Friuli Venezia Giulia; Tiếng Ladin là ngôn ngữ đồng chính thức ở các vùng Nam Tyrol, Trentinovà các vùng ở phía bắc khác; Tiếng Friuli là ngôn ngữ đồng chính thức ở vùng Friuli Venezia Giulia; Tiếng Sardegna là ngôn ngữ đồng chính thức ở vùng Sardinia.[10][11]
  2. Kể từ năm 2002, đồng lira được đồng thay thế bởi đồng Euro ở Campione d'Italia nhưng tiền tệ được dùng chính thức tại đây là đồng Franc Thụy Sĩ.[12]
  3. Mã vùng phổ biến ở Campione d'Italia là mã vùng của Thụy Sĩ - +41.
  4. Tên miền .eu cũng hay dược sử dụng bởi Ý có chia sẻ tên miền với các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu.

Ý hay Italia (phát âm tiếng Ý: [iˈtaːlja] ), tên chính thức là Cộng hòa Ý hay Cộng hòa Italia (tiếng Ý: Repubblica Italiana) là một quốc gia cộng hòa nghị viện đơn nhất tại châu Âu. Lãnh thổ Ý vươn ra phần trung tâm của Địa Trung Hải, hai đảo lớn nhất là SiciliaSardegna. Dãy Anpơ giới hạn phần lãnh thổ phía Bắc của Ý, tạo thành biên giới trên bộ với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Slovenia, trong khi San MarinoThành Vatican nằm lọt trong nước cộng hòa. Ý có diện tích là 301.339 km², và phần lớn có khí hậu ôn đới theo mùa và Địa Trung Hải. Do hình dạng lãnh thổ, Ý thường được ví như lo Stivale (chiếc ủng).[13][14] Dân số Ý đạt 60.184.639 người (2021), là quốc gia đông dân thứ ba trong Liên minh châu Âu, đông dân thứ 5 châu Âu, thứ 25 thế giới. Thủ đô của Ý là Roma, các vùng đô thị lớn khác là Milano, Napoli, Torino.

Đến thế kỷ I TCN, Đế quốc La Mã nổi lên thành thế lực chi phối tại bồn địa Địa Trung Hải, trở thành trung tâm lãnh đạo về văn hoá, chính trị và tôn giáo của văn minh phương Tây trong thời kỳ cổ đại. Di sản của đế quốc này được phổ biến và có thể nhận thấy trong luật dân sự, chính phủ cộng hoà, Cơ Đốc giáochữ cái Latinh trên toàn cầu. Đến sơ kỳ Trung cổ, xã hội - chính trị Ý sụp đổ trong quá trình người man di xâm lăng, song đến thế kỷ XI, nhiều thành bang và nước cộng hoà hàng hải, chủ yếu tại miền bắcmiền trung Ý, trở nên rất thịnh vượng nhờ chuyên chở đường biển, thương mại và ngân hàng, đặt nền tảng cho tư bản chủ nghĩa hiện đại.[15] Tuy nhiên, một phần lớn miền Trung Ý duy trì dưới quyền kiểm soát của Lãnh thổ Giáo hoàng, còn miền Nam Ý liên tục bị các thế lực bên ngoài chinh phục.[16] Phục hưng bắt đầu tại Ý và được truyền bá đến phần còn lại của châu Âu. Văn hoá Ý hưng thịnh trong thời kỳ này, sản sinh các học giả, nghệ sĩ và nhà bác học nổi tiếng. Các nhà thám hiểm người Ý như Marco PoloCristoforo Colombo khám phá các tuyến đường mới đến Viễn ĐôngTân Thế giới. Tuy vậy, sức mạnh thương mại và chính trị của Ý suy yếu đáng kể khi các tuyến hàng hải xuyên Đại Tây Dương và sang Ấn Độ Dương không đi qua Địa Trung Hải.[17][18][19]

Các cuộc chiến tranh Ý trong thế kỷ XV và thế kỷ XVI khiến các thành bang Ý kiệt sức. Các quốc gia Ý đã suy yếu này nhanh chóng bị các cường quốc châu Âu chinh phục và thuộc địa hoá, như Pháp, Tây Ban NhaÁo. Đến giữa thế kỷ XIX, nổi lên phong trào ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Ý và độc lập khỏi quyền cai trị ngoại bang. Ý cuối cùng thống nhất vào năm 1861, trở thành một đại cường quốc sau nhiều thế kỷ.[20] Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Vương quốc Ý nhanh chóng tiến hành công nghiệp hoá và trở thành một đế quốc thực dân,[21] song chủ yếu là tại miền Bắc, trong khi miền Nam phần lớn bị loại trừ khỏi quá trình này.[22] Ý là nước chiến thắng chính trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, song vương quốc lâm vào một giai đoạn khủng hoảng kinh tế và rối loạn xã hội, mở đường cho chủ nghĩa độc tài phát xít nổi lên vào năm 1922. Ý tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai bên phe Trục và kết quả là thất bại về quân sự, kinh tế bị tàn phá và nội chiến. Sau chiến tranh, Ý bãi bỏ chế độ quân chủ, khôi phục nền dân chủ, đạt được tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng suốt một thời gian dài, và trở thành một nền kinh tế tiên tiến với quy mô lớn dù có các giai đoạn náo động về xã hội-chính trị.[23][24][25]

Ngày nay, Ý là một cường quốc[26][27][28][29]nền kinh tế công nghiệp phát triển, có GDP lớn thứ 3 trong khu vực đồng Euro, đứng hạng 8 thế giới và được xếp hạng rất cao về chỉ số phát triển con người cũng như bình quân tuổi thọ. Ý tham gia sáng lập Liên minh châu Âu và là thành viên của các tổ chức quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc, NATO, OECD, Ủy hội châu Âu, Hội đồng châu Âu, Khu vực Schengen, Câu lạc bộ Paris, OSCE, WTO, G7, G8, G20, Liên minh Địa Trung Hải,... Ý sở hữu 55 di sản thế giới UNESCO, thuộc nhóm nhiều nhất thế giới.

cảnh quan mang tính biểu tượng nhất của hồ Como từ Sentiero del Viandante tại Lierna nhìn về Bellagio

Từ nguyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc tên tiếng Ý

[sửa | sửa mã nguồn]

Giới sử học và ngôn ngữ học đã đưa ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc tên gọi "Italia".[30] Theo một trong các cách giải thích phổ biến, thuật ngữ Italia, bắt nguồn từ tiếng Latinh: Italia,[31] được mượn từ tiếng Oscan (tại miền Nam Ý) Víteliú qua trung gian là tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "vùng đất bò con" (so với tiếng Latinh vitulus "con bê", tiếng Umbria vitlo "con bê").[32] Bò đực là một biểu trưng của các bộ lạc miền nam Ý và thường được miêu tả là đang húc con sói La Mã để tượng trưng cho sự thách thức của Ý tự do trong Chiến tranh Đồng Minh (91–88 TCN). Sử gia Hy Lạp Dionysius xứ Halicarnassus nói về giải thích này cùng truyền thuyết rằng Ý được đặt tên theo vị vua Italus trong truyền thuyết,[33] cũng được đề cập bởi Aristotle[34]Thucydides.[35]

Tên gọi Italia ban đầu chỉ áp dụng cho một phần của miền nam Ý ngày nay - theo lời Antiochus xứ Syracuse, phần miền nam của bán đảo Bruttium (nay là Calabria: tỉnh Reggio và một phần các tỉnh CatanzaroVibo Valentia). Tuy nhiên, đến thời Antiochus thì Oenotria và Italia trở nên đồng nghĩa, và tên gọi cũng được áp dụng cho hầu hết Lucania. Người Hy Lạp dần áp dụng tên gọi "Italia" cho một vùng lớn hơn, song đến thời gian trị vì của Hoàng đế Augustus (kết thúc thế kỷ I TCN) thì thuật ngữ được mở rộng để bao gồm toàn thể bán đảo cho đến dãy Alpes.[36]

Nguồn gốc tên tiếng Việt

[sửa | sửa mã nguồn]

Tên gọi Ý trong tiếng Việt là dạng rút gọn của một tên gọi khác dài hơn, nay không còn thông dụng nữa là Ý Đại Lợi. Danh xưng Ý Đại Lợi bắt nguồn tên gọi tiếng Hán 意大利 Ý Đại Lợi (âm đọc ghi theo âm Hán Việt).[37] Tên gọi 意大利 Ý Đại Lợi trong tiếng Hán là phiên âm của từ Italy, tên tiếng Anh của nước Ý.[38]

Tên gọi Italia (đọc là "I-ta-li-a") chủ yếu được dùng trong văn viết, nó ít khi được dùng trong khẩu ngữ tiếng Việt, người nói tiếng Việt hay gọi nước Ý bằng tên gọi đơn âm tiết Ý hơn là gọi bằng tên gọi đa âm tiết Italia. Ngoài cách viết Italia, tên gọi Italia còn có cách viết khác, ít gặp hơn là I-ta-li-a. Từ Italia trong tiếng Ý (phát âm là /iˈta.lja/) có ba âm tiết chứ không phải là bốn như từ Italia của tiếng Việt.

Đôi khi trong tiếng Việt, nước Ý bị một số người gọi là Italy ("I-ta-li") dù đã biết đến hai tên gọi ÝItalia. Tên gọi này bắt nguồn từ tên tiếng Anh Italy. Trong tiếng Anh, từ Italy được phát âm là /ˈɪ.tə.li/. Cách phát âm của tên tiếng Anh phiên âm sang tiếng Việt là "I-tơ-li" nhưng những người đó lại gọi là "I-ta-li" mà không gọi là "I-tơ-li" là vì họ vay mượn hình thức chính tả của từ tiếng Anh nhưng không đọc từ Italy bằng phiên âm tiếng Việt của từ tiếng Anh mà đọc các chữ cái trong từ Italy theo âm mà các chữ cái đó thường biểu thị trong tiếng Việt.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiền sử và cổ đại

[sửa | sửa mã nguồn]
Đền thờ Hera tại Paestum, nằm trong số các đền thờ Doric lớn nhất và được bảo quản tốt nhất trên thế giới

Các cuộc khai quật trên khắp nước Ý đã khám phá sự hiện diện của người Neanderthal có niên đại từ thời đồ đá cũ, khoảng 200.000 năm trước,[39] Người hiện đại xuất hiện vào khoảng 40.000 năm trước. Các di chỉ khảo cổ từ giai đoạn này gồm có hang động Addaura, người Altamura, Ceprano, đồi Poggiolo và thị trấn Gravina ở Puglia.[40]

Các dân tộc cổ đại của Ý thời tiền La Mã, như Umbria, Latinh (khởi nguồn của người La Mã), Volsci, Osci, Sanniti, Sabini, Celti, Liguri – thuộc nhóm Ấn-Âu; các dân tộc lớn trong lịch sử có khả năng không mang di sản Ấn-Âu là người Etrusca, người Elimi và Sicani tại Sicilia, và người Sardegna tiền sử sở hữu văn minh Nuraghe. Các dân tộc Ý cổ đại khác thuộc các ngữ hệ chưa xác định song có khả năng là có nguồn gốc phi Ấn-Âu, như người Reti và Cammuni, được biết đến với các hình khắc trên đá.

Giữa thế kỷ XVII và thế kỷ XI TCN, người Hy Lạp Mycenaea thiết lập liên hệ với Ý[41][42][43][44] và trong thế kỷ VIII và VII TCN, các thuộc địa của Hy Lạp được thành lập suốt dọc bờ biển Sicilia và phần miền nam của bán đảo Ý, chúng được gọi là Magna Graecia (Đại Hy Lạp). Người Phoenicia cũng lập thuộc địa trên bờ biển của hai đảo Sardegna và Sicilia.

La Mã cổ đại

[sửa | sửa mã nguồn]
Đấu trường La Mã (Colosseum) tại Roma, được xây vào khoảng năm 70-80 CN, được nhận định là một trong những công trình vĩ đại nhất về kiến trúc và kỹ thuật của lịch sử cổ đại

Roma (La Mã) là khu dân cư nằm gần một khúc cạn của sông Tevere, theo quy ước thì nó có mốc thành lập là năm 753 TCN. La Mã nằm dưới quyền cai trị của một chế độ quân chủ trong vòng 244 năm. Ban đầu các quân chủ có nguồn gốc Latinh và Sabini, về sau các quốc vương là người Etrusca. Theo truyền thuyết thì có bảy vị quốc vương kế tiếp nhau từ Romulus đến Tarquinius Superbus. Năm 509 TCN, người La Mã trục xuất vị quốc vương cuối cùng khỏi thành phố của họ, và lập ra một chế độ cộng hoà theo chính thể đầu sỏ.

Sau khi Julius Caesar nổi lên rồi bị giết trong thế kỷ I TCN, La Mã trở thành một đế quốc khổng lồ qua một tiến trình phát triển dài nhiều thế kỷ, có lãnh thổ trải dài từ Anh đến biên giới với Ba Tư, nắm giữ toàn bộ bồn địa Địa Trung Hải, trong đó Hy Lạp cùng La Mã và nhiều nền văn hoá khác hợp nhất thành một nền văn minh độc đáo. Vị hoàng đế đầu tiên là Augustus, thời gian cai trị của ông kéo dài và có nhiều thắng lợi, khởi đầu một thời kỳ hoàng kim với hoà bình và thịnh vượng.

Đế quốc La Mã nằm trong số các thế lực kinh tế, văn hoá, chính trị và quân sự hùng mạnh nhất thế giới khi đó. Đây cũng là một trong các đế quốc rộng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Vào đỉnh cao dưới thời Traianus, đế quốc chiếm giữ 5 triệu km².[45][46] Di sản La Mã có ảnh hưởng sâu sắc đến văn minh phương Tây, định hình hầu hết thế giới hiện đại; trong số nhiều di sản của quyền thống trị La Mã, có việc sử dụng rộng rãi các ngôn ngữ Roman có nguồn gốc từ tiếng Latinh, chữ số La Mã, chữ cái và lịch phương Tây hiện đại, cũng như việc Cơ Đốc giáo nổi lên thành một tôn giáo tầm cỡ thế giới với số lượng tín đồ lớn.[47]

Quá trình suy yếu chậm của đế quốc bắt đầu vào thế kỷ III, đế quốc bị phân thành hai nửa vào năm 395. Đế quốc phía Tây chịu áp lực từ các cuộc xâm lăng của người man di, và cuối cùng tan rã vào năm 476, khi hoàng đế cuối cùng bị một tù trưởng GermanOdoacer phế truất, còn Đế quốc phía Đông tồn tại trong gần một nghìn năm nữa.

Trung cổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi Đế quốc Tây La Mã sụp đổ, người Ostrogoth thuộc nhóm German chiếm giữ Ý.[48] Đến thế kỷ VI, Hoàng đế Đông La Mã Justinianus I chinh phục Ý và kiểm soát trong một thời gian ngắn ngủi. Một bộ lạc German khác là người Lombard sau đó xâm chiếm Ý, thu hẹp sự hiện diện của Đông La Mã thành một nhóm các lãnh địa tách biệt nhau (Esarcato di Ravenna), và khởi đầu quá trình không thống nhất về chính trị trên bán đảo kéo dài trong suốt 1.300 năm sau. Đến cuối thế kỷ VIII, Quốc vương của người Frank (cũng thuộc nhóm German) là Charlemagne sáp nhập vương quốc của người Lombard vào Đế quốc Frank. Người Frank cũng giúp thành lập Lãnh thổ Giáo hoàng tại miền trung Ý. Cho đến thế kỷ XIII, chính trị Ý bị chi phối bởi quan hệ giữa các Hoàng đế La Mã Thần thánhGiáo hoàng, hầu hết các thành bang Ý sát cánh với Hoàng đế (Ghibellini) hoặc Giáo hoàng (Guelfi) theo mối lợi nhất thời.[49]

Nhẫn sắt Lombardia, là biểu trưng của Quốc vương Ý trong nhiều thế kỷ
Castel del Monte được Hoàng đế La Mã Thần thánh Friedrich II (trị vì 1220-1250) cho xây dựng, nay là một di sản thế giới UNESCO

Trong giai đoạn hỗn độn này, trong các đô thị Ý nổi lên một thể chế khác thường là công xã Trung cổ. Trước việc xuất hiện khoảng trống quyền lực do phân mảnh lãnh thổ cực độ và đấu tranh giữa Đế quốc và Toà Thánh, các cộng đồng địa phương tìm cách tự trị để duy trì pháp luật và trật tự.[50] Năm 1176, một liên minh các thành bang mang tên Liên minh Lombard đánh bại Hoàng đế La Mã Thần thánh/Đức Friedrich I trong trận Legnano, do đó đảm bảo độc lập hiệu quả cho hầu hết các thành phố miền bắc và miền trung Ý. Tại các khu vực ven biển và miền nam, các cộng hoà hàng hải như Venezia, Genova, PisaAmalfi tham gia sâu vào Thập tự chinh, và dần chiếm thế chi phối tại Địa Trung Hải và độc quyền các tuyến mậu dịch đến phương Đông.[51]

Tại miền nam, đảo Sicilia trở thành một vương quốc Hồi giáo trong thế kỷ IX, phát triển thịnh vượng cho đến khi người Norman gốc Bắc Âu chinh phục đảo vào cuối thế kỷ XI cùng với hầu hết các thân vương quốc của người Lombard và Đông La Mã tại miền nam Ý.[52] Thông qua một loạt sự kiện phức tạp, miền nam Ý phát triển thành một vương quốc thống nhất dưới quyền Nhà Staufer (Hohenstaufen) gốc Đức, sau đó là dưới quyền Nhà Capet xứ Anjou gốc Pháp, và từ thế kỷ XV thuộc về Vương quốc Liên hiệp Aragon khởi nguồn từ Tây Ban Nha. Tại đảo Sardegna, các tỉnh cũ của Đông La Mã trở thành các nhà nước độc lập (Giudicati) từ thế kỷ IX, song một số phần của đảo nằm dưới quyền cai trị của Genova hoặc Pisa cho đến khi đảo bị Aragon chinh phục vào thế kỷ XV. Dịch bệnh Cái chết Đen năm 1348 hoành hành tại Ý, có thể đã làm chết một phần ba dân số Ý khi đó.[53][54] Tuy vậy, phục hồi sau dịch bệnh dẫn đến hồi sinh các thành phố, mậu dịch và kinh tế, tạo điều kiện bùng nổ chủ nghĩa nhân văn và Phục hưng, để rồi sau đó được truyền bá tại châu Âu.

Cận đại

[sửa | sửa mã nguồn]
Các quốc gia Ý trước khi bắt đầu Các cuộc chiến tranh Ý vào năm 1494.

Trong thế kỷ XIV và XV, miền bắc và miền trung Ý bị phân chia thành một số thành bang xung khắc lẫn nhau, phần còn lại của bán đảo thuộc về Lãnh thổ Giáo hoàng và Vương quốc Napoli (hậu thân của Vương quốc Sicilia, thuộc Nhà Capet rồi Aragon). Nhiều thành bang về mặt chính thức thường quy phục các quân chủ ngoại bang, như Công quốc Milano về danh nghĩa là một quốc gia cấu thành của Đế quốc La Mã Thần thánh có dân cư chủ yếu là người Đức. Tuy nhiên, các thành bang này thường tìm được cách duy trì độc lập thực tế. Các thành bang mạnh nhất thường sáp nhập các lãnh thổ xung quanh để trở thành bá chủ, các nhà nước khu vực thường nằm dưới quyền của các gia tộc thương gia, họ lập ra các triều đại địa phương. Chiến tranh giữa các thành bang mang tính đặc hữu, và chủ yếu là giao tranh giữa các quân đội đánh thuê gọi là condottieri, các toán lính này được lấy từ khắp châu Âu, đặc biệt là Đức và Thuỵ Sĩ, song phần lớn lãnh đạo là người Ý.[55] Nhiều thập niên giao tranh dẫn đến kết quả chung cuộc là Firenze, MilanoVenezia nổi lên thành các thế lực chi phối, họ đạt được Hoà ước Lodi vào năm 1454, mang lại yên tĩnh tương đối lần đầu tiên cho khu vực suốt nhiều thế kỷ. Tình trạng hoà bình này kéo dài trong bốn muơi năm sau.

Leonardo da Vinci là một nhà bác học thời kỳ Phục hưng, ảnh tự hoạ của ông vào khoảng năm 1512.

Phục hưng là một giai đoạn khôi phục mạnh mẽ về nghệ thuật và văn hoá, nó bắt nguồn tại Ý do một số yếu tố, như các thành thị buôn bán tích luỹ được lượng của cải lớn, các gia đình có thế lực bảo trợ,[56] và các học giả cùng văn bản Hy Lạp đến Ý sau khi người Thổ Ottoman chinh phục Constantinopolis- thủ đô của Đông La Mã (Byzantine).[57][58][59] Thời kỳ Phục hưng Ý đạt đỉnh cao vào giữa thế kỷ XVI, cũng vào lúc này các quốc gia bên ngoài đẩy khu vực vào cảnh hỗn loạn trong Các cuộc chiến tranh Ý.

Medici trở thành một gia đình có thế lực của Firenze, họ bồi dưỡng và truyền cảm hứng khai sinh Phục hưng Ý,[56][60] cùng với các gia đình khác tại Ý như ViscontiSforza tại Milano, Este tại FerraraGonzaga tại Mantova. Các nghệ sĩ vĩ đại nhất như Leonardo da Vinci, Brunelleschi, Botticelli, Michelangelo, Giotto, Donatello, Tiziano VecelliRaffaello tạo ra các tác phẩm truyền cảm hứng. Sử gia nhân văn Leonardo Bruni cũng phân tách lịch sử cổ đại, trung đại và hiện đại.[61]

Các ý tưởng và lý tưởng Phục hưng nhanh chóng được truyền bá đến Bắc Âu, Pháp, Anh và phần lớn châu Âu. Trong khi đó, việc khám phá châu Mỹ và các tuyến đường mới đến châu Á, cũng như việc Đế quốc Ottoman nổi lên đều làm xói mòn vị thế chi phối truyền thống của Ý trong mậu dịch với phương Đông, gây suy thoái kinh tế kéo dài trên bán đảo.

Các cuộc chiến tranh Ý (1494–1559) bắt nguồn từ kình địch giữa Pháp và Tây Ban Nha, các thành bang Ý dần mất độc lập và nằm dưới quyền chi phối của ngoại bang, ban đầu là Tây Ban Nha (1559 đến 1713) và sau là Áo (1713 đến 1796). Năm 1629–1631, một đợt bùng phát dịch bệnh nữa khiến cho khoảng 14% dân số Ý mất mạng.[62] Ngoài ra, khi Đế quốc Tây Ban Nha bắt đầu suy yếu vào thế kỷ XVII, các thuộc địa của họ tại Napoli, Sicilia, Sardegna và Milano cũng tương tự. Đặc biệt, miền nam Ý trở nên bần cùng và tách khỏi dòng chính của các sự kiện tại châu Âu.[63]

Trong thế kỷ XVIII, do hậu quả của Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha, Áo thay thế Tây Ban Nha trong vai trò thế lực ngoại bang chi phối Ý. Trong khi đó, Nhà Savoy nổi lên thành một thế lực khu vực, bành trướng đến PiemonteSardegna. Cũng trong thế kỷ XVIII, suy thoái kéo dài hai thế kỷ được tạm ngừng nhờ các cải cách kinh tế và chính quyền do tầng lớp tinh hoa cầm quyền tiến hành tại một số quốc gia.[64] Trong Các cuộc chiến tranh của Napoléon, miền bắc và miền trung Ý bị xâm chiếm và được tái tổ chức thành Vương quốc Ý, một nhà nước phụ thuộc của Đế quốc Pháp,[65] còn nửa phía nam của bán đảo thuộc quyền cai quản của em rể Napoléon là Joachim Murat, người này lên ngôi Quốc vương Napoli. Đại hội Viên 1814 khôi phục tình thế vào cuối thế kỷ XVIII, song lý tưởng của Cách mạng Pháp không thể bị diệt trừ, và nó nhanh chóng nổi lên trong các biến động chính trị mang tính đặc trưng cho phần đầu thế kỷ XIX.

Thống nhất

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản đồ ảnh động về quá trình thống nhất nước Ý, từ 1829 đến 1871

Vương quốc Ý hình thành là kết quả từ các nỗ lực của những người dân tộc chủ nghĩa và bảo hoàng trung thành với Nhà Savoy, nhằm lập một vương quốc thống nhất bao gồm toàn bộ bán đảo Ý. Trong bối cảnh các cuộc cách mạng tự do năm 1848 tràn khắp châu Âu, đã nổ ra một cuộc chiến độc lập với Áo song thất bại. Vương quốc Sardegna (gồm cả Piemonte) của Nhà Savoy lại tấn công Áo trong chiến tranh độc lập lần thứ nhì vào năm 1859, nhận được giúp đỡ của Pháp, kết quả là giải phóng Lombardia.

Giuseppe Garibaldi được cho là một trong các tướng lĩnh vĩ đại nhất vào thời hiện đại, và là một trong "các ông tổ của tổ quốc" của Ý,[66] được mệnh danh là Anh hùng của hai thế giới[67]

Năm 1860–1861, Tướng quân Giuseppe Garibaldi lãnh đạo tiến trình thống nhất tại Napoli và Sicilia,[68] cho phép chính phủ Sardegna dưới quyền lãnh đạo của Bá tước xứ Cavour công bố một vương quốc Ý thống nhất vào ngày 17 tháng 3 năm 1861. Năm 1866, Quốc vương Vittorio Emanuele II liên minh với Phổ trong Chiến tranh Áo-Phổ, tiến hành chiến tranh độc lập lần thứ ba với kết quả là Ý sáp nhập Veneto. Cuối cùng, do Pháp từ bỏ đóng quân tại Roma trong Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870, người Ý cấp tốc lấp khoảng trống quyền lực bằng việc tiếp quản Lãnh thổ Giáo hoàng.

Luật Hiến pháp của Vương quốc Sardegna là Quy chế Albertino năm 1848 được mở rộng cho toàn bộ Vương quốc Ý vào năm 1861, và quy định các quyền tự do cơ bản của nhà nước mới, song luật bầu cử loại trừ quyền bỏ phiếu của các tầng lớp không có tài sản và không được giáo dục. Chính phủ vương quốc mới vận hành trong một khuôn khổ quân chủ lập hiến nghị viện, do các thế lực tự do chi phối. Năm 1913, quyền phổ thông đầu phiếu cho nam giới được thực hiện. Trong khi miền bắc Ý diễn ra công nghiệp hoá nhanh chóng, thì miền nam và các khu vực nông thôn của miền bắc vẫn kém phát triển và quá tải dân số, buộc hàng triệu người di cư ra nước ngoài, trong khi đó Đảng Xã hội Ý liên tục gia tăng sức mạnh, thách thức nền tảng tự do và bảo thủ truyền thống. Bắt đầu từ hai thập niên cuối của thế kỷ XIX, Ý phát triển thành một thế lực thực dân khi ép buộc Somalia, Eritrea, LibyaDodecanneso (Dodekanisa) nằm dưới quyền cai trị của mình.[69]

Ý liên minh trên danh nghĩa với Đế quốc ĐứcĐế quốc Áo-Hung trong Liên minh Ba bên năm 1882. Tuy nhiên, vào năm 1915 Ý gia nhập Đồng Minh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất với cam kết sẽ nhận được đáng kể lãnh thổ. Chiến tranh ban đầu không có kết quả, do quân Ý bị tấn công trong một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài trên dãy Alpes, đạt được ít tiến triển và chịu tổn thất rất nặng. Cuối cùng, đến tháng 10 năm 1918, người Ý phát động một cuộc tấn công ồ ạt, đỉnh điểm là chiến thắng gần Vittorio Veneto. Thắng lợi của người Ý[70][71][72] đánh dấu kết thúc chiến tranh trên Mặt trận Ý, đảm bảo giải thể Đế quốc Áo-Hung và là công cụ chủ yếu để kết thúc Thế chiến chưa đến hai tuần sau đó.

Trong chiến tranh, có trên 650.000 binh sĩ Ý và nhiều thường dân thiệt mạng[73] và vương quốc đi đến bờ vực phá sản. Theo các hiệp định hoà bình Saint-Germain, RapalloRoma, Ý giành được hầu hết các lãnh thổ được hứa hẹn, song không có Dalmatia (trừ Zara), khiến các phần tử dân tộc chủ nghĩa cho rằng chiến thắng như là "bị què quặt".

Phát xít

[sửa | sửa mã nguồn]

Kích động xã hội diễn ra sau những tàn phá của chiến tranh, lấy cảm hứng từ Cách mạng Nga, dẫn đến các hành động phản cách mạng và đàn áp trên khắp nước Ý. Tổ chức tự do lo ngại một cuộc cách mạng kiểu Xô viết, họ bắt đầu tán thành Đảng Phát xít Ý có quy mô nhỏ của Benito Mussolini. Trong tháng 10 năm 1922, quân Áo đen của Đảng Phát xít quốc gia cố gắng tiến hành đảo chính ("Hành quân đến Roma"), hành động này thất bại song vào phút chót Quốc vương Vittorio Emanuele III của Ý từ chối tuyên bố tình trạng bao vây và bổ nhiệm Mussolini làm thủ tướng. Trong vài năm sau đó, Mussolini cấm chỉ toàn bộ các chính đảng và tước đoạt các quyền tự do cá nhân, do đó hình thành một chế độ độc tài. Các hành động này thu hút sự chú ý của quốc tế và cuối cùng truyền cảm hứng cho các chế độ độc tài tương tự như Đức Quốc xã hay Tây Ban Nha dưới quyền Franco.

Năm 1935, Mussolini xâm chiếm Ethiopia, khiến quốc tế xa lánh Ý và nước này rút khỏi Hội Quốc Liên; Ý liên minh với Đức Quốc xãĐế quốc Nhật Bản, cũng như ủng hộ mạnh mẽ Francisco Franco trong nội chiến Tây Ban Nha. Năm 1939, Ý sáp nhập Albania, sau khi nắm quyền bảo hộ thực tế nước này trong nhiều thập niên. Ý tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai bên Phe Trục vào ngày 10 tháng 6 năm 1940. Dù có tiến bộ bước đầu tại Somaliland thuộc AnhAi Cập, song về sau người Ý chiến bại tại Đông Phi, Hy Lạp, Nga và Bắc Phi. Sau khi Đức cùng Ý tấn công vào Nam Tư, việc đàn áp kháng cự của du kích Nam Tư và các nỗ lực nhằm Ý hoá đã dẫn đến các tội ác chiến tranh của Ý[74]

Phạm vi tối đa của Đế quốc Ý (1940-43)

Đồng Minh bắt đầu xâm chiếm Sicilia vào tháng 7 năm 1943, dẫn đến chế độ phát xít sụp đổ và Mussolini bị hạ bệ vào ngày 25 tháng 7, Ý đầu hàng Đồng Minh. Người Đức nhanh chóng đoạt quyền kiểm soát miền bắc và miền trung Ý. Quốc gia này duy trì là một chiến trường trong giai đoạn còn lại của chiến tranh, do Đồng Minh tiến chậm từ phía nam. Tại phía bắc, người Đức lập ra nhà nước bù nhìn Cộng hòa Xã hội Ý (RSI) và lập Mussolini làm lãnh đạo. Thời kỳ sau đình chiến chứng kiến việc nổi lên một phong trào kháng chiến chống phát xít có quy mô lớn, mang tên Resistenza. Đến cuối tháng 4 năm 1945, khi thất bại hoàn toàn đang dần hiện rõ, Mussolini cố đào thoát về phía bắc,[75] song bị du kích Ý bắt giữ và hành quyết.[76] Tình trạng thù địch kết thúc vào ngày 29 tháng 4 năm 1945, khi lực lượng Đức tại Ý đầu hàng. Gần nửa triệu người Ý thiệt mạng trong xung đột,[77] và kinh tế Ý gần như bị phá huỷ; thu nhập bình quân vào năm 1944 ở mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu thế kỷ XX.[78]

Cộng hoà Ý

[sửa | sửa mã nguồn]
Alcide De Gasperi là thủ tướng Ý đầu tiên dưới chế độ cộng hoà, và là một trong những người sáng lập Liên minh châu Âu

Ý trở thành nước cộng hoà sau một cuộc trưng cầu dân ý[79] được tổ chức vào ngày 2 tháng 6 năm 1946, từ đó ngày này được kỷ niệm với tên gọi là ngày Cộng hoà. Đây cũng là lần đầu tiên phụ nữ Ý được trao quyền bỏ phiếu.[80] Con trai của Vittorio Emanuele IIIUmberto II buộc phải thoái vị và lưu vong. Hiến pháp Cộng hoà được phê chuẩn vào ngày 1 tháng 1 năm 1948. Theo hiệp định hoà bình với Ý năm 1947, hầu hết Venezia Giulia bị mất cho Nam Tư, và sau đó Lãnh thổ tự do Trieste bị phân chia giữa Ý và Nam Tư. Ý cũng mất toàn bộ tài sản thuộc địa, chính thức kết thúc Đế quốc Ý.

Cử tri Ý lo ngại về khả năng thế lực cộng sản tiếp quản, điều này tỏ ra là mang tính quyết định trong cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu lần đầu vào ngày 18 tháng 4 năm 1948, khi Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo dưới quyền Alcide De Gasperi giành được chiến thắng lớn. Đến năm 1949, Ý trở thành một thành viên của NATO. Kế hoạch Marshall giúp phục hồi kinh tế Ý, Ý có một giai đoạn tăng trưởng kinh tế duy trì liên tục và thường được gọi là "kỳ tích kinh tế" đến cuối thập niên 1960. Năm 1957, Ý là một thành viên sáng lập của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của Liên minh châu Âu (EU).

Từ cuối thập niên 1960 cho đến đầu thập niên 1980, Ý trải qua giai đoạn náo động, có đặc trưng là khủng hoảng kinh tế (đặc biệt là sau khủng hoảng dầu mỏ 1973), xung đột xã hội lan rộng và các vụ tàn sát khủng bố do các nhóm cực đoan đối lập tiến hành, với cáo buộc có sự tham gia của tình báo Hoa Kỳ và Liên Xô.[81][82][83]

Silvio Berlusconi là một tài phiệt truyền thông và từng giữ chức thủ tướng Ý trong bốn chính phủ.

Trong thập niên 1980, lần đầu tiên kể từ năm 1945 có hai chính phủ nằm dưới quyền lãnh đạo của các thủ tướng không thuộc Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo: Một của những người cộng hoà (Giovanni Spadolini) và một của những người xã hội (Bettino Craxi); tuy nhiên Dân chủ Cơ Đốc giáo vẫn là đảng thống trị chính. Dưới thời chính phủ của Bettino Craxi, kinh tế hồi phục và Ý trở thành quốc gia công nghiệp hoá lớn thứ năm thế giới, được quyền gia nhập nhóm G7. Tuy nhiên, hậu quả từ chính sách chi tiêu của ông là nợ quốc gia tăng vọt.

Vào đầu thập niên 1990, Ý đối diện với các thách thức trọng đại, khi cử tri yêu cầu cải cách cấp tiến do thất vọng với tình trạng tê liệt chính trị, nợ công khổng lồ và tham nhũng lan tràn (gọi là Tangentopoli) được vạch trần trong điều tra 'Mani pulite' (bàn tay sạch). Các vụ bê bối liên quan đến toàn bộ các đảng lớn, song đặc biệt là trong liên minh chính phủ: Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo từng cầm quyền gần 50 năm song đến lúc này trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và cuối cùng phải giải tán vào năm 1994, phân ly thành một vài phe phái.[84] Những người cộng sản tái tổ chức thành một lực lượng dân chủ xã hội. Trong thập niên 1990 và 2000, các liên minh trung-hữu (do ông trùm truyền thông Silvio Berlusconi chi phối) và trung-tả (do giáo sư Romano Prodi lãnh đạo) thay nhau quản lý đất nước.

Đến cuối thập niên 2000, Ý chịu tác động nghiêm trọng do Đại khủng hoảng, trải qua 42 tháng suy giảm GDP từ năm 2008 đến năm 2013. Khủng hoảng kinh tế là một trong các vấn đề chính buộc Berlusconi phải từ chức vào năm 2011. Chính phủ bảo thủ được thay thế bằng nội các kỹ trị của Mario Monti. Sau tổng tuyển cử năm 2013, Phó bí thư của Đảng Dân chủ là Enrico Letta lập chính phủ mới, đứng đầu một đại liên minh hữu-tả. Năm 2014, gặp thách thức từ tân Bí thư Đảng Dân chủ Matteo Renzi, Letta từ chức và người thay thế là Renzi. Tân chính phủ khởi đầu các cải cách hiến pháp quan trọng như giải tán nghị viện và một luật bầu cử mới. Đến ngày 4 tháng 12 năm 2016, các cải cách hiến pháp bị bác bỏ trong trưng cầu dân ý và Renzi từ chức sau đó vài ngày; Bộ trưởng Ngoại giao Paolo Gentiloni được bổ nhiệm làm thủ tướng mới.

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản đồ địa hình Ý

Ý nằm tại Nam Âu, giữa vĩ tuyến 35° và 47° Bắc, giữa kinh tuyến 6° và 19° Đông. Tổng diện tích quốc gia là 301.230 km², trong đó 294.020 km² là mặt đất và 7.210 km² là mặt nước. Về phía bắc, Ý có biên giới với Pháp, Thuỵ Sĩ, Áo và Slovenia, và biên giới gần như định theo đường phân thủy của dãy Alpes, bao quanh thung lũng Po và đồng bằng Veneto. Về phía nam, có bán đảo Ýhai đảo lớn SiciliaSardegna trên Địa Trung Hải, cùng các đảo nhỏ hơn. Các quốc gia có chủ quyền San MarinoThành Vatican nằm lọt trong nước Ý, còn Campione d'Italia là một lãnh thổ tách rời của Ý nằm lọt trong Thuỵ Sĩ. Ý giáp với các biển Adriatic (Adriatico), Ionia (Ionio), Tyrrhenius (Tirreno) và Ligure.

Dãy Appennini tạo thành xương sống của bán đảo, còn dãy Alpes tạo thành hầu hết biên giới phía bắc, trên dãy này có đỉnh cao nhất nước Ý là Monte Bianco với 4.810 m. Po là sông dài nhất tại Ý với 652 km, chảy từ dãy Alpes trên biên giới phía tây với Pháp và vượt qua đồng bằng Padan rồi đổ ra biển Adriatic. Năm hồ rộng nhất theo thứ tự là:[85] Garda (367,94 km²), Maggiore (212,51 km²), Como (145,9 km²), Trasimeno (124,29 km²) và Bolsena (113,55 km²). Hầu hết lãnh thổ Ý thuộc lưu vực Địa Trung Hải.

Ý nằm tại điểm giao nhau của mảng Á-Âumảng châu Phi, dẫn đến có nhiều hoạt động địa chấn và núi lửa. Ý có 14 núi lửa, bốn trong số này đang hoạt động: Etna, Stromboli, VulcanoVesuvius. Vesuvius là núi lửa hoạt động duy nhất tại đại lục châu Âu và nổi tiếng vì từng tàn phá các thành phố PompeiiHerculanum khi nó phun trào vào năm 79. Một vài đảo và khu đồi được tạo ra sau hoạt động núi lửa, và vẫn còn một hõm chảo hoạt động với kích cỡ lớn là Campi Flegrei phía tây bắc Napoli.

Môi trường

[sửa | sửa mã nguồn]
Các công viên quốc gia (lục) và khu vực (cam) tại Ý

Sau khi phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh chóng, Ý phải đương đầu với các vấn đề môi trường trong một thời gian dài. Sau một số cải thiện, vào năm 2009 Ý đứng hạng 84 thế giới về tính bền vững sinh thái.[86] Các công viên quốc gia chiếm khoảng 5% diện tích Ý.[87] Trong những năm qua, Ý trở thành một trong các quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất năng lượng tái tạo, xếp hạng tư thế giới về công suất năng lượng Mặt trời được lắp đặt,[88][89] và đứng thứ sáu về năng lượng gió vào năm 2010.[90] Năng lượng tái tạo có mục tiêu chiếm 17% tiêu thụ năng lượng của Ý vào năm 2020.

Gran Paradiso là công viên quốc gia lâu năm nhất của Ý

Tuy nhiên, ô nhiễm không khí vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là tại miền bắc công nghiệp hoá, đạt đến vị trí thứ mười thế giới về phát thải cacbon dioxide công nghiệp trong thập niên 1990.[91] Mạng lưới giao thông rộng và tắc nghẽn trong các vùng đô thị lớn gây ra các vấn đề nghiêm trọng về môi trường và sức khoẻ, song mức sương khói đã giảm mạnh kể từ thập niên 1970 và 1980 và mức lưu huỳnh điôxit đang giảm.[92]

Nhiều nguồn nước và dải ven biển cũng bị nhiễm bẩn do hoạt động công nghiệp và nông nghiệp. Do mực nước biển dâng lên, thành phố Venezia thường xuyên bị ngập lụt trong những năm gần đây. Chất thải từ hoạt động công nghiệp không phải luôn được xử lý bằng các biện pháp hợp pháp, và điều này dẫn đến tác động về sức khoẻ thường xuyên cho cư dân những vùng bị ảnh hưởng. Ý cũng vận hành một vài lò phản ứng hạt nhân từ năm 1963 đến năm 1990, tuy nhiên sau thảm họa Chernobyl tại Liên Xô và một cuộc trưng cầu dân ý thì chương trình hạt nhân bị chấm dứt. Chính phủ đảo ngược quyết định này vào năm 2008, lập kế hoạch xây dựng bốn nhà máy điện hạt nhân theo công nghệ Pháp, tuy nhiên điều này kết thúc trong một cuộc trưng cầu dân ý sau thảm hoạ hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản.[93] Nạn phá rừng, phát triển xây dựng bất hợp pháp và quản lý đất đai yếu kém dẫn đến xói mòn đáng kể tại khắp các vùng núi của Ý, dẫn đến các thảm hoạ sinh thái lớn như lũ đập Vajont năm 1963, các vụ lở đất Sarno năm 1998[94] và Messina năm 2009.

Động thực vật

[sửa | sửa mã nguồn]

Ý có mức độ đa dạng sinh học động vật cao nhất tại châu Âu, với trên 57.000 loài được ghi nhận, chiếm hơn một phần ba tổng số động vật của châu Âu.[95] Bán đảo Ý là trung tâm của Địa Trung Hải, tạo thành một hành lang giữa Trung Âu và Bắc Phi, và có 8.000 km đường bờ biển. Ý cũng tiếp nhận các loài từ Balkan, Á-Âu, Trung Đông. Cấu trúc địa chất đa dạng của Ý, bao gồm Alpes và Appennini, vùng rừng Trung Ý, và đất cây bụi garigue và maquis tại miền nam, cũng góp phần vào đa dạng khí hậu và môi trường sống.

Chó sói Ý

Hệ động vật Ý gồm có 4.777 loài đặc hữu, như dơi tai dài Sardegna, hươu đỏ Sardegna, kỳ giông kính phương Nam, cóc bụng vàng Appennini hay rùa biển Sicilia. Có 102 loài thú tại Ý, như macmot Alpes, chuột chù Etrusca (thú nhỏ nhất thế giới) và chuột tuyết châu Âu; các loài thú lớn được chú ý là chó sói Ý, gấu nâu Marsica, sơn dương Pyrénées, dê núi Alpes, cá heo răng nhám, nhím màohải cẩu thầy tu Địa Trung Hải. Ý cũng ghi nhận 516 loài chim và 56213 loài nhuyễn thể.

Hệ thực vật từng được ước tính gồm có khoảng 5.500 loài thực vật có mạch.[96] Tuy nhiên, tính đến năm 2005, 6.759 loài được ghi nhận trong Ngân hàng dữ liệu thực vật có mạch Ý.[97] Về mặt địa thực vật, hệ thực vật Ý được chia sẻ giữa vùng phía bắc (circumboreal) và vùng Địa Trung Hải. Ý là một bên ký kết Công ước Bern về bảo hộ môi trường hoang dã và tự nhiên châu Âu, và Chỉ dẫn môi trường sống, chúng đều cung cấp sự bảo hộ đối với động thực vật Ý.

Khí hậu

[sửa | sửa mã nguồn]
Nam Ý có khí hậu Địa Trung Hải

Nhờ bán đảo trải dài theo vĩ tuyến và địa thể hầu hết là núi non tại nội địa, nên khí hậu Ý đa dạng cao độ. Tại hầu hết các vùng nội địa miền bắc và miền trung, khí hậu thay đổi từ cận nhiệt đới ẩm đến lục địa ẩm và đại dương. Đặc biệt, khí hậu vùng địa lý thung lũng Po hầu hết mang tính lục địa, có mùa đông khắc nghiệt và mùa hè nóng.[98][99]

Các khu vực ven biển Liguria, Toscana và hầu hết miền nam thường ứng với khuôn mẫu của khí hậu Địa Trung Hải (phân loại khí hậu Köppen Csa). Điều kiện tại các khu vực ven biển của bán đảo rất khác biệt so với các vùng cao và thung lũng nội địa, đặc biệt là trong các tháng mùa đông khi những nơi cao hơn có xu hướng lạnh, ẩm và thường có tuyết. Các khu vực ven biển có mùa đông ôn hoà còn mùa hè thì ấm và thường khô, song các thung lũng vùng thấp có thể khá nóng trong mùa hè. Nhiệt độ mùa đông trung bình dao động từ 0 °C trên dãy Alpes cho đến 12 °C tại Sicilia, cũng như vậy nhiệt độ mùa hè trung bình dao động từ 20 °C đến 25 °C.[100]

Chính trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Chính phủ

[sửa | sửa mã nguồn]
Giorgia Meloni
Thủ tướng từ năm 2022
Sergio Mattarella
Tổng thống từ năm 2015

Ý có chế độ nghị viện nhất thể từ ngày 2 tháng 6 năm 1946, khi chế độ quân chủ bị bãi bỏ thông qua trưng cầu dân ý hiến pháp. Tổng thống Ý là nguyên thủ quốc gia, được Quốc hội bầu ra trong phiên họp toàn thể với nhiệm kỳ 7 năm. Ý có một hiến pháp dân chủ thành văn, là kết quả từ công lao của Hội đồng Lập hiến gồm đại biểu của toàn bộ các lực lượng chống phát xít có đóng góp trong việc đánh bại lực lượng quốc xã và phát xít trong nội chiến.[101]

Chính phủ nghị viện Ý dựa trên hệ thống bầu cử đại diện tỷ lệ. Nghị viện Ý theo chế độ lưỡng viện hoàn toàn: Hạ nghị viện (Camera dei deputati, họp tại Palazzo Montecitorio) và Thượng nghị viện (họp tại Palazzo Madama) có quyền lực tương đương. Thủ tướng có danh xưng chính thức là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Presidente del Consiglio dei Ministri), là người đứng đầu chính phủ của Ý. Thủ tướng và nội các do tổng thống bổ nhiệm, song cần phải qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Nghị viện để được nhậm chức. Hội đồng Bộ trưởng nắm giữ quyền lực hành pháp, thủ tướng cần phải được cơ cấu này tán thành để thi hành hầu hết các hoạt động chính trị. Chức vụ thủ tướng của Ý tương tự như tại hầu hết các hệ thống nghị viện khác, song lãnh đạo của chính phủ Ý không có quyền yêu cầu giải tán Nghị viện.

Khác biệt nữa với các chức vụ tương tự là trách nhiệm chính trị tổng thể về tình báo được trao cho thủ tướng. Theo tinh thần đó, thủ tướng thi hành quyền lực tuyệt đối về các chính sách tình báo phối hợp, xác định các nguồn tài chính và củng cố an ninh mạng quốc gia; áp dụng và bảo vệ bí mật nhà nước; uỷ quyền cho các nhân viên tiến hành hoạt động tại Ý và nước ngoài.[102]

Một điểm khác thường của Nghị viện Ý là quyền đại diện được trao cho các công dân Ý thường trú tại nước ngoài: 12 hạ nghị sĩ và 6 thượng nghị sĩ được bầu ra trong bốn khu vực bầu cử hải ngoại riêng biệt. Ngoài ra, Thượng viện Ý có đặc điểm là một số lượng nhỏ nghị sĩ nhậm chức trọn đời, do tổng thống bổ nhiệm, "vì những công lao ái quốc nổi bật trong lĩnh vực xã hội, khoa học, nghệ thuật hoặc văn học". Các cựu tổng thống mặc nhiên là các thượng nghị sĩ trọn đời.

Ba chính đảng lớn của Ý là Đảng Dân chủ (Partito Democratico), Forza Italia (nước Ý tiến bước) và Phong trào Năm sao (Movimento 5 Stelle). Trong tổng tuyển cử năm 2013, ba đảng này giành được 579 trong số 630 ghế tại Hạ nghị viện và 294 trong số 315 ghế tại Thượng nghị viện.[103] Hầu hết các ghế còn lại thuộc về một khối bầu cử đoản mệnh được thành lập nhằm ủng hộ Thủ tướng Mario Monti sắp phải ra đi.

Pháp luật

[sửa | sửa mã nguồn]
Toà án Tối cao Ý

Hệ thống tư pháp Ý dựa trên luật La Mã, được bộ luật Napoléon và các đạo luật sau này phỏng theo. Toà án Tối cao Ý xét xử phúc thẩm cả các vụ án hình sự và dân sự. Toà án Hiến pháp Ý (Corte Costituzionale) ra quyết định về tính phù hợp của luật với hiến pháp, đây là một cơ cấu mới sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Kể từ khi xuất hiện vào giữa thế kỷ XIX, tội phạm có tổ chức và các tổ chức tội phạm tại Ý đã xâm nhập sinh hoạt xã hội và kinh tế của nhiều khu vực tại miền nam Ý, nổi danh nhất trong số đó là Mafia Sicilia, liên minh này về sau phát triển ra một số quốc gia khác như Hoa Kỳ. Các khoản thu của Mafia có thể chiếm đến 9%[104][105] GDP của Ý.[106]

Một báo cáo vào năm 2009 xác định Mafia hiện diện mạnh tại 610 xã, tổng dân số các xã này là 13 triệu và chiếm 14,6% GDP của Ý.[107][108] Băng đảng 'Ndrangheta tập trung tại vùng Calabria có lẽ là tổ chức tội phạm mạnh nhất hiện nay tại Ý, chiếm đến 3% GDP toàn quốc.[109] Tuy nhiên, với 0,013 vụ trên 1.000 dân, Ý chỉ có tỷ lệ giết người cao thứ 47 trong một khảo sát gồm 62 quốc gia.[110]

Thực thi pháp luật tại Ý là nhiệm vụ của nhiều lực lượng cảnh sát. Polizia di Stato (cảnh sát nhà nước) là cảnh sát quốc gia dân sự của Ý. Ngoài các nhiệm vụ tuần tra, điều tra và thực thi pháp luật, họ còn tuần tra hệ thống đường cao tốc, giám sát an toàn của đường sắt, cầu và đường thủy. Carabinieri là tên gọi phổ biến của Arma dei Carabinieri, một quân đoàn quân sự giống như hiến binh và họ có các nhiệm vụ cảnh sát. Họ cũng giữ vai trò là quân cảnh của lực lượng vũ trang Ý. Guardia di Finanza (bảo vệ tài chính) là lực lượng nằm dưới quyền của Bộ Kinh tế và Tài chính, có vai trò của lực lượng cảnh sát, chịu trách nhiệm về an toàn tài chính, kinh tế, tư pháp và công cộng. Polizia Penitenziaria (cảnh sát trại cải tạo) điều hành hệ thống nhà tù Ý và quản lý việc vận chuyển tù nhân.

Ngoại giao

[sửa | sửa mã nguồn]
Thủ tướng Paolo Gentiloni cùng Cao uỷ EU Federica Mogherini

Ý là thành viên sáng lập của Cộng đồng châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu, và của NATO. Ý gia nhập Liên Hợp Quốc vào năm 1955, và là một thành viên cũng như là bên ủng hộ mạnh mẽ của nhiều tổ chức quốc tế, như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch/Tổ chức Thương mại Thế giới (GATT/WTO), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Ủy hội châu Âu, và Sáng kiến Trung Âu. Ý đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của các tổ chức quốc tế như OSCE vào năm 2018, G8 vào năm 2017 và Hội đồng châu Âu từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2014. Ý cũng là một thành viên không thường trực thường xuyên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, gần đây là vào năm 2017.

Ý ủng hộ mạnh mẽ chính trị quốc tế đa phương, tán thành Liên Hợp Quốc và các hoạt động an ninh quốc tế của tổ chức này. Tính đến năm 2013, Ý đã triển khai 5.296 binh sĩ ra bên ngoài, tham gia vào 33 sứ mệnh của Liên Hợp Quốc và NATO tại 25 quốc gia trên thế giới.[111] Ý triển khai quân đến hỗ trợ các sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc tại Somalia, Mozambique, và Đông Timor và cung cấp hỗ trợ cho hoạt động của NATO và Liên Hợp Quốc tại Bosnia, KosovoAlbania. Ý triển khai 2.000 binh sĩ tại Afghanistan nhằm hỗ trợ Chiến dịch Đảm bảo tự do (OEF) từ tháng 2 năm 2003.

Ý ủng hộ các nỗ lực đa phương nhằm tái thiết và ổn định Iraq, song triệt thoái lực lượng quân đội gồm 3.200 binh sĩ vào năm 2006, chỉ duy trì những người điều hành nhân đạo và các nhân viên dân sự khác, Trong tháng 8 năm 2006, Ý triển khai khoảng 2.450 binh sĩ tại Liban trong sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc.[112] Ý là một trong những bên tài trợ nhiều nhất cho Chính quyền Dân tộc Palestine, đóng góp 60 triệu euro chỉ trong năm 2013.[113]

Quân sự

[sửa | sửa mã nguồn]
Một chiếc Eurofighter Typhoon của Không quân Ý

Các lực lượng vũ trang Ý bao gồm Lục quân, Hải quân, Không quân và Carabinieri, nằm dưới quyền chỉ huy của Hội đồng Quốc phòng Tối cao do Tổng thống chủ trì. Kể từ năm 2005, phục vụ quân đội là việc tự nguyện.[114] Năm 2010, quân đội Ý có 293.202 quân nhân tại ngũ,[115] trong đó 114.778 người thuộc Carabinieri.[116] Tổng chi tiêu quân sự của Ý vào năm 2016 xếp hạng mười một thế giới, với 27,9 tỷ USD, tương đương 1,5% GDP quốc gia.[117][118] Nằm trong chiến lược chia sẻ hạt nhân của NATO, Hoa Kỳ đưa 90 bom hạt nhân đến Ý, đặt tại các căn cứ không quân Ghedi và Aviano.[119]

Lục quân Ý là lực lượng phòng thủ trên bộ quốc gia, có quân số 109.703 vào năm 2008. Các loại chiến xa được biết đến nhiều nhất của Lục quân Ý là xe chiến đấu bộ binh Dardo, pháo tự hành chống tăng Centauro và xe tăng Ariete, và trong số máy bay của Lục quân Ý có trực thăng chiến đấu Mangusta, trong thời gian qua được triển khai trong các sứ mệnh của EU, NATO và Liên Hợp Quốc. Lục quân Ý cũng bố trí một lượng lớn các loại xe bọc thép Leopard 1M-113.

Hải quân Ý vào năm 2008 có 35.200 quân nhân tại ngũ cùng với 85 tàu được biên chế và 123 máy bay.[120] Đây là một lực lượng hải quân có năng lực hoạt động toàn cầu. Trong thời hiện đại, Hải quân Ý tham gia vào nhiều hoạt động gìn giữ hoà bình liên hiệp khắp thế giới. Không quân Ý vào năm 2008 có 43.882 quân nhân, vận hành 585 máy bay, bao gồm 219 máy bay chiến đấu và 114 trực thăng. Năng lực vận chuyển được đảm bảo bằng một phi đội gồm 27 C-130JC-27J Spartan.

Carabinieri là lực lượng hiến binh và quân cảnh của Ý, giữ trật tự quân sự và dân sự cùng các lực lượng cảnh sát khác. Các nhánh khác nhau của Carabinieri được cho là thuộc các bộ khác nhau trong mỗi chức năng riêng biệt, lực lượng này báo cáo với Bộ Nội vụ khi duy trì trật tự và an ninh công cộng.[121]

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Ý được chia thành 20 vùng (regioni), trong đó 5 vùng có vị thế tự trị đặc biệt, cho phép họ có thể ban hành pháp luật về một số vấn đề địa phương của mình. Quốc gia được chia tiếp thành 14 thành phố trung tâm (città metropolitane) và 93 tỉnh (provincia) (đến năm 2016), và chúng lại được chia tiếp thành 8.047 khu tự quản (comuni).[122] Hiến pháp sửa đổi năm 2001 trao thêm nhiều quyền tự chủ cho các vùng, đặc biệt là quyền lập pháp và giảm đáng kể sự can thiệp của trung ương vào công việc của các vùng. Trong tháng 6 năm 2006, cử tri bác bỏ trong trưng cầu dân ý về các đề xuất được cho là sẽ dẫn đến một nhà nước liên bang, với tỷ lệ 61,7% trên 38,3%.[123] Kết quả khác biệt đáng kể giữa các vùng, từ 55,3% ủng hộ tại Veneto đến 82% phản đối tại Calabria.[123] Mỗi vùng có một nghị viện tuyển cử, được gọi là Consiglio Regionale (hội đồng vùng), hoặc Assemblea Regionale tại Sicilia, và một chính quyền gọi là Giunta Regionale (uỷ ban vùng), đứng đầu là một thống đốc gọi là Presidente della Giunta Regionale (chủ tịch uỷ ban vùng) hoặc Presidente della Regione (chủ tịch vùng).

Vùng Thủ phủ Diện tích
(km²)
Dân số
Abruzzo L'Aquila 10.763 1.331.574
Thung lũng Aosta Aosta 3.263 128.298
Basilicata Potenza 9.995 576.619
Calabria Catanzaro 15.080 1.976.631
Campania Napoli 13.590 5.861.529
Emilia-Romagna Bologna 22.446 4.450.508
Friuli-Venezia Giulia Trieste 7.858 1.227.122
Lazio Roma 17.236 5.892.425
Liguria Genova 5.422 1.583.263
Lombardia Milano 23.844 10.002.615
Marche Ancona 9.366 1.550.796
Molise Campobasso 4.438 313.348
Piemonte Torino 25.402 4.424.467
Puglia Bari 19.358 4.090.105
Sardegna Cagliari 24.090 1.663.286
Sicilia Palermo 25.711 5.092.080
Toscana Firenze 22.993 3.752.654
Trentino-Nam Tirol Trento 13.607 1.055.934
Umbria Perugia 8.456 894.762
Veneto Venezia 18.399 4.927.596
Milano là trung tâm kinh doanh hàng đầu tại châu Âu và là một thủ đô thời trang của thế giới.

Ý có kinh tế hỗn hợp tư bản chủ nghĩa, với quy mô lớn thứ ba trong khu vực đồng euro và lớn thứ tám thế giới vào năm 2015.[124] Quốc gia này là một thành viên sáng lập của G7, khu vực đồng euroOECD. Ý được nhìn nhận là một trong các quốc gia công nghiệp hoá hàng đầu thế giới, và là một quốc gia chủ đạo trong mậu dịch quốc tế.[125][126][127] Đây là một quốc gia phát triển cao độ, có chất lượng sinh hoạt cao thứ tám thế giới vào năm 2005[128] và đứng thứ 26 về chỉ số phát triển con người vào năm 2015.[129] Ý được biết đến với ngành kinh doanh sáng tạo và cải tiến,[130] lĩnh vực nông nghiệp quy mô lớn và cạnh tranh[131] (Ý là nước sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới năm 2011),[132] có ảnh hưởng và có chất lượng cao trong các ngành ô tô, máy móc, thực phẩm, thiết kế và thời trang.[133][134][135]

Một chiếc Fiat 500 của hãng ô tô hàng đầu thế giới FCA.[136] Ý duy trì một ngành công nghiệp ô tô quy mô lớn, và là nước xuất khẩu hàng hoá lớn thứ bảy thế giới.[137]

Ý là quốc gia sản xuất lớn thứ sáu thế giới,[138] với đặc điểm là có số lượng công ty đa quốc gia ít hơn so với các nền kinh tế khác có quy mô tương đương, và có lượng lớn các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ năng động, tập trung vào một số khu công nghiệp là xương sống của công nghiệp Ý. Khu vực chế tạo thường tập trung vào xuất khẩu thị trường ngách và các sản phẩm xa xỉ, một mặt nó kém năng lực cạnh tranh về số lượng, mặt khác do có sản phẩm chất lượng hơn nên Ý có năng lực hơn trong cạnh tranh với Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á mới nổi khác vốn dựa vào chi phí lao động thấp.[139] Ý là nước xuất khẩu lớn thứ bảy thế giới vào năm 2016, các đối tác mậu dịch lớn nhất của Ý là các thành viên khác trong Liên minh châu Âu, chiếm hơn một nửa giao dịch. Các đối tác mậu dịch lớn nhất của Ý trong EU là Đức (12,9%), Pháp (11,4%) và Tây Ban Nha (7,4%) theo dữ liệu năm 2011.[140]. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Ý gồm ô tô (Fiat Group, Aprilia, Ducati, Piaggio), hoá chất, sản phẩm hoá dầu, hàng điện tử (Eni, Enel, Edison), hàng không và công nghệ quốc phòng (Alenia, Agusta, Finmeccanica), vũ khí (Beretta); nhưng các sản phẩm nổi tiếng nhất lại thuộc lĩnh vực thời trang (Armani, Valentino, Versace, Dolce & Gabbana, Benetton, Prada, Gucci, Luxottica), công nghiệp thực phẩm (Barilla Group, Martini & Rossi, Campari, Parmalat), xe hơi hạng sang (Ferrari, Maserati, Lamborghini, Pagani) và du thuyền (Ferretti, Azimut).

Ý là bộ phận của thị trường chung châu Âu, một thị trường có trên 500 triệu người tiêu dùng. Một vài chính sách thương mại nội địa được xác định theo các hiệp định giữa các thành viên Liên minh châu Âu và bởi cơ quan lập pháp Liên minh châu Âu. Ý cho lưu hành tiền tệ chung châu Âu là euro vào năm 2002.[141][142] Khu vực đồng euro có khoảng 330 triệu công dân, chính sách tiền tệ của nó được xác định bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Ý chịu tổn thất rất nặng từ khủng hoảng tài chính 2007–08 và sau đó là khủng hoảng nợ công châu Âu, làm trầm trọng thêm các vấn đề cấu trúc của quốc gia.[143] Thực tế, sau khi tăng trưởng GDP mạnh mẽ 5–6% mỗi năm từ thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970,[144] và một cuộc giảm tốc không ngừng trong thập niên 1980-90, quốc gia này gần như đình đốn trong thập niên 2000.[145][146] Diễn ra các nỗ lực chính trị nhằm khôi phục kinh tế bằng cách chi tiêu công ồ ạt, cuối cùng dẫn đến nợ công tăng vọt, ở mức trên 135% GDP vào năm 2014, xếp thứ hai trong Liên minh châu Âu chỉ sau Hy Lạp (với 174%).[147] Phần lớn nhất trong nợ công Ý thuộc về các chủ nợ người Ý, đây là một khác biệt lớn với Hy Lạp,[148] và mức nợ hộ gia đình thấp hơn nhiều so với mức trung bình của OECD.[149]

Phân chia Nam-Bắc rộng thêm là một yếu tố chính của nhược điểm kinh tế-xã hội Ý.[150] Đáng chú ý là có khác biệt rất lớn về thu nhập theo thống kê giữa các vùng và đô thị miền bắc với miền nam.[151] Vùng giàu nhất là Lombardia đạt được mức GDP bình quân bằng 127% của toàn quốc, còn vùng nghèo nhất là Calabria chỉ đạt 61%[152] Tỷ lệ thất nghiệp của Ý (11,9%) cao hơn đôi chút so với mức trung bình của khu vực đồng euro (2015),[153] song mức trung bình của miền bắc là 7,9% và của miền nam là 20,2%.[154]

Nông nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]
Các cánh đồng nho và ô liu tại vùng Chianti. Ngành công nghiệp thực phẩm Ý có danh tiếng vì sản phẩm chất lượng cao và tính đa dạng.

Theo điều tra nông nghiệp toàn quốc, Ý có 1,5 triệu trang trại vào năm 2010 (giảm 32,4% từ năm 2000), trên diện tích 12,7 triệu ha (63% thuộc miền nam).[155] Đại đa số (99%) có quy mô gia đình và nhỏ, trung bình chỉ đạt kích thước 8 ha.[155] Trong tổng diện tích mặt đất sử dụng cho nông nghiệp (không tính lâm nghiệp), đồng ruộng lương thực có hạt chiếm 31%, vườn cây ô liu 8,2%, vườn nho 5,4%, vườn cây cam chanh 3,8%, ruộng củ cải đường 1,7%, và làm vườn nhà 2,4%. Phần còn lại chủ yếu dành cho đồng cỏ (25,9%) và lương thực chăn nuôi (11,6%).[155]

Ý là nước sản xuất rượu vang hàng đầu thế giới,[156] và cũng đứng hàng đầu về dầu ô liu, các loại quả (táo, ô liu, nho, cam, chanh tây, lê, cà rốt, hạt phỉ, đào, anh đào, mận mơ, dâu đất và dương đào), và rau (đặc biệt là atisô và cà chua). Các loại rượu vang nổi tiếng nhất của Ý có lẽ là Chianti vùng Toscana và Barolo vùng Piemonte. Các loại rượu vang nổi tiếng khác là Barbaresco, Barbera d'Asti, Brunello di Montalcino, Frascati, Montepulciano d'Abruzzo, Morellino di Scansano, và các loại rượu vang sủi Franciacorta và Prosecco. Các hàng hoá chất lượng chuyên biệt của Ý, đặc biệt là các loại rượu vang đề cập ở trên và các loại pho mát khu vực, thường được bảo hộ dưới nhãn đảm bảo chất lượng DOC/DOP. Chứng nhận chỉ dẫn địa lý này được cho là quan trọng nhằm tránh lẫn lộn với các sản phẩm thế phẩm sản xuất hàng loạt có chất lượng thấp.

Hạ tầng

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2004, lĩnh vực giao thông tại Ý đạt doanh thu khoảng 119,4 tỷ euro, sử dụng 935.700 lao động trong 153.700 doanh nghiệp. Về mạng lưới đường bộ quốc gia, vào năm 2002 có 668.721 km đường có thể sử dụng được tại Ý, trong đó có 6.487 km đường cao tốc, thuộc sở hữu nhà nước song do Atlantia điều hành riêng. Năm 2005, có khoảng 34.667.000 ô tô chở khách (590 xe trên 1.000 dân) và 4.015.000 xe chở hàng lưu thông trên mạng lưới đường bộ quốc gia.[157] Hạn chế tốc độ trong các đô thị thường là 50 km/h và ít phổ biến hơn là 30 km/h. Đường cao tốc đôi đầu tiên trên thế giới khánh thành tại Ý vào năm 1924, nối giữa Milano và Varese. Đến cuối thập niên 1930, trên 400 km đường cao tốc đã được xây dựng trên khắp nước Ý, liên kết các thành phố và thị trấn nông thôn. Hệ thống đường cao tốc (autostrade) của Ý có giới hạn tốc độ tiêu chuẩn là 130 km/h đối với ô tô. Các điều khoản pháp luật cho phép các nhà khai thác xác định giới hạn 150 km/h tại đoạn đường họ được nhượng quyền trên cơ sở tình nguyện nếu đáp ứng một số điều kiện.

xe lửa cao tốc Frecciarossa 1000 của Đường sắt Nhà nước Ý (FS), có tốc độ tối đa là 400 km/h,[158] là tàu nhanh nhất tại Ý và châu Âu

Đến năm 2011, tổng chiều dài đường sắt Ý là 19.394 km, trong đó 18.071 km theo khổ tiêu chuẩn và 11.322 km được điện khí hoá. Các tuyến hoạt động tổng cộng dài 16.723 km.[159] Phần lớn mạng lưới đường sắt Ý nằm dưới quyền quản lý và điều hành của Đường sắt Nhà nước Ý (Ferrovie dello Stato Italiane), là công ty quốc doanh. Các cơ quan cấp khu vực khác hầu hết thuộc sở hữu của các thể chế công cộng như chính quyền vùng. Đường sắt tại Ý được chính phủ trợ cấp, nhận được 8,1 tỷ euro vào năm 2009.[160] Các công việc nhằm tăng tốc độ chạy thương mại của đường sắt đã bắt đầu vào năm 1967: Tuyến "siêu trực tiếp" Roma-Firenze" được xây dựng cho các đoàn tàu có tốc độ lên đến 230 km/h, giảm hành trình xuống dưới hai giờ. Đây là tuyến tàu cao tốc đầu tiên được xây dựng tại châu Âu, và bắt đầu hoạt động vào năm 1977. Ngày nay, có thể đi từ Roma đến Milano vòng vòng dưới ba tiếng (2h 55') bằng xe lửa cao tốc thế hệ mới Frecciarossa 1000. Ý có 11 cửa khẩu đường sắt vượt dãy Alpes nối sang các quốc gia láng giềng.

Ý có 2.400 km đường thủy có thể thông hành, thuộc các loại hình giao thông thương mại khác nhau, song hạn chế về tổng giá trị.[161] Tại các vùng Lombardia và Veneto của miền bắc, các tuyến phà hàng ngày hoạt động trên hồ Garda và hồ Como để liên kết các thị trấn và làng mạc hai bên hồ. Các thủy đạo tại Venezia, bao gồm kênh đào lớn, giữ vai trò là mạng lưới giao thông thiết yếu đối với cư dân và du khách. Năm 2004, Ý có khoảng 30 sân bay lớn (bao gồm hai trung tâm Malpensa tại Milano và Leonardo da Vinci tại Roma) và 43 cảng biển lớn (Genova là cảng lớn nhất của Ý và lớn thứ nhì tại Địa Trung Hải). Năm 2005, Ý duy trì một phi đội dân sự khoảng 389.000 đơn vị và một hạm đội 581 tàu.[157]

Ý cần nhập khẩu khoảng 80% nhu cầu năng lượng của mình.[162][163][164] Quốc gia này tiêu thụ lượng năng lượng sơ cấp đạt 185 tấn dầu quy đổi vào năm 2010,[165] hầu hết đến từ các nhiên liệu hoá thạch. Trong số các nguồn được dùng nhiều nhất có dầu mỏ (chủ yếu cho giao thông), khí đốt tự nhiên (dùng để phát điện và sưởi ấm), than đá và các nguồn tái tạo. Năng lượng gió và mặt trời phát triển nhanh chóng do được khuyến khích mạnh. Năm 2014, Ý tiêu thụ 291.083 TWh (4.790 kWh/người) điện năng, mức tiêu thụ hộ gia đình là 1.057 kWh/người.[166] Ý là quốc gia nhập khẩu thuần điện năng: Nhập khẩu 46.747,5 GWh và xuất khẩu 3.031,1 GWh vào năm 2014. Tổng sản lượng vào năm 2014 là 279,8 TWh. Các nguồn năng lượng chính là khí đốt và thủy điện.[166] Ý không có năng lượng hạt nhân do bị cấm theo trưng cầu dân ý năm 1987. Tại Toscana đã xây dựng nhà máy địa nhiệt đầu tiên. Năm 2014, sản lượng địa nhiệt là 5,92 TWh. Toàn bộ các nhà máy địa nhiệt của Ý cho đến nay đều nằm tại Toscana.[166]

Ý không đầu tư đủ để duy trì hạ tầng cung cấp nước uống và cải thiện vệ sinh, trong khi thuế nước và vệ sinh thuộc hàng thấp nhất tại Liên minh châu Âu. Luật Galli được thông qua vào năm 1993 nhằm mục tiêu là nâng cao mức đầu tư và nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ bằng cách hợp nhất các nhà cung cấp dịch vụ, khiến chúng có hiệu quả hơn và gia tăng mức thu hồi chi phí thông qua nguồn thu từ thuế. Bất chấp các cải cách này, mức đầu tư suy giảm và vẫn còn xa mới đủ.[167][168][169]

Khoa học

[sửa | sửa mã nguồn]
Theo chiều kim đồng hồ từ bên trái: Alessandro Volta là nhà phát minh pin điện và khám phá mêtan;[170]
Galileo Galilei được công nhận là ông tổ của khoa học, vật lý học và thiên văn học quan trắc hiện đại;[171]
Guglielmo Marconi là nhà phát minh truyền dẫn thông tin vô tuyến đường dài;[172]
Enrico Fermi là người tạo ra lò phản ứng hạt nhân đầu tiên, Chicago Pile-1[173]

Qua nhiều thế kỷ, Ý bồi dưỡng một cộng đồng khoa học có nhiều khám phá lớn về vật lý học và các ngành khoa học khác. Vào thời Phục hưng, các nhà bác học Ý như Leonardo da Vinci (1452–1519), Michelangelo (1475–1564) và Leone Battista Alberti (1404–72) có các đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực, như sinh học, kiến trúc và kỹ thuật. Galileo Galilei (1564–1642) là một nhà vật lý học, toán học và thiên văn học, ông giữ vai trò lớn trong cách mạng khoa học. Thành tựu của ông gồm có cải tiến trọng yếu về kính thiên văn và hoạt động quan sát thiên văn sau đó, cùng chiến thắng chung cuộc của thuyết Kopernik trước thuyết địa tâm.

Các nhà thiên văn học khác như Giovanni Domenico Cassini (1625–1712) và Giovanni Schiaparelli (1835–1910) có nhiều khám phá quan trọng về hệ Mặt trời. Trong toán học, Joseph Louis Lagrange (tên khai sinh là Giuseppe Lodovico Lagrangia, 1736–1813) hoạt động tích cực trước khi rời Ý. Fibonacci (khoảng 1170–1250) và Gerolamo Cardano (1501–76) tạo ra các tiến bộ căn bản trong toán học. Luca Pacioli thiết lập kế toán cho thế giới. Nhà vật lý học Enrico Fermi (1901–54) lãnh đạo một nhóm tại Chicago để phát triển lò phản ứng hạt nhân đầu tiên và cũng nổi tiếng vì nhiều đóng góp khác của ông cho vật lý học, như đồng phát triển thuyết lượng tử và là một trong các nhân vật chủ chốt trong việc tạo ra vũ khí hạt nhân. Ông cùng với Emilio G. Segrè (1905–89, khám phá các nguyên tố tecnetiastatin, và phản proton), Bruno Rossi (1905–93, tiên phong trong bức xạ vũ trụthiên văn học tia X) và một số nhà vật lý học Ý bị buộc phải rời khỏi Ý trong thập niên 1930 do các đạo luật phát xít chống người Do Thái.[174]

Các nhà vật lý học nổi bật khác: Amedeo Avogadro (nổi tiếng nhất vì đóng góp vào thuyết phân tử, cụ thể là định luật Avogadrohằng số Avogadro), Evangelista Torricelli (phát minh áp kế), Alessandro Volta (phát minh pin điện), Guglielmo Marconi (phát minh radio), Ettore Majorana (khám phá hạt Majorana), Carlo Rubbia (lãnh đạo nhóm khám phá các hạt W và Z tại CERN). Về sinh học, Francesco Redi là người đầu tiên thách thức thuyết tự sinh bằng việc chứng minh rằng giòi bắt nguồn từ trứng ruồi và ông miêu tả chi tiết 180 loài ký sinh, Marcello Malpighi thành lập giải phẫu vi mô, Lazzaro Spallanzani tiến hành nghiên cứu quan trọng về các chức năng thân thể, sinh sản động vật, và thuyết tế bào. Camillo Golgi khám phá bộ máy Golgi, mở đường cho việc thừa nhận học thuyết neuron, Rita Levi-Montalcini khám phá hệ số phát triển tế bào thần kinh. Về hoá học, Giulio Natta nhận giải Nobel cho công trình của bà về polyme cao. Giuseppe Occhialini khám phá phân rã pion hoặc pi-meson vào năm 1947. Ennio de Giorgi giải bài toán Bernstein về mặt cực tiểu, và bài toán thế kỷ XIX của Hilbert về quy tắc giải phương trình vi phân riêng phần elip.

Bờ biển Amalfi là một trong các địa điểm du lịch chính của Ý[175]

Ý tiếp đón 50,7 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2015, đứng thứ năm thế giới.[176] Tổng đóng góp của lữ hành và du lịch vào GDP (bao gồm các tác động lớn hơn về đầu tư, chuỗi cung cấp và thu nhập phát sinh) là 162,7 tỷ euro vào năm 2014 (10,1% GDP) và tạo ra 1.082.000 việc làm trực tiếp vào năm 2014 (4,8% tổng số công việc).[177]

Ý nổi tiếng với các tuyến du lịch văn hoá và môi trường, và sở hữu 53 di sản thế giới tính đến năm 2017, đứng thứ nhất toàn cầu.[178] Milano là thành phố được tham quan nhiều thứ sáu tại châu Âu và thứ 14 thế giới, đón tiếp bình quân 7,65 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2016; còn thủ đô Roma lần lượt xếp thứ 8 và 16, với 7,12 triệu lượt du khách quốc tế.[179] Ngoài ra, Venezia và Firenze cũng nằm trong 100 điểm đến hàng đầu thế giới.

Các cảnh quan được tham quan nhiều nhất tại Ý là Đấu trường La MãQuảng trường La Mã, Pompeii, Bảo tàng triển lãm Uffizi, Bảo tàng triển lãm Viện hàn lâm Firenze, Castel Sant'Angelo, Công viên Boboli, Venaria Reale, Bảo tàng Ai Cập Torino, Nhà triển lãm Borghese, Cung điện hoàng gia Caserta, Bảo tàng Cenacolo Vinciano, Villa d'Este, Cung điện Pitti, Các điểm khai quật tại Herculaneum, Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia Napoli, Nhà thờ nhỏ Medici, Điểm khai quật và bảo tàng Ostia Antica, Grotta Azzurra (động màu lam), Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia Venezia, Hồ Como và Nhà triển lãm mỹ thuật Brera.[180]

Nhân khẩu

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản đồ mật độ dân số Ý theo điều tra nhân khẩu năm 2011

Đến cuối năm 2013, Ý có 60.782.668 cư dân.[181] Mật độ dân số là 202 người/km², cao hơn hầu hết các quốc gia Tây Âu. Tuy nhiên, phân bổ dân cư không đồng đều, khu vực dân cư tập trung nhất là thung lũng Po (chiếm gần một nửa dân số toàn quốc) và các vùng đô thị của Roma và Napoli, trong khi các vùng rộng lớn như dãy Alpes và Appennini, các cao nguyên Basilicata và đảo Sardegna có dân cư rất thưa thớt.

Dân số Ý tăng gần gấp đôi trong thế kỷ XX, song mô hình tăng trưởng cực kỳ không đồng đều do di cư nội bộ quy mô lớn từ miền nam (còn mang tính nông thôn) đến các thành phố công nghiệp tại miền bắc, hiện tượng này diễn ra do kết quả của kỳ tích kinh tế Ý thập niên 1950–1960. Tỷ suất sinh và số ca sinh cao duy trì cho đến thập niên 1970, sau đó bắt đầu giảm mạnh, dẫn đến dân số già hoá nhanh chóng. Đến cuối thập niên 2000, một phần năm người Ý trên 65 tuổi.[182] Tuy nhiên, trong những năm gần đây Ý trải qua tăng trưởng mức sinh đáng kể.[183] Tổng tỷ suất sinh cũng tăng từ mức thấp kỷ lục 1,18 trẻ mỗi phụ nữ vào năm 1995 lên 1,41 vào năm 2008.[184]

Tổng tỷ suất sinh được dự kiến đạt 1,6–1,8 vào năm 2030.[185]

Từ cuối thế kỷ XIX cho đến thập niên 1960, Ý là một quốc gia xuất cư hàng loạt. Giai đoạn từ năm 1898 đến năm 1914 là đỉnh cao của làn sóng người Ý tha hương, với khoảng 750.000 người Ý xuất cư mỗi năm.[186] Có trên 25 triệu người Ý xuất cư và đây được xem là cuộc di cư hàng loạt lớn nhất trong lịch sử đương đại.[187] Ngày nay, có trên 4,1 triệu công dân Ý sống tại nước ngoài,[188] và có ít nhất 60 triệu người hoàn toàn hoặc có một phần nguồn gốc Ý, nhiều nhất là tại Brasil,[189] Argentina[190] và Hoa Kỳ.[191]

 
20 cities or towns lớn nhất tại Ý
Theo Viện Thống kê Quốc gia Ý (ISTAT) vào 31 tháng 12 năm 2014
Hạng Tên Vùng Dân số Hạng Tên Vùng Dân số
Roma
Roma
Milano
Milano
1 Roma Lazio 2.872.021 11 Venezia Veneto 264.579 Napoli
Napoli
Torino
Torino
2 Milano Lombardia 1.337.155 12 Verona Veneto 260.125
3 Napoli Campania 978.399 13 Messina Sicilia 240.414
4 Torino Piemonte 896.773 14 Padova Veneto 211.210
5 Palermo Sicilia 678.492 15 Trieste Friuli-Venezia Giulia 205.413
6 Genova Liguria 592.507 16 Taranto Puglia 202.016
7 Bologna Emilia-Romagna 386.181 17 Brescia Lombardia 196.058
8 Firenze Toscana 381.037 18 Prato Toscana 191.002
9 Bari Puglia 327.361 19 Parma Emilia-Romagna 190.284
10 Catania Sicilia 315.601 20 Modena Emilia-Romagna 185.148
Các vùng đô thị lớn[192][193]
Thành phố trung tâm Vùng Diện tích
(km²)
Dân số

1/1/2016

Dân số
vùng đô thị chức năng (2014)
Roma Lazio 5.352 4.340.474 4.370.538
Milano Lombardia 1.575 3.208.509 4.252.246
Napoli Campania 1.171 3.113.898 3.627.021
Torino Piemonte 6.829 2.282.127 1.801.729
Palermo Sicilia 5.009 1.271.406 1.006.602
Bari Puglia 3.821 1.263.820 589.407
Catania Sicilia 3.574 1.115.535 657.293
Firenze Toscana 3.514 1.113.348 760.325
Bologna Emilia-Romagna 3.702 1.005.831 770.998
Genova Liguria 1.839 854.099 723.959
Venezia Veneto 2.462 855.696 499.966
Messina Sicilia 3.266 640.675 277.584
Reggio Calabria Calabria 3.183 555.836 221.789
Cagliari Sardegna 1.248 430.413 476.974

Nhập cư

[sửa | sửa mã nguồn]
Ý tiếp nhận một lượng lớn di dân từ Đông Âu và Bắc Phi

Năm 2016, tại Ý có khoảng 5,05 triệu cư dân nước ngoài,[194] chiếm 8,3% tổng dân số. Số liệu này bao gồm hơn nửa triệu trẻ em sinh tại Ý của công dân nước ngoài, tức thế hệ di dân thứ hai, song loại trừ những người nước ngoài có được quyền công dân Ý sau đó;[195] Năm 2016, có khoảng 201.000 người nhận được quyền công dân Ý[196] (130.000 vào năm 2014).[197] Số liệu chính thức cũng loại trừ các di dân bất hợp pháp, theo ước tính vào năm 2008 thì con số này ít nhất là 670.000.[198]

Từ đầu thập niên 1980, Ý thay đổi từ một xã hội đồng nhất về ngôn ngữ và văn hoá sang bắt đầu thu hút dòng người di cư nước ngoài với quy mô đáng kể.[199] Sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, tiếp đến là mở rộng Liên minh châu Âu vào năm 2004 và 2007, đã xuất hiện các làn sóng di cư quy mô lớn đến từ các quốc gia xã hội chủ nghĩa cũ tại Đông Âu (đặc biệt là Romania, Albania, UkrainaBa Lan). Một nguồn di dân cũng quan trọng ngang bằng là các quốc gia Bắc Phi lân cận (đặc biệt là Maroc, Ai Cập và Tunisia), với số lượng tăng vọt do kết quả của Mùa xuân Ả Rập từ năm 2011. Ngoài ra, gần đây ghi nhận gia tăng nhập cư từ châu Á-Thái Bình Dương (đáng chú ý là Trung Quốc[200]Philippines) và Mỹ Latinh.

Vào năm 2012, có khoảng một triệu công dân Romania (khoảng 10% trong số đó thuộc dân tộc Di-gan[201]) đăng ký cư trú chính thức tại Ý, là quốc gia đứng đầu về lượng người nhập cư, tiếp đến là người Albania và Maroc. Số lượng người Romania không đăng ký khó ước tính được, song vào năm 2007 có nguồn cho rằng con số này có thể là nửa triệu hoặc cao hơn.[202] Tổng cộng, đến cuối thập niên 2000, cư dân Ý sinh tại nước ngoài đến từ: châu Âu (54%), châu Phi (22%), châu Á (16%), châu Mỹ (8%) và châu Đại Dương (0,06%). Phân bổ di dân không đồng đều ở mức độ lớn: 87% di dân sống tại các phần miền bắcmiền trung, trong khi chỉ 13% sống tại nửa phía nam.

Ngôn ngữ

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản đồ phân bổ ngôn ngữ/phương ngữ tại Ý
  Occitan (PR)
  Piemonte (PI)
  Liguria (LI)
  Lombardia (LO)
  Veneto (VE)
  Đức Südtirol (ST)
  Friuli (FU)
  Toscana (TO)
  Trung Ý (Clt)
  Nam Ý (Slt), bao gồm Napoli
  Sardegna (SA)
  Sassari-Gallura (CO)
  Sicilia (SI)

Tiếng Ý là ngôn ngữ chính thức của Ý.[203] Theo ước tính có khoảng 64 triệu người nói tiếng Ý bản ngữ[204][205][206] và tổng số người nói tiếng Ý là khoảng 85 triệu, bao gồm những người sử dụng nó như ngôn ngữ thứ hai.[207] Ý có nhiều phương ngữ/ngôn ngữ khu vực;[208], tuy nhiên việc thiết lập một hệ thống giáo dục quốc gia đã dẫn đến suy giảm tính đa dạng về các ngôn ngữ được nói tại Ý trong thế kỷ XX. Sự tiêu chuẩn hoá được mở rộng hơn vào thập niên 1950 và 1960 do tăng trưởng kinh tế và sự nổi lên của truyền thông đại chúng và truyền hình (đài quốc gia RAI giúp thiết lập tiếng Ý tiêu chuẩn).

12 ngôn ngữ thiểu số lịch sử được công nhận theo pháp lý: Albania, Catalan, Đức, Hy Lạp, Slovenia, Croatia, Pháp, Franco-Provençal, Friuli, Ladin, OccitanSardegna (đạo luật số 482 ngày 15 tháng 12 năm 1999).[209] Tiếng Pháp có vị thế đồng chính thức tại Thung lũng Aosta dù trên thực tế tiếng Franco-Provencal được nói phổ biến hơn tại đây.[210] Tiếng Đức có vị thế đồng chính thức tại Nam Tirol, còn tiếng Ladin cũng có địa vị như vậy tại một số nơi của Nam Tirol và tỉnh Trentino láng giềng. Tiếng Slovenia được công nhận chính thức tại các tỉnh Trieste, GoriziaUdine.

Do nhập cư đáng kể trong thời gian gần đây, một lượng lớn cư dân Ý có bản ngữ không phải là tiếng Ý. Theo Viện Thống kê Quốc gia Ý, tiếng Romania là ngôn ngữ mẹ đẻ phổ biến nhất trong số cư dân nước ngoài tại Ý: Gần 800.000 người nói tiếng Romania như ngôn ngữ thứ nhất (21,9% cư dân nước ngoài từ 6 tuổi trở lên). Các ngôn ngữ mẹ đẻ phổ biến khác là Ả Rập (trên 475.000 người; 13,1% cư dân nước ngoài), Albanian (380.000 người) và Tây Ban Nha (255.000 người). Một số ngôn ngữ nước ngoài khác được nói tại Ý là Ukraina, Hindi, Ba LanTamil.[211]

Tôn giáo

[sửa | sửa mã nguồn]

Tôn giáo tại Ý (2021)[212]

  Công giáo Roma (84.4%)
  Không tôn giáo (11.6%)
  Hồi giáo (1.0%)
  Phật giáo (0.4%)
  Hindu (0.3%)
  Khác (2.0%)

Công giáo La Mã là tôn giáo lớn nhất tại Ý, song không còn là quốc giáo kể từ năm 1985.[213] Năm 2021, tỷ lệ người Ý tự xác định bản thân là tín đồ Cơ Đốc giáo đạt 85,0%.[214] Ý cũng là quốc gia có số dân theo đạo Công giáo lớn nhất châu Âu với hơn 55 triệu tín hữu.

Tòa Thánh có thẩm quyền đối với giáo phận Roma, gồm có chính phủ trung ương và toàn thể Giáo hội Công giáo La Mã, trong đó có nhiều cơ quan cần thiết cho quản lý. Về phương diện ngoại giao, Toà Thánh được công nhận theo pháp luật quốc tế là một thực thể có chủ quyền, do Giáo hoàng lãnh đạo và ông cũng là giám mục Roma.[215][216] Dù thường được gọi là "Vatican", song Toà Thánh không phải là thực thể tương tự với nhà nước Thành Vatican vốn chỉ tồn tại từ 1929.

Nhà thờ chính tòa Milano là nhà thờ lớn nhất tại Ý và lớn thứ năm thế giới

Các tín ngưỡng Cơ Đốc giáo nhỏ tại Ý gồm có Chính thống giáo Đông phương và các cộng đồng Tin Lành khác. Năm 2021, ước tính có hơn 2 triệu tín đồ Chính thống giáo Đông phương tại Ý, chiếm 3,5% dân số;[217] 0,5 triệu tín đồ Ngũ TuầnPhúc Âm, 235.685 tín đồ Nhân chứng Jehovah,[218] 30.000 tín đồ Hội Thánh Vaudès,[219] 25.000 tín đồ Cơ Đốc Phục Lâm, 22.000 tín đồ Thánh hữu Ngày sau của Chúa, 15.000 tín đồ Báp-tít, 7,000 tín đồ Luther, 4.000 tín đồ Giám Lý (liên kết với Giáo hội Vaudès).[220]

Một trong các tín ngưỡng tôn giáo thiểu số được có cơ sở lâu nhất tại Ý là Do Thái giáo, người Do Thái hiện diện tại La Mã cổ đại từ trước khi Jesus sinh ra. Trong nhiều thế kỷ, Ý hoan nghênh những người Do Thái bị trục xuất từ các quốc gia khác, đặc biệt là Tây Ban Nha. Tuy nhiên, do hậu quả của Holocaust, khoảng 20% người Do Thái Ý thiệt mạng.[221] Sự kiện này cùng với di cư diễn ra trước và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khiến cho chỉ còn lại một cộng đồng Do Thái nhỏ gồm 28.400 người tại Ý.[222]

Đi cùng với nhập cư gia tăng trong các thập niên gần đây là gia tăng các tín ngưỡng phi Cơ Đốc. Năm 2010, có 1,6 triệu người Hồi giáo tại Ý, chiếm 2,6% dân số.[214] Ngoài ra, còn có trên 200.000 tín đồ các tín ngưỡng có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ, trong đó có 70.000 tín đồ Sikh giáo với 22 gurdwara khắp nước Ý,[223] 70.000 tín đồ Ấn Độ giáo, và 50.000 tín đồ Phật giáo.[224] Theo ước tính, có 4.900 tín đồ Bahá'í tại Ý vào năm 2005.[225]

Nhằm bảo vệ tự do tôn giáo, nhà nước Ý phân chia phần thuế thu nhập cho các cộng đồng tôn giáo được công nhận chính thức, theo một chế độ gọi là tám phần nghìn (Otto per mille). Các khoản quyên góp được cho phép gửi đến các cộng đồng Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo; tuy nhiên Hồi giáo bị loại trừ vì không có cộng đồng Hồi giáo nào ký giáo ước với nhà nước Ý.[226] Người đóng thuế nếu không muốn tiền của mình tài trợ cho một tôn giáo thì sẽ góp phần của họ cho hệ thống phúc lợi nhà nước.[227]

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]
Đại học Bologna là viện hàn lâm lâu năm nhất thế giới, thành lập vào năm 1088

Giáo dục tại Ý được miễn phí và là điều bắt buộc đối với trẻ em từ 6 đến 16 tuổi,[228] và gồm có năm cấp: nhà trẻ (scuola dell'infanzia, trước gọi là asilo), trường tiểu học (scuola primaria, trước gọi là scuola elementare), trường sơ trung học (scuola secondaria di primo grado, trước gọi là scuola media), trường cao trung học (scuola secondaria di secondo grado, trước gọi là scuola superiore) và đại học (università).[229]

Giáo dục tiểu học kéo dài trong tám năm, học sinh tiếp nhận giáo dục cơ bản về tiếng Ý, tiếng Anh, toán học, khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý, nghiên cứu xã hội, thể dục, nghệ thuật thị giác và âm nhạc. Giáo dục trung học kéo dài trong 5 năm, gồm ba loại hình trường học theo truyền thống có các mức hàn lâm khác nhau: liceo chuẩn bị cho học sinh học tập tại bậc đại học với các chương trình giảng dạy cổ điển hoặc khoa học, trong khi istituto tecnicoIstituto professionale chuẩn bị cho học sinh giáo dục nghề nghiệp. Năm 2012, giáo dục trung học Ý được đánh giá thấp hơn một chút so với bình quân của OECD, có cải tiến mạnh mẽ và đều đặn về kết quả khoa học và toán học kể từ năm 2003;[230] tuy nhiên có khoảng cách rộng giữa hai miền, trường học tại miền bắc có thành tích tốt hơn đáng kể trung bình toàn quốc (nằm vào hàng tốt nhất thế giới trong một số môn), còn các trường miền nam có kết quả kém hơn nhiều.[231]

Giáo dục đại học tại Ý gồm các đại học công lập, đại học tư thục, cùng các trường cao cấp (Scuola Superiore Universitaria) có danh tiếng và có chọn lọc, chẳng hạn như Scuola Normale Superiore di Pisa. Năm 2019, có 33 trường đại học Italy được xếp hạng trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu thế giới, là số lượng lớn thứ ba ở châu Âu sau Vương quốc Anh và Đức.[232] Đại học Bologna, được thành lập vào năm 1088, là trường đại học lâu đời nhất, cũng như là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu ở Ý và châu Âu. Các trường đại học khác như Bocconi University, Università Cattolica del Sacro Cuore, LUISS, Polytechnic University of Turin, Polytechnic University of Milan, Sapienza University of Rome và University of Pisa cũng được xếp hạng là trong số những trường tốt nhất thế giới.

Dầu ô liu và rau là trọng tâm trong bữa ăn Địa Trung Hải.

Nhà nước Ý điều hành một hệ thống y tế công cộng phổ quát kể từ năm 1978.[233] Tuy nhiên, y tế được cung cấp cho toàn thể công dân và cư dân theo một hệ thống công-tư hỗn hợp. Khu vực công là Servizio Sanitario Nazionale, được tổ chức dưới quyền Bộ Y tế và được quản lý trên cơ sở phân quyền cấp vùng. Chi tiêu y tế tại Ý chiếm 9,2% GDP toàn quốc vào năm 2012, rất sát bình quân của OECD là 9,3%.[234] Vào năm 2000, Ý được xếp hạng có hệ thống y tế tốt thứ hai thế giới,[233][235] và thành tích y tế tốt thứ hai thế giới.

Tuổi thọ dự tính của người Ý là 80 năm đối với nam giới và 85 năm đối với nữ giới theo số liệu năm 2016, xếp hạng sáu thế giới.[236] So sánh với các quốc gia phương Tây khác, Ý có mức béo phì người lớn tương đối thấp (dưới 10%[237]), có lẽ là nhờ lợi ích sức khoẻ từ chế độ ăn Địa Trung Hải. Tỷ lệ người hút thuốc lá hàng ngày là 22% vào năm 2012, giảm từ 24,4% vào năm 2000 song vẫn hơn một chút bình quân OECD.[234] Hút thuốc tại các nơi công cộng như quán bar, nhà hàng, câu lạc bộ đêm và văn phòng bị hạn chế trong các phòng thông gió đặc biệt kể từ năm 2005.[238] Năm 2013, UNESCO đưa bữa ăn Địa Trung Hải vào danh sách Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của Ý (bên khởi xướng) cùng một số quốc gia khác nằm ven biển Địa Trung Hải.[239][240]

Thành phố Venezia được xây dựng trên 117 hòn đảo

Ý trải qua nhiều thế kỷ phân chia về chính trị và địa lý cho đến khi thống nhất vào năm 1861, do đó phát triển một nền văn hoá đặc trưng, được định hình bởi vô số các phong tục khu vực và các trung tâm quyền lực và bảo trợ cấp địa phương.[241] Vào thời Trung cổ và Phục hưng, một số triều đình cạnh tranh để thu hút các kiến trúc sư, nghệ sĩ và học giả giỏi nhất, qua đó sản sinh di sản lớn về các công trình kỷ niệm, hội họa, âm nhạc và văn học.[242]

Ý có 53 di sản thế giới UNESCO tính đến năm 2017, đứng đầu thế giới, và có các bộ sưu tập phong phú về nghệ thuật, văn hoá và văn học từ nhiều giai đoạn khác nhau. Quốc gia này từng cùng với Pháp là 2 trung tâm văn hóa nghệ thuật của thế giới, có ảnh hưởng văn hoá rộng rãi trên thế giới, cũng một phần là do có nhiều người Ý xuất cư sang các quốc gia khác trong làn sóng di dân. Hơn thế, về tổng thể Ý có 100.000 công trình kỷ niệm các thể loại (bảo tàng, cung điện, toà nhà, tượng, nhà thờ, nhà trưng bày nghệ thuật, biệt thự, đài phun nước, nhà lịch sử và tàn tích khảo cổ học).[243]

Kiến trúc

[sửa | sửa mã nguồn]

Ý có phong cách kiến trúc rất rộng và đa dạng, không thể chỉ xác định theo giai đoạn mà còn phải theo khu vực, do Ý bị phân chia thành nhiều nhà nước khu vực cho đến năm 1861. Điều này tạo ra tính đa dạng cao độ và phạm vi chiết trung trong thiết kế kiến trúc.

Ý nổi tiếng vì có thành tựu kiến trúc đáng kể,[244] như xây dựng các khung vòm, mái vòm, và các cấu trúc tương tự vào thời La Mã cổ đại, lập nên phong trào kiến trúc Phục hưng vào cuối thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI, và là quê hương của kiến trúc Palladio, một phong cách xây dựng truyền cảm hứng cho các phong trào như kiến trúc Tân cổ điển, và ảnh hưởng đến các thiết kế mà giới quý tộc trên khắp thế giới dùng để xây nhà vùng thôn dã của họ, đáng chú ý là tại Anh, Úc và Hoa Kỳ từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Ý có một số công trình tinh tế nhất của kiến trúc phương Tây, như Đấu trường La Mã, Nhà thờ chính tòa Milano, Nhà thờ chính tòa Firenze, Tháp nghiêng Pisa và các thiết kế toà nhà tại Venezia.

Kiến trúc Ý cũng có ảnh hưởng rộng đến kiến trúc thế giới. Kiến trúc sư người Anh Inigo Jones được truyền cảm hứng từ thiết kế của các toà nhà và thành thị Ý, đã đưa các ý tưởng kiến trúc Phục hưng Ý về nước Anh thế kỷ XVII, lấy cảm hứng từ Andrea Palladio.[245] Ngoài ra, kiến trúc Italianate (kiểu Ý) phổ biến ở nước ngoài kể từ thế kỷ XIX, được sử dụng để mô tả công trình kiến trúc tại nước ngoài được xây theo một phong cách Ý, đặc biệt là phỏng theo kiến trúc Phục hưng.

Nghệ thuật thị giác

[sửa | sửa mã nguồn]
Bữa ăn tối cuối cùng (1494–1499), Leonardo da Vinci, Nhà thờ Đức Mẹ Grazie, Milano

Lịch sử nghệ thuật thị giác Ý là bộ phận quan trọng của lịch sử hội họa phương Tây. Mỹ thuật La Mã chịu ảnh hưởng từ Hy Lạp và phần nào có thể cho là một hậu duệ của hội họa Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên, hội họa La Mã có các đặc trưng độc đáo quan trọng. Các bức hoạ La Mã duy nhất còn lại là các bức tranh tường, nhiều tác phẩm là trong các biệt thự tại vùng Campania thuộc miền nam. Các bức tranh này có thể nhóm thành bốn "phong cách" hoặc giai đoạn chính[246] và có thể bao gồm các mẫu đầu tiên về trompe-l'œil (đánh lừa thị giác), giả phối cảnh, và cảnh quan thuần tuý.[247]

Tranh bảng trở nên phổ biến hơn trong giai đoạn Romanesque, chịu ảnh hưởng mạnh của hình tượng Byzantine. Vào khoảng giữa thế kỷ XIII, mỹ thuật Trung cổ và hội họa Gothic trở nên hiện thực hơn, khi bắt đầu quan tâm đến miêu tả thể tích và phối cảnh tại Ý với Cimabue và sau đó là học trò của ông, Giotto. Từ thời Giotto trở đi, đối với sáng tác, các họa sĩ giỏi nhất cũng trở nên tự do và sáng tạo hơn nhiều. Họ được nhìn nhận là hai đại sư phụ Trung cổ về hội họa trong văn hoá phương Tây.

David của Michelangelo (1501–1504), Firenze

Thời kỳ Phục hưng Ý được nhiều người cho là thời đại hoàng kim của hội họa; đại khái trải dài từ thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XVII với ảnh hưởng đáng kể vượt ra ngoài biên giới nước Ý hiện đại. Các họa sĩ Ý như Paolo Uccello, Fra Angelico, Masaccio, Piero della Francesca, Andrea Mantegna, Filippo Lippi, Giorgione, Tintoretto, Sandro Botticelli, Leonardo da Vinci, Michelangelo Buonarroti, Raffaello, Giovanni BelliniTiziano Vecelli đưa hội họa lên tầm cao hơn thông qua sử dụng phối cảnh, nghiên cứu giải phẫu và cân xứng của con người, và thông qua đó họ phát triển một sự tinh tế chưa từng có trong các kỹ thuật vẽ và sơn. Michelangelo là một nhà điêu khắc tích cực từ khoảng 1500 đến 1520, các đại kiệt tác của ông gồm có David, Pietà, Moses. Các nhà điêu khắc Phục hưng nổi tiếng khác gồm Lorenzo Ghiberti, Luca Della Robbia, Donatello, Filippo BrunelleschiAndrea del Verrocchio.

Trong các thế kỷ XV và XVI, Phục hưng toàn thịnh dẫn đến nổi lên một kiểu mỹ thuật cách điệu được gọi là trường phái kiểu cách. Thay cho bố trí cân bằng và tiếp cận hợp lý về phối cảnh, những người kiểu cách tìm kiếm tính ổn định, tinh xảo, và hồ nghi. Khuôn mặt và điệu bộ không lo sợ của Piero della Francesca và Các trinh nữ của Raffaello điềm tĩnh bị thay thế bằng biểu cảm lo lắng của Pontormo và cường độ cảm xúc của El Greco. Trong thế kỷ XVII, trong số các họa sĩ vĩ đại nhất của Baroque Ý có Caravaggio, Annibale Carracci, Artemisia Gentileschi, Mattia Preti, Carlo Saraceni và Bartolomeo Manfredi. Sang thế kỷ XVIII, Rococo Ý chủ yếu lấy cảm hứng từ Rococo Pháp, do Pháp là quốc gia sáng lập phong cách đặc thù này, với các nghệ sĩ như Giovanni Battista TiepoloCanaletto. Điêu khắc tân cổ điển Ý tập trung vào các khía cạnh duy tâm của phong trào, với các tượng khoả thân của Antonio Canova.

Trong thế kỷ XIX, các họa sĩ lớn của phong cách lãng mạn Ý là Francesco Hayez, Giuseppe Bezzuoli và Francesco Podesti. Trường phái ấn tượng được đưa từ Pháp sang Ý bởi nhóm Macchiaioli, dẫn đầu là Giovanni Fattori và Giovanni Boldini; trường phái hiện thực bởi Gioacchino Toma và Giuseppe Pellizza da Volpedo. Trong thế kỷ XX, với chủ nghĩa vị lai chủ yếu thông qua các tác phẩm của Umberto BoccioniGiacomo Balla, Ý lại nổi lên thành một quốc gia sản sinh tiến hoá mỹ thuật trong hội họa và điêu khắc. Chủ nghĩa vị lai thành công nhờ các bức họa trừu tượng của Giorgio de Chirico, ông có ảnh hưởng mạnh đến chủ nghĩa siêu thực và các thế hệ nghệ sĩ đi theo.

Văn học và sân khấu

[sửa | sửa mã nguồn]

Văn học Ý bắt đầu sau khi thành lập Roma vào năm 753 TCN. Văn học Roma hay Latinh, đã và vẫn có ảnh hưởng cao độ trên thế giới, với nhiều nhà văn, nhà thơ, triết gia và sử gia, như là Pliny Già, Pliny Trẻ, Vergilius, Horace, Propertius, OvidiusLivius. Người La Mã cũng nổi tiếng vì truyền thống truyền khẩu, thơ, kịch và ngữ lục.[248] Trong những năm đầu của thế kỷ XIII, Francesco d'Assisi được các nhà phê bình văn học nhìn nhận là nhà thơ Ý đầu tiên, với bài ca tôn giáo Khúc ca Mặt trời.[249]

Dante, đứng giữa núi Purgatory và thành Firenze, trưng phần mở đầu nổi tiếng "Nel mezzo del cammin di nostra vita" của Thần khúc một cách chi tiết trong bức hoạ của Domenico di Michelino, 1465

Một tiếng nói khác của Ý bắt nguồn tại Sicilia. Trong triều đình của Hoàng đế Friedrich II, là người cai trị Vương quốc Sicilia trong nửa đầu thế kỷ XIII, thơ trữ tình phỏng theo các thể thức và đề tài Provençal được viết bằng một phiên bản tinh tế của thổ ngữ địa phương. Quan trọng nhất trong các nhà thơ này là Giacomo da Lentini, ông phát minh thể thơ sonnet, song tác giả sonnet nổi tiếng nhất thời kỳ đầu là Petrarca.[250]

Guido Guinizelli được cho là người lập ra Dolce Stil Novo, trường phái này đã đưa thêm một chiều hướng triết học vào thơ tình truyền thống. Sự thấu hiểu tình yêu mới này, biểu thị bằng một phong cách êm dịu, thanh khiết, có ảnh hưởng đến Guido Cavalcanti và nhà thơ Firenze Dante Alighieri, Dante là người lập cơ sở cho tiếng Ý hiện đại; tác phẩm vĩ đại của ông là Thần khúc, được nhận định nằm trong các tác phẩm văn học lỗi lạc nhất được sáng tác tại châu Âu vào thời Trung cổ. Hơn nữa, nhà thơ còn phát minh thể thơ khó terza rima.

Hai nhà văn vĩ đại nhất trong thế kỷ XIV là Francesco Petrarca và Giovanni Boccaccio tìm ra và phỏng theo các tác phẩm thời cổ đại, và tu dưỡng nhân cách nghệ thuật của mình. Petrarca đạt được danh tiếng thông qua bộ sưu tập thơ Il Canzoniere. Thơ tình của Petrarca giữ vai trò làm mẫu trong nhiều thế kỷ. Có ảnh hưởng ngang bằng là Decameron của Boccaccio, là một trong các bộ sưu tập phổ biến nhất về truyện ngắn từng được viết.[251]

Niccolò Machiavelli, người sáng lập khoa học chính trị hiện đại

Các tác giả Phục hưng Ý sáng tác một số tác phẩm quan trọng, Quân Vương của Niccolò Machiavelli là một trong các bài tiểu luận nổi tiếng nhất thế giới về khoa học chính trị và triết học hiện đại, trong đó lẽ phải thực sự quan trọng hơn bất kỳ tư tưởng trừu tượng nào. Tác phẩm quan trọng khác của giai đoạn này là Orlando Furioso của Ludovico Ariosto, phần mở rộng của tác phẩm lãng mạn còn dở dang Orlando Innamorato của Matteo Maria Boiardo, có lẽ là bài thơ có tinh thần thượng võ vĩ đại nhất từng được viết. Tác phẩm đối thoại Il Cortegiano của Baldassare Castiglione mô tả tư tưởng của quý ông triều đình hoàn hảo và của vẻ đẹp tâm hồn. Nhà thơ trữ tình Torquato Tasso trong La Gerusalemme liberata viết một sử thi Cơ Đốc giáo, sử dụng thể thức ottava rima, chú ý đến các quy tắc đồng nhất của Aristoteles.

Giovanni Francesco Straparola và Giambattista Basile lần lượt sáng tác Le piacevoli notti (1550–1555) và Lo cunto de li cunti/Pentamerone (1634), họ cho in một số bản truyện cổ tích đầu tiên được biết đến tại châu Âu.[252][253][254] Vào đầu thế kỷ XVII, một số kiệt tác văn học được tạo ra, như bài thơ thần thoại kéo dài L'Adone của Giambattista Marino. Giai đoạn Baroque cũng sản sinh văn xuôi khoa học dễ hiểu của Galileo, cũng như La città del Sole (thành phố Mặt trời) của Tommaso Campanella mô tả về một xã hội hoàn hảo do triết gia-tu sĩ cai trị. Đến cuối thế kỷ XVII, các viện sĩ Arcadia bắt đầu một phong trào nhằm khôi phục tính đơn giản và tính giản dị cổ điển cho thơ, như trong các vở kịch melo của Metastasio. Đến thế kỷ XVIII, nhà soạn kịch Carlo Goldoni tạo ra các vở kịch đầy kịch tính, nhiều vở phác hoạ tầng lớp trung lưu đương thời.

Minh hoạ Pinocchio trong Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio của Carlo Collodi, là một hình tượng của văn học thiếu nhi.[255][256]

Chủ nghĩa lãng mạn trùng hợp với một số tư tưởng của Risorgimento- phong trào ái quốc có kết quả là thống nhất về chính trị và tự do cho Ý khỏi sự chi phối của ngoại bang. Các nhà văn Ý đi theo chủ nghĩa lãng mạn vào đầu thế kỷ XIX. Thống nhất nước Ý được báo trước bởi các nhà thơ Vittorio Alfieri, Ugo FoscoloGiacomo Leopardi. I promessi sposi (phối ngẫu hứa hôn) của nhà văn lãng mạn hàng đầu tại Ý Alessandro Manzoni là tiểu thuyết lịch sử Ý đầu tiên ca ngợi các giá trị Cơ Đốc giáo về tư pháp và Thượng đế, và nó được cho là tiểu thuyết bằng tiếng Ý nổi tiếng nhất và được đọc nhiều nhất.[257]

Đến cuối thế kỷ XIX, một phong trào văn học hiện thực mang tên Verismo giữ một vai trò lớn trong văn học Ý; Giovanni VergaLuigi Capuana là các nhân tố chính. Trong cùng giai đoạn, Emilio Salgari viết các tác phẩm phiêu lưu hành động và là một nhà tiên phong về khoa học viễn tưởng, ông cho phát hành loạt tiểu thuyết Sandokan về một kẻ cướp biển hư cấu trên khắp biển Đông.[258] Một phong trào gọi là chủ nghĩa vị lai ảnh hưởng đến văn học Ý vào đầu thế kỷ XX. Filippo Tommaso Marinetti viết Manifesto del Futurismo (tuyên ngôn chủ nghĩa vị lai), kêu gọi sử dụng ngôn ngữ và phép ẩn dụ để tôn vinh tốc độ, tính năng động, và tính mãnh liệt của thời kỳ máy móc.[259]

Các nhân vật văn học hiện đại là Gabriele D'Annunzio, nhà thơ dân tộc chủ nghĩa Giosuè Carducci đoạt giải Nobel năm 1906, nhà văn hiện thực Grazia Deledda đoạt giải Nobel năm 1926, tác giả sân khấu hiện đại Luigi Pirandello vào năm 1936, nhà văn truyện ngắn Italo Calvino vào năm 1960, các nhà thơ Salvatore Quasimodo vào năm 1959 và Eugenio Montale vào năm 1975, Umberto Eco vào năm 1980, và tác giả trào phúng và sân khấu Dario Fo vào năm 1997.[260] Tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio năm 1883 của Carlo Collodi là tác phẩm cổ điển cho thiếu nhi nổi danh nhất của một tác giả Ý và là sách phi tôn giáo được dịch nhiều nhất trên thế giới.[255] Các triết gia Ý xuất sắc gồm có Cesare Beccaria, Giordano Bruno, Benedetto Croce, Marsilio FicinoGiambattista Vico.

Sân khấu Ý có nguồn gốc từ truyền thống La Mã và nó lại chịu ảnh hưởng mạnh từ người Hy Lạp; giống nhiều thể loại văn học khác, các nhà soạn kịch La Mã có xu hướng phỏng theo và dịch lại từ người Hy Lạp. Chẳng hạn, Phaedra của Seneca dựa trên tác phẩm của Euripides, và nhiều hài kịch của Plautus là bản dịch trực tiếp từ các tác phẩm của Menander. Trong thế kỷ XVI và vào đến thế kỷ XVIII, Commedia dell'arte là một thể loại sân khấu ứng tác, và vẫn được trình diễn cho đến nay. Các đoàn kịch rong sẽ dựng một sân khấu ngoài trời và tạo ra sự thích thú bằng các hình thức tung hứng, nhào lộn, và đặc trưng hơn là các vở kịch hài hước dựa trên trình diễn của một nhân vật, gọi là canovaccio.

Âm nhạc

[sửa | sửa mã nguồn]
Giacomo Puccini là một nhà soạn nhạc người Ý với các vở opera như La bohème, Tosca, Madama ButterflyTurandot nằm vào hàng được trình diễn thường xuyên nhất trên toàn cầu trong vốn tiết mục tiêu chuẩn[261][262]

Từ dân gian cho đến cổ điển, âm nhạc luôn giữ một vai trò quan trọng trong văn hoá Ý. Các nhạc cụ gắn với âm nhạc cổ điển như piano và violon được phát minh tại Ý, và nhiều thể loại âm nhạc cổ điển đang thịnh hành như giao hưởng, concerto và sonata có thể truy nguồn gốc đến các phát kiến của âm nhạc Ý thế kỷ XVI và XVII.

Các nhà soạn nhạc nổi tiếng của Ý gồm có các nhà soạn nhạc thời Phục hưng (thế kỷ XV–XVII) PalestrinaMonteverdi, các nhà soạn nhạc thời Baroque (1600–1760) Scarlatti, CorelliVivaldi, các nhà soạn nhạc thời cổ điển (1730–1820) PaganiniRossini, và các nhà soạn nhạc thời lãng mạn (1815–1910) VerdiPuccini. Các nhà soạn nhạc hiện đại của Ý như BerioNono đã chứng tỏ vị thế quan trọng trong phát triển âm nhạc thể nghiệmđiện tử. Truyền thống âm nhạc cổ điển vẫn có vị thế mạnh tại Ý, minh chứng là danh tiếng của vô số các nhà hát opera như La Scala tại Milano và San Carlo tại Napoli, và các nghệ sĩ trình diễn như nghệ sĩ piano Maurizio Pollini và sau này là giọng nam cao Luciano Pavarotti, song người Ý cũng được tán thưởng không kém về phát triển sân khấu âm nhạc đương đại.

Luciano Pavarotti là một trong các giọng nam cao có ảnh hưởng nhất mọi thời đại

Ý nổi tiếng trong vai trò là nơi khai sinh của opera.[263] Opera Ý được cho là hình thành vào đầu thế kỷ XVII, tại các thành phố như Mantova và Venezia.[263] Về sau, các tác phẩm và các vở opera được soạn ra bởi các nhà soạn nhạc người Ý bản địa trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, như Rossini, Bellini, Donizetti, VerdiPuccini, nằm vào hàng nổi tiếng nhất từng được viết và hiện nay chúng được trình diễn trong các nhà hát opera khắp thế giới. Nhà hát opera La Scala tại Milano nổi danh khi nằm vào hàng xuất sắc nhất thế giới. Các ca sĩ opera Ý nổi tiếng gồm có Enrico Caruso và Alessandro Bonci.

Jazz được truyền sang Ý vào đầu thập niên 1920, nó có được chỗ đứng rất mạnh mẽ tại Ý, và vẫn phổ biến bất chấp các chính sách bài ngoại của chế độ phát xít. Ngày nay, các trung tâm nổi tiếng nhất về nhạc jazz tại Ý là Milano, Roma và Sicilia. Sau đó, Ý đi tiên phong về phong trào progressive rock và pop vào thập niên 1970, có các ban nhạc như PFM, Banco del Mutuo Soccorso, Le Orme, Goblin và Pooh. Trong giai đoạn này cũng diễn ra đa dạng hoá điện ảnh Ý, và các phim của xưởng Cinecittà có các bản dàn bè phức hợp của các nhà soạn nhạc như Ennio Morricone. Sân khấu hip hop Ý bắt đầu vào đầu thập niên 1990 với bộ đôi Articolo 31, chủ yếu chịu ảnh hưởng của East Coast rap.

Ý cũng là một quốc gia quan trọng trong quá trình phát triển của disconhạc điện tử, disco Ý có đặc điểm là âm thanh vị lai và sử dụng thường xuyên synthesisertrống máy, là một trong các thể loại nhạc nhảy điện tử sớm nhất, cùng với các dạng châu Âu của disco ngoài Euro disco ra (về sau ảnh hưởng đến một số thể loại như EurodanceNu-disco). Các DJ và remixer nổi tiếng của Ý gồm Benny Benassi, Gigi D'Agostino, và Gabry Ponte, thành viên của nhóm Eiffel 65.

Các nhà sản xuất như Giorgio Moroder, người từng thắng ba giải Oscar, có ảnh hưởng lớn đến bước phát triển của nhạc dance điện tử. Ngày nay, nhạc pop Ý được biểu diễn thường niên trong Nhạc hội Sanremo, có vai trò là nguồn cảm hứng cho cuộc tranh tài ca hát Eurovision, và Lễ hội Hai thế giới tại Spoleto. Các ca sĩ như Mina, Andrea Bocelli, Laura Pausini, Eros RamazzottiTiziano Ferro được quốc tế tôn vinh.

Điện ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]
Liên hoan phim Venezia là liên hoan phim lâu năm nhất trên thế giới, và là một trong ba liên hoan phim lớn cùng với CannesBerlin[264][265]

Lịch sử điện ảnh Ý bắt đầu một vài tháng sau khi anh em nhà Lumière bắt đầu các cuộc triển lãm hình ảnh động. Bộ phim đầu tiên của Ý kéo dài trong vài giây, thể hiện Giáo hoàng Leo XIII ban phúc cho máy quay. Ngành điện ảnh Ý ra đời trong khoảng giữa năm 1903 và 1908 với ba công ty: Società Italiana Cines, Ambrosio Film và Itala Film. Các công ty khác nhanh chóng tiếp bước tại Milano và tại Napoli. Trong một thời gian ngắn, các công ty đầu tiên này đạt được chất lượng sản phẩm khá, và các bộ phim nhanh chóng được bán ra bên ngoài nước Ý. Điện ảnh sau đó được Benito Mussolini sử dụng, ông cho lập xưởng phim Cinecittà trứ danh tại Roma để sản xuất phim tuyên truyền phát xít cho đến Chiến tranh thế giới thứ hai.[266]

Sau chiến tranh, điện ảnh Ý được công nhận và được xuất khẩu rộng rãi cho đến khi xảy ra một cuộc suy thoái nghệ thuật khoảng thập niên 1980. Các đạo diễn phim Ý nổi tiếng trong giai đoạn này gồm có Vittorio De Sica, Federico Fellini, Sergio Leone, Pier Paolo Pasolini, Luchino Visconti, Michelangelo Antonioni, Ettore ScolaRoberto Rossellini; Fellini được công nhận là một trong các nhà làm phim vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại.[267][268] Các bộ phim quý báu phải kể đến như Ladri di biciclette (kẻ trộm xe đạp), La dolce vita (cuộc sống ngọt ngào), , Il buono, il brutto, il cattivo (Thiện, ác, tà) và C'era una volta il West (Thuở ấy ở miền Viễn Tây). Giữa thập niên 1940 đến đầu thập niên 1950 là thời cực thịnh của phim tân hiện thực, phản ánh điều kiện yếu kém của nước Ý thời hậu chiến.[269][270]

Lối vào xưởng phim Cinecittà tại Roma, là xưởng phim lớn nhất tại châu Âu

Do Ý phát triển thịnh vượng hơn vào thập niên 1950, một dạng tân hiện thực gọi là tân hiện thực màu hồng được tiếp bước, sau đó là các thể loại phim khác như "gươm và dép/peplum" với các phim cao bồi Ý, chúng phổ biến trong các thập niên 1960 và 1970. Các diễn viên như Sophia Loren, Giulietta MasinaGina Lollobrigida trở thành ngôi sao điện ảnh quốc tế trong giai đoạn này. Các câu chuyện tình ái giật gân kiểu Ý, còn gọi là giallo, được sản xuất bởi các đạo diễn như Mario BavaDario Argento trong thập niên 1970, chúng cũng ảnh hưởng đến thể loại kinh dị trên thế giới. Trong những năm gần đây, màn ảnh Ý chỉ thỉnh thoảng mới được quốc tế chú ý, với các bộ phim như La vita è bella (Cuộc sống tươi đẹp) của đạo diễn Roberto Benigni, Il Postino (người đưa thư) với Massimo Troisi, La grande bellezza (Đời sống thượng lưu) của đạo diễn Paolo SorrentinoCall Me by Your Name của Luca Guadagnino

Xưởng phim Cinecittà hiện là cơ sở sản xuất phim và truyền hình lớn nhất tại châu Âu lục địa và là trung tâm của điện ảnh Ý, là nơi sản xuất một lượng lớn phim bán vé chạy nhất tại Ý, và là một trong các cộng đồng sản xuất phim lớn nhất thế giới. Trong thập niên 1950, một số tác phẩm quốc tế được sản xuất tại xưởng phim này khiến cho Roma được mệnh danh là "Hollywood trên dòng Tevere". Xưởng tham gia sản xuất trên 3.000 tác phẩm, trong đó 90 phim được đề cử một giải Oscar và 47 phim đã chiến thắng, từ một số tác phẩm kinh điển điện ảnh đến các phim đoạt giải gần đây (như Ben-Hur, Cleopatra, Romeo và Juliet, The English Patient (Bệnh nhân người Anh), Gladiator (Võ sĩ giác đấu), The Passion of the Christ (Cuộc thương khó của Giêsu) và Gangs of New York) (Băng đảng New York).[271]

Ý là quốc gia nhận được nhiều giải nhất trong hạng mục phim ngoại ngữ hay nhất của giải Oscar, từng thắng 14 giải, 3 giải đặc biệt và 31 đề cử. Tính đến năm 2016, các phim Ý cũng từng giành được 12 giải Cành cọ vàng của Liên hoan phim Cannes (đứng thứ hai), 11 giải Sư tử vàng và 7 giải Gấu vàng.

Thể thao

[sửa | sửa mã nguồn]
Đội tuyển bóng đá quốc gia Ý có biệt danh là Azzurri, đội hình năm 2012.

Môn thể thao phổ biến vượt trội tại Ý là bóng đá.[272] Đội tuyển bóng đá quốc gia Ý (biệt danh Gli Azzurri – "Thiên thanh") nằm trong số các đội tuyển thành công nhất thế giới với bốn chức vô địch Giải vô địch bóng đá thế giới (1934, 1938, 19822006).[273] Các câu lạc bộ của Ý xếp thứ hai châu lục về số cúp châu Âu giành được. Giải bóng đá câu lạc bộ hạng cao nhất của Ý là Serie A, giải được xếp hạng tốt thứ tư tại châu Âu và có hàng triệu người hâm mộ khắp thế giới theo dõi.

Các môn thể thao đồng đội phổ biến khác tại Ý bao gồm bóng chuyền, bóng rổ và rugby. Các đội tuyển bóng chuyền quốc gia Ý của namnữ thường được đánh giá nằm vào hàng mạnh nhất thế giới. Thành tích tốt nhất của đội tuyển bóng rổ quốc gia Ý là huy chương vàng tại giải vô địch châu Âu năm 1983 và 1999, và huy chương đồng tại Thế vận hội năm 2004. Lega Basket Serie A được nhận định rộng rãi là một trong các giải đấu cạnh tranh nhất tại châu Âu. Rugby union có mức phổ biến cao, đặc biệt là tại miền bắc, đội tuyển quốc gia của Ý tranh tài tại giải vô địch Sáu nước, và thường xuyên thi đấu tại giải rugby thế giới. Đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia Ý từng giành được ba giải vô địch thế giới trong ba kỳ liên tiếp 1990, 1994 và 1998 và từng giành ba huy chương bạc tại Thế vận hội năm 1996, 2004, 2016.

Ý cũng có truyền thống lâu dài và thành công trong các môn thể thao cá nhân. Đua xe đạp là môn thể thao rất quen thuộc tại đây.[274] Ý là nước giành chiến thắng nhiều thứ hai sau Bỉ trong giải vô địch thế giới UCI. Giro d'Italia là một giải đua xe đạp được tổ chức vào tháng 5 hàng năm, đây là một trong ba giải lớn cùng với Tour de FranceVuelta a España, mỗi giải kéo dài khoảng ba tuần. Trượt tuyết đổ dốc cũng rất phổ biến tại Ý, và quốc gia Nam Âu này là một điểm trượt tuyết phổ biến quốc tế, với các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết.[275] Các vận động viên trượt tuyết của Ý đạt được thành tích tốt tại Thế vận hội Mùa đông, Giải vô địch trượt tuyết đổ đèo thế giới, và Giải vô địch thế giới. Có nhiều người Ý đi theo môn quần vợt, đây là môn thể thao được chơi nhiều thứ tư trong nước.[276] Ý Mở rộng hình thành vào năm 1930 và là một trong các giải đấu quần vợt danh giá nhất thế giới. Các vận động viên quần vợt chuyên nghiệp của Ý từng vô địch Davis Cup vào năm 1976 và Fed Cup vào năm 2006, 2009, 2010 và 2013. Đua xe cũng là môn thể rất phổ biến tại Ý, các tay đua moto của quốc gia này vượt trội về số lần vô địch MotoGP. Scuderia Ferrari của Ý là đội đua lâu năm nhất, cũng là đội đua có số lần vô địch giải Công thức 1 nhiều nhất.

Ý có lịch sử thành công tại Thế vận hội, tham gia đại hội từ kỳ đầu tiên và góp mặt trong 47/48 lần tổ chức. Tính đến năm 2016, Các vận động viên Ý giành được 577 huy chương tại các kỳ thế vận hội mùa hè, và 114 huy chương tại các kỳ thế vận hội mùa đông, tổng cộng đạt 691 huy chương với 243 huy chương vàng, xếp thứ 6 về tổng số huy chương. Ý từng đăng cai Thế vận hội Mùa hè 1960 tại Roma, Thế vận hội Mùa đông 1956 tại Cortina d'Ampezzo, Thế vận hội Mùa đông 2006 tại Torino và sắp tới sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2026 tại Milano và Cortina d'Ampezzo.

Thời trang

[sửa | sửa mã nguồn]
Cửa hàng Prada tại Milano

Thời trang Ý có truyền thống lâu dài, và được nhìn nhận thuộc vào hàng quan trọng và nổi tiếng nhất thế giới. Milano, Firenze và Roma là các thủ phủ thời trang lớn của Ý. Theo xếp hạng năm 2013 của Global Language Monitor, Roma xếp thứ sáu toàn cầu còn Milano xếp thứ 12.[277] Một số nhãn hiệu thời trang lớn của Ý là Gucci, Armani, Prada, Versace, Dolce & Gabbana, cùng các nhãn hiệu khác chúng được đánh giá là nằm trong số các hãng thời trang tinh tế nhất trên thế giới. Tạp chí thời trang Vogue Italia được cho là một trong các tạp chí thời trang có danh tiếng nhất trên thế giới.[278]

Ý cũng xuất sắc trong lĩnh vực thiết kế, đáng chú ý là thiết kế nội thất, thiết kế kiến trúc, thiết kế công nghiệp và thiết kế đô thị. Quốc gia này sản sinh một số nhà thiết kế nội thất nổi tiếng như Gio PontiEttore Sottsass, và các cụm từ tiếng Ý như "Bel Disegno""Linea Italiana" đã gia nhập từ vựng của ngành thiết kế nội thất.[279] Máy giặt và tủ lạnh của Zanussi là các ví dụ về hàng hoá trắng và nội thất cổ điển của Ý,[280] hay là sofa "New Tone" của Atrium,[280] và tủ sách kiểu hậu hiện đại của Ettore Sottsass, lấy cảm hứng từ bài hát "Stuck Inside of Mobile with the Memphis Blues Again" của Bob Dylan.[280] Ngày nay, Milano và Torino là các thành phố đứng đầu toàn quốc về thiết kế kiến trúc và thiết kế công nghiệp. Milano có hội chợ thiết kế lớn nhất châu Âu mang tên là Fiera Milano.[281] Milano cũng có các sự kiện và địa điểm thiết kế và liên quan đến kiến trúc với quy mô lớn, như "Fuori Salone" và Salone del Mobile, và là nơi sinh sống của các nhà thiết kế như Bruno Munari, Lucio Fontana, Enrico Castellani và Piero Manzoni.[282]

Ẩm thực

[sửa | sửa mã nguồn]
Một số loại đồ ăn của Ý: pizza (Margherita), pasta (Carbonara), espressogelato

Ẩm thực Ý phát triển qua nhiều thế kỷ biến động về xã hội và chính trị, có nguồn gốc từ thế kỷ IV TCN. Bản thân ẩm thực Ý chịu ảnh hưởng mạnh từ ẩm thực Etrusca, Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại, Byzantine và Do Thái.[283] Các biến đổi đáng kể diễn ra cùng với sự kiện khám phá Tân thế giới, khi có nhiều mặt hàng được truyền đến Ý như khoai tây, cà chua, ớt chuông và ngô, ngày nay chúng là trung tâm của ẩm thực Ý song từ thế kỷ XVIII về trước vẫn chưa đủ số lượng.[284][285] Ẩm thực Ý được chú ý do có tính đa dạng vùng miền,[286][287][288] nhiều khác biệt về vị, và được cho là một trong các nền ẩm thực phổ biến nhất thế giới,[289] có ảnh hưởng mạnh ở nước ngoài.[290]

Các dạng đồ ăn Địa Trung Hải là cơ sở của ẩm thực Ý, phong phú về mì ống, cá, rau quả và có đặc trưng là cực kỳ đơn giản và đa dạng, nhiều món ăn chỉ có bốn đến tám nguyên liệu.[291] Quá trình nấu nướng của người Ý dựa chủ yếu vào chất lượng của nguyên liệu thay vì chuẩn bị công phu.[292] Các món ăn và công thức chế biến thường bắt nguồn từ truyền thống địa phương và gia đình thay vì được các đầu bếp tạo ra, do đó nhiều phương pháp thích hợp cho nấu nướng tại nhà, đây là một trong các lý do chính đằng sau việc ẩm thực Ý ngày càng phổ biến trên toàn cầu, từ châu Mỹ[293] đến châu Á.[294] Các nguyên liệu và món ăn biến đổi nhiều theo khu vực.

Một yếu tố chủ chốt cho thành công của ẩm thực Ý là nó phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm truyền thống; Ý có nhiều đặc sản truyền thống nhất được bảo hộ theo pháp luật Liên minh châu Âu.[295] Pho mát, salumirượu vang là các bộ phận chính của ẩm thực Ý, với nhiều biến hoá theo khu vực và chỉ dẫn bảo hộ địa lý, và cùng với cà phê (đặc biệt là espresso) tạo thành một phần rất quan trọng của văn hoá sành ăn Ý.[296] Các món tráng miệng có truyền thống lâu dài trong việc kết hợp các hương vị địa phương như cam chanh, hồ trănhạnh đào với các loại pho mát ngọt như mascarponericotta hoặc các vị ngoại lai như cacao, vani, quế. Gelato,[297] tiramisu[298]cassata nằm trong số các món tráng miệng và bánh ngọt nổi tiếng nhất của Ý.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Foreign citizens 2017”. ISTAT. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2018.
  2. ^ “Italy”. Global Religious Futures. Pew Research Center. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2021.
  3. ^ “Indicatori demografici”. www.istat.it (bằng tiếng Ý). ngày 20 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2020.
  4. ^ “La popolazione legale del 15° Censimento della popolazione”. www.istat.it (bằng tiếng Ý). ngày 19 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2019.
  5. ^ “Surface water and surface water change”. Organisation for Economic Co-operation and Development (OECD). Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2020.
  6. ^ a b c d “World Economic Outlook Database, October 2021”. IMF.org. International Monetary Fund. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021.
  7. ^ Year-month-day also sometimes used, though rarely, mainly used for computing contexts. See Date and time notation in Italy.
  8. ^ “Gini coefficient of equivalised disposable income – EU-SILC survey”. ec.europa.eu. Eurostat. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2021.
  9. ^ “Human Development Report 2020” (PDF) (bằng tiếng Anh). United Nations Development Programme. ngày 15 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2020.
  10. ^ “Legge Regionale 15 ottobre 1997, n. 26”. Regione autonoma della Sardegna – Regione Autònoma de Sardigna. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2022.
  11. ^ “Regione Autonoma Friuli Venezia Giulia - Comunità linguistiche regionali”. www.regione.fvg.it.
  12. ^ “Comune di Campione d'Italia”. Comune.campione-d-italia.co.it. ngày 14 tháng 7 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2010.
  13. ^ “Maltempo, è emergenza su tutto lo Stivale. Si cercano due dispersi”. RomagnaOggi. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2017.
  14. ^ “L'Italia vista dallo spazio: lo stivale illuminato di notte è uno spettacolo”. Tgcom24. ngày 4 tháng 8 năm 2014.
  15. ^ Sée, Henri. “Modern Capitalism Its Origin and Evolution” (PDF). University of Rennes. Batoche Books. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 7 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2013.
  16. ^ Jepson, Tim (2012). National Geographic Traveler: Italy. National Geographic Books.
  17. ^ Jepson, Tim (2012). National Geographic Traveler: Italy. National Geographic Books. ISBN 9781426208614.
  18. ^ Bonetto, Cristian (2010). Discover Italy. Lonely Planet.
  19. ^ Bouchard, Norma; Ferme, Valerio (2013). Italy and the Mediterranean: Words, Sounds, and Images of the Post-Cold War Era. Palgrave Macmillan. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2015.
  20. ^ “Unification of Italy”. Library.thinkquest.org. ngày 4 tháng 4 năm 2003. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2009.
  21. ^ “The Italian Colonial Empire”. All Empires. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2012. At its peak, just before WWII, the Italian Empire comprehended the territories of present time Italy, Albania, Rhodes, Dodecaneses, Libya, Ethiopia, Eritrea, the majority of Somalia and the little concession of Tientsin in China
  22. ^ “Microsoft Word - 447F3DE3-55E9-08D35E.doc” (PDF). Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2017.
  23. ^ IMF Advanced Economies List. World Economic Outlook, April 2016, p. 148
  24. ^ CIA (2008). “Appendix B. International Organizations and Groups”. World Factbook. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2008.
  25. ^ Country and Lending Groups. World Bank. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2016.
  26. ^ Gabriele Abbondanza, Italy as a Regional Power: the African Context from National Unification to the Present Day (Rome: Aracne, 2016)
  27. ^ "Operation Alba may be considered one of the most important instances in which Italy has acted as a regional power, taking the lead in executing a technically and politically coherent and determined strategy." See Federiga Bindi, Italy and the European Union (Washington, D.C.: Brookings Institution Press, 2011), p. 171.
  28. ^ Canada Among Nations, 2004: Setting Priorities Straight. McGill-Queen's Press – MQUP. ngày 17 tháng 1 năm 2005. tr. 85. ISBN 0773528369. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2016. ("The United States is the sole world's superpower. France, Italy, Germany and the United Kingdom are great powers")
  29. ^ Sterio, Milena (2013). The right to self-determination under international law: "selfistans", secession and the rule of the great powers. Milton Park, Abingdon, Oxon: Routledge. tr. xii (preface). ISBN 0415668182. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2016. ("The great powers are super-sovereign states: an exclusive club of the most powerful states economically, militarily, politically and strategically. These states include veto-wielding members of the United Nations Security Council (United States, United Kingdom, France, China, and Russia), as well as economic powerhouses such as Germany, Italy and Japan.")
  30. ^ Alberto Manco, Italia. Disegno storico-linguistico, 2009, Napoli, L'Orientale, ISBN 978-88-95044-62-0
  31. ^ OLD, p. 974: "first syll. naturally short (cf. Quint.Inst.1.5.18), and so scanned in Lucil.825, but in dactylic verse lengthened metri gratia."
  32. ^ J.P. Mallory and D.Q. Adams, Encyclopedia of Indo-European Culture (London: Fitzroy and Dearborn, 1997), 24.
  33. ^ Dionysius of Halicarnassus, Roman Antiquities, 1.35, on LacusCurtius
  34. ^ Aristotle, Politics, 7.1329b, and Perseus
  35. ^ Thucydides, The Peloponnesian War, 6.2.4, on Perseus
  36. ^ Pallottino, M., History of Earliest Italy, trans. Ryle, M & Soper, K. in Jerome Lectures, Seventeenth Series, p. 50
  37. ^ Đào Duy Anh. Hán-Việt từ-điển giản-yếu. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, năm 2005, trang 333.
  38. ^ 张慧德. 《意大利的名称及其他》. 《世界知识》, 18期, năm 1980, trang 25.
  39. ^ Kluwer Academic/Plenum Publishers 2001, ch. 2. ISBN 0-306-46463-2.
  40. ^ “Istituto Italiano di Preistoria e Protostoria”. IIPP. ngày 29 tháng 1 năm 2010.
  41. ^ The Mycenaeans Lưu trữ 2013-09-27 tại Wayback Machine and Italy: the archaeological and archaeometric ceramic evidence, University of Glasgow, Department of Archaeology
  42. ^ Emilio Peruzzi, Mycenaeans in early Latium, (Incunabula Graeca 75), Edizioni dell'Ateneo & Bizzarri, Roma, 1980
  43. ^ Gert Jan van Wijngaarden, Use and Appreciation of Mycenaean Pottery in the Levant, Cyprus and Italy (1600–1200 B.C.): The Significance of Context, Amsterdam Archaeological Studies, Amsterdam University Press, 2001
  44. ^ Bryan Feuer, Mycenaean civilization: an annotated bibliography through 2002, McFarland & Company; Rev Sub edition (ngày 2 tháng 3 năm 2004)
  45. ^ Taagepera, Rein (1979). “Size and Duration of Empires: Growth-Decline Curves, 600 B.C. to 600 A.D”. Social Science History. Duke University Press. 3 (3/4): 125. doi:10.2307/1170959. JSTOR 1170959.
  46. ^ Turchin, Peter; Adams, Jonathan M.; Hall, Thomas D (2006). “East-West Orientation of Historical Empires” (PDF). Journal of world-systems research. 12 (2): 222. ISSN 1076-156X. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 17 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2016.
  47. ^ Richard, Carl J. (2010). Why we're all Romans: the Roman contribution to the western world (ấn bản thứ 1). Lanham, Md.: Rowman & Littlefield. tr. xi–xv. ISBN 0-7425-6779-6.
  48. ^ Sarris, Peter (2011). Empires of faith: the fall of Rome to the rise of Islam, 500 – 700 (ấn bản thứ 1). Oxford: Oxford UP. tr. 118. ISBN 0-19-926126-1.
  49. ^ Nolan, Cathal J. (2006). The age of wars of religion, 1000–1650: an encyclopedia of global warfare and civilization . Westport (Connecticut): Greenwood Press. tr. 360. ISBN 0-313-33045-X.
  50. ^ Jones, Philip (1997). The Italian city-state: from Commune to Signoria. Oxford: Clarendon Press. tr. 55–77. ISBN 978-0-19-822585-0.
  51. ^ Lane, Frederic C. (1991). Venice, a maritime republic . Baltimore: Johns Hopkins University Press. tr. 73. ISBN 0-8018-1460-X.
  52. ^ Ali, Ahmed Essa with Othman (2010). Studies in Islamic civilization: the Muslim contribution to the Renaissance. Herndon, VA: International Institute of Islamic Thought. tr. 38–40. ISBN 1-56564-350-X.
  53. ^ Stéphane Barry and Norbert Gualde, "The Biggest Epidemics of History" (La plus grande épidémie de l'histoire), in L'Histoire n° 310, June 2006, pp. 45–46
  54. ^ "Plague". Brown University. Lưu trữ 2009-08-31 tại Wayback Machine
  55. ^ Jensen 1992, p. 64.
  56. ^ a b Strathern, Paul The Medici: Godfathers of the Renaissance (2003)
  57. ^ Encyclopædia Britannica, Renaissance, 2008, O.Ed.
  58. ^ Har, Michael H. History of Libraries in the Western World, Scarecrow Press Incorporate, 1999, ISBN 0-8108-3724-2
  59. ^ Norwich, John Julius, A Short History of Byzantium, 1997, Knopf, ISBN 0-679-45088-2
  60. ^ Peter Barenboim, Sergey Shiyan, Michelangelo: Mysteries of Medici Chapel, SLOVO, Moscow, 2006. ISBN 5-85050-825-2
  61. ^ Leonardo Bruni; James Hankins (ngày 9 tháng 10 năm 2010). History of the Florentine People. 1. Boston: Harvard University Press.
  62. ^ Karl Julius Beloch, Bevölkerungsgeschichte Italiens, volume 3, pp. 359–360.
  63. ^ Thomas James Dandelet, John A. Marino (2007). Spain in Italy: Politics, Society, and Religion 1500–1700. Leiden: Koninklijke Brill. ISBN 978-90-04-15429-2.
  64. ^ Galasso, Giuseppe (1972). Storia d'Italia 1: I caratteri originali. Turin: Einaudi. tr. 509–10.
  65. ^ Napoleon Bonaparte, "The Economy of the Empire in Italy: Instructions from Napoleon to Eugène, Viceroy of Italy," Exploring the European Past: Texts & Images, Second Edition, ed. Timothy E. Gregory (Mason: Thomson, 2007), 65–66.
  66. ^ Scholar and Patriot - Google Libri
  67. ^ “Giuseppe Garibaldi (Italian revolutionary)”. Truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2014.
  68. ^ Mack Smith, Denis (1997). Modern Italy; A Political History. Ann Arbor: The University of Michigan Press. ISBN 0-472-10895-6
  69. ^ (Bosworth (2005), pp. 49.)
  70. ^ Burgwyn, H. James: Italian foreign policy in the interwar period, 1918–1940. Greenwood Publishing Group, 1997. Page 4. ISBN 0-275-94877-3
  71. ^ Schindler, John R.: Isonzo: The Forgotten Sacrifice of the Great War. Greenwood Publishing Group, 2001. Page 303. ISBN 0-275-97204-6
  72. ^ Mack Smith, Denis: Mussolini. Knopf, 1982. Page 31. ISBN 0-394-50694-4
  73. ^ Mortara, G (1925). La Salute pubblica in Italia durante e dopo la Guerra. New Haven: Yale University Press.
  74. ^ James H. Burgwyn (2004). General Roatta's war against the partisans in Yugoslavia: 1942, Journal of Modern Italian Studies, Volume 9, Number 3, pp. 314–329(16)
  75. ^ Viganò, Marino (2001), “Un'analisi accurata della presunta fuga in Svizzera”, Nuova Storia Contemporanea (bằng tiếng Ý), 3
  76. ^ “1945: Italian partisans kill Mussolini”. BBC News. ngày 28 tháng 4 năm 1945. Truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2011.
  77. ^ Italy tại Encyclopædia Britannica (tiếng Anh)
  78. ^ Adrian Lyttelton (editor), "Liberal and fascist Italy, 1900–1945", Oxford University Press, 2002. pp. 13
  79. ^ Damage Foreshadows A-Bomb Test, 1946/06/06 (1946). Universal Newsreel. 1946. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2012.
  80. ^ “Italia 1946: le donne al voto, dossier a cura di Mariachiara Fugazza e Silvia Cassamagnaghi” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 20 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2011.
  81. ^ “Commissione parlamentare d'inchiesta sul terrorismo in Italia e sulle cause della mancata individuazione dei responsabili delle stragi (Parliamentary investigative commission on terrorism in Italy and the failure to identify the perpetrators)” (PDF) (bằng tiếng Ý). 1995. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 19 tháng 8 năm 2006. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2006.
  82. ^ (tiếng Anh) / (tiếng Ý) / (tiếng Pháp) /(tiếng Đức) “Secret Warfare: Operation Gladio and NATO's Stay-Behind Armies”. Swiss Federal Institute of Technology / International Relation and Security Network. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 4 năm 2006. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2006.
  83. ^ “Clarion: Philip Willan, Guardian, ngày 24 tháng 6 năm 2000, page 19”. Cambridgeclarion.org. ngày 24 tháng 6 năm 2000. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2010.
  84. ^ The so-called Second Republic was born by forceps: not with a revolt of Algiers, but formally under the same Constitution, with the mere replacement of one ruling class to another: Buonomo, Giampiero (2015). “Tovaglie pulite”. Mondoperaio edizione online. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2017. – via Questia (cần đăng ký mua)
  85. ^ “Morphometric and hydrological characteristics of some important Italian lakes”. Largo Tonolli 50, 28922 Verbania Pallanza: Istituto per lo Studio degli Ecosistemi. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2010.Quản lý CS1: địa điểm (liên kết)
  86. ^ “Italy – Environment”. Dev.prenhall.com. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 7 năm 2009. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2010.
  87. ^ “National Parks in Italy”. Parks.it. 1995–2010. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2010.
  88. ^ REN21 (ngày 15 tháng 7 năm 2010). “Renewables 2010 Global Status Report” (PDF). REN21. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2010.
  89. ^ “Photovoltaic energy barometer 2010 – EurObserv'ER”. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2010.
  90. ^ “World Wind Energy Report 2010” (PDF). Report. World Wind Energy Association. tháng 2 năm 2011. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2011.
  91. ^ “Italy – Environment”. Encyclopedia of the Nations. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2010.
  92. ^ [1] Lưu trữ 2010-03-03 tại Wayback Machine
  93. ^ Duncan Kennedy (ngày 14 tháng 6 năm 2011). “Italy nuclear: Berlusconi accepts referendum blow”. Bbc.co.uk. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2013.
  94. ^ Nick Squires (ngày 2 tháng 10 năm 2009). “Sicily mudslide leaves scores dead”. The Daily Telegraph. London. Truy cập ngày 2 tháng 10 năm 2009.
  95. ^ “ITALY'S FIFTH NATIONAL REPORT TO THE CONVENTION ON BIOLOGICAL DIVERSITY” (PDF). Italian Ministry for the Environment, Land and Sea. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 18 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2015.
  96. ^ Pignatti, S.,1982 Flora d'Italia. Edagricole, Bologna, vol. 1–3, 1982
  97. ^ Riccardo Guarino, Sabina Addamiano, Marco La Rosa, Sandro Pignatti Flora Italiana Digitale:an interactive identification tool for the Flora of Italy
  98. ^ Adriana Rigutti, Meteorologia, Giunti, p. 95, 2009.
  99. ^ Thomas A. Blair, Climatology: General and Regional, Prentice Hall pages 131–132
  100. ^ “Climate Atlas of Italy”. Network of the Air Force Meteorological Service. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2012.
  101. ^ Smyth, Howard McGaw Italy: From Fascism to the Republic (1943–1946) The Western Political Quarterly vol. 1 no. 3 (pp. 205–222), September 1948.JSTOR 442274
  102. ^ “About us - Sistema di informazione per la sicurezza della Repubblica”. www.sicurezzanazionale.gov.it.
  103. ^ “Elezioni politiche 2013, Riepilogo Nazionale”. Il Sole 24 Ore. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2014.
  104. ^ Claudio Tucci (ngày 11 tháng 11 năm 2008). “Confesercenti, la crisi economica rende ancor più pericolosa la mafia”. Confesercenti (bằng tiếng Ý). Ilsole24ore.com. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2011.
  105. ^ Nick Squires (ngày 9 tháng 1 năm 2010). “Italy claims finally defeating the mafia”. The Daily Telegraph. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2011.
  106. ^ Kiefer, Peter (ngày 22 tháng 10 năm 2007). “Mafia crime is 7% of GDP in Italy, group reports”. The New York Times. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2011.
  107. ^ Maria Loi (ngày 1 tháng 10 năm 2009). “Rapporto Censis: 13 milioni di italiani convivono con la mafia”. Censis (bằng tiếng Ý). Antimafia Duemila. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2011.
  108. ^ Kington, Tom (ngày 1 tháng 10 năm 2009). “Mafia's influence hovers over 13 m Italians, says report”. The Guardian. London. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2010.
  109. ^ ANSA (ngày 14 tháng 3 năm 2011). “Italy: Anti-mafia police arrest 35 suspects in northern Lombardy region”. adnkronos.com. Mafia Today. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2011.
  110. ^ “Crime Statistics > Murders (per capita) (most recent) by country”. NationMaster.com. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2010.
  111. ^ “MISSIONI/ATTIVITA' INTERNAZIONALI DAL ngày 1 tháng 10 năm 2013 AL ngày 31 tháng 12 năm 2013 – SITUAZIONE AL 11.12.2013” (PDF). Italian Ministry of Defence. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2014.
  112. ^ "Italian soldiers leave for Lebanon Corriere della Sera, ngày 30 tháng 8 năm 2006
  113. ^ “Italy donates 60 million euros to PA”. Ma'an News Agency. ngày 4 tháng 9 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2014.
  114. ^ “Law n°226 of ngày 23 tháng 8 năm 2004”. Camera.it. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2012.
  115. ^ "The Military Balance 2010", pp. 141–145. International Institute for Strategic Studies, ngày 3 tháng 2 năm 2010.
  116. ^ Italian Ministry of Defence. “Nota aggiuntiva allo stato di previsione per la Difesa per l'anno 2009” (PDF) (bằng tiếng Ý). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2014.
  117. ^ “Trends in World Military Expenditure, 2016” (PDF). Stockholm International Peace Research Institute. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2017.
  118. ^ “Data for all countries from 1988–2016 in constant (2015) USD (pdf)” (PDF). SIPRI. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2017.
  119. ^ Hans M. Kristensen / Natural Resources Defense Council (2005). “NRDC: U.S. Nuclear Weapons in Europe – part 1” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 1 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2011.
  120. ^ “Marina Militare (Italian military navy website)” (bằng tiếng Ý). Marina.difesa.it. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2011.
  121. ^ “The Carabinieri Force is linked to the Ministry of Defence”. Carabinieri. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2010.
  122. ^ “Codici comuni, province e regioni”. www.istat.it (bằng tiếng Ý). Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2015.
  123. ^ a b “Speciale Referendum 2006”. la Repubblica. ngày 26 tháng 6 năm 2006. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2011.
  124. ^ “Gross domestic product (2015)” (PDF). The World Bank: World Development Indicators database. World Bank. ngày 28 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2017.
  125. ^ Sensenbrenner, Frank; Arcelli, Angelo Federico. “Italy's Economy Is Much Stronger Than It Seems”. The Huffington Post. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2014.
  126. ^ Dadush, Uri. “Is the Italian Economy on the Mend?”. Carnegie Europe. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2014.
  127. ^ “Doing Business in Italy: 2014 Country Commercial Guide for U.S. Companies” (PDF). United States Commercial Service. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2014.
  128. ^ The Economist Intelligence Unit’s quality-of-life index, Economist, 2005
  129. ^ “Human Development Report 2016 – "Human Development for Everyone" (PDF). HDRO (Human Development Report Office) United Nations Development Programme. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2017.
  130. ^ “The Global Creativity Index 2011” (PDF). Martin Prosperity Institute. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 30 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2014.
  131. ^ Aksoy, M. Ataman; Ng, Francis. “The Evolution of Agricultural Trade Flows” (PDF). The World Bank. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2014.
  132. ^ Pisa, Nick (ngày 12 tháng 6 năm 2011). “Italy overtakes France to become world's largest wine producer”. The Telegraph. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2011.
  133. ^ “Automotive Market Sector Profile – Italy” (PDF). The Canadian Trade Commissioner Service. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2014.
  134. ^ “Data & Trends of the European Food and Drink Industry 2013–2014” (PDF). FoodDrinkEurope. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 6 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2014.
  135. ^ “Italy fashion industry back to growth in 2014”. Reuters. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2014.
  136. ^ Leblanc, John (ngày 25 tháng 4 năm 2014). “The top 10 largest automakers in the world”. Driving. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2017.
  137. ^ “Trade in goodsExports, Million US dollars, 2016”. OECD. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2017.
  138. ^ "Manufacturing, value added (current US$)". accessed on ngày 17 tháng 5 năm 2017.
  139. ^ “Knowledge Economy Forum 2008: Innovative Small And Medium Enterprises Are Key To Europe & Central Asian Growth”. The World Bank. ngày 19 tháng 5 năm 2005. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2008.
  140. ^ “CIA – The World Factbook”. CIA. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2011.
  141. ^ Andrews, Edmund L. (ngày 1 tháng 1 năm 2002). “Germans Say Goodbye to the Mark, a Symbol of Strength and Unity”. The New York Times. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2011.
  142. ^ Taylor Martin, Susan (ngày 28 tháng 12 năm 1998). “On Jan. 1, out of many arises one Euro”. St. Petersburg Times. tr. National, 1.A.
  143. ^ Orsi, Roberto. “The Quiet Collapse of the Italian Economy”. The London School of Economics. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2014.
  144. ^ Nicholas Crafts, Gianni Toniolo (1996). Economic growth in Europe since 1945. Cambridge University Press. tr. 428. ISBN 0-521-49627-6.
  145. ^ Balcerowicz, Leszek. “Economic Growth in the European Union” (PDF). The Lisbon Council. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2014.
  146. ^ "Secular stagnation" in graphics”. The Economist. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2014.
  147. ^ “Government debt increased to 93.9% of GDP in euro area and to 88.0% in EU28” (PDF). Eurostat. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2014.
  148. ^ “Could Italy Be Better Off than its Peers?”. CNBC. ngày 18 tháng 5 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2011.
  149. ^ “Household debt and the OECD's surveillance of member states” (PDF). OECD Economics Department. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2014.
  150. ^ “Oh for a new risorgimento”. The Economist. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2014.
  151. ^ “Comune per Comune, ecco la mappa navigabile dei redditi dichiarati in Italia”. www.lastampa.it. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2017.
  152. ^ “Comuni-Italiani.it”. Comuni-Italiani.it.
  153. ^ “Euro area unemployment rate at 11%” (PDF). Eurostat. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2015.
  154. ^ Istat. “Employment and unemployment: second quarter 2015” (PDF). Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2015.
  155. ^ a b c “Censimento Agricoltura 2010”. ISTAT. ngày 24 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2015.
  156. ^ “OIV report on the State of the vitiviniculture world market”. news.reseau-concept.net. Réseau-CONCEPT. 2010. Bản gốc (PowerPoint presentation) lưu trữ ngày 28 tháng 7 năm 2011.
  157. ^ a b European Commission. “Panorama of Transport” (PDF). Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2009.
  158. ^ “Frecciarossa 1000 in Figures”. Ferrovie dello Stato Italiane. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2014.
  159. ^ “La rete oggi”. RFI Rete Ferroviaria Italiana. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2011.
  160. ^ “The age of the train” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2017.
  161. ^ “Italy”. The World Factbook. CIA. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2012.
  162. ^ “Energy imports, net (% of energy use)”. World Bank. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2014.
  163. ^ Eurostat. “Energy, transport and environment indicators” (PDF). Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2009.
  164. ^ Eurostat. “Panorama of energy” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 3 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2009.
  165. ^ BP data [2]
  166. ^ a b c “TERNA statistics data”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2017.
  167. ^ L. Anwandter and P. Rubino (2006). “Risks, uncertainties and conflicts of Interest in the Italian water sector: A review and proposals for reform”. Materiali UVAL (Public Investment Evaluation Unit of the Department for Development and Cohesion Policies (DPS) in the Ministry for Economic Development), According to ISTAT figures analysed by the Water Resources Surveillance Committee (CoViRi). tr. 9. |url= trống hay bị thiếu (trợ giúp)
  168. ^ Bardelli, Lorenzo. “Pro aqua Italian policy to get prices and governance right”. Utilitatis, 29th International Congress of CIRIEC, Wien, ngày 14 tháng 9 năm 2012. tr. 16. |url= trống hay bị thiếu (trợ giúp)
  169. ^ Albasser, Francesco (tháng 5 năm 2012). “The Italian Water industry – Beyond the Public/Private debate & back to basics, Presentation at the Conference Water Loss Europe”. in3act Energy. tr. 12. |url= trống hay bị thiếu (trợ giúp)
  170. ^ Giuliano Pancaldi, "Volta: Science and culture in the age of enlightenment", Princeton University Press, 2003.
  171. ^ Weidhorn, Manfred (2005). The Person of the Millennium: The Unique Impact of Galileo on World History. iUniverse. tr. 155. ISBN 0-595-36877-8.
  172. ^ Bondyopadhyay, Prebir K. (1995). “Guglielmo Marconi – The father of long distance radio communication – An engineer's tribute”. 25th European Microwave Conference, 1995. tr. 879. doi:10.1109/EUMA.1995.337090.
  173. ^ “Enrico Fermi, architect of the nuclear age, dies”. Autumn 1954.
  174. ^ Lucia Orlando, "Physics in the 1930s: Jewish Physicists' Contribution to the Realization of the" New Tasks" of Physics in Italy." Historical studies in the physical and biological sciences (1998): 141–181. JSTOR 27757806
  175. ^ "Foreign tourist numbers in Italy head towards new record", Retrieved ngày 21 tháng 5 năm 2017.
  176. ^ “2016 Tourism Highlights”. World Tourism Organization. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2016.
  177. ^ “Travel & Tourism Economic Impact 2015 Italy” (PDF). World Travel and Tourism Council. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2017.
  178. ^ “The World Heritage Convention”. UNESCO. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2010.
  179. ^ “Global Destination Cities Index by Mastercard, 2016 edition” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 24 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2017.
  180. ^ “2013 Survey on Museums, Monuments and Archeological sites” (PDF). Italian Ministry of Heritage and Cultural Activities. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2017.
  181. ^ “National demographic balance, 2013” (PDF). Istat. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2014.
  182. ^ EUROSTAT. “Ageing characterises the demographic perspectives of the European societies – Issue number 72/2008” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2009.
  183. ^ ISTAT. “Crude birth rates, mortality rates and marriage rates 2005–2008” (PDF) (bằng tiếng Ý). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2009.
  184. ^ ISTAT. “Average number of children born per woman 2005–2008” (PDF) (bằng tiếng Ý). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2009.
  185. ^ “Previsioni della popolazione, 2011–2065, dati al 1° gennaio”. Demo.istat.it. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2013.
  186. ^ “Causes of the Italian mass emigration”. ThinkQuest Library. ngày 15 tháng 8 năm 1999. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 7 năm 2009. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
  187. ^ Favero, Luigi e Tassello, Graziano. Cent'anni di emigrazione italiana (1861–1961) Introduction
  188. ^ “Statistiche del Ministero dell'Interno”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2017.
  189. ^ Consulta Nazionale Emigrazione. Progetto ITENETs – "Gli italiani in Brasile"; pp. 11, 19 Lưu trữ 2012-02-12 tại Wayback Machine. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2008.
  190. ^ Lee, Adam (ngày 3 tháng 4 năm 2006). “Unos 20 millones de personas que viven en la Argentina tienen algún grado de descendencia italiana” (bằng tiếng Tây Ban Nha). Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2008.
  191. ^ American FactFinder, United States Census Bureau. “U.S Census Bureau – Selected Population Profile in the United States”. American FactFinder, United States Census Bureau. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2011.
  192. ^ Roberto, Vincenzo Patruno, Marina Venturi, Silvestro. “Demo-Geodemo. - Mappe, Popolazione, Statistiche Demografiche dell'ISTAT”. demo.istat.it.
  193. ^ http://appsso.eurostat.ec.europa.eu/nui/show.do?dataset=urb_lpop1&lang=en
  194. ^ “Resident Foreigners on 31st December 2016”. Istat. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2017.
  195. ^ “Immigrants.Stat”. Istat. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2017.
  196. ^ “National demographic balance 2016”. Istat. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2017.
  197. ^ “National demographic balance 2014”. Istat. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2017.
  198. ^ Elisabeth Rosenthal, "Italy cracks down on illegal immigration". The Boston Globe. ngày 16 tháng 5 năm 2008.
  199. ^ Allen, Beverly (1997). Revisioning Italy national identity and global culture. Minneapolis: University of Minnesota Press. tr. 169. ISBN 978-0-8166-2727-1.
  200. ^ "Milan police in Chinatown clash". BBC News. ngày 13 tháng 4 năm 2007.
  201. ^ "EUROPE: Home to Roma, And No Place for Them". IPS ipsnews.net. Lưu trữ 2012-03-05 tại Wayback Machine
  202. ^ “Balkan Investigative Reporting Network”. Birn.eu.com. ngày 8 tháng 11 năm 2007. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2008.
  203. ^ “Legge 15 Dicembre 1999, n. 482 "Norme in materia di tutela delle minoranze linguistiche storiche" pubblicata nella Gazzetta Ufficiale n. 297 del 20 dicembre 1999”. Italian Parliament. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2014.
  204. ^ Italian language Ethnologue.com
  205. ^ “Eurobarometer – Europeans and their languages” (485 KB). tháng 2 năm 2006.
  206. ^ Nationalencyklopedin "Världens 100 största språk 2007" The World's 100 Largest Languages in 2007
  207. ^ Italian language Lưu trữ 2014-05-02 tại Wayback Machine University of Leicester
  208. ^ “Italian language”. Encyclopædia Britannica. ngày 3 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2009.
  209. ^ Norme in materia di tutela delle minoranze linguistiche storiche, Italian parliament
  210. ^ [L.cost. 26 febbraio 1948, n. 4, Statuto speciale per la Valle d'Aosta; L.cost. 26 febbraio 1948, n. 5, Statuto speciale per il Trentino-Alto Adige; L. cost. 31 gennaio 1963, n. 1, Statuto speciale della Regione Friuli Venezia Giulia]
  211. ^ “Linguistic diversity among foreign citizens in Italy”. Italian National Institute of Statistics. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2014.
  212. ^ “The Global Religious Landscape” (PDF). Pewforum.org. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 24 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 10 năm 2015.
  213. ^ “Catholicism No Longer Italy`s State Religion”. Sun Sentinel. ngày 4 tháng 6 năm 1985. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2013.
  214. ^ a b “The Global Catholic Population”. pewresearch.org. Pew Research Center. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2014.
  215. ^ Text taken directly from “Archived copy”. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2016.Quản lý CS1: bản lưu trữ là tiêu đề (liên kết) (viewed on ngày 14 tháng 12 năm 2011), on the website of the British Foreign & Commonwealth Office.
  216. ^ The Holy See's sovereignty has been recognized explicitly in many international agreements and is particularly emphasized in article 2 of the Lateran Treaty of ngày 11 tháng 2 năm 1929, in which "Italy recognizes the sovereignty of the Holy See in international matters as an inherent attribute in conformity with its traditions and the requirements of its mission to the world" (Lateran Treaty, English translation Lưu trữ 2018-05-23 tại Wayback Machine).
  217. ^ Leustean, Lucian N. (2014). Eastern Christianity and Politics in the Twenty-First Century. Routledge. tr. 723. ISBN 978-0-415-68490-3.
  218. ^ “Le religioni in Italia: I Testimoni di Geova (Religions in Italy: The Jehovah's Witnesses)” (bằng tiếng Ý). Center for Studies on New Religions. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2011.
  219. ^ “Chiesa Evangelica Valdese – Unione delle chiese Metodiste e Valdesi (Waldensian Evangelical Church – Union of Waldensian and Methodist churches)” (bằng tiếng Ý). Chiesa Evangelica Valdese – Unione delle chiese Metodiste e Valdesi (Waldensian Evangelical Church – Union of Waldensian and Methodist churches. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 2 năm 2006. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2011.
  220. ^ “World Council of Churches – Evangelical Methodist Church in Italy”. World Council of Churches. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2010.
  221. ^ Dawidowicz, Lucy S. (1986). The war against the Jews, 1933–1945. New York: Bantam Books. ISBN 0-553-34302-5.p. 403
  222. ^ “THE JEWISH COMMUNITY OF ITALY Unione delle Comunita Ebraiche Italiane”. The European Jewish Congress. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2014.
  223. ^ “NRI Sikhs in Italy”. Nriinternet.com. ngày 15 tháng 11 năm 2004. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2010.
  224. ^ “Unione Buddhista Italiana – UBI: L'Ente”. Buddhismo.it. ngày 18 tháng 8 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 4 năm 2007. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2010.
  225. ^ “Most Baha'i Nations (2005)”. QuickLists > Compare Nations > Religions >. The Association of Religion Data Archives. 2005. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2010.
  226. ^ “Italy: Islam denied income tax revenue – Adnkronos Religion”. Adnkronos.com. ngày 7 tháng 4 năm 2003. Truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2013.
  227. ^ Camera dei deputati Dossier BI0350. Documenti.camera.it (ngày 10 tháng 3 năm 1998). Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2013.
  228. ^ “Law ngày 27 tháng 12 năm 2007, n.296”. Italian Parliament. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2012.
  229. ^ “| Human Development Reports” (PDF). Hdr.undp.org. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 29 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2014.
  230. ^ “PISA 2012 Results” (PDF). OECD. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  231. ^ “The literacy divide: territorial differences in the Italian education system” (PDF). Parthenope University of Naples. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  232. ^ “Number of top-ranked universities by country in Europe”. Shanghai Ranking Consultancy. 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2015.
  233. ^ a b “Italy – Health”. Dev.prenhall.com. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 7 năm 2009. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2010.
  234. ^ a b “OECD Health Statistics 2014 How Does Italy Compare?” (PDF). OECD. 2014.
  235. ^ “The World Health Organization's ranking of the world's health systems”. ΦΩΤΗΣ ΚΟΥΤΣΟΥΚΗΣ (Photius Coutsoukis). Truy cập ngày 27 tháng 10 năm 2009.
  236. ^ “World Health Statistics 2016: Monitoring health for the SDGs Annex B: tables of health statistics by country, WHO region and globally”. World Health Organization. 2016. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2016.
  237. ^ “Global Prevalence of Adult Obesity” (PDF). International Obesity Taskforce. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 11 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2008.
  238. ^ “Smoking Ban Begins in Italy | Europe | DW.COM | 10.01.2005”. Deutsche Welle. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2010.
  239. ^ “UNESCO Culture Sector, Eighth Session of the Intergovernmental Committee (8.COM) – from 2 to ngày 7 tháng 12 năm 2013”. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2014.
  240. ^ “UNESCO – Culture – Intangible Heritage – Lists & Register – Inscribed Elements – Mediterranean Diet”. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2014.
  241. ^ Killinger, Charles (2005). Culture and customs of Italy . Westport, Conn.: Greenwood Press. tr. 3. ISBN 0-313-32489-1.
  242. ^ Cole, Alison (1995). Virtue and magnificence: art of the Italian Renaissance courts. New York: H.N. Abrams. ISBN 0-8109-2733-0.
  243. ^ Eyewitness Travel (2005), pg. 19
  244. ^ Architecture in Italy, ItalyTravel.com
  245. ^ “History – Historic Figures: Inigo Jones (1573–1652)”. BBC. ngày 1 tháng 1 năm 1970. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2013.
  246. ^ “Roman Painting”. art-and-archaeology.com.
  247. ^ “Roman Wall Painting”. accd.edu. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 3 năm 2007.
  248. ^ Poetry and Drama: Literary Terms and Concepts.. The Rosen Publishing Group. 2011. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2011.
  249. ^ Brand, Peter; Pertile, Lino biên tập (1999). “2 - Poetry. Francis of Assisi (pp. 5ff.)”. The Cambridge History of Italian Literature. Cambridge University Press. ISBN 978-0-52166622-0. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2015. Đã bỏ qua tham số không rõ |editor2link= (gợi ý |editor-link2=) (trợ giúp)
  250. ^ Ernest Hatch Wilkins, The invention of the sonnet, and other studies in Italian literature (Rome: Edizioni di Storia e letteratura, 1959), 11–39
  251. ^ “Giovanni Boccaccio: The Decameron.”. Encyclopædia Britannica. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2013.
  252. ^ Steven Swann Jones, The Fairy Tale: The Magic Mirror of Imagination, Twayne Publishers, New York, 1995, ISBN 0-8057-0950-9, p38
  253. ^ Bottigheimer 2012a, 7; Waters 1894, xii; Zipes 2015, 599.
  254. ^ Opie, Iona; Opie, Peter (1974), The Classic Fairy Tales, Oxford and New York: Oxford University Press, ISBN 0-19-211559-6 See page 20. The claim for earliest fairy-tale is still debated, see for example Jan M. Ziolkowski, Fairy tales from before fairy tales: the medieval Latin past of wonderful lies, University of Michigan Press, 2007. Ziolkowski examines Egbert of Liège's Latin beast poem Fecunda natis (The Richly Laden Ship, c. 1022/24), the earliest known version of "Little Red Riding Hood". Further info: Little Red Pentecostal Lưu trữ 2007-10-23 tại Wayback Machine, Peter J. Leithart, ngày 9 tháng 7 năm 2007.
  255. ^ a b Giovanni Gasparini. La corsa di Pinocchio. Milano, Vita e Pensiero, 1997. p. 117. ISBN 88-343-4889-3
  256. ^ “Pinocchio: Carlo Collodi - Children's Literature Review”. Encyclopedia.com. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2015.
  257. ^ Archibald Colquhoun. Manzoni and his Times. J. M. Dent & Sons, London, 1954.
  258. ^ “Encyclopedia of Italian Literary Studies - Google Books”. Books.google.co.uk. ngày 26 tháng 12 năm 2006. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2015.
  259. ^ The 20th-Century art book . dsdLondon: Phaidon Press. 2001. ISBN 0714835420.
  260. ^ “All Nobel Prizes in Literature”. Nobelprize.org. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2011.
  261. ^ “Quick Opera Facts 2007”. OPERA America. 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 10 năm 2006. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2007.
  262. ^ Alain P. Dornic (1995). “An Operatic Survey”. Opera Glass. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2007.
  263. ^ a b Kimbell, David R. B (ngày 29 tháng 4 năm 1994). Italian Opera. Google Books. ISBN 978-0-521-46643-1. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2009.
  264. ^ Anderson, Ariston. “Venice: David Gordon Green's 'Manglehorn,' Abel Ferrara's 'Pasolini' in Competition Lineup”. The Hollywood Reporter.
  265. ^ “Addio, Lido: Last Postcards from the Venice Film Festival”. TIME.
  266. ^ “The Cinema Under Mussolini”. Ccat.sas.upenn.edu. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2010.
  267. ^ “The 25 Most Influential Directors of All Time”. MovieMaker Magazine. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2017.
  268. ^ “10 Most Influential Directors Of All Time”. WhatCulture.com.
  269. ^ “Historical origins of italian neorealism – Neorealism – actor, actress, film, children, voice, show, born, director, son, cinema, scene”. Filmreference.com. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2011.
  270. ^ “Italian Neorealism – Explore – The Criterion Collection”. Criterion.com. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2011.
  271. ^ Bondanella, Peter E. (2001). Italian Cinema: From Neorealism to the Present (bằng tiếng Anh). Continuum. tr. 13. ISBN 9780826412478.
  272. ^ Hamil, Sean; Chadwick, Simon (2010). Managing football: an international perspective (ấn bản thứ 1). Amsterdam: Elsevier/Butterworth-Heinemann. tr. 285. ISBN 1-85617-544-8.
  273. ^ “Previous FIFA World Cups”. FIFA.com. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2011.
  274. ^ Foot, John. Pedalare! Pedalare!: a history of Italian cycling. London: Bloomsbury. tr. 312. ISBN 978-1-4088-2219-7.
  275. ^ Hall, James (ngày 23 tháng 11 năm 2012). “Italy is best value skiing country, report finds”. The Daily Telegraph. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2013.
  276. ^ “Il tennis è il quarto sport in Italia per numero di praticanti”. Federazione Italiana Tennis. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2013.
  277. ^ “New York Takes Top Global Fashion Capital Title from London, edging past Paris”. Languagemonitor.com. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2014.
  278. ^ Press, Debbie (2000). “Your Modeling Career: You Don't Have to Be a Superstar to Succeed”. ISBN 978-1-58115-045-2. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  279. ^ Miller (2005) p. 486
  280. ^ a b c Insight Guides (2004) p.220
  281. ^ “Design City Milan”. Wiley. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2010.
  282. ^ “Frieze Magazine – Archive – Milan and Turin”. Frieze. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2010.
  283. ^ “Italian Cooking: History of Food and Cooking in Rome and Lazio Region, Papal Influence, Jewish Influence, The Essence of Roman Italian Cooking”. Inmamaskitchen.com. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2010.
  284. ^ “The Making of Italian Food...From the Beginning”. Epicurean.com. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2010.
  285. ^ Del Conte, 11–21.
  286. ^ Related Articles (ngày 2 tháng 1 năm 2009). “Italian cuisine – Britannica Online Encyclopedia”. Britannica.com. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2010.
  287. ^ “Italian Food – Italy's Regional Dishes & Cuisine”. Indigoguide.com. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2010.
  288. ^ “Regional Italian Cuisine”. Rusticocooking.com. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2010.
  289. ^ “Which country has the best food?”. CNN. ngày 6 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2013.
  290. ^ Freeman, Nancy (ngày 2 tháng 3 năm 2007). “American Food, Cuisine”. Sallybernstein.com. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2010.
  291. ^ The Silver Spoon ISBN 88-7212-223-6, 1997 ed.
  292. ^ Mario Batali Simple Italian Food: Recipes from My Two Villages (1998), ISBN 0-609-60300-0
  293. ^ “Most Americans Have Dined Outin the Past Month and, Among Type of Cuisine, American Food is Tops Followed by Italian” (PDF). Harris interactive. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 20 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2013.
  294. ^ Kazmin, Amy (ngày 26 tháng 3 năm 2013). “A taste for Italian in New Delhi”. Financial Times. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2013.
  295. ^ Keane, John. “Italy leads the way with protected products under EU schemes”. Bord Bia. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2013.
  296. ^ Marshall, Lee (ngày 30 tháng 9 năm 2009). “Italian coffee culture: a guide”. The Daily Telegraph. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2013.
  297. ^ Jewkes, Stephen (ngày 13 tháng 10 năm 2012). “World's first museum about gelato culture opens in Italy”. Times Colonist. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2013.
  298. ^ Squires, Nick (ngày 23 tháng 8 năm 2013). “Tiramisu claimed by Treviso”. The Daily Telegraph. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2013.

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]